6. Bố cục khoá luận
2.1.4. Một số biện pháp bảo vệ và phát triển các tổ chức độc quyền trong
nước
Trong giai đoạn tổng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản, sự đấu tranh giành giật quyền lợi giữa các nước ngày càng quyết liệt. Trước tình hình đó, các biện pháp kinh tế của Nhà nước nhằm bảo vệ các tổ chức độc quyền trong nước chống lại sự cạnh tranh của tư bản độc quyền nước ngoài, nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức độc quyền bành trướng sang các nước khác ngày càng ảnh hưởng lớn đến tốc độ phát triển kinh tế của mỗi nước. Để bảo vệ quyền lợi của các tập đoàn, công ty, nhất là các ngành công nghiệp then chốt, Nhà nước đã áp dụng nhiều biện pháp như tạo điều kiện cho các tổ chức độc quyền trong nước sáp nhập, mở rộng quy mô kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh, thi hành chính sách thuế quan bảo hộ, kiểm soát chặt chẽ sự xâm nhập của tư bản nước ngoài.
Mặc dù bị các đối thủ phương Tây lên án, Nhà nước Nhật vẫn xiết chặt hàng rào thuế quan đối với hàng hoá nước ngoài. Năm 1956, Nhật đã dẫn đầu thế giới về công nghiệp đóng tàu nhưng lại là nước duy nhất trong thế giới tư bản đánh thuế 15% đối với tàu biển nhập khẩu. Hoặc trong khi thuế đánh vào ô tô nhập khẩu của Mỹ là 5%, ở Thụy Điển là 10%, ở Nhật lại là 40%, do đó đến năm 1968 số ô tô nước ngoài lọt vào được thị trường Nhật Bản mới tới 15000 chiếc, tức là chiếm 0,4% thị trường ô tô ở Nhật Bản; ngược lại số ô tô xuất khẩu của Nhật lại tăng vọt lên nửa triệu chiếc/ năm. Người phát ngôn của Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) đã từng nhận xét “Nhật Bản với số dân 117 triệu người nhập khẩu hàng hoá không bằng nước Thụy Sỹ với 6,4 triệu dân” [20, tr.12]. Ngoài ra đối với các mặt hàng thành phẩm của các nước đang phát triển Nhật cũng đánh thuế cao hơn các nước tư bản phương Tây
khác. Ví dụ thuế đánh vào áo lót ở Nhật từ 20 – 40%, so với khối thị trường chung (EEC) là 17%, Mỹ là 16,5%; thuế đánh vào áo len ở Nhật là 25 – 30%, so với khối thị trường chung là 10 – 18%, Mỹ là 12,5 – 21%. Chính sách bảo hộ của Nhật đã làm nhiều nhân vật cầm quyền các nước đang phát triển than phiền và thốt lên “Nước Nhật bao giờ cũng chỉ cho chúng tôi những lời hứa hẹn…, những tuyên bố mới về sự hợp tác mạnh mẽ trong tương lai” [20, tr.112].
Không chỉ ngăn chặn sự xâm nhập của hàng hoá, Nhà nước còn kiểm soát gắt gao sự xâm nhập của tư bản nước ngoài. Trước sức ép của các nước phương Tây mà chủ yếu là Mỹ, Nhật buộc phải nới rộng phạm vi đầu tư của tư bản nước ngoài. Chương trình tự do hoá bắt đầu từ những năm 1960 nhưng phần lớn những ngành tự do hoá mà Nhật công bố đều là những ngành không quan trọng, đồng thời số cổ phần nước ngoài không được quá 50%, còn những ngành công nghiệp then chốt như công nghiệp ô tô thì phải đến năm 1972, khi ngành này đủ sức cạnh tranh Nhật Bản mới cho “tự do hóa”. Ngay cả đến năm 1980, vẫn còn hai, ba mặt hàng nông sản bị hạn chế.
Để tăng cường khả năng cạnh tranh các ngành công nghiệp có tầm quan trọng chiến lược đã tiến hành sáp nhập lại để tăng khả năng quản lý và công nghệ. Bằng sự thương lượng giữa các ngành công nghiệp và Mậu dịch quốc tế (MITI), các tổ chức tài chính đã tài trợ cho các vụ sáp nhập. Như Ngân hàng phát triển Nhật Bản đã đầu tư vốn cho công ty ô tô Nisan sáp nhập với công ty Prinke, cho công ty ô tô Hino và Daihatsu liên kết với công ty ô tô Toyota.
Song song với biện pháp ngăn chặn sự tấn công của tư bản nước ngoài, nâng cao sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp trong nước, Nhà nước Nhật còn tìm cách tạo điều kiện cho các tổ chức độc quyền bành trướng mạnh mẽ sang các nước khác. Trước hết, Nhà nước thực hiện chính sách trợ cấp tài chính cho các ngành xuất khẩu. Nói chung lãi suất cho vay của Nhà nước
luôn ở mức thấp khoảng 3 - 4%, chỉ bằng một nửa lãi suất cho vay thông thường. Năm 1969, trước áp lực của các nước đòi nâng tỷ giá đồng Yên, Nhật buộc phải nâng lãi suất cho vay xuất khẩu lên 5%. Nhà nước còn dùng cả biện pháp giảm thuế và miễn thuế thậm chí bù lỗ nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh của các tổ chức độc quyền để khuyến khích các tổ chức độc quyền xâm nhập mạnh mẽ vào kinh tế các nước đang phát triển, Nhà nước đã thi hành chính sách viện trợ, bồi hoàn cho những thiệt hại do đầu tư ở nước ngoài, lập ra các tổ chức kinh tế khu vực. Trong đó quan trọng nhất là chính sách viện trợ. Sau chiến tranh viện trợ Nhà nước thường chiếm từ 60 - 70% tổng số viện trợ, chủ yếu dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước đó, mở rộng quan hệ với các nước… chuẩn bị mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức độc quyền. Đặc biệt đối với khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản luôn đưa ra khẩu hiệu “người Châu Á giúp người Châu Á”, thành lập các tổ chức khu vực, tất cả đều nhằm xây dựng vai trò “lãnh đạo kinh tế” ở vùng này như chính thủ tướng Nhật Sato đã từng công bố.