6. Bố cục khoá luận
2.1.1.2. Vai trò lập kế hoạch
Để bổ sung vào những điểm chưa hoàn thiện của nền kinh tế thị trường, Chính phủ Nhật Bản đã sử dụng hệ thống kế hoạch và các chính sách. Theo Norman Marcrac thì “Chính phủ chịu trách nhiệm cao nhất trong việc xây dựng kế hoạch công nghiệp, quyết định về những phương hướng mới cho những cố gắng phát triển công nghiệp đang nảy mầm ở Nhật Bản, đồng thời thúc đẩy và bảo vệ nền công nghiệp khi nó bắt đầu chuyển bước theo những hướng đó” [9, tr.123].
Chính phủ Nhật Bản cùng giới kinh doanh và lao động đề ra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác nhau tương ứng với mỗi giai đoạn phát triển của nền kinh tế - xã hội. Kể từ năm 1955 đến năm 1973 đã có tất cả 7 kế hoạch với các mục tiêu khác nhau đã được thông qua, đa số là những kế hoạch 5 năm nhưng thời gian thực hiện kế hoạch trung bình là 2,5 năm vì các dự kiến kế hoạch đều thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng thực tế. Các kế hoạch kinh tế của Nhật đều có 3 nội dung cơ bản sau: thứ nhất, làm rõ phương hướng phát triển kinh tế xã hội; thứ hai, chỉ rõ phương hướng chính sách của Chính phủ nhằm thực hiện các mục tiêu trên; thứ ba là những chỉ dẫn hoạt động cho các cơ sở kinh doanh, các ngành công nghiệp. Mỗi kế hoạch đều chỉ ra mục tiêu cho tương lai trước mắt mặc dù các mục tiêu này thay đổi tùy theo hoàn cảnh, đặc biệt là các giai đoạn của công nghiệp hóa vào điểm đề ra các kế hoạch. Ví dụ, kế hoạch năm 1949 – 1952 được coi là
“kế hoạch tái thiết kinh tế” và kế hoạch năm 1960 được gọi là “kế hoạch tăng gấp đôi thu nhập quốc dân”.
Các công ty căn bản đều hoạt động theo sáng kiến riêng còn các kế hoạch của Chính phủ chỉ mang tính định hướng chiến lược. Trong thực tế, các kế hoạch giúp cho các cá nhân, xí nghiệp và mỗi tổ chức kinh doanh có thể đánh giá được vị trí của mình trong khuôn khổ toàn bộ nền kinh tế quốc dân và sự vận động tầm xa. Nhưng một khi họ tiếp thu chính sách của Nhà nước và chịu sự hướng dẫn đó, nếu không đạt được kết quả mong muốn, Chính phủ tuy không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các công ty đó nhưng sẽ đứng ra giúp họ có một tay dưới hình thức cho vay vốn với lãi suất thấp để cứu họ khỏi khó khăn. Do kế hoạch không mang tính pháp lệnh nên Chính phủ phải dùng nhiều chính sách tác động tới hướng hoạt động của các công ty và điều tiết tình hình kinh tế, trong đó quan trọng nhất là chính sách tài chính, chính sách tiền tệ.
Kế hoạch thành công nhất và có nhiều ảnh hưởng nhất là kế hoạch tăng gấp đôi thu nhập quốc dân trong 10 năm 1961 – 1970 do Thủ tướng Hayto Ikedo vạch ra năm 1960. Nhận thấy tầm quan trọng của sự tăng trưởng, nội các của Thủ tướng Ikedo đã thông qua kế hoạch tăng gấp đôi thu nhập quốc dân, với mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7,2% năm trong 10 năm liền; tăng mức sống rõ rệt của nhân dân và đạt mức đầy đủ công ăn việc làm bằng tối đa hoá tăng trưởng. Thành công nhất của kế hoạch không phải nó đạt mục tiêu đề ra mà quan trọng hơn cả là tác động tâm lý tích cực và sâu rộng của nó không chỉ đối với các công ty mà còn đối với nhân dân nói chung. Kế hoạch này đã làm thổi bùng thêm những tham vọng vốn đã rất cao của giới kinh doanh. Đầu tư tư bản tăng vọt. Sách trắng về kinh tế năm 1961 đã sử dụng thuật ngữ “đầu tư kêu gọi đầu tư” để mô tả tình hình này, cùng với đó là
việc tăng lương rộng rãi với mức cao 13,8% trong cuộc tấn công mùa xuân năm 1961 của giới lao động.
Ngoài kế hoạch chung cho toàn bộ nền kinh tế, còn có những kế hoạch phát triển ngành được tiến hành theo những nguyên tắc của kế hoạch chung. Ví dụ như trong ngành công nghiệp sợi, một kế hoạch 5 năm đã được quyết định tại cuộc họp các Thứ trưởng năm 1953 và ngay sau đó đã thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích chế biến nylon, vilylông, clorua viniliden nhằm đạt chỉ tiêu 100 triệu cân Anh (1 cân Anh khoảng 450gam) sợi tổng hợp vào năm tài chính 1957. Kế hoạch này quy định cả thể thức cấp vốn, mức thuế ưu đãi, ưu tiên cung cấp điện, trợ cấp nghiên cứu… Công nghiệp chế tạo sợi nilông đã được Nhà nước hỗ trợ nhập về, nhờ đó công nghệ dệt của Nhật Bản đã có sự biến đổi quan trọng.
Về vai trò của kế hoạch kinh tế, tuỳ cách nhìn của từng người mà có vai trò khác nhau. Có ý kiến cho rằng: Nhật Bản phát triển được là nhờ hoạt động kinh tế tự do của khu vực tư nhân, họ cho rằng kế hoạch kinh tế chẳng qua là một thứ đồ trang sức, phủ định vai trò của kế hoạch kinh tế. Nhưng thực tế thì kế hoạch kinh tế đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng của Nhật Bản với những lý do sau:
Một là, kế hoạch đề ra mục tiêu cho chính sách. Người Nhật Bản có đặc tính là khi có mục tiêu rõ ràng, người ta dễ hoạt động tiến nhanh đến mục tiêu. Ví dụ các mục tiêu như tăng gấp đôi thu nhập quốc dân, ngăn chặn ô nhiễm, tự do hóa mậu dịch… đã làm rõ những vấn đề quan trọng nhất của nền kinh tế Nhật Bản trong từng thời kì.
Hai là, kế hoạch sẽ làm rõ những vấn đề tồn tại trong bản thân nền kinh tế. Xây dựng kế hoạch không chỉ thực hiện đúng ngay mục tiêu. Nhưng trong quá trình xây dựng kế hoạch, chúng ta mới phát hiện được những vấn đề khó khăn cần khắc phục. Ví dụ trong khi phát triển kinh tế, Nhà nước dự đoán
được các vấn đề giá cả, cán cân thanh toán quốc tế, lực lượng lao động… sẽ phát sinh như thế nào từ đó có thể vạch ra các đối sách.
Ba là, kế hoạch kinh tế giúp nâng cao ý thức tham gia thực hiện chính sách của nhân dân. Nội dung này giữ vai trò quan trọng nhất. Hội đồng tư vấn cho Chính phủ được thành lập nhằm soạn thảo kế hoạch phát triển kinh tế. Đây là cơ quan có quy mô lớn gồm các Ban, Ban tổng hợp, các Ban chuyên ngành. Các ủy viên của các Ban này bao gồm các quan chức Chính phủ, học giả, đại diện các xí nghiệp, công đoàn, người tiêu dùng, nhà báo. Thông thường, mỗi Ban này có trên 100 thành viên. Với số lượng thành viên lớn như vậy nhưng mỗi năm, các Ban này vẫn họp vài lần để thảo luận. Thông qua các cuộc họp như vậy, Chính phủ có thể phản ánh suy nghĩ, nguyện vọng của nhân dân vào vào kế hoạch và sẽ tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân.
Bốn là, kế hoạch có thể vạch ra phương châm chỉ đạo kinh doanh cho các xí nghiệp tư nhân. Cho dù xí nghiệp có một ê kíp lên kế hoạch tài ba như thế nào chăng nữa mà không đưa ra được phác thảo toàn bộ nền kinh tế thì cũng không thể lên được kế hoạch kinh tế. Ví dụ: một công ty sắt thép khi tiến hành đầu tư thiết bị cho bộ phận cán thép, trước hết phải biết mức độ gia tăng thu nhập quốc dân và triển vọng nhu cầu trong tương lai của ngành sản xuất ô tô.
Năm là, trong các ngành mà Chính phủ trực tiếp thực hiện như các công trình công cộng, kế hoạch kinh tế tổng hợp sẽ trở thành tiêu chuẩn, trên cơ sở đó các Bộ sẽ lập ra kế hoạch cụ thể cho lĩnh vực mà mình phụ trách.
Đối với hoạt động kinh tế tư nhân. Kế hoạch chỉ có tác dụng “tham khảo chứ không có khả năng cưỡng bức. Kế hoạch này mang tính chỉ dẫn” [25, tr.85]. Khu vực kinh tế tư nhân giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động kinh tế của Nhật Bản. Đây là điểm khác về cơ bản với kế hoạch kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa như ở Liên Xô, nó không có khả năng gò ép hoạt động
kinh tế tự do vào kế hoạch được. Nhật Bản coi kinh tế tự do là hoạt động trung tâm của nền kinh tế, nhưng đã biết gắn yếu tố mang tính kế hoạch vào hoạt động kinh doanh tự do. Sự kết hợp đó đã có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Về đặc điểm, các kế hoạch kinh tế ở Nhật Bản khác biệt với các kế hoạch của các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa kiểm soát từ Trung ương ở chỗ là kế hoạch kinh tế của Nhật mang tính chỉ dẫn trong khi các kế hoạch kia là những là những kế hoạch do cấp trên áp đặt xuống. Kế hoạch ở Nhật không có tính bắt buộc về bản chất.
Như vậy, Chính phủ Nhật Bản đã lập ra những kế hoạch phát triển kinh tế khá toàn diện, vừa có kế hoạch kinh tế tổng hợp vừa có kế hoạch cho từng ngành. Những kế hoạch đó không chỉ đề ra mục tiêu cho chính sách, làm rõ những vấn đề tồn tại trong nền kinh tế mà còn có tác động tới nhân dân và góp phần định hướng chiến lược cho hoạt động kinh tế tư nhân. Vì các kế hoạch kinh tế của Nhà nước không mang tính chất cưỡng bức nên nó không bóp nghẹt những sáng kiến, sáng tạo của các doanh nghiệp, mà nó đã du nhập được một cách thuận lợi các yếu tố mang tính kế hoạch vào trong nền kinh tế thị trường, đóng góp khá đắc lực cho sự phát triển của nền kinh tế.