Pháp luật và trật tự

Một phần của tài liệu Vai trò của nhà nước đối với sự phát triển kinh tế Nhật Bản từ năm 1951 đến năm 1973 (Trang 55)

6. Bố cục khoá luận

2.1.5.2. Pháp luật và trật tự

Điểm cuối cùng cần đề cập đến vai trò tích cực của Nhà nước Nhật Bản trong việc tạo dựng môi trường kinh tế thuận lợi cho tăng trưởng là hệ thống pháp luật và khả năng duy trì trật tự xã hội bằng pháp luật. Một thực tế được mọi người thừa nhận là hệ thống pháp luật ở Nhật rất chặt chẽ và người dân Nhật Bản tôn trọng pháp luật hơn người dân ở nhiều nước khác. Nhà nước đã hình thành được một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh phù hợp với từng thời kỳ. Pháp luật được thực hiện nghiêm minh. Ở Nhật, không ít những vụ các Thứ trưởng và Bộ trưởng cũng như các quan chức cấp cao của Chính phủ phải ra tòa hoặc vào tù vì phạm tội. Nhờ luật pháp nghiêm minh mà ở Nhật không những có tỷ lệ phạm tội thấp nhất thế giới, mà tỷ lệ vụ án được phát hiện cũng thuộc loại cao nhất thế giới. Để có được trật tự xã hội ổn định thì ngoài hệ

thống pháp luật, những quan chức Chính phủ phải là những người làm gương và nghiêm túc thực hiện. Thực tế ở nhiều nước đang phát triển cho thấy vấn đề luật pháp và trật tự nảy sinh trước hết không phải vì thiếu luật mà vì các quan chức Chính phủ sử dụng quyền lực của mình một cách tùy tiện để làm giàu cho bản thân. Ở Nhật Bản cũng có nhiều vụ tham nhũng liên quan đến các quan chức song về cơ bản họ là những người trong sạch.

Trật tự xã hội còn được duy trì từ những thể chế và giá trị truyền thống nhất định. Chẳng hạn hệ thống gia đình truyền thống là một thể chế được Chính phủ giữ lại và khuyến khích. Có người cho rằng hệ thống gia đình với tất cả sự cứng nhắc và không linh hoạt của nó sẽ gây ra trở ngại cho hiện đại hóa xí nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là việc tuyển mộ và di chuyển lao động. Song nếu xét kỹ hơn ta thấy rõ hệ thống gia đình Nhật Bản đã đóng góp vào kiểu hợp tác mới giữa con người và con người; mặt khác nó góp phần phát triển quan hệ gia trưởng giữa chủ và thợ vốn là một đặc điểm của các quan hệ công nghiệp Nhật Bản sau chiến tranh.

Vai trò duy trì pháp luật và trật tự của Nhà nước nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi có sự đóng góp của nhiều nhân tố. Thứ nhất, là do lịch sử cai trị xã hội bằng pháp luật một cách nghiêm ngặt từ thời chính quyền Tokugawa đã tạo cho nhân dân thói quen tuân thủ các nhà chức trách. Thứ hai, là bộ máy quan chức Chính phủ được nhân dân kính trọng thậm chí nể sợ. Ở Nhật Bản, nhân dân được quyền tự do của mình từ Chính phủ, còn Chính phủ cho tới gần đây vẫn giữ độc quyền về quyền lực và ban quyền tự do cho người khác. Đó là điều khác hẳn với các nước phương Tây, ở đó các chính phủ tiếp nhận quyền lực của họ từ nhân dân. Thứ ba, sức mạnh trên của Nhà nước có lẽ bắt nguồn từ truyền thống phong kiến của Nhật Bản, song điều chắc chắn là do Chính phủ đã thu hút được những người có năng lực,

làm cho bộ máy quan chức này trở thành một tổ chức tinh hoa, được nhân dân thừa nhận.

Một phần của tài liệu Vai trò của nhà nước đối với sự phát triển kinh tế Nhật Bản từ năm 1951 đến năm 1973 (Trang 55)