1. Trang chủ
  2. » Giáo án - Bài giảng

BÀI GIẢNG HỌC PHẦN CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP

88 396 1

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 88
Dung lượng 1,34 MB

Nội dung

BÀI GIẢNG HỌC PHẦN CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP 1 Chương 1. NHẬP MÔN Chương này tập trung giải quyết các vấn đề có tính chất chung nhất, chủ yếu là sự cần thiết về can thiệp của Chính phủ đối với nền kinh tế, trong đó đặc biệt nhấn mạnh lý do đối với nông nghiệp; bản chất của chính sách kinh tế nói chung và vận dụng vào nông nghiệp; hệ thống văn bản chính sách ở Việt Nam. Từ đó giúp cho người học thấy dược đối tượng, nhiệm vụ, nội dung và phương pháp nghiên cứu môn học. 1.1. SỰ CẦN THIẾT VỀ CAN THIỆP CỦA CHÍNH PHỦ ĐỐI VỚI NỀN KINH TẾ 1.1.1. Các mô hình tổ chức kinh tế - Mô hình kinh tế thị trường tự do: Đây là mô hình kinh tế sản xuất hàng hoá phát triển ở trình độ cao, khi tất cả các quan hệ kinh tế trong quá trình tái sản xuất xã hội đều được tiền tệ hoá. Đặc trưng cơ bản của mô hình này là sự phân bổ, sử dụng nguồn lực và sản phẩm tạo ra được quyết định bởi từng hộ, từng doanh nghiệp, từng cá nhân. Ưu điểm của kinh tế thị trường tự do là tính năng động và sự thích nghi cao, khả năng tự điều chỉnh lớn... nên đã đẩy nhanh quá trình tích tụ, tập trung sản xuất và phân công lao động xã hội. Sự phát triển mạnh mẽ về trình độ xã hội hoá và chuyên môn hoá sản xuất đã làm cho sản xuất hàng hoá phát triển gắn liền với việc tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế trong sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, kinh tế thị trường tự do cũng bộc lộ nhiều khuyết tật, đó là sự phát triển phiến diện dẫn đến xem nhẹ, lãng quên đối với các ngành sản xuất kém hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, sự phát triển không ổn định thường dẫn đến khủng hoảng kinh tế và sự phân phối lợi ích không công bằng trong xã hội dẫn đến tình trạng phân hoá giầu nghèo nhanh chóng, sâu sắc... Từ một khía cạnh khác có thể thấy sản xuất theo quy luật cạnh tranh khó tránh khỏi tạo nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng và sự lừa gạt, làm suy thoái đạo đức con người, thuần phong, mỹ tục của dân tộc... Đó là những “thất bại” của kinh tế thị trường tự do. Như vậy ngoài các mặt tốt, kinh tế thị trường tự do chứa đựng các yếu tố suy thoái, gây ra khủng hoảng kinh tế, làm lãng phí các nguồn lực của xã hội. - Mô hình kinh tế chỉ huy (kinh tế kế hoạch hoá tập trung): Đây là mô hình kinh tế mà từ khâu sản xuất đến khâu phân phối lưu thông đều do một trung tâm điều khiển, đó là Nhà nước. Đặc trưng cơ bản của mô hình này là những quyết định về việc phân bổ, sử dụng nguồn lực và sản phẩm tạo ra được quyết định bởi Nhà nước. Nhà nước giao chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kế hoạch tiêu thụ sản phẩm và định giá vật tư cũng như giá sản phẩm đối với từng đơn vị kinh tế cơ sở và định giá bán cho các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng. Ngoài ra, Nhà nước còn sử dụng chế độ định lượng vật chất trong phân phối sản phẩm và áp dụng đồng thời cả hai hình thức thù lao lao động trong nông nghiệp là phân phối bằng hiện vật và bằng tiền. Sự bó hẹp của cơ chế quản lý trong mô hình này đã hạn chế tính năng động sáng tạo của các cơ sở sản xuất kinh doanh, gây nên sự trì trệ trong phát triển kinh tế. Nền kinh tế sẽ lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng một khi Chính phủ đưa ra những chính sách không phù hợp. 2 - Mô hình kinh tế hỗn hợp: Đây là mô hình kinh tế sản xuất hàng hoá đồng thời có sự tác động của các quy luật của kinh tế thị trường và sự can thiệp của Chính phủ. Đặc trưng cơ bản của của mô hình này là các quan hệ kinh tế đều được tiền tệ hoá, vai trò của thị trường và giá cả được tôn trọng, tính ưu việt của kinh tế thị trường và vai trò của Chính phủ được phát huy, các khuyết tật của kinh tế thị trường và các nhược điểm của kinh tế chỉ huy từng bước được khống chế. Chính phủ can thiệp vào nền kinh tế bằng các chính sách kinh tế và sử dụng công cụ trong quản lý. Như vậy, trong nền kinh tế hỗn hợp sự phân bổ và sử dụng nguồn lực vừa được quyết định bởi từng cá nhân, doanh nghiệp vừa chịu sự quản lý vĩ mô của Chính phủ. 1.1.2. Vai trò của Chính phủ trong nền kinh tế hỗn hợp Nếu để buông lỏng mà không có sự quản lý của Nhà nước, sự phát triển tự phát của nền kinh tế thị trường tự do sẽ dẫn đến những thiệt hại khôn lường. Vì vậy Chính phủ có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Vai trò của Chính phủ trong nền kinh tế hỗn hợp thể hiện ở các điểm chủ yếu sau: - Thứ nhất, Chính phủ có vai trò trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Khuôn khổ pháp lý của Chính phủ phải bảo đảm tính dân chủ, bình đẳng cho mọi tổ chức, cá nhân có thể tham gia vào các hoạt động của thị trường mà không bị ai ngăn cản. Khuôn khổ pháp lý đó được thể hiện trong các văn bản chính sách buộc cả người sản xuất và cả người tiêu dùng phải tuân theo. - Thứ hai, Chính phủ có vai trò trong việc phân bổ, điều chỉnh và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tạo lập các cân đối vĩ mô, điều tiết thị trường nhằm ổn định và tăng trưởng kinh tế đất nước. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao tiêu dùng của xã hội, về mặt vĩ mô, Chính phủ có kế hoạch phân bổ nguồn lực của các ngành kinh tế cho các khu vực, vùng sản xuất. Bằng các chính sách kinh tế, Chính phủ sẽ giúp cho các cá nhân, doanh nghiệp lựa chọn ngành nghề, quy mô, khối lượng sản xuất - kinh doanh phù hợp với khả năng của mìmh để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh. Chính phủ còn hướng các hoạt động của các tổ chức, cá nhân từng bước hội nhập nền kinh tế. Để nền kinh tế phát triển ổn định, Chính phủ hướng các hoạt động của các doanh nghiệp, cá nhân vào phát triển toàn diện các ngành, kể cả các ngành sản xuất - kinh doanh kém hiệu quả. Chính phủ còn tìm mọi cách kiểm soát tình hình lạm phát, ngăn chặn sự suy giảm của chu kỳ kinh doanh, tạo việc làm, giảm thất nghiệp... và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân mở rộng mối quan hệ, tìm kiếm thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế... - Thứ ba, Chính phủ có vai trò bảo đảm sự công bằng xã hội. Trong nền kinh tế hỗn hợp vận động theo có chế thị trường sẽ cho phép mọi tổ chức, cá nhân tự do sản xuất - kinh doanh các ngành nghề, loại sản phẩm mà pháp luật không cấm. Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi người cống hiến sức lực, trí tuệ, tài năng làm giầu cho bản thân và cho đất nước. Như vậy, thu nhập của mọi người trong xã hội sẽ không giống nhau, có một bộ phận người có thu nhập cao và cũng sẽ có một bộ phận người có thu nhập thấp. Xã hội ngày càng phát triển thì khoảng cách chênh lệch về thu nhập của bộ phận cư dân giầu nhất và nghèo nhất ngày càng tăng lên. Do vậy, Chính phủ đưa ra các chính sách để điều chỉnh sự bất 3 công bằng xã hội. Những chính sách xã hội về giúp đỡ những người già, người tàn tật, người thất nghiệp, người không nơi nương tựa, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác... đã thể hiện vai trò điều tiết vĩ mô của Chính phủ giảm sự bất công bằng trong xã hội. Thực tế Chính phủ mọi quốc gia đã sử dụng cả công cụ kinh tế và công cụ hành chính trong quản lý Nhà nước để thể hiện vai trò bảo đảm công bằng xã hội. 1.1.3. Sự cần thiết về can thiệp của Chính phủ đối với nền kinh tế Thực tế hiện nay cho thấy nền kinh tế của đại bộ phận các nước được vận hành theo mô hình kinh tế hỗn hợp, trong đó sự can thiệp của Chính phủ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chính phủ can thiệp vào kinh tế thị trường nói chung và vào nông nghiệp nói riêng vì các lý do sau: - Do sự tác động ngoại ứng Đó là những tác động mà không phải lúc nào người tiêu dùng cũng phải chi trả tất cả cho những lợi ích mà họ được hưởng từ xã hội và ngược lại cũng không phải lúc nào người sản xuất cũng gánh chịu tất cả những gì mà họ làm tổn hại đến môi trường và xã hội. Các nguồn lực có tính chất công cộng như tài nguyên rừng, nước... một khi đã cung cấp cho người sử dụng thì khó mà ngăn cản được sự sử dụng không hợp lý và lãng phí của họ. Sự thất bại từ việc cung cấp các dịch vụ công sản đã dẫn đến tình trạng cạn kiệt tài nguyên và tổn hại đến môi trường sống. Xã hội phải bỏ ra một khoản tiền gấp nhiều lần so với những chi phí mà người sử dụng tài nguyên công cộng trả lại cho xã hội. Từ đó, Chính phủ của mọi quốc gia đều thực hiện sự can thiệp của mình để phân bổ hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, cung cấp các dịch vụ công cộng hợp lý cho người tiêu dùng. - Trong nông nghiệp + Lượng nông sản của từng hộ nông dân bán ra thuường không lớn, khả năng mặc cả của nông dân thường thấp, nên dễ bị tư thương ép cấp, ép giá. Nông dân thường là người thiếu những thông tin, nên không có những quyết định chính xác trong việc mua vật tư và bán sản phẩm. Cơ sở hạ tầng ở nông thôn thường yếu kém nên chi phí vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm thường cao, tỷ lệ hao hụt sản phẩm lớn. Do vậy, Chính phủ cần can thiệp vào thị trường nông nghiệp nhằm giúp cho nông dân bán được sản phẩm, tăng thu nhập. + Sự không đồng bộ về thị trường trong nông nghiệp, nông thôn Sự không đồng bộ của thị trường nông nghiệp là tất yếu xảy ra giữa các quốc gia hay các vùng trong một quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế, dễ dẫn đến độc quyền, gây nhiều bất lợi cho cả người sản xuất và cả người tiêu dùng, làm hạn chế hiệu quả của xã hội. - Sự can thiệp của Chính phủ còn nhằm thực hiện cương lĩnh về chính trị Sự can thiệp của Chính phủ không chỉ nhằm vào mục tiêu về kinh tế mà còn thực hiện mục tiêu về chính trị của Đảng cầm quyền mà Chính phủ là người thực hiện. Thông qua sự can thiệp, Chính phủ thể hiện vai trò của mình trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước, hướng nền kinh tế phát triển theo mục tiêu đã định (kể cả mục tiêu trong ngắn hạn và mục tiêu dài hạn). Chính phủ có vai trò điều hành, phát triển toàn diện các ngành kinh tế của đất nước, phân bổ, sử dụng các nguồn lực một cách hợp lý. Với chức năng và quyền lực của mình, Chính phủ sẽ giải quyết khó khăn, tháo gỡ ách tắc trong quá trình thực 4 thi các nhiệm vụ phát triển kinh tế của đất nước bằng các chính sách kinh tế. Tuỳ theo từng thời kỳ, từng trường hợp cụ thể, Chính phủ thực hiện các kiểu can thiệp khác nhau. Nhìn chung có 3 kiểu can thiệp: a) Kiểu cứng rắn (bắt buộc mọi người phải làm theo); b) Kiểu mềm dẻo (hướng sự hoạt động của con người vào mục tiêu đã định) và c) Kiểu thả nổi (thả nổi không có sự kiểm soát và thả nổi trong vòng kiểm soát). 1.2. CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP 1.2.1. Sự cần thiết phải có chính sách nông nghiệp - Nông nghiệp là ngành sản xuất kém hiệu quả nhất trong nền kinh tế song Nhà nước vẫn phải quan tâm phát triển (thông qua các chính sách kinh tế của Chính phủ đối với nông nghiệp) bởi vì a) nông sản là sản phẩm thiết yếu đối với toàn xã hội; b) sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên nên nông nghiệp thường gặp nhiều rủi ro; c) dân số sống trong lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn chiếm tỷ trọng lớn (ở Việt Nam có 70% dân số sống bằng nghề nông, ở nông thôn). Do vậy, sự can thiệp của Chính phủ vào nông nghiệp nhằm bảo đảm lợi ích của người sản xuất nông nghiệp là cần thiết. - Đứng trên giác độ ngành hàng, nông sản là sản phẩm đầu tiên của một chuỗi hàng lấy nông sản đó làm nguyên liệu. Việc thực hiện các hoạt động tiếp theo trong chuỗi hàng sẽ tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động nông thôn. Đến lượt mình, các khâu chế biến và tiêu thụ nông sản phẩm sẽ kích thích sự phát triển của nông nghiệp. - Cuối cùng thu nhập của nông dân thường thấp, trình độ dân trí ở khu vực nông nghiệp, nông thôn thường thấp nên khả năng tiếp cận với kinh tế thị trường kém và hiện nay nghèo đói vẫn là một thách thức ở nhiều vùng nông thôn. Chính phủ muốn phát triển kinh tế đất nước thì phải từng bước nâng cao mức sống cho người dân, đặc biệt là những người sống bằng nghề nông. 1.2.2. Bản chất của chính sách nông nghiệp - Khái niệm về chính sách nông nghiệp Chúng ta có thể điểm qua một số quan niệm về chính sách như sau: Chính sách được hiểu là phương cách, đường lối hoặc phương hướng dẫn dắt hành động trong việc phân bổ và sử dụng nguồn lực. Chính sách là tập hợp các quyết sách của Chính phủ được thể hiện ở hệ thống quy định trong các văn bản pháp quy nhằm từng bước tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn, điều khiển nền kinh tế hướng tới những mục tiêu nhất định, bảo đảm sự phát triển ổn định của nền kinh tế. Chính sách nông nghiệp là tổng thể các biện pháp kinh tế hoặc phi kinh tế thể hiện sự tác động, can thiệp của Chính phủ vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo những mục tiêu xác định, trong một thời hạn nhất định. Chính sách nông nghiệp thể hiện hành động của Chính phủ nhằm thay đổi môi trường của sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển. Các quan niệm về chính sách, chính sách nông nghiệp trên đây đứng trên các góc độ nghiên cứu, phương thức tiếp cận khác nhau, nhưng nhìn chung đều thống nhất ở những nội dung cơ bản và cùng nhằm vào mục đích phát triển nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói 5 riêng từ sự can thiệp của Chính phủ. Chính sách nông nghiệp có liên quan đến rất nhiều lĩnh vực sản xuất, phân phối lưu thông và tiêu thụ sản phẩm. Các vấn đề có liên quan đến sản xuất gồm các tác động đến giá thị trường yếu tố đầu vào, thị trường tư liệu sản xuất, các tác động đến sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, các vấn đề có liên quan đến tổ chức phối hợp các nguồn lực. Các vấn đề có liên quan đến lưu chuyển sản phẩm gồm thị trường sản phẩm của nông nghiệp, giá bán sản phẩm, thuế tiêu thụ sản phẩm, chế biến, bảo quản, vận chuyển, bán sản phẩm. Các vấn đề có liên quan đến tiêu dùng sản phẩm gồm chế độ phân phối sản phẩm, giá mua sản phẩm, thuế xuất nhập khẩu sản phẩm... Như vậy có thể hiểu tác động của chính sách nông nghiệp hướng vào giá của thị trường các yếu tố đầu vào, giá cả của thị trường sản phẩm hoặc làm thay đổi về mặt tổ chức và khuyến khích áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển. Chính sách nông nghiệp được thể hiện qua các quy định, các quy tắc, thủ tục được thiết lập để làm cơ sở pháp lý cho các hành động thực tế. Theo điều 109 của Hiến pháp nước ta thì “Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước ta”. Chính phủ là nhóm người thừa hành việc quản lý đất nước và chịu trách nhiệm về hoạch định và ban hành các văn bản chính sách. - Đặc điểm của chính sách nông nghiệp + Do nông nghiệp sản xuất ra các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, hàng ngày sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp đối với mọi người dân cho nên chính sách nông nghiệp tác động không chỉ đến nông dân mà còn đến tất cả mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. + Nông nghiệp là một lĩnh vực hoạt động trên địa bàn rộng lớn, phức tạp và đa dạng, cho nên phạm vi tác động của chính sách nông nghiệp rộng. Mỗi nông hộ, mỗi đơn vị sản xuất - kinh doanh nông nghiệp hoạt động trên một địa bàn nhất định, gắn với tính chất xã hội, nhân văn và lịch sử phát triển của từng địa phương. Vì vậy, mọi chính sách nông nghiệp áp dụng chung cho quốc gia cần được cụ thể hoá cho phù hợp với từng vùng, địa phương (đặc biệt đối với những vùng chậm phát triển thì chính sách nông nghiệp phải mang nét đặc thù riêng biệt). Do vậy, chính sách nông nghiệp không chỉ thuần tuý nhằm đạt được mục tiêu về kinh tế mà còn phải đạt được cả về mục tiêu về xã hội. + Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, mức độ rủi ro cao, cho nên chính sách nông nghiệp nhiều khi không lường hết được những điều kiện bất thuận của các yếu tố khách quan mang lại. Do vậy, khi hoạch định chính sách và chỉ đạo thực hiện chính sách, người ta không chỉ tính đến tác động của yếu tố kinh tế - xã hội mà còn phải tính đến cả các yếu tố tự nhiên. + Chính sách nông nghiệp không chỉ tác động đến hộ nông dân, các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp mà còn tác động đến cả các ngành kinh tế khác, nhất là các ngành có liên quan đến nông nghiệp, nông thôn. + Do đối tượng tiếp nhận và phạm vi tác động của chính sách nông nghiệp rộng, trình độ của người dân ở các vùng không đồng đều, cho nên việc tiếp thu và thực hiện chính sách 6 nông nghiệp không đồng đều giữa các địa phương và ngay cả giữa những nhóm người trong cùng địa phương. Nghiên cứu đặc điểm của chính sách nông nghiệp có ý nghĩa to lớn trong việc hoạch định và triển khai thực hiện chính sách đối với người dân trong từng vùng, địa phương. Trong những điều kiện cụ thể, việc triển khai thực hiện chính sách cần được vận dụng sáng tạo, linh hoạt nhằm đạt được cả mục tiêu về kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường. - Mục tiêu của chính sách nông nghiệp + Chính sách nông nghiệp nhằm bảo đảm cho nông nghiệp, nông thôn phát triển toàn diện. Sự phát triển toàn diện của nông nghiệp được thể hiện đa dạng hoá các sản phẩm nông nghiệp, vừa phát huy thế mạnh của việc sản xuất sản phẩm vừa tận dụng mọi khả năng để sản xuất ra nhiều loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của xã hội. Chính sách nông nghiệp còn nhằm kết hợp phát triển các ngành kinh tế trong nông thôn như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, và thương mại dịch vụ. + Chính sách nông nghiệp nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Trong lĩnh vực kinh tế một mặt vừa bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, vừa phải phát triển toàn diện các ngành (nông nghiệp phải cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng ở trong nước và phát huy lợi thế so sánh của các ngành hướng mạnh ra xuất khẩu). Về mặt xã hội, chính sách nông nghiệp một mặt phải tạo ra môi trường sản xuất - kinh doanh thuận lợi, mặt khác phải hướng đến xoá đói, giảm nghèo trong nông thôn, từng bước thực hiện sự công bằng xã hội. Chính sách nông nghiệp còn hướng đến việc bảo vệ môi trường sinh thái. + Chính sách nông nghiệp phải bảo đảm cho nền kinh tế phát triển ổn định, giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và quốc phòng. 1.2.3. Các loại văn bản chính sách ở Việt Nam Nghị định: Nghị định là văn bản pháp quy của Chính phủ về một lĩnh vực hoặc một ngành cụ thể. Nghị định thường định ra cho một thời gian dài và phát huy tác dụng trong thời gian dài. Đây là loại văn bản mang tính pháp quy cao nhất, quan trọng nhất, chứa đựng đầy đủ nhất tinh thần của một chính sách. Nghị định được ban hành do Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ ký thay Thủ tướng. Nghị quyết, Quyết định: Nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng hoặc Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là văn bản pháp quy về những vấn đề tương đối bức xúc cần được giải quyết trong thực tiễn. Văn bản này do Thủ tướng ký, hoặc do các Phó Thủ tướng ký thay Thủ tướng. Thông tư: Thông tư là văn bản do các Bộ/Ngành chức năng ban hành nhằm hướng dẫn thực hiện Nghị định, Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ. Có hai loại Thông tư là Thông tư liên tịch và Thông tư riêng bộ. Thông tư liên tịch là Thông tư hướng dẫn việc thực hiện Nghị định... và có liên quan đến nhiều Bộ/Ngành được các Bộ/Ngành liên tịch soạn thảo và ban hành. Thông tư riêng bộ là Thông tư hướng dẫn việc thực hiện Nghị định. của một Bộ/Ngành nào đó về việc thực hiện chính sách. Thông tư do Bộ trưởng ký hoặc Thứ trưởng ký thay Bộ trưởng. 7 Quyết định của các Bộ/Ngành: do Bộ/Ngành ban hành được Bộ trưởng ký hoặc Thứ trưởng ký thay Bộ trưởng. Các Quyết định của Bộ/Ngành thường ban hành kèm theo văn bản quy định cụ thể về một vấn đề dựa trên cơ sở của Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Nghị quyết, Quyết định và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ thị: Là văn bản đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện chính sách. Tùy theo nội dung và phạm vi thi hành mà Thủ tướng Chính phủ, các Bộ/Ngành đưa ra các chỉ thị cho các ngành, các cấp tổ chức hướng dẫn thực hiện các văn bản chính sách của Chính phủ. Công văn: Công văn cũng là một loại văn bản của chính sách, do Thủ tướng Chính phủ hoặc các Bộ/Ngành ban hành. Nội dung Công văn nhằm hướng dẫn, nêu ý kiến chỉ đạo của cấp trên đối với cấp dưới trong việc triển khai thực hiện các chính sách. Trên đây là những loại văn bản chính sách ở Việt Nam. Trong quá trình triển khai thực hiện, mỗi địa phương với điều kiện khác nhau, tùy theo đặc điểm, điều kiện của mình có thể vận dụng thực hiện chính sách một cách linh hoạt, nhưng không được trái với những quy định trong các văn bản chính sách đã được Chính phủ hoặc các Bộ/Ngành ban hành. 1.3. ĐỐI TƯỢNG, NHIỆM VỤ, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU MÔN HỌC 1.3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của môn học này là sự tác động của chính sách tới nền nông nghiệp, bao gồm các vấn đề sau: Hệ thống chính sách và tác động của nó đến sự phát triển nông nghiệp Việc hoạch định và chỉ đạo thực hiện chính sách nông nghiệp hiện hành ở Việt Nam. 1.3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Góp phần hệ thống hóa những vấn đề lý luận cơ bản và thực tiễn về chính sách trong nông nghiệp. Nghiên cứu những vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện trong hoạch định, chỉ đạo thực hiện chính sách nông nghiệp ở Việt Nam. Trang bị các phương pháp đánh giá tác động của một chính sách nông nghiệp. Đánh giá tác động của hệ thống chính sách đến sự phát triển nông nghiệp Việt Nam; Thấy được những bất cập của hệ thống chính sách nông nghiệp hiện hành; Đưa ra các quan điểm giúp cho việc hoàn thiện chính sách, thúc đẩy phát triển nông nghiệp. 1.3.3. Nội dung nghiên cứu Môn học gồm 2 nội dung (về lý luận và thực tiễn) được kết cấu thành 5 chương Vấn đề lý luận gồm 3 chương (Chương 1: Nhập môn; Chương 2: Hoạch định chính sách nông nghiệp và Chương 3: Phương pháp luận về phân tích chính sách nông nghiệp). Vấn đề thực tiễn gồm 2 chương (Chương 4: Chính sách nông nghiệp điển hình trên thế giới và Chương 5: Chính sách nông nghiệp Việt Nam). 1.3.4. Phương pháp nghiên cứu Môn học sử dụng các phương pháp chủ yếu sau: Phương pháp phân tích hệ thống: phương pháp này được sử dụng để nghiên cứu chính sách nông nghiệp trong hệ thống chính sách của nền kinh tế đất nước, sự tác động của 8 chính sách nông nghiệp trong tác động của hệ thống các chính sách kinh tế trong từng thời gian nhất định. Phương pháp tổng hợp nhằm phân tích làm rõ bản chất, tác động của chính sách kinh tế đối với các đối tượng chịu tác động của chính sách. Phương pháp mô hình hoá: phương pháp này được sử dụng để mô hình hoá các mô hình sản xuất, nhằm phân tích làm rõ bản chất, tác động của chính sách nông nghiệp đối với các đơn vị kinh tế cơ sở. Phương pháp tối ưu (tối thiểu hoá hoặc tối đa hoá): phương pháp này được sử dụng để nghiên cứu hoàn thiện chính sách và tìm ra phương sách tác động hiệu quả của chính sách. Ma trận phân tích chính sách: phương pháp này được sử dụng để đánh giá tác động sự trợ giúp của Chính phủ đối với nông nghiệp. Phương pháp này còn cho phép nghiên cứu lợi thế so sánh trong sản xuất sản phẩm, để từ đó có chính sách phù hợp phát triển toàn diện nông nghiệp. Môn học còn sử dụng phương pháp thống kê mô tả, thống kê so sánh, phương pháp phân tích chỉ số, phương pháp kịch bản và thảo luận nhóm. để phân tích, so sánh tác động của chính sách trong các điều kiện khác nhau. Để thực hiện các phương pháp nghiên cứu trên, sinh viên cần phải được truyền đạt các bài giảng trên lớp từ giáo viên và nghe các báo cáo ngoại khoá từ các cán bộ thực tế chuyên ngành. Mặt khác sinh viên phải tìm đọc tài liệu tham khảo và tự học, thảo luận nhóm và làm tiểu luận môn học dưới sự hướng dẫn của giáo viên. 1. 2. 3. 4. 1. 2. 3. 4. 5. Tài liệu tham khảo Vũ Đình Bách và tập thể tác giả (1997), Dổi mới và thực hiện đồng bộ các chính sách, cơ chế quản lý kinh tế, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội. Ngô Đức Cát, Vũ Đình Thắng (2001), Phân tích chính sách nông nghiệp, nông thôn, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội. Frank Ellis (1995), Chính sách nông nghiệp trong các nước đang phát triển, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội. Nguyễn Xuân Khoát (1997), Các chính sách kinh tế vĩ mô cần thiết để phát triển kinh tế nông thôn, Tạp chí Kinh tế châu Á Thái Bình Dương, số 3 (16). Câu hỏi thảo luận Nêu rõ các lý do cần thiết về sự can thiệp của Nhà nước đối với nền kinh tế? Phân tích vai trò của Chính phủ trong nền kinh tế hỗn hợp? Tại sao Chính phủ phải đưa ra các chính sách nông nghiệp? Phân tích bản chất của chính sách nông nghiệp? Trình bày đối tượng, nhiệm vụ, nội dung và phương pháp nghiên cứu môn học? 9 Chương 2. HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP Chương này đề cập tới những vấn đề lý luận cơ bản về chính sách như bản chất của hoạch định chính sách, cơ sở hoạch định chính sách, yêu cầu và điều kiện hoạch định chính sách, phân loại chính sách, công cụ và trình tự hoạch định chính sách, trong đó có đi sâu vào lĩnh vực nông nghiệp. Đây là những vấn đề lý luận không thể thiếu, giúp cho người học có những nhận thức đầy đủ và chuẩn mực về bản chất hoạch định chính sách kinh tế nói chung và chính sách nông nghiệp nói riêng. 2.1. KHÁI NIỆM VỀ HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP Hoạch định chính sách có thể hiểu là quá trình hình thành và cho ban hành một chính sách. Quá trình đó phải trải qua một loạt hoạt động kế tiếp có liên quan mật thiết với nhau từ những ý tưởng cho ra đời một chính sách đến việc lựa chọn các nội dung cần thiết trong văn bản chính sách, xây dựng các quy định trong văn bản chính sách và tổ chức triển khai thực hiện chính sách. Tập hợp các quá trình hoạt động đó chính là hoạch định chính sách. Các hoạt động trong hoạch định chính sách được chia thành các nhóm như sau: a) Nhóm hoạt động để hình thành những ý tưởng cho ra đời một chính sách; b) Nhóm hoạt động về soạn thảo những nội dung cụ thể của chính sách (những quy định trong văn bản chính sách) và c) Nhóm hoạt động tổ chức ban hành chính sách. Những ý tưởng của một chính sách được hình thành rõ nét dần, đầy đủ và hoàn chỉnh dần. Để đạt được điều đó cần cần trả lời một loạt câu hỏi sau: Cần đưa ra chính sách gì? Tại sao lại phải đưa ra chính sách đó trong lúc này? Mức độ cấp thiết của việc ban hành chính sách đó? Đối tượng chịu tác động của chính sách đó là ai? Ý nghĩa và tác dụng của chính sách đó? Những mặt được/mất khi ban hành chính sách đó? Vị trí của chính sách đó trong hệ thống chính sách chung như thế nào? Đó là chính sách mục tiêu hay chính sách hỗ trợ?... Thực chất mọi câu hỏi trên đều tập trung vào việc giải thích về tính cần thiết của chính sách đó. Trên cơ sở tình hình thực tế phát triển nông nghiêp, cần đưa ra được các chính sách nhằm cải thiện tình hình, thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp. Từ một khía cạnh khác cần thấy được các điều kiện bảo đảm cho việc thực thi chính sách đó. Các ý tưởng cho ra đời một chính sách thường bắt nguồn từ chiến lược phát triển kinh tế nói chung, định hướng và tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp phát triển trong guồng máy vận hành chung của nền kinh tế. Khi đưa ra những ý tưởng bao giờ người ta đã cân nhắc đến sự thành công và rủi ro của một chính sách. Việc hình thành nên các ý tưởng có ý nghĩa định hướng quyết định đối với sự thành bại của một chính sách. Thông thường các ý tưởng đó được hình thành do cân nhắc, lựa chọn của Chính phủ thông qua tư vấn của đội ngũ chuyên gia hoạch định chính sách. Vì vậy trình độ uyên bác và bề dầy kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia cũng như tầm nhìn của Chính phủ là những yếu tố cơ bản bảo đảm sự thành công trong việc đưa ra các ý tưởng đúng đắn của một chính sách. Tinh thần của các ý tưởng của chính sách được phản ảnh trong nội dung cụ thể của chính sách, được Hội đồng Chính phủ xem xét thông qua với sự đảm nhận soạn thảo bởi các 10 chuyên gia hoạch định chính sách. Các nội dung đó được thể hiện thành những quy định trong các điều khoản cụ thể đối với từng văn bản chính sách. Nội dung cụ thể của một chính sách bao gồm các vấn đề sau: Những mục tiêu cần đạt được của chính sách (bao gồm cả mục tiêu dài hạn và mục tiêu ngắn hạn) và các điều khoản quy định trong văn bản. Đó là các quy định mang tính pháp lý trong khuôn khổ của chính sách, là cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tế. Bên cạnh các quy định về định tính, trong một số điều khoản cụ thể có thể có các quy định về định lượng. Các quy định này phải thực sự chuẩn mực, đại diện cho lợi ích chung và được sắp xếp theo một trật tự logic. Vì các quy định này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của các đối tượng thực hiện chính sách nên cần hết sức thận trọng khi cân nhắc, không được tuỳ tiện trong việc đưa ra các quy định và mức độ định lượng trong các quy định. Trong khi lựa chọn, tính toán cần có những dự tính cho tương lai sau khi ban hành chính sách. Điều quan trọng là phải dự báo được sự phản ứng nhạy cảm của các đối tượng thực hiện chính sách đối với các quy định đó, tức là phải đưa ra những quy định có tác dụng thiết thực để chính sách đi vào cuộc sống. Ngoài ra trong các văn bản chính sách còn có các quy dịnh về Dối tượng chịu tác động của chính sách và Diều khoản thi hành, nói rõ cách tổ chức thực hiện chính sách. Trong một số chính sách có thể có quy định về bãi bỏ một số quy định không thích hợp đã ban hành trước đó. Sau khi đã có văn bản chính sách, việc làm tiếp theo không kém phần quan trọng là tổ chức ban hành và chỉ đạo thực hiện chính sách đó như thế nào. Hoạt động này sẽ đưa chính sách vào cuộc sống. Làm cho các đối tượng hiểu được tinh thần của chính sách và thực hiện đúng chính sách là yêu cầu cuối cùng của hoạt động này. Trong chừng mực nhất định có thế thấy ngay được tác động của chính sách qua phản ứng nhạy cảm của các đối tượng thực hiện chính sách. Đương nhiên hoạt động này liên quan tới sự hiểu biết và trình độ chỉ đạo thực hiện chính sách của người chỉ đạo. Nhóm hoạt động này bao gồm một loạt các công việc cụ thể như a) Xác định vị trí của chính sách mới công bố trong hệ thống chính sách nói chung; b) Xác định hiệu lực của chính sách về mặt thời gian; c) Xác định đối tượng chịu tác động của chính sách; d) Quy định nhiệm vụ của các Bộ/Ngành chức năng trong việc hướng dẫn thực hiện chính sách; e) Tổ chức mạng lưới các cơ quan chức năng trong việc chỉ đạo thực hiện chính sách; f) Tổ chức triển khai cho các đối tượng của chính sách hiểu biết và thực hiện tốt chính sách và g) Chế tài xử lý các trường hợp vi phạm chính sách... 2.2. CĂN CỨ HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP 2.2.1. Định hướng phát triển lâu dài của nông nghiệp Chính sách là một công cụ đắc lực của Chính phủ trong việc tổ chức quản lý điều khiển sự phát triển nền kinh tế. Chính phủ không thể phó mặc sự phát triển tuỳ tiện tự điều chỉnh của nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng. Nông nghiệp cần được phát triển theo những mục tiêu dài hạn. Đó là cơ sở trước tiên và là mục tiêu theo đuổi của chính sách nông nghiệp. Mục tiêu chiến lược phát triển nông nghiệp tuỳ thuộc vào quan điểm phát triển kinh tế của từng nước. Trước đây có những nước xem nhẹ vai trò của nông nghiệp, phần lớn nông sản phẩm tiêu dùng trong nước là do nhập khẩu... gây nên những hậu quả to lớn về kinh 11 tế - xã hội - môi trường, trong khi đó những nước khác lại coi nông nghiệp là một bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế quốc dân. Theo đó là các chính sách khác nhau đối với nông nghiệp. Ngày nay ở hầu hết các nước, sự phát triển nông nghiệp nông thôn được quan tâm hơn và trở thành chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Ở những nước đang phát triển, mặc dù hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp nhưng các Chính phủ vẫn theo đuổi những mục tiêu rất khó khăn đối với nông nghiệp là an ninh lương thực, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp và đặc sản cho xuất khẩu. Ngược lại nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ bé trong cơ cấu GDP của những nước phát triển (mặc dù ở những nước này nông nghiệp được phát triển ở trình độ cao). Tập trung sức phát triển nông nghiệp, đưa nông nghiệp thoát khỏi tình trạng lạc hậu, độc canh lúa, tự cấp tự túc, tiến tới một nền nông nghiệp hàng hoá đa canh, chuyên môn hoá, hiện đại, hiệu quả cao là chủ trương phát triển lâu dài ở nước ta. 2.2.2. Thực trạng về những vấn đề cần tháo gỡ đối với sản xuất nông nghiệp Ngoài định hướng cho sự phát triển lâu dài, chính sách thường xuyên phải tháo gỡ những khó khăn cản trở sự phát triển bình thường của nền kinh tế, nhất là đối với nông nghiệp (phải thường xuyên chịu tác động của tự nhiên và thị trường do tính cung muộn của nó). Chính sách nông nghiệp vừa phải giải quyết các vấn đề về kinh tế, vừa đụng đến các ngóc ngách trì trệ của đời sống kinh tế - xã hội nông thôn. Muốn tạo nên sự hoà nhập của nông dân vào quĩ đạo của cuộc sống sôi động, cần từng bước liên tiếp có những chính sách cải tạo phong tục, tập quán sản xuất lạc hậu, tâm lý tư hữu của người tiểu nông. Tất cả những điều đó không thể giải quyết dứt điểm ở một vài chính sách trong ngắn hạn vì những quan hệ kinh tế thị trường thường mâu thuẫn với cách nghĩ, cách làm truyền thống mang nặng tính trì trệ. Từ đó các chính sách đưa ra cần dựa vào các vấn đề nảy sinh cần giải quyết để thúc đẩy sự vật phát triển. 2.2.3. Ảnh hưởng của các tác động khách quan Nông nghiệp chịu tác động lớn của các điều kiện ngoại cảnh điển hình như điều kiện tự nhiên, chiến tranh và sản lượng nước ngoài. Điều kiện tự nhiên có thể là “mưa thuận gió hoà”, cũng có thể là thiên tai. Theo đó là mùa màng bội thu hay kết quả sản xuất bấp bênh, tình trạng dư thừa hay khan hiếm về nông sản phẩm. Sự bất lực của nông dân trước thiên tai hay rủi ro của thị trường đều là những bất lợi, đòi hỏi sự có mặt của các chính sách hỗ trợ nông nghiệp. Từ đó tình trạng diễn biến phức tạp của điều kiện tự nhiên trở thành một căn cứ không thể không tính đến khi đưa ra các chính sách về nông nghiệp, đặc biệt là các chính sách tăng cường cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp và các chính sách hỗ trợ khác đối với nông dân. Chiến tranh gây ảnh hưởng lớn đến cục diện phát triển kinh tế của đất nước. Chiến tranh có thể đem lại thuận lợi cho một số nước nhưng cũng có thể gây nên những thiệt hại to lớn đối với một số nước khác. Chẳng hạn trong khi Mỹ sa lầy vào các cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam và miền Nam Triều Tiên thì Nhật Bản đã sử dụng 2 cuộc chiến tranh này như những “ngọn gió thần” cho nền kinh tế của mình. Các cuộc chiến tranh của ngoại bang đối với Việt Nam đã gây bao tổn hại về sức người, sức của và để lại những hậu quả nặng nề cho đất nước và sự phân tán về nhiệm vụ chiến lược... là những mất mát mà Việt 12 Nam đã phải gánh chịu. Một loạt chính sách thời chiến đã được ban hành trong thời gian chiến tranh vẫn còn ảnh hưởng mãi về sau này trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Ngoại thương có vai trò to lớn trong quá trình phát triển kinh tế, nhất là đối với những nền kinh tế hội nhập cao vì kinh tế của các nước hội nhập đều là một mắt xích trong hệ thống kinh tế thế giới, từ đó mỗi một biến động về kinh tế, chính trị trên thế giới đều trực tiếp ảnh hưởng đối với một nền kinh tế mở. Thông thường các nước nhược tiểu phải dùng các chính sách cưỡng lại sức ép của ngoại thương, bảo hộ sản xuất trong nước, còn các nước có nền kinh tế hùng mạnh thường dùng ngoại thương để chèn ép các nước yếu kém. “Sự kiện 11/9”, cuộc khủng hoảng tài chính của Nhật Bản, Mỹ gần đây, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay đều gây nên sự tổn hại của kinh tế thế giới và khu vực. 2.2.4. Sức mạnh kinh tế của đất nước Sức mạnh kinh tế của đất nước thể hiện ở sự vững mạnh về cơ sở hạ tầng, sự dồi dào của nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn dự trữ sản phẩm, vật tư và ngoại tệ mạnh cũng như quy mô GDP của đất nước. Chính phủ sử dụng sức mạnh kinh tế như một công cụ hữu hiệu trong việc cải biến nền kinh tế và thực hiện những nhiệm vụ chiến lược (trong đó có nông nghiệp) và hỗ trợ cho sản xuất, đặc biệt đối với nông nghiệp. Chính phủ Nhật Bản đã rất thành công trong việc sử dụng chính sách giá cả để giải quyết vấn đề lương thực nhờ có tiềm lực kinh tế to lớn, Chính phủ các nước phát triển thường áp dụng chính sách trợ giá rất có hiệu lực đối với nhiều loại nông sản..., trong khi đó hỗ trợ phần nào qua chính sách giá sàn của Chính phủ Việt Nam mới chỉ áp dụng đối với một sản phẩm có ý nghĩa quốc kế dân sinh (là thóc gạo). 2.2.5. Khả năng tiếp nhận chính sách của các đối tượng chịu tác động Mọi chính sách đưa ra đều nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nên có thể nói rằng thành công của một chính sách thể hiện ở sự hưởng ứng tích cực của các đối tượng chịu tác động. Trên thục tế có rất nhiều kiểu phản ứng với chiều hướng và mức độ khác nhau của các đối tượng chịu tác động. Điều đó trước hết tuỳ thuộc vào sự thoả mãn lợi ích vật chất của các chủ thể. Tuy nhiên không một chính sách nào có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu mong muốn của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Điều quan trọng là sự đáp ứng lợi ích của cộng đồng như thế nào và một chính sách chỉ được chấp nhận khi thoả mãn lợi ích của các cá thể trên cơ sở lợi ích kinh tế to lớn của đất nước vì nó tạo nên tình trạng ổn định trong quá trình phát triển kinh tế. Từ một giác độ khác, trình độ dân trí cũng được xem là một căn cứ quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách vì nó giúp người dân hiểu và có những quyết định hợp lý đúng đắn đối với chính sách của Chính phủ. Vì vậy cần dự báo khả năng tiếp nhận chính sách của các đối tượng chịu tác động để đưa ra các chính sách với những nội dung và mức độ quy định phù hợp. 2.2.6. Trình độ phát triển của kỹ thuật và công nghệ Yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến sức sản xuất trong nông nghiệp là kỹ thuật. Vì vậy hệ thống chính sách đương thời phải tiếp cận được trình độ kỹ thuật và công nghệ. Các chính sách cải biến nông nghiệp không thể không phát huy vai trò của kỹ thuật và công nghệ nhưng cũng không thể phiêu lưu áp đặt trong khi kỹ thuật và công nghệ còn ở trình độ non kém. 13 2.3. YÊU CẦU CỦA CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP 2.3.1. Tính khoa học Tính khoa học là yêu cầu trước tiên khi hoạch định chính sách nông nghiệp. Vấn đề đó được giải thích bởi một số lý do sau: Chính sách nông nghiệp thể hiện sự lựa chọn cân nhắc của Chính phủ nhằm hướng nền nông nghiệp phát triển theo xu hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Chính sách nông nghiệp chứa đựng các quy định nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Văn bản chính sách là cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp giữa các đối tượng chịu tác động của chính sách... Với phạm vi tác động rộng rãi, liên quan đến lợi ích của đông đảo dân cư, các chính sách nông nghiệp càng cần bảo đảm tính khoa học. Trước hết tính khoa học của chính sách thể hiện ở quan điểm tiến bộ trong văn bản chính sách. Tính khoa học yêu cầu chính sách phải đáp ứng xu hướng phát triển tiến bộ của nông nghiệp, phải hướng nền nông nghiệp vào “quĩ đạo” phát triển theo quy luật khách quan của nó, tránh áp đặt của các ý tưởng chủ quan duy ý chí không dựa trên cơ sở khoa học đúng đắn. Thực tế đã chứng tỏ rằng mọi việc làm trái quy luật đều gây nên những hậu quả khôn lường. Tính khoa học còn thể hiện ở sự chặt chẽ trong các văn bản chính sách. Các điều khoản trong văn bản phải được trình bày rõ ràng, được sắp xếp theo một trật tự logic. Sự ngắn gọn, dễ hiểu là yêu cầu cần thiết đối với một văn bản chính sách. Nếu văn bản không rõ ràng, người ta có thể vì hiểu sai mà vô tình vi phạm chính sách, và cũng không loại trừ khả năng một số người cố tình lợi dụng các “kẽ hở” trong văn bản chính sách để mưu cầu lợi ích riêng của mình, làm phương hại đến lợi ích cộng đồng. Tính khoa học có thể được coi là định hướng ý tưởng của một chính sách và chi phối toàn bộ các khâu trong quá trình hoạch định chính sách. 2.3.2. Tính thực tiễn Một chính sách đưa ra không thể tách rời với thực tiễn cuộc sống. Chính sách phải phù hợp với tình hình thực tiễn là một yêu cầu bảo đảm cho tính khả thi của nó. Thực tiễn nông nghiệp cần được cải biến qua các chính sách nông nghiệp, tức là các chính sách nông nghiệp phải bắt nguồn từ việc giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Tính thực tiễn đòi hỏi phải vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm phong phú từ những hoàn cảnh thực tế khác nhau, không thể rập khuôn máy móc trong khi giải quyết vấn đề. Tính thực tiễn giúp cho việc phát huy nội lực sẵn có cho phát triển sản xuất nông nghiệp, làm cho các quy định trong văn bản chính sách sát với tình hình thực tế. Xa rời thực tế (hay lý thuyết xuông) sẽ gây khó khăn trong chỉ đạo thực hiện và không mang lại kết quả hoạt động thiết thực. Trong điều kiện kinh tế hội nhập phải rất chú ý khi vận dụng kinh nghiệm từ bên ngoài và trong điều kiện chuyển sang nền kinh tế thị trường phải kiên quyết đoạn tuyệt với tư tưởng chủ quan duy ý chí. 2.3.3. Tính quần chúng Chính sách đưa ra vì lợi ích của quần chúng, cần được sự hưởng ứng của đông đảo quần chúng. Quần chúng sẽ hưởng ứng cao khi nguyện vọng của họ được đáp ứng và từ chối 14 tiếp nhận khi thấy chính sách đó không đem lại lợi ích gì cho họ. Tập hợp được sức mạnh của quần chúng là mong muốn của Chính phủ. Với các phản ứng tích cực, sức mạnh đó có thể “dời non lấp biển”, nhưng sự hờ hững của quần chúng cũng là những điều đáng sợ, tạo nên sức ỳ, làm kéo dài tình trạng trì trệ của nền kinh tế. “Dân biết, dân đề xuất, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng” phải trở thành phương châm hành động trong việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện chính sách. Phát huy vai trò của quần chúng sẽ tăng thêm sự gắn bó giữa Nhà nước và nhân dân, quần chúng có thể vượt qua khó khăn và tiếp tục tin tưởng vào chính sách, còn nếu để dân” đứng ngoài cuộc” thì không bao giờ xoay chuyển được tình hình. 2.3.4. Tính đồng bộ Một vấn đề thực tế thường được giải quyết qua một hệ thống chính sách và việc chỉ đạo thực hiện một chính sách thường liên quan tới nhiều Bộ/Ngành. Vì vậy cần nhìn nhận một cách toàn diện để có hệ thống chính sách phù hợp. và cần có sự nhất quán trong chỉ đạo của các Bộ/Ngành có liên quan đối với ở tất cả các nội dung, các công đoạn trong từng thời điểm. của một chính sách. Sự cân nhắc kỹ lưỡng về một hệ thống chính sách ban hành cũng như việc xác định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của các Bộ/Ngành và cơ chế kết hợp giữa các Bộ/Ngành trong quá trình hoạch định, chỉ đạo thực hiện chính sách là những bảo đảm cần thiết cho tính đồng bộ của chính sách. 2.3.5. Tính thời điểm Việc ban hành chính sách đúng thời điểm là một yêu cầu tình thế. Mỗi chính sách dù tiến bộ đến đâu cũng chỉ thích hợp cho những thời kỳ nhất định và nó sẽ mất đi tác dụng vào những thời gian không thích hợp. Nếu cho ra đời quá sớm, các điều kiện thực hiện chính sách chưa có, dân chúng chưa sẵn sàng hưởng ứng thì chính sách đó “có phát mà không có động”..., còn nếu chậm cho ra đời một chính sách cần thiết sẽ làm cho tình trạng trì trệ kéo dài, làm mất đi các cơ hội trong phát triển kinh tế. Vậy thế nào là đúng thời điểm khi cho ra đời một chính sách? Yêu cầu ở đây không phải là cần ban hành thường xuyên các chính sách mỗi khi có một hiện tượng kinh tế xảy ra. Một chính sách mới chỉ xuất hiện khi các điều kiện ra đời của nó đã chín muồi và chính sách mới ra đời sẽ có tác động làm xoay chuyển tình hình. Sự đúng đắn về thời điểm ban hành chính sách chỉ được đánh giá sau khi chính sách đó được ban hành nên cần thận trọng. Mặc dù sự chuyển biến của nông nghiệp thường chậm hơn so với các lĩnh vực khác, nhiều chính sách kinh tế không phát huy tức thì nhưng ban hành chính sách đúng thời điểm sẽ đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các chính sách giá trần đối với vật tư kỹ thuật nông nghiệp và chính sách giá sàn đối với nông sản. Đối với một số chính sách cần lựa chọn thời gian ban hành phù hợp với thời vụ sản xuất nông nghiệp. 2.3.6. Tính hoàn thiện Hoàn thiện chính sách là một vấn đề tất yếu bởi những lý do sau: Một chính sách chỉ phát huy tác dụng trong những điều kiện cụ thể, khi điều kiện kinh tế xã hội biến đổi cần có các chính sách khác thay thế. Như vậy một chính sách chỉ có thể giải quyết một khâu trong một chuỗi liên tiếp các khâu cần giải quyết. 15 Có thể phải điều chỉnh những điều chưa thực sự chuẩn mực trong một số văn bản chính sách (rút gọn, bổ sung, điều chỉnh mức độ...). Cần giải quyết những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình thực hiện chính sách... Nội dung hoàn thiện của chính sách là: Điều chỉnh (thêm, bớt các điều khoản, thay đổi mức độ quy định hay sửa lại văn phong.) trong các văn bản chính sách đã ban hành. Bãi bỏ một số văn bản hoặc một số quy định đã ban hành khi thấy chúng không cần thiết. Ban hành chính sách mới. Để hoàn thiện chính sách cần có sự phân tích, rà sóat tính phù hợp của hệ thống văn bản chính sách đã ban hành, đưa những quan điểm tiến bộ mới vào trong các ý tưởng chính sách, hợp lý các quy định trong các văn bản chính sách. 2.4. ĐIỀU KIỆN ĐỂ HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP 2.4.1. Trình độ hoạch định chính sách Để hoạch định một chính sách, Chính phủ cần có sự tư vấn của đội ngũ chuyên gia có năng lực và dày dạn kinh nghiệm. Đội ngũ chuyên gia sẽ tư vấn cho Chính phủ về việc xác định toàn bộ tinh thần, nội dung và phương án triển khai chỉ đạo thực hiện chính sách trên cơ sở phân tích các thông tin có liên quan. Xét trên ý nghĩa đó, năng lực của đội ngũ chuyên gia là vấn đề vô cùng quan trọng. Các chuyên gia phân tích chính sách cần được kinh qua các lớp đào tạo cơ bản, trải qua thực tiễn nghiên cứu phân tích chính sách. Đội ngũ chuyên gia thường được lựa chọn trong các viện nghiên cứu và có thể trưng tập ngắn hạn tạm thời từ các cơ quan, trường đại học... Đội ngũ chuyên gia có nhiệm vụ tập hợp và phân tích các thông tin có liên quan để soạn thảo những văn bản chính sách để trình xét. Từ các văn bản được soạn thảo bởi các chuyên gia, Hội đồng Chính phủ hay các Bộ/Ngành (tuỳ theo loại văn bản) xem xét và ra quyết định ban hành chính sách. Như vậy một mặt Chính phủ đã khai thác được trình độ từ các chuyên gia, mặt khác chịu trách nhiệm tối cao về các quy định trong các văn bản và ban hành chính sách. Nếu trình độ chuyên gia cao có thể tư vấn cho ra đời những chính sách đúng. Nếu Chính phủ có quan điểm tiến bộ, tầm nhìn xa, tiếp thu có chọn lọc tư vấn của chuyên gia, sẽ cho ban hành những chính sách có giá trị. Như vậy trình độ của đội ngũ chuyên gia, quan điểm và tầm nhìn của Chính phủ là các yếu tố quyết định đến việc hoạch định chính sách. Có thể nói rằng trong lĩnh vực hoạch định chính sách, đất nước đã “trao vận mệnh” của mình cho Chính phủ và Chính phủ lại rất cần tư vấn của đội ngũ chuyên gia. 2.4.2. Sức mạnh vật chất của nền kinh tế Để tránh rơi vào tình trạng “lực bất tòng tâm” cần có các yếu tố vật chất cần thiết cho việc triển khai thực hiện một chính sách. Chính sách chỉ có thể trở thành hành động của quần chúng khi có những điều kiện vật chất để thực hiện nó. Nếu không có các điều kiện vật chất cần thiết, chính sách đó sẽ thất bại, thậm chí làm cho tình trạng trở nên gay gắt thêm. Chẳng hạn khi định ra chính sách giá trần đối với vật tư kỹ thuật nông nghiệp, Nhà nước cần có một khối lượng vật tư lớn để làm hạ giá thị trường. Nếu lượng vật tư đó không đủ kiểm soát thị 16 trường, lập tức sẽ bị các nhà đầu cơ lợi dụng và người mua hàng (nông dân) phải chịu giá đầu cơ cao hơn mức giá thị trường trước khi ban hành chính sách giá trần. Từ phân tích trên cho thấy không thể thiếu một trong hai điều kiện về hoạch định chính sách và mức độ hoàn tất của các điều kiện đó sẽ bảo đảm về mức độ kết quả hoạch định chính sách. 2.4.3. Trình độ dân trí Từ góc nhìn thuộc về xã hội, trình độ dân trí có thể được hiểu là sự nhận thức về chính sách và ý thức chấp hành luật pháp của người dân. Đó là yếu tố vô cùng quan trọng bảo đảm cho một chính sách được thực hiện. Chính sách đặt ra dựa trên cơ sở trình độ dân trí và đến lượt mình trình độ dân trí giúp cho việc thực thi chính sách một cách trọn vẹn. Người có trình độ dân trí cao sẽ có nhận thức xã hội đúng đắn, hiểu biết về chính sách sẽ rõ ràng. Người có ý thức chính trị tốt sẽ có nhận thức đầy đủ về lợi ích của cộng đồng và theo đó là các quyết định có tính chuẩn mực, có thể tự cùng nhau giải quyết các vấn đề tranh chấp trong nội bộ dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng trong quá trình thực hiện chính sách. Trong nông nghiệp dân trí thấp không chỉ xét ở góc độ trình độ văn hoá của cư dân nông thôn thấp mà trong nông thôn còn tồn tại nhiều phong tập tục lạc hậu và tính tiếp cận của cư dân nông thôn đối với các vấn đề kinh tế còn nhiều hạn chế, tầm nhìn của người dân hạn hẹp... nên vấn đề dân trí trong nông nghiệp rất phức tạp. 2.5. PHÂN LOẠI CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP 2.5.1. Theo tính chất Xét về mặt tính chất có thể phân chính sách nông nghiệp thành 2 nhóm là chính sách mục tiêu và chính sách hỗ trợ. Chính sách mục tiêu thường đòi hỏi bản thân nông nghiệp phải đáp ứng những yêu cầu của xã hội như an ninh lương thực, giải quyết việc làm cho cư dân nông thôn, cung ứng sản phẩm cho công nghiệp nhẹ và xuất khẩu. Chính sách mục tiêu thường đặt ra cho một thời gian dài với các bước thực hiện trong từng điều kiện cụ thể và một khi chính sách này thành công sẽ góp phần chuyển nền nông nghiệp sang bước phát triển mới cao hơn. Để đáp ứng yêu cầu các chính sách mục tiêu, cần tận dụng tốt sự giúp đỡ từ bên ngoài trên cơ sở phát huy tốt nội lực trong nông nghiệp. Chính sách hỗ trợ chính là những can thiệp có lợi cho nông nghiệp từ Chính phủ. Bằng chính sách hỗ trợ, Chính phủ đã tạo nên sự ổn định về sản xuất và đời sống trong nông nghiệp nông thôn, tức là chính sách hỗ trợ góp phần tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp, đặc biệt là về vốn, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm, góp phần giải quyết những vướng mắc trước mắt cản trở hoặc gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Thành công của chính sách hỗ trợ sẽ làm cho nông nghiệp thoát khỏi tình trạng bế tắc trước mắt, trở lại thế cân bằng, tạo đà thuận lợi cho các bước phát triển tiếp theo. Trong nông nghiệp chính sách hỗ trợ thường được áp dụng khi mùa màng thất bát, khi hàng hoá bị khê đọng... và nhất là đối với các đối tượng nghèo đói. Vì vậy chính sách hỗ trợ thường được sự hưởng ứng cao của nông dân. Tuy nhiên nếu duy trì lâu dài chính sách hỗ trợ sẽ gây tâm lý dựa dẫm trông chờ của nông dân, làm tê liệt động lực phát triển kinh tế. 17 2.5.2. Theo thời gian Theo thời gian có thể phân các chính sách nông nghiệp thành các chính sách dài hạn và ngắn hạn. Các chính sách dài hạn thường giải quyết các mục tiêu phát triển dài hạn của nông nghiệp như các mục tiêu phát triển lâu dài của nông nghiệp hay xây dựng cơ sở hạ tầng cho sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản... Chính sách dài hạn là vô cùng quan trọng, giúp định hướng cho sự phát triển của nông nghiệp hay tạo điều kiện vật chất cho các bước phát triển tiếp theo của nông nghiệp. Chính sách dài hạn trong nông nghiệp liên quan tới cả lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Không có chính sách dài hạn nền nông nghiệp khó có thể phát triển bền vững và hiệu quả. Chính sách ngắn hạn áp dụng trong một thời gian ngắn, thường thực hiện từng bước của chính sách dài hạn hay giải quyết những khó khăn vướng mắc trước mắt trong từng khâu, từng thời gian ngắn tạo nên tình trạng ổn định tạm thời cho nông nghiệp. Trong chừng mực nhất định chính sách ngắn hạn có thể góp phần điều chỉnh các mục tiêu đặt ra trong dài hạn. 2.5.3. Theo nội dung Theo nội dung có thể kể đến các nhóm chính sách với sự phân chia khá đa dạng như sau: Nhóm chính sách về đầu tư cho sản xuất nông nghiệp như tăng cường cơ sở hạ tầng trong nông nghiệp và nông thôn. Nhóm chính sách về quan hệ sử dụng các yếu tố sản xuất trong nông nghiệp (chính sách đất đai, chính sách tín dụng, chính sách khuyến nông, chính sách áp dụng tiến bộ kỹ thuật hay công nghệ, chính sách giải quyết việc làm, chính sách sử dụng tài nguyên môi trường...). Nhóm chính sách về cung ứng các yếu tố đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như chính sách cung ứng vật tư kỹ thuật nông nghiệp (phân hoá học, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc, thuốc thú y, các chất kích thích sinh trưởng và phát dục của cây trồng, vật nuôi...). Nhóm chính sách bảo hiểm giống cây trồng, vật nuôi Nhóm chính sách bảo hiểm mùa màng Nhóm chính sách marketing và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Nhóm chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như chính sách giá trần, chính sách giá sàn, chính sách xoá đói giảm nghèo Nhóm chính sách về phát triển các hình thức liên kết kinh tế trong nông nghiệp như chính sách phát triển hợp tác xã, chính sách phát triển kinh tế trang trại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế Nhóm chính sách đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp... 2.5.4. Theo đối tượng tác động Theo đối tượng tác động có thể thấy đó là các chính sách tác động vào từng tác nhân trong nền kinh tế như nông hộ, chủ trang trại, chủ doanh nghiệp, người nghèo... Các chính sách này thường quan tâm tới việc điều chỉnh lợi ích vật chất giữa các tác nhân hay mang tính hỗ trợ giải quyết những khó khăn cho các đối tượng chịu tác động của chính sách.... 18 2.5.5. Theo phạm vi tác động Theo phạm vi tác động có thể thấy từ rất nhiều khía cạnh về thời gian, không gian, nội dung, đối tượng tác động... Các khía cạnh khác đã thấy ở các cách phân loại trên, phạm vi vùng không gian được giới hạn theo vùng (đồng bằng, ven đô, ven biển, miền núi...) hay toàn quốc, phạm vi xét cho các lĩnh vực được giới hạn theo các khâu của quá trình sản xuất (sản xuất, chế biến hay tiêu thụ nông sản...). Trên thực tế mỗi chính sách có giới hạn tác động khác nhau. 2.6. CÔNG CỤ ĐỂ HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP Để hoạch định chính sách nông nghiệp cần sử dụng tổng hợp các công cụ (như đội ngũ chuyên gia, phương tiện, trang thiết bị thông tin, hệ thống văn bản định hướng...), trong đó chức năng của từng loại công cụ được phát huy một cách đầy đủ và được kết hợp tốt trong quá trình sử dụng. Đội ngũ chuyên gia là một loại công cụ đặc biệt, là bộ phận tư vấn quan trọng của Chính phủ trong quá trình hoạch định chính sách vừa có chức năng tư vấn, vừa là người phản biện (từ việc hình thành nên một chính sách đến việc xây dựng các văn bản chính sách với những quy định cụ thể và việc tổ chức triển khai chỉ đạo thực hiện chính sách). Trình độ thành thạo của đội ngũ chuyên gia (trình độ uyên bác về chuyên môn và sự dày dạn kinh nghiệm trong thực tế) là yếu tố quyết định đến việc sử dụng các công cụ khác. Chuyên gia chính sách thường được tập trung ở các viện nghiên cứu chiến lược chính sách của các Bộ. Tuỳ theo từng chính sách, Chính phủ có thể sử dụng các chuyên gia trong nước hay quốc tế. Ngoài đội ngũ chuyên gia, trong chừng mực nhất định một số cán bộ chuyên môn có thể được huy động cho các công việc cần thiết trong quá trình hoạch định chính sách. Phương tiện, trang thiết bị thông tin... làm tăng hiệu quả làm việc của đội ngũ chuyên gia. Trong "thời đại thông tin" hệ thống trang thiết bị thông tin là một loại công cụ lợi hại được các chuyên gia sử dụng có hiệu quả trong việc tập hợp, phân loại và cập nhật nhanh chóng những thông tin cần thiết và xây dựng nững “kịch bản” cho việc phân tích và hoạch định chính sách. Hệ thống văn bản định hướng (như Văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật của Quốc hội), các tài liệu về lý luận và phân tích chính sách (tài liệu thứ cấp), các tài liệu khảo sát... Hệ thống văn bản tài liệu sẽ giúp cho các chính sách mang tính thực tiễn hơn. 2.7. TRÌNH TỰ HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP 2.7.1. Thu thập và xử lý thông tin Đây là bước đầu tiên rất quan trọng. Sự đầy đủ về các thông tin đồng thời là điều kiện cần cho việc phân tích tình hình. Khi hoạch định chính sách, các nhà hoạch định cần thông tin sau: Lý do và hoàn cảnh ra đời của chính sách Quá trình hình thành và phát triển của chính sách Kinh nghiệm hoạch định chính sách trên thế giới và Việt Nam Thực trạng thực hiện chính sách Những vấn đề phát sinh cần giải quyết trong quá trình thực hiện chính sách 19 Những dự báo cần thiết có liên quan (về điều kiện tự nhiên, về diễn biến thị trường, về ngoại thương, về những tiến bộ kỹ thuật...). Thông tin được lấy từ nhiều nguồn khác nhau, được chia làm 2 loại là thông tin thứ cấp và tài liệu sơ cấp. Thông tin thu thập được cần phân thành các nhóm và được xử lý theo những nội dung hợp thành của chính sách, làm cơ sở cho việc hình thành nên nhận thức. Hình 2.1. Các bước hoạch định chính sách nông nghiệp 2.7.2. Hình thành nhận thức Nhận thức được hình thành trên cơ sở kết quả phân tích thông tin. Đây là bước quyết định thể hiện quan điểm của Chính phủ về sự can thiệp đối với nông nghiệp. Sự lựa chọn của Chính phủ là vô cùng quan trọng và được thể hiện trong tinh thần của chính sách. Yêu cầu đặt ra ở đây là phải hình thành nên những nhận thức mới tiến bộ, phù hợp với quy luật phát triển và xu thế phát triển của thời đại. 2.7.3. Đưa ra quy định Đây là bước cân nhắc trong việc lựa chọn các điều khoản thích hợp cấu thành nên chính sách, những quy định về lượng đối với các tiêu chí có liên quan. Những quy định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các đối tượng chịu tác đông của chính sách. Sự cân nhắc về các quy định cần hướng vào sự điều chỉnh lợi ích vật chất của các đối tượng đó, nhằm tạo nên sự ổn định trong sản xuất và đời sống của họ. Như vậy các quy định sẽ có tác dụng tháo gỡ khó khăn, từng bước hướng nền nông nghiệp phát triển. 2.7.4. Chỉ đạo trong thực tế Chỉ đạo là khâu không kém phần quan trọng vì nó làm cho chính sách đi vào cuộc sống. Yêu cầu đối với khâu này là: Làm cho đối tượng thực hiện chính sách hiểu đúng tinh thần của chính sách Động viên được sức người, sức của để hoàn thành tốt chính sách Tổ chức kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thực hiện chính sách 20 Kịp thời phát hiện các nhân tố điển hình thực hiện chính sách tốt để nhân rộng ra diện, thúc đấy quan trọng thực hiện chính sách theo xu hướng lành mạnh Kịp thời phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm chính sách. Trong chừng mực nhất định, cần phát hiện những vấn đề cần điều chỉnh để cho chính sách ngày một hoàn thiện hơn. 2.7.5. Phát hiện các vấn đề phát sinh cần giải quyết Sử dụng kết quả của bước trước, căn cứ vào quá trình phát triển của sự vật để phát hiện các vấn đề phát sinh. Các vấn đề phát sinh có thể là sự phát triển tiếp theo của một chính sách, cũng có thể là vấn đề mới mẻ xuất hiện trong bối cảnh mới. Đây là bước chuẩn bị cho sự ra đời của các chính sách mới nên rất cần các kiến thức uyên bác và sự dày dạn kinh nghiệm của đội ngũ chuyên gia. Điều lưu ý là cần phát hiện các vấn đề phát sinh từ chính đòi hỏi của nông nghiệp theo quy luật phát triển của nó. Tài liệu tham khảo 1.Vũ Đình Bách và tập thể tác giả (1997), Đổi mới và thực hiện đồng bộ các chính sách, cơ chế quản lý kinh tế, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 2.Lê Đăng Doanh (2002), Hình thành đồng bộ hệ thống chính sách kinh tế vĩ mô thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội. 3.Frank Ellis (1995), Chính sách nông nghiệp trong các nước đang phát triển, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội. 4.Nguyễn Xuân Khoát (1997), Các chính sách kinh tế vĩ mô cần thiết để phát triển kinh tế nông thôn, Tạp chí Kinh tế châu Á Thái Bình Dương, số 3 (16). 5.Lê Đình Thắng (1995), Đổi mới và hoàn thiện chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội. 6.Tập thể tác giả (1993), Phương pháp phân tích chính sách kinh tế trong nông nghiệp, Nhà xuất bản Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Hà Nội. 7.Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1998), Lựa chọn và thực hiện chính sách phát triển kinh tế ở Việt Nam, Hà Nội. Câu hỏi thảo luận 1. Phân tích sự cần thiết về hoạch định chính sách nông nghiệp? 2. Phân tích các căn cứ để hoạch định chính sách nông nghiệp? 3. Phân tích các yêu cầu đối với chính sách nông nghiệp? 4. Phân tích các điều kiện hoạch định chính sách nông nghiệp? 21 Chương 3. PHƯƠNG PHÁP LUẬN VỀ PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP Phân tích chính sách nông nghiệp là một hoạt động cần thiết đối với việc đánh giá quá trình ra đời và thực hiện chính sách. Mục tiêu của chương này là giúp cho người học nắm được cơ sở lý luận và thực tiễn của việc phân tích chính sách nông nghiệp. Với mục tiêu đó, các bài giảng được thiết kế nhằm cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về sự cần thiết phải phân tích chính sách nông nghiệp, nội dung của phân tích chính sách nông nghiệp, các công cụ để phân tích chính sách nông nghiệp và phương pháp chủ yếu trong phân tích chính sách nông nghiệp. 3.1. SỰ CẦN THIẾT PHẢI PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP Phân tích chính sách nông nghiệp sẽ giúp cho các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan, các nhà lãnh đạo thấy rõ hướng tác động của chính sách đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn. Từ đó rút ra được sự cần thiết phải hoàn thiện, cải tiến hay đổi mới chính sách đối với lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Vì vậy phân tích chính sách nông nghiệp là cần thiết, giúp cho các nhà hoạch định chính sách bổ sung và lựa chọn đúng đắn các chính sách, đồng thời giúp cho các đối tượng hiểu biết được sự vận hành của chính sách. Chính sách nông nghiệp không chỉ có quan hệ đến tất cả những vấn đề của sản xuất nông nghiệp mà còn có quan hệ đến quá trình phát triển nông thôn một cách toàn diện và bền vững, vì thế phân tích chính sách nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện quy luật vận động của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn từ đó tìm ra các phương pháp can thiệp hữu hiệu của Nhà nước vào lĩnh vực này. 3.2. VAI TRÒ CỦA PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP Phân tích chính sách nông nghiệp đóng vai trò quan trọng từ việc soạn thảo ban hành, cho đến việc thực hiện và đánh giá chính sách. Đối với mỗi giai đoạn, vai trò của phân tích chính sách được thể hiện khác nhau. Vai trò trong soạn thảo và ban hành chính sách nông nghiệp, nông thôn: Về thực chất, phân tích chính sách nông nghiệp là sự vận dụng các lý thuyết, các công cụ và các phương pháp của kinh tế học và xã hội học để để tìm ra các mối quan hệ và bản chất của các mối quan hệ đó, từ đó tìm ra trạng thái cần có sự tác động của chính sách. Thứ nhất, nhờ có phân tích chính sách các nhà soạn thảo chính sách mới tìm được đối tượng cần thiết nhất có sự can thiệp của chính sách. Nông nghiệp, nông thôn là một hệ thống các vấn đề phức tạp và luôn biến động. Sự tác động của chính sách là cần thiết và có hiệu quả khi nó tác động đến các đối tượng đang cần có sự can thiệp, nó cách khác khi nó giải quyết được nhu cầu cấp thiết của thực tiễn. Thứ hai, nhờ có phân tích chính sách các nhà hoạch định chính sách xác định đúng các nội dung của văn bản chính sách từ mục tiêu của chính sách đến các nội dung tác động và cuối cùng là các điều kiện thực hiện của chính sách. Nhờ có phân tích chính sách các nhà hoạch định soạn thảo được văn bản chính sách phù hợp với yêu cầu và những điều kiện tác động đến nông nghiệp, nông thôn. 22 Thứ ba, thông qua phân tích trạng thái nông nghiệp, nông thôn các nhà soạn thảo chính sách đánh giá đúng hiệu quả các phương án tác động trước khi đưa ra thực hiện để điều chỉnh và lựa chọn các phương án của văn bản chính sách, từ đó tìm ra những điểm chưa hợp lý và các biện pháp khắc phục. Vai trò trong tổ chức thực hiện chính sách: Phân tích chính sách có vai trò rất quan trọng, nó giúp cho các cơ quan triển khai chính sách thấy rõ tính hai mặt của những nội dung tác động của văn bản chính sách. Từ đó, các nhà tổ chức thực hiện chính sách tìm mọi biện pháp khai thác các tác động tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực của từng văn bản chính sách. Cần phải thấy rõ rằng, chính sách nói chung, chính sách nông nghiệp nói riêng luôn luôn tạo ra những tác động 2 chiều (tích cực và tiêu cực). Tính tích cực và tiêu cực có thể được xem xét theo từng đối tượng khác nhau, tích cực đối với đối tượng, tiêu cực với đối tượng khác. Do vậy chính sách nông nghiệp vẫn được lựa chọn khi nó góp phần cải thiện an sinh xã hội, nói một cách khác chính sách đó có tác động tích cực nhiều hơn tác động tiêu cực. 3.3. NỘI DUNG CỦA PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP 3.3.1. Phân tích cơ sở khoa học và thực tiễn của chính sách Một trong những nhiệm vụ của các nhà phân tích chính sách là phải chỉ ra sự bảo đảm được về tính khoa học và thực tiễn của chính sách. Điều đó có nghĩa là việc hoạch định chính sách đó có dựa trên cơ chế vận hành của các quy luật khách quan hay không. Sẽ dẫn tới thành công nếu chính sách ban hành phù hợp với sự vận động của các quy luật kinh tế khách quan và ngược lại. Tuy nhiên, khi vận dụng các quy luật kinh tế khách quan trong hoạch định chính sách còn phải lưu ý đến tình hình kinh tế - xã hội thực tế của đất nước trong từng thời kỳ cụ thể. 3.3.2. Phân tích tính cần thiết về sự ra đời của chính sách Phân tích chính sách sẽ cho thấy chính sách đó ra đời có thực sự cần thiết đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hay không? có giải quyết được những vấn đề bức xúc của sản xuất và cuộc sống hay không? Nếu sự ra đời của một chính sách góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc thì chính sách đó sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống và được các đối tượng thực hiện chính sách nhiệt tình hưởng ứng và ngược lại. 3.3.3. Phân tích kết quả thực hiện chính sách Kết quả thực hiện một chính sách không phải khi nào cũng mang lại là sự thành công mà đôi khi còn có cả những thất bại. Kết quả thành công của chính sách sẽ làm cho phúc lợi xã hội tăng lên và ngược lại thất bại sẽ làm cho tình trạng kinh tế - xã hội trở nên xấu hơn so với trước khi thực hiện chính sách. 3.3.4. Phân tích ảnh hưởng của chính sách Một trong những nội dung quan trọng của phân tích chính sách là tìm ra các tác động của chính sách đối với nền kinh tế. Chính sách kinh tế nói chung và chính sách nông nghiệp nói riêng sẽ gây ra những tác động chủ yếu sau: 23 Tác động về giá sản phẩm: chính sách không chỉ tác động đến giá của chính sản phẩm đang xem xét mà còn tác động đến nhiều sản phẩm có liên quan. Tác động về sản xuất: các chính sách làm cho cung sản phẩm thay đổi sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến lượng đầu vào được sử dụng. Tác động về tiêu dùng: chính sách không chỉ tác động đến lượng cầu của sản phẩm phân tích mà còn cả cầu các sản phẩm có liên quan khác. Tác động đến cân bằng thương mại: ở đây chủ yếu muốn nói đến cân bằng giữa xuất khẩu và nhập khẩu (các chính sách thuế quan, quota...). Tác động đến cân bằng ngân sách: bất kỳ một chính sách nào khi thực hiện sẽ gây ảnh hưởng đến cân bằng ngân sách Nhà nước. Tác động đến phân phối thu nhập và phúc lợi xã hội. Quy mô tác động của chính sách đối với từng lĩnh vực phụ thuộc vào đối tượng thực hiện chính sách đó. Mức độ tác động của chính sách mạnh hay yếu phụ thuộc vào sự phản ứng của các đối tượng thực hiện chính sách đó. Các tác động trên của chính sách có thể theo chiều hướng tích cực thúc đẩy nền kinh tế phát triển hoặc tiêu cực dẫn nền kinh tế đến suy thoái. Ngoài phân tích các tác động, phân tích chính sách còn nhằm chỉ ra lợi ích cũng như chi phí của từng chính sách, từ đó thấy được việc thực hiện chính sách đó sẽ làm cho phúc lợi xã hội tăng lên hay giảm đi. 3.4. CỘNG CỤ PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP 3.4.1. Độ co giãn Độ co giãn (hệ số co giãn) được hiểu chung là lượng phần trăm thay đổi của đại lượng kết quả so với một phần trăm thay đổi của đại lượng nguyên nhân ảnh hưởng. Có nhiều loại độ co giãn như độ co giãn đối với cầu, cung,… 3.4.2. Thặng dư người sản xuất và thặng dư người tiêu dùng Thặng dư người sản xuất (PS) Thặng dư người sản xuất là phần diện tích nằm trên đường cung và dưới đường giá của một công ty hay một ngành tương ứng. Quá trình phân tích chính sách giúp cho việc xác định ảnh hưởng của các chính sách đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời giúp các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà lãnh đạo đánh giá đúng mức độ ảnh hưởng cuả các công cụ đến mục tiêu chính sách, từ đó giúp cho các nhà hoạch định chính sách sửa đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh chính sách. Ví dụ: Chính phủ trợ giá đầu ra cho sản phẩm 24 Hình 3.1. Tác động của trợ giá đầu ra đối với người sản xuất Hình 3.1 cho thấy b là chi phí khi sản xuất ra Q 1 sản phẩm và mang lại thặng dư người sản xuất là a. Do đó, khi giá tăng từ P1 lên P2 làm cho thặng dư người sản xuất tăng từ a lên (a+c+e), trong đó: a là thặng dư của người sản xuất; c là phần thặng dư tăng lên do tăng giá đối với lượng sản phẩm cũ; e là lượng thặng dư gia tăng do tăng giá đối với lượng sản phẩm mới. Ví dụ: Chính phủ trợ giá đầu vào cho sản xuất nông nghiệp P S1 P1 S2 c a b P0 0 Q1 Q2 Q Hình 3.2. Tác động của trợ giá đầu vào đối với người sản xuất Hình 3.2 chỉ ra rằng khi chưa có tác động của chính sách, người sản xuất cung ứng sản phẩm ra thị trường theo đường cung S 1 nếu bán sản phẩm với giá P 0 thì thặng dư người sản xuất đạt được là a. Dưới tác động của chính sách trợ giá đầu vào, chi phí sản xuất giảm khiến cho đường cung dịch chuyển từ S1 đến S2 và (a+b+c) là thặng dư sản xuất mới - tăng lên một lượng là (b+c) so với thặng dư cũ, trong đó: b là phần thặng dư tăng lên do tiết kiệm đối với sản lượng cũ Q1; c là phần tăng lên do sản lượng tăng vì được sử dụng đầu vào trợ giá. Chú ý: Trong trường hợp này cần phải quan tâm đến: (i) Độ co giãn của năng suất/ phân bón; (ii) Độ co giãn của cầu phân bón đối với giá và (iii) Trong trường hợp 100% nông dân là người đi thuê đất mà cung về đất không co giãn thì thặng dư tập trung vào tay chủ cho thuê đất nhiều hơn là nông dân. Thặng dư người tiêu dùng (CS) 25 Hình 3.3. Thặng dư người tiêu dùng Thặng dư người tiêu dùng là phần nằm dưới đường cầu và trên đường giá. Đó là phần mà lẽ ra người tiêu dùng phải trả nhưng họ đã tránh được. Trong hình 3.3 diện tích tam giác a chính là thặng dư người tiêu dùng. Tương tự như vậy, bất kỳ thay đổi nào của chính sách đều có ảnh hưởng đến thặng dư người tiêu dùng, đặc biệt là đối với các chính sách liên quan đến giá cả sản phẩm. P P1 a b c P2 0 D Q1 Q2 Q Hình 3.4. Tác động của trợ giá đến thặng dư người tiêu dùng Hình 3.4 chỉ ra rằng, dưới tác động của chính sách trợ giá cho người tiêu dùng, giá giảm từ P1 xuống P2 , khiến cho thặng dư người tiêu dùng tăng từ a lên thành (a+b+c), trong đó: b là phần thặng dư tăng do giá giảm đối với lượng cầu cũ: b = (P1 - P2)xQ1 c là lượng thặng dư được tạo ra trên cầu tăng lên do giảm giá: c = (P1- P2)x(Q2- Q1)/2 3.4.3. Thị trường một sản phẩm Việc phân tích thặng dư người sản xuất và thặng dư người tiêu dùng chỉ là sự xem xét tách rời giữa cung và cầu. Trong thực tế, cung, cầu tác động lẫn nhau, hầu hết những thay đổi chính sách sẽ ảnh hưởng đến cả cung và cầu trên thị trường hàng hoá. Những thay đổi đó cũng có thể ảnh hưởng tới các thị trường đầu vào về phía người sản xuất và các thị trường hàng hoá có liên quan. Việc xem xét mối quan hệ cung cầu của một loại sản phẩm được gọi là phương pháp phân tích thị trường một sản phẩm. 26 3.4.4. Giá thế giới và chi phí cơ hội Giá thế giới (hay giá biện giới) là giá thị trường quốc tế tại cảng được tính bằng tiền nội tệ. Có 2 loại giá biên giới đó là: (i) giá FOB (Free On Board) là giá tại cảng của các sản phẩm xuất khẩu; và (ii) giá CIF (Cost for Insurance and Freight) là giá tại cảng của các sản phẩm nhập khẩu. Dùng giá quốc tế để thể hiện chi phí cơ hội của một nước khi sản xuất hay tiêu dùng một loại sản phẩm nào đó. Nếu như giá trong nước của một mặt hàng lớn hơn giá quốc tế thì người tiêu dùng trong nước sẽ có lợi khi Nhà nước cho phép nhập khẩu sản phẩm đó. Trong trường hợp ngược lại, giá trong nước của sản phẩm nhỏ hơn giá quốc tế sẽ làm cho người sản xuất sẽ có lợi nhuận cao hơn trên thị trường quốc tế (nếu xuất khẩu). Đó là lợi thế so sánh trong việc sản xuất ra mặt hàng này. Tuy nhiên, để đưa ra quyết định về sản xuất trong nước hay nhập khẩu; tiêu dùng trong nước hay xuất khẩu đối với một loại hàng hoá nào đó, người ta phải sử dụng 2 khái niệm đó là (i) giá ngang bằng xuất khẩu và (ii) giá ngang bằng nhập khẩu. Giá ngang bằng xuất khẩu = giá FOB - (chi phí vận chuyển + chi phí bến bãi + chi phí marketing và hao hụt + thuế xuất khẩu + chi phí khác). Người ta sẽ đưa ra quyết định bán sản phẩm trong nước hay xuất khẩu dựa trên mối quan hệ giữa giá ngang bằng xuất khẩu và giá bán cổng trại ở trong nước. Nếu giá ngang bằng xuất khẩu lớn hơn giá cổng trại thì nên xuất khấu sản phẩm, ngược lại giá ngang bằng xuất khẩu nhỏ hơn giá cổng trại thì sản phẩm đó nên bán cho người tiêu dùng trong nước. Giá ngang bằng nhập khẩu = CIF + (chi phí vận chuyển + chi phí hao hụt + chi phí bến bãi + thuế nhập khẩu + chi phí khác). Giá ngang bằng nhập khẩu được sử dụng để đưa ra quyết định xem có nên nhập khẩu sản phẩm hay không. Nếu giá ngang bằng nhập khẩu nhỏ hơn giá bán lẻ trong nước thì Nhà nước nên có chính sách khuyến khích nhập khẩu sản phẩm. Ngược lại nếu giá ngang bằng nhập khẩu lớn hơn giá bán lẻ trong nước thì nhà nước nên khuyến khích sản xuất trong nước. 3.4.5. Giá cá thể và giá xã hội Giá cá thể là giá thực tế mà người tiêu dùng (hoặc người sản xuất) phải trả (hoặc nhận được). Những phân tích chính sách chỉ nhằm xác định ảnh hưởng phúc lợi xã hội theo giá thực tế đó gọi là phân tích phúc lợi theo giá cá thể. Tuy nhiên, nhiều chính sách làm sai lệch giá trong nước với giá quốc tế của các đầu vào và đầu ra, do đó làm sai lệch mức thiệt hại và lợi ích mà xã hội phải gánh chịu cũng như được hưởng. Vì thế để phản ánh chính xác hơn ảnh hưởng của một chính sách, người ta sử dụng một loại giá thứ 2 được gọi là giá kinh tế. Giá kinh tế được tính bằng chi phí cơ hội của sản phẩm (hoặc nguồn lực). Trong phân tích chi phí - lợi ích của toàn xã hội người ta còn sử dụng một loại giá thứ 3 được gọi là giá xã hội. Giá xã hội khác giá kinh tế ở chỗ là nó phải được điều chỉnh tiếp để thấy mục tiêu phân bố thu nhập cũng như mục tiêu sản lượng. Ví dụ, nếu chính sách có mục tiêu riêng là tạo thêm chỗ làm việc cho lao động nông thôn thì mức lương tính toán trong chi phí sản xuất xã hội có thể giảm tới mức thấp hơn chi phí cơ hội của lao động. Điều đó sẽ làm 27 cho chính sách xuất hiện khả năng sinh lời về mặt xã hội nhiều hơn. 3.4.6. Phúc lợi xã hội Phúc lợi xã hội là tổng khối lượng hàng hoá và dịch vụ có thể có cho tiêu dùng trong một xã hội. Việc tăng phúc lợi xã hội luôn gắn với tiêu dùng vật chất và với cầu cuối cùng của nền kinh tế mà không gắn với nguồn lực hoặc bản thân sản xuất. Kinh tế học phúc lợi làm nền tảng cho nhiều ý tưởng về phát triển chính sách. Nó được tập trung vào vấn đề hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, người ta quan tâm tới sự đánh giá về các trạng thái khác nhau của thế giới hiện thực hoặc của tình hình kinh tế xuất phát từ quan điểm của một xã hội. Có 2 kết luận quan trọng được đưa ra trong phân tích phúc lợi. Thứ nhất là khả năng cho thấy rằng bằng cách chuyển tới một trạng thái mới của thế giới hiện tại, phúc lợi có thể cao hơn; và thứ hai là chỉ ra rằng làm thế nào để cải thiện phúc lợi đó. Tầm quan trọng của lĩnh vực kinh tế này đối với phân tích chính sách ở chỗ là nó thiết lập một khung cơ bản cho các phân tích như vậy. Đó là một tập hợp những khái niệm cơ bản nhất mà từ đó phân tích chính sách được phát triển lên. Ví dụ, xem xét một chính sách để thay đổi mức độ trợ giá cho sử dụng phân bón ở nông trại. Phân tích bản chất của lợi ích và chi phí liên quan tới sự xoá bỏ chính sách trợ giá như thế nào? Làm thế nào để có thể so sánh những cái được và những cái mất? Những cái được (hoặc mất) đó thể hiện như thế nào trong nền kinh tế? 3.5. TRÌNH TỰ PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP 3.5.1. Giai đoạn chẩn đoán Chẩn đoán là khâu khởi đầu của quá trình phân tích chính sách. Giai đoạn này bao gồm hoạt động thu thập thông tin, xử lý thông tin và tổng hợp để rút ra những thông tin cần thiết phục vụ cho yêu cầu phân tích. Quá trình này phải được tiến hành một cách thận trọng, tỷ mỷ, giúp cho việc việc chẩn đoán được chính xác. 3.5.2. Giai đoạn phân tích/dự báo chính sách Trên cơ sở những thông tin đã được xử lý trong giai đoạn chẩn đoán, các nhà phân tích chính sách tiến hành dự báo về tình hình sản xuất - tiêu dùng, về giá cả thị trường trong và ngoài nước, về cơ chế tổ chức kinh tế vi mô... 3.5.3. Giai đoạn đề xuất các điều chỉnh chính sách Kết quả phân tích chính sách cho thấy mức độ ảnh hưởng của các chính sách đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, trên cơ sở đó giúp cho các nhà hoạch định chính sách sửa đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh chính sách. Đối với những phương án chính sách đang trong giai đoạn thẩm định thì phân tích chính sách giúp cho các nhà hoạch định lựa chọn được phương án chính sách mang tính tối ưu. 28 Hình 3.5. Các giai đoạn của quá trình phân tích chính sách Chu trình phân tích này cứ diễn ra liên tục, kết thúc mỗi chu trình lại hình thành sự lựa chọn chính sách mới. 3.6. MÔ HÌNH PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP 3.6.1. Mô hình chung về phân tích chính sách nông nghiệp Mục tiêu can thiệp của Chính phủ có nhiều và đa dạng trong phạm vi và không gian nhất định. Nhìn chung các chính sách nông nghiệp của chính phủ đều nhằm vào 2 mục tiêu chính, đó là: (i) Tăng trưởng kinh tế ( hay tính hiệu quả) - cụ thể là với một nguồn lực có hạn, làm thế nào sử dụng để đạt được lợi ích vật chất tốt nhất; (ii) Cải thiện phân phối thu nhập (hay tính công bằng) - sản phẩm được phân phối cho các cá nhân, tổ chức, cho nhóm người trong xã hội theo sự đóng góp của họ đối với xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế quá trình thực hiện hai mục tiêu này thường xảy ra mâu thuẫn. Vì vậy, phúc lợi xã hội sẽ là mục tiêu bao trùm trong mô hình phân tích chính sách. Hình 3.6. Mô hình phân tích chính sách của Tinbergen -1952 Những biến bên ngoài mô hình 29 + Các ràng buộc: Các ràng buộc để xây dựng và thực hiện chính sách là những nhân tố chủ quan hay khách quan của quốc gia, hay vùng ảnh hưởng đến việc ra các quyết định và thực hiện một chính sách cụ thể. Các ràng buộc của chính sách sẽ được xem xét cho từng trường hợp cụ thể. Ví dụ, Giá bán không ổn định sẽ là ràng buộc của trang trại, khi đó công cụ nhằm tác động vào giá để ổn định giá sẽ là trọng tâm của chính sách. Hoặc thiếu nước là ràng buộc, khi đó chính sách sẽ là phải hỗ trợ cho công tác thuỷ lợi. + Các nhân tố nằm ngoài tầm kiểm soát của mô hình: đó là những nhân tố nằm ngoài ý muốn của người hoạch định chính sách, chẳng hạn như rủi ro do thiên tai... + Công cụ của chính sách: Công cụ của chính sách là các phương tiện mà Chính phủ can thiệp vào nền nông nghiệp tính đến cả mục tiêu và các ràng buộc cho phép. Nếu coi ràng buộc là khái niệm tuyệt đối ví như nhiệt độ trung bình, lượng mưa, tính chất đất đai, thì công cụ đưa ra phải xoay quanh ràng buộc (như việc trồng cây gì, nuôi con gia súc nào để phù hợp với các điều kiện tự nhiên, kinh tế đó. Một công cụ của chính sách có thể đạt được nhiều mục tiêu. Tuy nhiên, công cụ là nhằm vào mục tiêu chủ yếu. Chẳng hạn như phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm là một hướng nhằm xoá đói, giảm nghèo. Do vậy, việc làm cho tăng giá thịt lợn, gia cầm sẽ là công cụ đối với nông dân nghèo (bên cạnh đó lại đạt được mục tiêu về công bằng xã hội). Quan hệ giữa các biến trong mô hình Tuỳ theo bản chất tác động của mỗi loại chính sách mà các biến số trong mô hình có các quan hệ khác nhau. Các quan hệ này có thể là tuyến tính, phi tuyến... Những biến bên trong mô hình Những biến bên trong gồm các biến mục tiêu và các tác động ngoài sự mong muốn. Biến mục tiêu là những mục tiêu cụ thể cần đạt được của một chính sách. Chẳng hạn thu nhập, việc làm, lương thực bình quân đầu người ... Tác động kèm theo là những tác động ngoài sự mong muốn của người hoạch định chính sách, bao gồm cả tác động tích cực và tác động tiêu cực. Mục tiêu cuối cùng Mục tiêu cuối cùng là phúc lợi xã hội, đó là cái đích mà Chính phủ trông đợi. Kết quả của mục tiêu cuối cùng này được đem lại do các biến bên trong được thực hiện cộng với tác động kèm theo. Trong mô hình phân tích chính sách trên, mục tiêu cuối cùng, các biến bên trong, bên ngoài, quan hệ giữa các biến có liên quan chặt chẽ với nhau. Chỉ trên cơ sở xác định được biến mục tiêu và tác động kèm theo thì mới xác định được mục tiêu cuối cùng. Các biến mục tiêu được xác định dựa trên cơ sở của các ràng buộc. Khi đã xác định được các ràng buộc thì phải sử dụng công cụ phù hợp để phân tích chính sách. Mô hình của Tinbergen là mô hình thể hiện bản chất của phân tích chính sách. 3.6.2. Mô hình phân tích cầu Hàm cầu Hàm cầu có dạng tổng quát như sau: 30 Qd = F(xi) (i = 1, n) Trong đó: Qd là lượng cầu sản phẩm hàng hoá; Xi là các yếu tố xác định cầu Hàm cầu có thể ở dạng tuyến tính (Q = a + bx) hoặc phi tuyến (Q = a + bx + cx2 hay Q = a1.X1α1 + a2.X2α2 +....+ an.Xnαn ). Các yếu tố xác đinh cầu như giá của sản phẩm đó, giá của sản phẩm có liên quan, thu nhập... Các hệ số phân tích cầu được xem như là độ co giãn giữa các yếu tố đó với cầu. Từ nghiên cứu độ co giãn này người ta sẽ biết được phải tác động vào đâu để hạn chế (hoặc khuyến khích) cầu của một loại sản phẩm nào đó. Ưu điểm của mô hình này là đơn giản, dễ ước lượng để thấy được mức độ ảnh hưởng các yếu tố. Người ta có thể dùng phép hồi quy tương quan để phân tích. Tuy nhiên mô hình này lại có nhược điểm là chưa xem xét mối quan hệ cầu giữa các loại sản phẩm. Hàm phản ứng cầu Cầu một loại sản phẩm không chỉ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của giá sản phẩm đó mà còn chịu ảnh hưởng rất lớn của giá các sản phẩm khác có liên quan. Để mô tả mối quan hệ giữa cầu và giá của các loại sản phẩm có liên quan với nhau, người ta dùng một mô hình có tên gọi là "Hệ thống phân tích cầu gần như lý tưởng" (Almost Ideal Demand System AIDS). QA QB QC PA PA PA PB PB PB PC PC PC Kết quả tính toán của mô hình này giúp các nhà phân tích chính sách thấy được sự thay đổi của chính sách giá đối với sản phẩm này có tác động như thế nào đến giá cả cũng như lượng cầu của các sản phẩm có liên quan. 3.6.3. Mô hình phân tích cung Hàm cung Hàm cung có dạng tổng quát như sau: QS = F(xi) (i = 1, n) Trong đó: QS là lượng cung sản phẩm hàng hoá và Xi là các yếu tố xác định cung. Hàm cung có thể ở dạng tuyến tính (Q = a + bx) hoặc phi tuyến (Q = a + bx + cx2 hay Q = a1.X1α1 + a2.X2α2 +....+ an.Xnαn) Hàm lợi nhuận Hàm lợi nhuận là hàm dùng để xem xét ứng xử của người sản xuất. Lợi nhuận bị tác động bởi nhiều yếu tố như giá đầu vào, giá đầu ra, lượng sản phẩm cung ở trên thị trường... Từ sự phân tích hàm lợi nhuận mà người ta có thể chỉ ra yếu tố quan trọng nhất tác động lên lợi nhuận. Hàm lợi nhuận có dạng sau: TPr = R(Zi.....................Zn) - C(Ci Cn) Trong đó: TPr là lợi nhuận; R(Zi) là hàm doanh thu và C(Ci) là hàm chi phí. Mối quan hệ của các yếu tố trong hàm có thể là dạng tuyến tính hoặc phi tuyến. Hàm phản ứng cung Hàm phản ứng cung là hàm dùng để đánh giá, phân tích ứng xử của người sản xuất 31 trong việc sản xuất ra một loại sản phẩm nào đó để đưa ra thị trường. Chẳng hạn, cung sản phẩm phụ thuộc vào giá sản phẩm, mức đầu tư chi phí, giá đất, giá thuê lao động...Thực chất của hàm phảm ứng cung là các dạng của hàm sản xuất. 3.6.4. Mô hình cân bằng không gian Mô hình cân bằng không gian chủ yếu dùng để nghiên cứu các chính sách marketing và thương mại giữa các vùng trong một nước hay giữa các nước với nhau. Mô hình này được phân tích trên mối quan hệ cung, cầu, nguyên lý lợi thế so sánh trong nông nghiệp. Mô hình này còn phân tích sự tác động của chính sách đối với các vùng và mối quan hệ giữa các vùng, mối quan hệ quốc tế. Mô hình này có thể ở dạng tuyến tính hoặc dạng phi tuyến. Giả sử, A là dư cung ở Việt Nam ; B là dư cầu ở Trung Đông. Với giá p i lượng cầu gạo ở Việt Nam là Qi; Với giá p2 lượng cầu gạo ở Trung Đông là Q2; Trong trường hợp không có thuế và chi phí vận chuyển thì toàn bộ lượng cung gạo dư thừa ở Việt Nam sẽ được chuyển đến Trung Đông, thể hiện lượng trao đổi trên thị trường quốc tế là Qo (từ S V đến S’V; và cầu gạo của Trung Đông sẽ di chuyển từ Dt đến D’t) với giá cân bằng mới Pw. Hình 3.7. Mô hình cân bằng không gian Khi có thuế và chi phí vận chuyển (t) sẽ làm cho giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm xuống và giá gạo nhập khẩu mà Trung Đông tăng lên, do đó lượng gạo trao đổi trên thị trường quốc tế giảm xuống (từ Q0 đến Q’0). Do vậy, trong chính sách xuất khẩu gạo phải làm sao dư cung của Việt Nam phải chuyển được cho Trung Đông, tức là phải xuất khẩu được gạo. Như vậy, khi đánh thuế xuất khẩu gạo phải cân nhắc làm sao cho các công ty thương mại xuất khẩu gạo phải có lãi thì mới khuyến khích được việc xuất khẩu gạo. 3.6.5. Ma trận phân tích chính sách (PAM) Ma trận phân tích chính sách là bản chi tiết các chỉ tiêu kinh tế trong một ngành hàng tuỳ theo nguồn gốc của chúng xuất phát từ lợi nhuận cá thể hay của toàn xã hội. Sự khác nhau giữa hai cách tính là do tác động của chính sách giá. Ma trận phân tích chính sách cho phép thiết lập các phương án khác nhau để so sánh, lựa chọn các chính sách giá, công nghệ và đầu tư cho các ngành sản phẩm. Ma trận phân tích chính sách có dạng tổng quát như sau: 32 Doanh thu A B C Giá cá thể (Lợi ích cá biệt) Giá xã hội (Lợi ích xã hội) Chuyển dịch (Chênh lệch) Vật tư hàng hoá D E F Tài nguyên trong nước G H I Lợi nhuận J K L Từ ma trận này sẽ tính ra các hệ số thể hiện sự can thiệp của chính sách vào nền kinh tế nói chung và từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh nói riêng như hệ số bảo hộ danh nghĩa (NPC), hệ số bảo hộ hữu hiệu (EPC), hệ số chi phí tài nguyên trong nước (DRC)... 3.7. PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP 3.7.1. Phương pháp phân tích phúc lợi Phương pháp phân tích phúc lợi hay còn gọi là phương pháp phân tích kinh tế vi mô và vĩ mô sử dụng những công cụ chủ yếu của kinh tế học vi mô và kinh tế học vĩ mô như độ co giãn, thặng dư người sản xuất và thặng dư người tiêu dùng, và phúc lợi xã hội để xác định tác động của chính sách đối với toàn bộ nền kinh tế. Phân tích tác động của chính sách giá * Tác động của chính sách trợ giá đầu vào cho nông dân P S1 S2 P0 e a b c d 0 Q Hình 3.8. Chính phủ đã trợ Q1 giá đầu Q2 vào cho nông dân Ở nhiều nước, chính phủ đã trợ giá cho nông dân thông qua hạ giá vật tư đầu vào của sản xuất, được mô tả như hình 3.8. Như đã phân tích ở trên, trợ giá đầu vào sẽ có tác động đến cung nông sản khiến cho đường cung dịch chuyển từ S 1 (là cung nông sản trước trợ giá) sang S 2 (là cung nông sản sau trợ giá). Do giá đầu vào thấp nên nông dân tăng sản xuất. Sản phẩm tăng từ Q1 lên Q2. Lợi ích người sản xuất tăng từ a lên (a+b+c), trong đó b là phần thặng dư tăng thêm do tiết kiệm được chi phí ở mức sản lượng cũ (hay chính là chi cho trợ giá của chính phủ); c là phần thặng dư tăng thêm do tăng sản lượng; d là phần chi phí tăng thêm để sản xuất ra lượng sản phẩm từ Q1 lên Q2. 1. Về thay đổi phúc lợi xã hội Thặng dư của người sản xuất tăng lên b+c. Chính phủ phải chi cho trợ giá là b+c+e Phúc lợi xã hội bị mất (giảm) một lượng là e 2. Về dịch chuyển tài nguyên: Do trợ giá đầu vào cho sản xuất nên nguồn lực sẽ được sử dụng thêm là c+d+e (giảm). Tiết kiệm được ngoại tệ c+d (tăng). 33 Kết quả: tài nguyên được sử dụng thêm là e (giảm). Tóm lại, trợ giá đầu vào cho nông dân trong thời gian dài là không tốt, người nông dân sẽ sử dụng vật tư không hiệu quả, có thể sẽ dẫn đến sự lạm dụng vật tư quá mức, phẩm cấp của nông sản bị giảm. Do vậy chỉ nên trợ giá đầu vào cho nông dân từng thời điểm, và chỉ trợ giá cho các loại vật tư cần thiết. * Tác động của chính sách giảm giá cho người tiêu dùng (Hình 5.9) Mục đích của chính sách là làm lợi cho người tiêu dùng. Hình 3.9. Tác động của chính sách giảm giá cho người tiêu dùng Chính sách làm cho giá giảm từ P 1 xuống P2. Thặng dư người tiêu dùng tăng từ a lên (a + b + c), tăng lên một lượng là (b+c) so với thặng dư cũ, trong đó: b là thặng dư của người tiêu dùng tăng do giảm giá ở mức lượng cầu cũ. c là thặng dư người tiêu dùng tăng do giảm giá làm cho lượng cầu tăng lên. Như vậy, cái được của người tiêu dùng không phải là do mức độ về mặt chi tiêu mà là do giảm giá và giá giảm làm cho người tiêu dùng mua nhiều hơn. Nếu bỏ trợ giá cho người tiêu dùng thì giá sản phẩm sẽ tăng từ P2 lên P1 và làm cho phúc lợi xã hội giảm một lượng là b+c. Tuy nhiên, sự thay đổi này còn phụ thuộc vào độ co giãn của cầu theo giá. * Tác động của chính sách trợ giá đầu vào đến cả người sản xuất và cả người tiêu dùng (Hình 3.10) Hình 3.10. Tác động của trợ giá đầu vào đến cung, cầu Các trường hợp phân tích trên đây là phân tích tác động cung cầu một cách riêng rẽ. Trên thực tế cho thấy, trong cơ chế thị trường cầu - cung không thể đứng riêng rẽ mà chúng gắn với nhau như một thể thống nhất. Hình 3.10 thể hiện tác động của chính sách trợ giá đầu 34 vào đến cả người sản xuất và người tiêu dùng. Dưới tác động của chính sách, đường cung sản phẩm dịch chuyển từ S1 đến S2, lượng sản phẩm cũng tăng từ Q1 đến Q2 làm cho giá sản phẩm giảm từ P1 xuống P2. Thặng dư của người sản xuất: trước khi trợ giá là (c+b) và sau khi trợ giá là (c+f+g), mất đi phần b và tăng thêm phần (f+g). Do đó, nếu b < (f+g) thì người sản xuất có lợi, thặng dư của người sản xuất tăng, còn nếu b > (f+g) thì người sản xuất không có lợi (hay bị thiệt). Tuy nhiên (f+g) lớn hay nhỏ còn phụ thuộc vào: (i) độ co giãn của cầu đầu vào theo giá đầu vào; (ii) độ co giãn của năng suất so với lượng đầu vào được sử dụng. Kết luận: Ngay cả trong trường hợp cầu không co giãn thì kết quả đáng ngạc nhiên của trợ giá đầu vào cho sản xuất là người tiêu dùng luôn được lợi trong khi người nông dân có thể bị thiệt. Phân tích tác động của chính sách thuế * Tác động của chính sách bỏ thuế nhập khẩu nông sản (Hình 3.11) Khi đánh thuế nhập khẩu nông sản, thị trường trong nước cân bằng tại E (Q 1 Pd). Lượng hàng sản xuất trong nước là Qs. Thặng dư người sản xuất là a+f. Thặng dư người tiêu dùng là h. 0 QsQd Q Hình 3.11. Tác động của bỏ đánh thuế nhập khẩu nông sản Khi bỏ đánh thuế nhập khẩu nông sản thì giá trong nước chuyển về giá quốc tế (giá trong nước là Pd chuyển về Pw). Tại PW lượng cung trong nước là Q s. Tại đây sẽ xảy ra hiện tượng dư cầu (Qd- Qs). Cho nên nếu bán với giá P W trong nước thì nhà nước phải nhập khẩu một lượng là (Qd- Qs). 1. Thay đổi về phúc lợi xã hội: + Thặng dư của người sản xuất giảm là: a + Thặng dư của người tiêu dùng tăng là: a + b + c + Thay đổi ròng về phúc lợi xã hội là: b+c 2. Tác động về dịch chuyển tài nguyên: Do bỏ đánh thuế nhập khẩu nên người sản xuất đã thu hẹp quy mô từ Q 1 xuống Qs nên đã tiết kiệm được tài nguyên trong nước (do không sản xuất nông sản thêm nữa) một lượng là b + d (tăng) Do giá rẻ, người tiêu dùng sử dụng thêm một lượng sản phẩm là (Q d - Q1), tương ứng 35 với lượng giá trị là e (tăng). Khi tiêu dùng tăng thêm một lượng giá trị là e thì thặng dư người tiêu dùng do mua được hàng hoá với giá rẻ trong trường hợp này tăng thêm một lượng là c (tăng). Chính phủ phải tốn thêm lượng ngoại tệ để nhập khẩu lượng nông sản thiếu hụt (Qd Qs) là d+e (giảm). Kết quả chuyển dịch tài nguyên là: b + d + c + e - d- e = b+c. Từ kết quả của hai cách phân tích trên cho thấy chính sách này luôn làm cho phúc lợi xã hội tăng một lượng là (b+c). * Tác động của chính sách đánh thuế nhập khẩu nông sản (Hình 3.12) Do sản xuất trong nước yếu kém, cung không đủ cầu nên phải nhập khẩu nông sản. Thông thường, chính phủ sẽ đánh thuế đối với nông sản nhập khẩu, việc đánh thuế đó làm cho giá tăng từ Pw (là giá thế giới) lên Pd (là giá nhập khẩu có thuế). 1. Thay đổi về phúc lợi xã hội + Người sản xuất trong nước sẽ mở rộng quy mô sản xuất (từ Q1 đến Q2) + Người tiêu dùng sẽ giảm lượng tiêu dùng từ Q4 xuống Q3 + Lượng hàng nhập khẩu khi đó là (Q3 - Q2) + Thặng dư người tiêu dùng bị giảm đi một lượng là (a+b+c+d) + Thặng dư của người sản xuất sẽ tăng thêm một lượng là a (Nếu không đánh thuế thì thặng dư của người sản xuất trong nước là a1.) + Chính phủ sẽ thu được một phần là c + Phúc lợi xã hội sẽ giảm xuống một lượng là (b+d). Tức là (a+c) - (a+b+c+d) = - (b+d) 2. Về chuyển dịch tài nguyên + Nguồn lực trong nước được sử dụng thêm là (b+ e) + Chi phí tiêu dùng giảm là (d+f) + Người sản xuất trong nước sẽ mở rộng quy mô sản xuất (từ Q1 đến Q2) + Người tiêu dùng sẽ giảm lượng tiêu dùng từ Q4 xuống Q3 + Lượng hàng nhập khẩu khi đó là (Q3 - Q2) + Thặng dư người tiêu dùng bị giảm đi một lượng là (a+b+c+d) + Thặng dư của người sản xuất sẽ tăng thêm một lượng là a (Nếu không đánh thuế thì thặng dư của người sản xuất trong nước là a1.) + Chính phủ sẽ thu được một phần là c + Phúc lợi xã hội sẽ giảm xuống một lượng là (b+d) Tức là (a+c) - (a+b+c+d) = - (b+d) 36 P Hình 3.12. Tác động của chính sách đánh thuế nhập khẩu nông sản + Tiết kiệm được phần ngoại tệ là (e+f) e + f - d - f - b - e = - (b+d) Kết quả chung là xã hội phải chi phí thêm một lượng là (b+d). * Tác động của chính sách đánh thuế xuất khẩu nông sản Đánh thuế xuất khẩu không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của các nhà xuất khẩu mà còn ảnh hưởng đến người sản xuất trong nước. Khi xuất khẩu nông sản thì giá trong nước thấp hơn giá quốc tế. P Hình 3.13. Tác động của chính sách đánh thuế xuất khẩu nông sản 1. Thay đổi về phúc lợi xã hội Do giá giảm nên người sản xuất đã giảm một lượng sản phẩm từ Q2 xuống Q1. + Thặng dư của người sản xuất giảm là: a+b + Ngân sách tăng cho chính phủ do thu thuế là: a Kết quả chung phúc lợi xã hội giảm là: a - (a + b) = - b 2. Về chuyển dịch của tài nguyên Do người sản xuất thu hẹp quy mô sản xuất nên đã tiết kiệm được một lượng tài nguyên là (d+c). Lượng xuất khẩu giảm từ Q2 xuống còn Q1, khiến cho ngoại tệ thu được từ xuất khẩu 37 giảm một lượng là (c+d+b). Kết quả chung, dịch chuyển tài nguyên sẽ giảm một lượng là b. Phân tích tác động của chính sách ứng dụng tiến bộ kỹ thuật * Tác động của chính sách nghiên cứu ứng dụng Khi ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp sẽ làm cho cung sản phẩm trên thị trường tăng, đường cung có xu hướng dịch chuyển sang phải (Si đến S 2 ). Khi đó, thặng dư người sản xuất và thặng dư người tiêu dùng cũng thay đổi. - Thặng dư của người sản xuất cũ là (a+b), thặng dư sản xuất mới là (b+c+f). Kết quả, thặng dư người sản xuất thay đổi một lượng là (b+c+f) - (a+b) = (c+f-a) So sánh phần mất đi và phần tăng thêm cho thấy: Nếu a > (c+f) thì thăng dư người sản xuất giảm Nếu a < (c+f) thì thăng dư người sản xuất tăng Nếu a = (c+f) thì thăng dư người sản xuất không đổi Hình 3.14. Tác động của chính sách ứng dụng tiến bộ kỹ thuật Hình 3.15. Tác động của chính sách marketing 38 - Thặng dư của người tiêu dùng tăng một lượng là (a+d+e). - Phúc lợi xã hội tăng một lượng là (c+f-a+a+d+e) = (f+d+e+c) Kết luận: chính sách nghiên cứu ứng dụng luôn làm tăng phúc lợi xã hội. Phân tích tác động của chính sách marketing * Tác động của chính sách marketing Mục tiêu của chính sách marketing làm sao cho giảm được các chi phí trung gian không cần thiết, làm tăng được lợi ích xã hội. Để bảo đảm được mục tiêu trên, chính sách marketing tập trung vào các vấn đề tổ chức vận chuyển, phân phối, bảo quản hàng hoá tốt, giảm chi phí tiếp thị, xoá bỏ tình trạng chia cắt thị trường, để cho hàng hoá được tự do lưu thông. Do có chi phí marketing nên đường cầu cổng trại Df đẩy dần đến đường cầu bán lẻ D r Cũng do có chi phí marketing nên giá chuyển từ giá cổng trại Pf lên giá bản lẻ Pr Chi phí marketing càng cao thì khoảng cách giữa giá người tiêu dùng phải trả và giá người sản xuất nhận được càng cao. Mục tiêu của chính sách marketing là giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá người sản xuất nhận được và giá người tiêu dùng phải trả. Điều đó có nghĩa là chính sách này sẽ mang lại lợi ích cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. P Hình 3.16. Chi phí marketing và sự dịch chuyển cung, cầu Ghi chú: Pr là giá bán lẻ, Pf là giá cổng trại, M là chi phí marketing Tuy nhiên, lợi ích của người sản xuất và lợi ích của người tiêu dùng còn phụ thuộc vào độ co giãn của cung và cầu sản phẩm theo giá. Biểu đồ này giả định rằng đường cung, cầu là đường tuyến tính và mức lãi là không đổi tính trên một khoảng về lượng. Tuy nhiên, các giả định này không hoàn toàn diễn ra như vậy trên thực tế. Khi chưa có chính sách, lượng cân bằng trên thị trường là Q 0, giá bán lẻ sản phẩm là PR, giá bán cổng trại là Pf và lãi marketing là M=PR-Pf. Khi có chính sách marketing đường cung, cầu bán lẻ và đường cung, cầu cổng trại có xu hướng dịch chuyển xích lại gần nhau. Giả sử như việc giảm mức mức lãi sẽ làm cho đường SR chuyển xuống S’R và Df dịch chuyển lên D’f. Sự dịch chuyển này làm cho giá bán lẻ 39 giảm từ PR xuống P’R, nhưng giá của người sản xuất nhận được tăng từ P f lên P’f . Sự thay đổi về giá sản phẩm đa làm cho thặng dư người sản xuất và thặng dư người tiêu dùng thay đổi, mức độ thay đổi thặng dư của mỗi bên diễn ra theo chiều hướng sau: Nếu độ co giãn của cầu nhỏ hơn cung thì người tiêu dùng có lợi hơn người sản xuất (vì mR > mf). Nếu độ co giãn của cầu lớn hơn cung thì người sản xuất có lợi hơn người tiêu dùng (vì mf > mR). Nếu cả hai độ co giãn xấp xỉ nhau thì lợi ích được chia đều cho hai bên (vì mR = mf). 3.7.2. Phương pháp phân tích ngành hàng Khái niệm và ý nghĩa của phân tích ngành hàng Phân tích ngành hàng là một phương thức chia cắt và thể hiện cơ chế vận hành của sản xuất, là cách biểu diễn của hệ thống sinh lợi. Phân tích ngành hàng nhằm làm rõ toàn bộ hoạt động của mọi tác nhân tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ một sản phẩm nào đó. Từ sự phân tích đó giúp cho việc xác định trình tự những hoạt động của các tác nhân đối với từng công đoạn cụ thể tương ứng trong ngành hàng. Mục tiêu của việc áp dụng phương pháp phân tích ngành hàng là: Nghiên cứu thị trường cho một hoặc một nhóm sản phẩm cùng loại. Tìm kiếm cơ hội và hoạch định các chính sách phát triển dựa trên cơ sở: a) Nghiên cứu cơ chế hình thành giá cả; b) Quá trình quản lý chất lượng sản phẩm; c) Mối quan hệ giữa các tác nhân và sự phân phối thu nhập giữa các tác nhân đó và c) Rủi ro của ngành hàng. Dự báo về xu hướng sản xuất cho một hoặc một nhóm sản phẩm Ưu điểm của phương pháp phân tích ngành hàng là ở chỗ: Giải thích được quá trình trao đổi, phân phối lao động theo cả chiều dọc và chiều ngang của ngành hàng. Sử dụng được một cách tổng hợp kiến thức của nhiều loại chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau cho việc phát triển một ngành hàng cụ thể. Có thể áp dụng cho nhiều phạm vi (quy mô) khác nhau. Khái niệm ngành hàng Ngành hàng là một chuỗi các tác nhân có chức năng nhất định, sản xuất ra những sản phẩm nhất định, được sắp xếp theo một trật tự nhất định trong từng mạch hàng, kết nối với nhau thành những luồng hàng, hoạt động theo sự vận hành của luồng vật chất. Theo J.P. Boutonnet và P. Fabre, ngành hàng là một hệ thống được xây dựng nên bởi các nhà đại lý, các hoạt động sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm và mối quan hệ giữa các tác nhân này cũng như các tác nhân bên ngoài khác. Theo J.C. Montigaud, ngành hàng là toàn bộ các hoạt động được gắn kết chặt chẽ với nhau trong một quá trình từ sản xuất, vận chuyển, chế biến đến phân phối sản phẩm nhằm thoả mãn nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Một số chỉ tiêu dùng trong phân tích ngành hàng Sản phẩm (P) là toàn bộ tiền thu được sau khi bán hàng hoá, tiền bán các phế liệu thứ phẩm và giá trị công trình do đơn vị tự xây dựng cho mình. 40 Chi phí trung gian (IC) là toàn bộ chi phí vật chất và dịch vụ dùng trong quá trình sản xuất. Giá trị gia tăng (VA) là phần giá trị mới sáng tạo ra VA = P – IC. Như vậy trong VA gồm có: tiền công, chi phí khác về tài chính, các loại lệ phí và thuế và lãi gộp. Lãi gộp (GPr) là kết qủa thể hiện sự thua thiệt hay thắng lợi trong sản xuất kinh doanh. GPr = VA - (tiền công + chi phí khác về tài chính + thuế) Lãi ròng (NPr) là phần chênh lệch giữa lãi gộp và khấu hao. NPr = GPr - A Trình tự phân tích ngành hàng - Xác định phạm vi ngành hàng Đây là bước đầu tiên để tiến hành phân tích ngành hàng. Yêu cầu chủ yếu của bước này là: (i) xác định các sản phẩm trong ngành hàng, (ii) xác định các tác nhân hoạt động trong ngành hàng và chức năng của chúng, (iii) lượng hoá các dòng vật chất lưu chuyển giữa các tác nhân trong ngành hàng. - Lập sơ đồ các mối quan hệ trong ngành hàng Sơ đồ ngành hàng là sự kết nối các tác nhân hoạt động trong ngành hàng theo một trình tự nhất định của luồng lưu chuyển hàng hoá từ tác nhân đầu tiên đến tác nhân cuối cùng. Sơ đồ ngành hàng được xây dựng nhằm mô tả toàn bộ các mối quan hệ giữa các tác nhân trong ngành hàng, vì vậy sơ đồ ngành hàng phải thể hiện được các nội dung: số lượng các tác nhân, mối quan hệ giữa các tác nhân... - Thiết lập hệ thống tài khoản của ngành hàng Tài khoản sản xuất – khai thác Chi phí - Dự trữ đầu năm .. - Chi phí trung gian ... + Công trình, vật dụng và dịch vụ ... + Vận tải và vận chuyển ... + Các chi phí quản lý ... - Giá trị gia tăng ... Tổng cộng ... Sản phẩm - Dự trữ cuối năm ... - Doanh thu bán hàng ... - Tiền bán phế liệu, thứ phẩm ... - Giá trị công trình do đơn vị tự xây dựng cho mình . Tổng cộng ... Tài khoản kinh doanh Sử dụng - Trả công cho người lao động ... - Chi phí khác về tài chính (lãi, bảo hiểm) ... - Thuế và lệ phí khác ... - Lãi gộp. + Khấu hao ... + Lãi ròng ... Tổng cộng ... Tài nguyên - Giá trị gia tăng . - Trợ cấp kinh doanh (tiền bôi thường, trợ cấp.) ... Tổng cộng ... Tài khoản tổng hợp Chi phí + Dự trữ đầu năm ... + Công trình, vật dụng và dịch vụ ... Sản phẩm + Dự trữ cuối năm ... + Doanh thu bán hàng ... 41 + Vận tải và vận chuyển + Tiền bán phế liệu, thứ phẩm ... + Các chi phí quản lý + Giá trị công trình do đơn vị tự xây dựng + Trả công cho người lao động ... cho mình . + Chi phí khác về tài chính ... + Trợ cấp kinh doanh ... + Thuế và lệ phí ... + Lãi gộp ... * Khấu hao ... * Lãi ròng ... Tổng cộng ... Tổng cộng ... Chú ý: Hệ thống tài khoản này có thể thiết lập cho từng tác nhân hoặc cho toàn ngành hàng. Nội dung phân tích ngành hàng Phân tích tài chính ngành hàng Phân tích tài chính ngành hàng là phân tích đối với các khoản mục "mua vào" và "bán ra" của toàn bộ ngành hàng. Phân tích tài chính ngành hàng là một nội dung rất quan trọng trong phân tích ngành hàng, bao gồm phân tích kết quả và hiệu quả hoạt động tài chính của ngành hàng. + Phân tích kết quả hoạt động tài chính của ngành hàng Hệ thống số liệu có được từ các tài khoản hạch toán sản xuất kinh doanh của từng tác nhân trong toàn bộ ngành hàng cho phép đánh giá về kết quả hoạt động tài chính của ngành hàng. Phân tích kết quả hoạt động tài chính của ngành hàng chủ yếu tập trung vào các chỉ tiêu sau: Giá trị gia tăng (VA): ngành hàng có tạo ra giá trị gia tăng không, tác nhân nào tạo ra nhiều, tác nhân nào tạo ra ít, tác nhân nào không tạo ra giá trị gia tăng, thâm chí chỉ thu được giá trị gia tăng âm. Lãi gộp (GPr): lãi gộp nói lên khả năng hoạt động của ngành hàng dưới tác động của thị trường lao động, chính sách thuế và các chi phí về dịch vụ tài chính. Lãi ròng (NPr): phản ánh hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cơ bản của ngành hàng hay của các tác nhân trong ngành hàng đó. + Phân tích hiệu quả hoạt động tài chính của ngành hàng Có thể sử dụng rất nhiều chỉ tiêu phản ánh hiệu quả tài chính để phân tích ngành hàng, bao gồm các chỉ tiêu so sánh kết quả đạt được với chi phí hoặc lao động, vốn,...bỏ ra. Phân tích kinh tế ngành hàng Phân tích tài chính ngành hàng dựa trên giá thực tế trên thị trường của các hàng hoá và dịch vụ. Tuy nhiên, mức giá đó không phản ánh trung thực giá trị kinh tế của các hàng hoá và dich vụ có trong ngành hàng do luôn có sự sai lệch giữa giá thị trường với giá kinh tế của các hàng hoá và dịch vụ. Sự chênh lệch này chủ yếu do sự can thiệp của chính phủ gây ra. Phân tích kinh tế ngành hàng cho phép hiểu được những nguyên nhân làm rối loạn thị trường, đặc biệt là những nguyên nhân do chính sách gây ra, đồng thời cũng cho phép chúng ta xem xét lợi thế so sánh của ngành hàng xét trên quan điểm toàn bộ nền kinh tế. 42 3.7.3. Ma trận phân tích chính sách (Policy Analysis Matrix) a) Khái niệm và ý nghĩa Ma trận phân tích chính sách là một công cụ đơn giản để đánh giá chính sách trong một lĩnh vực nào đó của nền kinh tế. Ma trận phân tích chính sách cho phép các nhà phân tích so sánh được những khoản mục cơ bản tính theo mức giá thị trường và theo mức giá xã hội. Phương pháp phân tích chính sách bằng ma trận phân tích chính sách sẽ đo lường được ảnh hưởng của chính sách đến thu nhập của người sản xuất cũng như là xác định được sự chuyển dịch nguồn lực giữa các nhóm gồm: người sản xuất nông nghiệp - người tiêu dùng thực phẩm, từ đó người hoạch định chính sách có thể kiểm soát được sự phân bổ ngân sách của Chính phủ. Kết quả phân tích giúp cho các nhà hoạch định dễ dàng xác định nên tập trung vào những vùng sản xuất nào, những mô hình trang trại nào hoặc lựa chọn công nghệ nào cho sản xuất. Kết cấu bảng Ma trận phân tích chính sách Doanh Thu A E I = (A -E) Giá cá thể Giá xã hội Chuyển dịch Vật tư hàng hoá B F J = (B - F) Tài nguyên trong nước C G K=C-G Lợi nhuận D = (A - B - C) H = (E-F-G.) L = (D- H) b) Các bước xây dựng ma trận phân tích chính sách Xác định khối lượng đầu vào và đầu ra trong quá trình sản xuất của từng loại sản phẩm. Xác định thu nhập và chi phí sản xuất theo giá cá thể và giá xã hội của mỗi quá trình sản xuất. Thu nhập và chi phí sản xuất tính theo giá cá thể chỉ đơn giản là dựa vào giá mua và bán thực tế trên thị trường nội địa. Việc xác định giá xã hội của mỗi khoản mục đầu vào và đầu ra không đơn giản như vậy. Để cho công việc trở nên đơn giản và tránh sai sót, người ta chia các loại hàng hoá, dịch vụ ra thành 2 nhóm đó là: (i) hàng hoá có thể trao đổi được và (ii) hàng hoá không thể trao đổi được. Bảng 3.1. Các loại hàng hóa có thể trao đổi được Quan hệ với trường quốc tế Đầu ra Đầu vào thị Quan hệ trực tiếp Quan hệ gián tiếp Sản phẩm xuất khẩu thực tế Sản phẩm tiêu thụ tại thị trường địa phương nhưng có thể thay thế cho sản phẩm nhập khẩu Đầu vào mua tại thị trường địa phương nhưng có thể sử dụng cho xuất khẩu Đầu vào nhập khẩu thực tế 43 Quan hệ tiềm năng Sản phẩm có chất lượng tương đương hàng nhập khẩu Sản phẩm có chất lượng tương hàng nhập khẩu Bảng 3.2. Các loại hàng hoá không thể trao đổi được Quan hệ với thị trường quốc tế Đầu ra và đầu vào Ví du Có thể trao đổi nhưng không bao giờ trao đổi Hàng hoá, dịch vụ khó vận chuyển vì lý do kích cỡ hoặc chi phí vận chuyển quá cao, hoặc chất lượng không đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế Cùi, rơm, gạch, cát, điện... Không thể trao đổi Không sản xuất và được không trao đổi Hàng hoá, dịch vụ Các yếu tố và mô: không thể xuất nhập trường sản xuất khẩu Hàng dễ hỏng Đất, lao động,.. Từ sự phân loại này, cách tính giá xã hội cho từng loại hàng hoá, dịch vụ được xác định như sau: Bảng 3.3. Phương pháp xác định giá xã hội cho hàng hoá có thể trao đổi được Quan hệ với thị Quan hệ trực tiếp Quan hệ gián tiếp Quan hệ tiềm năng trường quốc tế Đầu ra Giá ngang bằng xuất khẩu Giá ngang bằng nhập Giá ngang bằng nhập khẩu khẩu Đầu vào Giá ngang bằng nhập khẩu Giá ngang bằng xuất Giá ngang bằng nhập khẩu khẩu Bảng 3.4. Đối với hàng hoá, dịch vụ không thể trao đổi được Quan hệ với thịCó thể trao đổi nhưng khôngKhông thể trao đổi được trường quốc tế bao giờ trao đổi Đầu ra Giá thị trường trước (huế và Giá thị trường trước trợ giá thuế và trợ giá Đầu vào Giá thị trường trước thuế và Giá thị trường trước trợ giá hoặc giá quốc tế (huế và trợ giá hoặc giá tương đương quốc tế tương đương Không sản xuất và không trao đổi Giá thị trường trước (huế và trợ giá c) Các chỉ số hiệu quả tính từ ma trận PAM Ma trận phân tích chính sách PAM cho phép phân tích đối với một sản phẩm để so sánh giữa các phương pháp sản xuất, lưu thông và chế biến khác nhau trên một sản phẩm. Việc so sánh nhiều sản phẩm khác nhau chỉ có thể được tiến hành dựa trên một số các hệ số. Việc so sánh này là hết sức cần thiết vì nó cho phép hoạch định chính sách cho một ngành 44 hàng mà không bỏ qua tác động phụ trợ của nó đối với ngành hàng khác, đồng thời cũng chỉ ra được chính sách đó ảnh hưởng như thế nào đối với toàn xã hội. Chỉ số bảo hộ đanh nghĩa (NPCO và NPCI) Chỉ số bảo hộ danh nghĩa được định nghĩa là hệ số của giá hàng hoá tính theo giá cá thể và giá của hàng hoá tính theo giá xã hội. Nó đo lường ảnh hưởng của các chính sách của Chính phủ (hoặc sự trục trặc của thị trường) tới lợi ích thu được của nông dân. Có hai chỉ số bảo hộ danh nghĩa: chỉ số bảo hộ danh nghĩa cho đầu ra (NPCO) và chỉ số bảo hộ danh nghĩa cho đầu vào (NPCI). Các chỉ số này lần lượt được tính như sau: NPCO = Doanh thu tính theo giá cá thể (A) Doanh thu tính theo giá xã hội (E) Nếu chỉ số NPCO lớn hơn 1, người sản xuất nhận được sự trợ giúp tiềm ẩn từ chính sách của chính phủ và ngược lại. NPCI = Chi phí các đầu vào có thể trao đổi theo giá cá thể (B) Chi phí các đầu vào có thể trao đổi theo giá xã hội (F) Nếu chỉ số NPCI lớn hơn 1, người sản xuất không được lợi từ các chính sách của chính phủ và ngược lại. Chỉ số bảo hộ hữu hiệu (EPC) Hệ số bảo hộ hữu hiệu được định nghĩa là tỷ số của giá trị gia tăng tính theo giá cá thể chia cho giá trị gia tăng tính theo giá xã hội, hơn nữa nó là đơn vị đo lường động lực sản xuất của nông dân. Chỉ số EPC tổng hợp những ảnh hưởng của chính sách thương mại. Nó là một cách đo lường hữu hiệu bởi vì các chính sách về đầu vào và đầu ra, như là trợ giá hàng hoá và trợ giá phân bón, thường là một bộ phận cấu thành của toàn bộ các chính sách. Chẳng hạn như, Chính phủ thường giảm giá đầu ra nhưng lại trợ giá đầu vào, đây là một cách tác động để khuyến khích người sản xuất ứng dụng công nghệ mới. Công thức tính EPC như sau: EPC = (Doanh thu - Chi phí các đầu vào có thể trao đổi) theo giá cá thể (A - B) (Doanh thu - Chi phí các đầu vào có thể trao đổi) theo giá xã hội (E - F) Chỉ số EPC lớn hơn 1 có nghĩa là chính sách của chính phủ đã tác động tích cực và có tác dụng thúc đẩy sản xuất, ngược lại khi EPC nhỏ hơn 1 được xem như chính sách đã tác động tiêu cực tới động lực sản xuất. Chỉ số chi phí tài nguyên trong nước (DRC) Chỉ số chi phí tài nguyên trong nước được dùng để đánh giá lợi thế so sánh của một nước về một mặt hàng cụ thể nào đó. Nó được tính bằng cách chia chi phí tài nguyên trong nước cho giá trị gia tăng theo giá xã hội. Công thức tính DRC như sau: DRC = Chi phí tài nguyên trong nước theo giá xã hội (G) (Doanh thu - Chi phí các đầu vào có thể trao đổi) theo giá xã hội (E - F) Nếu xét một hoạt động sản xuất có lợi nhuận, chỉ số DRC luôn giao động trong khoảng 45 từ 0 đến 1. Nếu chỉ số này càng nhỏ, tức là 1 đồng giá trị tăng thêm được tạo ra bởi một lượng chi phí nội địa càng ít. Hay nói cách khác, hoạt động sản xuất này có lợi thế so sánh. Ngoài ra, người ta có thể tính ra các chỉ số sau: Chỉ số lợi nhuận (PC) Chỉ số lợi nhuận thể hiện mối quan hệ giữa lợi nhuận cá thể và lợi nhuận xã hội. PC = D H hay PC = A-B-C E-F-G Nếu PC nhỏ hơn 1, có nghĩa là chí phí trung gian từ người sản xuất đến người xuất khẩu lớn. Nếu PC lớn hơn 1, chứng tỏ có sự hỗ trợ để tiêu thụ sản phẩm và nhập vật tư cho người sản xuất. Chỉ số trợ cấp (SRP): thể hiện chính sách trợ giúp cho người sản xuất. L I-J-K SRP = hay SRP = E E SRP nhỏ hơn 0 thì không có chính sách trợ giúp cho người sản xuất và ngược lại. Chỉ số chi phí cá thể (PCR) Chỉ số này thể hiện lợi thế sản xuất sản phẩm. Vùng nào hoặc ngành sản phẩm nào có chỉ số PCR nhỏ hơn thì ngành đó có lợi thế cao hơn và cũng thể hiện được khả năng cạnh tranh cao hơn. C PCR = A-B PCR nhỏ hơn 1 thì ngành sản xuất có lợi thế và ngược lại Một số chú ý khi sử dụng ma trận phân tích chính sách và các hệ số : Phương pháp PAM chỉ được thực hiện trong một thời điểm nhất định nên việc lựa chọn năm để tính toán có thể ảnh hưởng rất lớn đến kết quả phân tích. Có thể tránh được hạn chế này bằng cách sử dụng số liệu tính toán qua nhiều năm, kết hợp với việc kiểm tra độ tin cậy của số liệu. PAM không thể xác định được các loại "chuyển dịch ẩn" như thời gian hoàn trả của các món nợ chẳng hạn. Ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái: phân tích DRC không bị ảnh hưởng bởi sự lựa chọn tỷ giá, ngược lại các giá trị NPC và EPC lại phụ thuộc rất lớn vào tỷ giá được dùng để chuyển giá quốc tế sang giá nội địa. 3.7.4. Phương pháp phân tích tân cổ điển Phương pháp phân tích tân cổ điển áp dụng các nguyên lý của kinh tế học vi mô để tối ưu hoá quá trình sản xuất cũng như tiêu dùng trong phạm vi nguồn lực có hạn. Để làm được như vậy, người sản xuất phải trả lời các câu hỏi: (i) sản xuất cái gì? (ii) sản xuất bao nhiêu? và (iii) sản xuất như thế nào? Tương tự, người tiêu dùng cũng phải tìm cách trả lời các câu hỏi như: (i) tiêu dùng hàng hóa nào? (ii) cơ cấu hàng hóa tiêu dùng ra sao? và (iii) hàng hóa đó nên mua ở đâu? Công cụ chủ yếu được sử dụng trong phương pháp phân tích tân cổ điển là lý 46 thuyết về độ co giãn và lý thuyết "biên" trong kinh tế học. Đối với người sản xuất, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể họ sẽ có ứng xử khác nhau để tối đa hoá lợi nhuận hoặc tối thiểu hoá chi phí. Trường hợp lựa chọn quy mô sản xuất giữa các sản phẩm (khi tận dụng hết năng lực sản xuất) sẽ áp dụng nguyên tắc tỷ lệ sản phẩm thay thế bằng tỷ giá sản phẩm thay thế. ∆Y1/∆Y2 = PY2/PY1 Trong đó ∆Y1 là lượng sản phẩm giảm đi, ∆Y2 là lượng sản phẩm tăng lên, PY1 là giá của sản phẩm giảm đi và PY2 là giá của sản phẩm tăng lên. Trường hợp lựa chọn mức đầu vào biến đổi cho việc sản xuất sản phẩm sẽ áp dụng nguyên tắc MR = MC, trong đó MR là doanh thu biên và MC là chi phí biên. Trường hợp lựa chọn quy mô chi phí giữa các yếu tố thay thế để cùng sản xuất ra một lượng sản phẩm sẽ áp dụng nguyên tắc tỷ lệ yếu tố thay thế bằng tỷ giá yếu tố thay thế. ∆X1/∆X2 = PX2/PX1 Trong đó ∆X1 là lượng yếu tố giảm đi, ∆X2 là lượng yếu tố tăng lên, PX1 là giá của yếu tố giảm đi và PX2 là giá của yếu tố tăng lên. Đối với người tiêu dùng, lý thuyết tân cổ điển về người tiêu dùng giả định rằng họ muốn lựa chọn các sản phẩm khác nhau trên thị trường, đồng thời họ tìm cách thỏa mãn tối đa lợi ích của mình trong khuôn khổ túi tiền. Lý thuyết tân cổ điển cũng giả định rằng sự thỏa mãn của người tiêu dùng tăng lên khi số lượng các sản phẩm tiêu dùng tăng lên. Theo nguyên lý kinh tế “tân cổ điển, người tiêu dùng luôn tìm cách phối hợp các sản phẩm mua được để đạt được sự thỏa mãn tối đa. Mức tiêu dùng tối ưu được xác định tại điểm ở đó tỷ giá tương đối của các sản phẩm bằng tỷ suất thay thế cận biên của chúng. Q 1 Hình 3.17 cho thấy điểm tiếp xúc của đường cong bàng quan với đường đồng chi phí là điểm mà ở đó cơ cấu hàng hóa tiêu dùng sẽ mang lại độ thỏa dụng tối ưu cho người tiêu dùng. Điều đó có nghĩa là khối lượng A và B chính là khối lượng làm cho người tiêu dùng thỏa mãn nhất với túi tiền họ có. Tài liệu tham khảo 1. Phạm vân Đình, Trần Văn Đức (2001), Phương pháp phân tích ngành hàng nông nghiệp, 47 Nhà xuất bản Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh. 2. Phạm Văn Khôi (2007), Giáo trình Phân tích chính sách Nông nghiệp, Nông thôn, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội. 3. T.G. MacAulay (1997), Mô hình kinh tế lượng ứng dụng, Bài giảng tại khoá học "Phương pháp phân tích định lượng trong nghiên cứu kinh tế nông nghiệp " tại Trường Đại học Nông nghiệp I, từ ngày 6-16 tháng 7/1997. 4. M. Mazoyer, L. Somogyi, Dumufier, D. Laurence, P. Fabre, và G. Olive (1993), Phương pháp phân tích chính sách kinh tế trong nông nghiệp, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Hà Nội. 5. David Godden (1998), Agricultural and Resource Policy, Oxford Auckland New York. 6. European Commission (1997), Financial and Economic Analysis of Development Projects, Methods and Instruments for Project Cycle Management. 7. Philippe Lebailly, Thomas Dogot, Pham Van Bien, Tran Tien Khai (2000), La filiere rizicole au Sud Vietnam, Les Presses Agronomiques de Gembloux, Belgique. 8. Pr.Pearson (1996), Policy Analysis Matrix, Stanford University. 9. Luther Tweeten (1989), Agricultural Policy Analysis Tool for Economic Development, Westview Press Boulder & San Francisco, London. 10. Lê Đức Thịnh (2001), Commodity Chains Analysis, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam. 1. 2. 3. Câu hỏi thảo luận chương 3 Tại sao phải phân tích chính sách nông nghiệp? Các mô hình phân tích chính sách nông nghiệp chủ yếu và phạm vi ứng dụng của chúng trong phân tích chính sách nông nghiệp? Nội dung chủ yếu của các phương pháp phân tích chính sách nông nghiệp? Phạm vi ứng dụng của các phương pháp đó? 48 Chương 4. CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP ĐIỂN HÌNH TRÊN THẾ GIỚI Trên thế giới, nông nghiệp được coi là một lĩnh vực quan trọng, góp phần đáng kể vào việc an ninh lương thực, thực phẩm và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp... Thực tế cho thấy bằng các chính sách khác nhau, chính phủ các nước đã có sự can thiệp với mức độ khác nhau tạo nên những thành tựu phát triển nông nghiệp. Từ đó nghiên cứu chính sách nông nghiệp trên thế giới là vô cùng cần thiết, có thể rút ra những bài học quí cho sự phát triển nông nghiệp Việt Nam. 4.1. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TRÊN THẾ GIỚI Nông nghiệp là lĩnh vực sản xuất đầu tiên của xã hội loài người. Ngày nay nông nghiệp đã phát triển với nhiều sản phẩm rất đa dạng, cung cấp nhiều lương thực, thực phẩm cho đời sống, nguyên liệu cho công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến..., thoả mãn nhu cầu nhiều mặt của cuộc sống, ở nhiều nước trên thế giới, nông nghiệp đã phát triển với trình độ cao. Để đạt được những thành tựu to lớn như ngày nay, nông nghiệp nhân loại đã trải qua quá trình phát triển hàng nghìn năm. Căn cứ vào trình độ sản xuất hàng hoá có thể thấy quá trình phát triển của nông nghiệp qua các giai đoạn chủ yếu sau: a) Nông nghiệp tự nhiên; b) Nông nghiệp tự cấp tự túc; c) Nông nghiệp sản xuất hàng hoá nhỏ và d) Nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn. Từ một góc nhìn khác, căn cứ vào sự phát triển của công cụ, công nghệ, kết quả sản xuất và năng suất lao động, có thể phân chia sự phát triển của nền nông nghiệp hiện đại qua 7 giai đoạn (sẽ trình bày chi tiết ở phần sau). 4.1.1. Quá trình phát triển của nông nghiệp xét theo trình độ sản xuất hàng hoá Nông nghiệp tự nhiên Đặc trưng của nông nghiệp tự nhiên là thu nhặt những sản phẩm có sẵn từ thiên nhiên (săn bắt, hái lượm...); Khi chưa tạo ra được sản phẩm cho cuộc sống nhưng với bản năng sinh vật, con người thời nguyên thuỷ có thể tìm kiếm những sản phẩm có sẵn từ thiên nhiên. Chế độ phân phối cộng sản nguyên thuỷ đã bảo đảm cho loài người tồn tại. Nông nghiệp tự cấp tự túc Khi số sản phẩm kiếm được dư dật, người ta nghĩ đến cất trữ, để giành và nhân giống cây trồng vật nuôi... Nông nghiệp tự sản tự tiêu thể hiện sự chủ động hơn của con người đối với cuộc sống. Kỹ thuật canh tác phong phú hơn, nhiều loại cây trồng, vật nuôi xuất hiện trong các gia đình nông dân. Mục đích của nền sản xuất tự cấp tự túc là tạo ra những sản phẩm cần cho cuộc sống gia đình, đặc biệt là lương thực, thực phẩm... Theo đó là sự xuất hiện tình trạng sản xuất manh mún và tâm lý tư hữu của người tiểu nông. Các phương tiện sử dụng trong sản xuất mang tính thủ công nên sản phẩm tạo ra có phẩm cấp lẫn lộn và thường là sản phẩm cấp thấp. Nông nghiệp sản xuất hàng hoá nhỏ Do năng suất lao động ngày một tăng, sản phẩm dư thừa ngày càng nhiều, tính đa dạng trong tiêu dùng phát triển... Từ đây xuất hiện sự trao đổi hàng hoá nhỏ (quy mô trao đổi nhỏ, phạm vi trao đổi hẹp, chủng loại sản phẩm trao đổi đơn điệu, phương thức trao đổi giản 49 đơn...). Nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn Sản xuất hàng hoá rất phát triển, phạm vi mở rộng, khối lượng sản phẩm trao đổi lớn, quan hệ kinh tế đan xen ngày càng phức tạp, tính chất hàng hoá của sản phẩm rất cao (ngay cả đối với sản phẩm nông nghiệp)... 4.1.2. Các giai đoạn phát triển của một nền nông nghiệp hiện đại -----------------------------------------------------------------------------► 0 1 2 3 4 5 6 7 Hình 4.1. Sơ đồ biểu hiện các giai đoạn phát triển của một nền nông nghiệp Xuất phát ban đầu có thể coi tương đương với một nền nông nghiệp hàng hoá nhỏ. Giai đoạn 1 tương ứng với những năm 1930 - 1940. Giai đoạn 2 tương ứng với những năm 1940 - 1950. Giai đoạn 3 tương ứng với những năm 1950 - 1960. Giai đoạn 4 tương ứng với những năm 1960 - 1970. Giai đoạn 5 tương ứng với những năm 1970 - 1980. Giai đoạn 6 tương ứng với những năm 1980 - 1990. Giai đoạn 7 tương ứng với những năm 1990 - 2000. Sau năm 2000... Ở cuối mỗi một giai đoạn thường xuất hiện những mầm mống của giai đoạn sau kề nó. Vì vậy thường có sự đan xen (móc xích) về một số điểm giống nhau ở thời kỳ cuối của giai đoạn trước và thời kỳ đầu của giai đoạn sau kề nó. Các đặc trưng phát triển chủ yếu của một nền nông nghiệp hiện đại TT 1 2 3 4 5 Tên giai doạn Sản xuất thủ công Công cụ cải tiến Cơ khí hoá giản đơn Cơ khí hoá trung gian Cơ giới hoá lớn Công cụ Thủ công Cải tiến Đơn liền Đơn rời Máy nông nghiệp lớn Động lực Sức kéo súc vât Sức kéo súc vật Cơ khí nhỏ Cơ khí nhỏ Cơ khí lớn Quy mô Nhỏ Nhỏ Nhỏ Nhỏ Tương đối lớn 6 Cơ giới hoá tổng hợp Cơ khí lớn + Điện Lớn 7 Hiện đại hoá Máy và vật tư kỹ thuật Máy, vật tư NSLĐ Thấp Thấp Thấp Cao hơn Tương đối cao Cao Cơ khí lớn + Điện Lớn Rất cao 50 kỹ thuật, computer.. và các năng lượng khác (Theo Giáo sư Mazooyer, Trường Dại học Tổng hợp Paris, Pháp, 1993) Các giai đoạn phát triển được đặc trưng bởi hệ thống công cụ, động lực, kỹ thuật canh tác, quy mô sản xuất, năng suất lao động, thu nhập của người lao động... (như trong sơ đồ). 4.2. ĐẶC ĐIỂM PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP THẾ GIỚI 4.2.1. Đặc điểm phát triển nông nghiệp của các nước phát triển Đặc điểm chung Các nước phát triển đã trải qua thời kỳ công nghiệp hoá với hệ thống thị trường được hình thành từ lâu, tương đối ổn định và rộng khắp. Các nước phát triển đều tiến hành phát triển kinh tế trên cơ sở vật chất kỹ thuật đồ sộ với những trang thiết bị to lớn và tối tân, công nghệ hiện đại... Nhờ vậy lượng sản phẩm sản xuất ra rất nhiều, chất lượng sản phẩm cao, chi phí sản xuất thấp..., tức là các sản phẩm đều thuộc loại cạnh tranh “có hạng” trên thế giới. Sản phẩm tiêu dùng ở những nước phát triển thuộc loại sản phẩm cao cấp và phần lớn nông sản được chế biến trước khi bán cho người tiêu dùng. Với tiềm lực kinh tế lớn và do làm chủ được thị trường, nền kinh tế các nước này phát triển tương đối ổn định. Các nước này thường cạnh tranh gay gắt với nhau và giữ thế mạnh trong cạnh tranh với các nước đang phát triển. Sự thâm nhập tư bản giữa các nước là đặc điểm khá nổi bật trong quá trình phát triển kinh tế ở những nước này. Đặc điểm trong nông nghiệp Bản thân nông nghiệp là một ngành mang lại hiệu quả kinh tế thấp và chịu nhiều rủi ro nên trong thời kỳ đầu công nghiệp hoá, nông nghiệp bị xem nhẹ vì các nguồn lực kinh tế của đất nước cần phải tập trung cho các ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy nông nghiệp trở nên lạc hậu nhiều so với công nghiệp. Đặc điểm này có thể thấy ở hầu khắp các nước phát triển. Sự trả giá đó là gay gắt và gây ảnh hưởng xấu đến đời sống người làm nông nghiệp, tác động xấu đến nông thôn không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả mặt xã hội. Tuy nhiên sau khi xây dựng được một nền công nghiệp lớn mạnh, việc cải tạo nông nghiệp trở nên đơn giản hơn, trước hết là sự tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (nhất là hệ thống thuỷ lợi, giao thông, điện và hệ thống thông tin liên lạc). Trong quá trình đó lao động nông thôn được thu hút sang lĩnh vực phi nông nghiệp, cơ cấu kinh tế nông thôn được chuyển dịch mạnh mẽ, thu nhập từ phi nông nghiệp của nông dân tăng dần và tỷ trọng thu nhập từ nông nghiệp ngày càng nhỏ. Nông nghiệp còn được hỗ trợ to lớn của Nhà nước về trợ giá và các hỗ trợ khác. Tuy nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế nhưng đó lại là một nền nông nghiệp thâm canh ở trình độ cao (thuỷ lợi hoá, cơ giới hoá, điện khí hoá, hoá học hoá, sinh học hoá...), sức sản xuất lớn, hiệu quả kinh tế cao và sức cạnh tranh lớn. Nông nghiệp được phát triển dựa trên cơ sở hạ tầng vững mạnh, trình độ kỹ thuật tiên tiến, các quy trình kỹ thuật được tôn trọng nghiêm ngặt bởi tính công nghiệp hoá cao của nó. Phát triển nông nghiệp theo kiểu công nghiệp, liên kết chặt chẽ với nhau ở tất cả các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ là đặc trưng của nông nghiệp ở các nước phát triển. Nông nghiệp ở các nước phát triển mang tính hàng hoá cao, sản phẩm chủ yếu được dùng làm 51 nguyên liệu cho công nghiệp. Từ đó vấn đề tiêu thụ sản phẩm (hay các kênh tiêu thụ sản phẩm) được đặt ra ngay từ khi bắt đầu sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Sự hỗ trợ của công nghiệp chế biến công nghệ cao và tính hợp lý trong bố trí tiêu thụ sản phẩm sẽ rất hiệu nghiệm đối với nông nghiệp. Với mức sống cao, sức mua trong nước lớn và khối lượng sản phẩm tiêu thụ ở thị trường trong nước rất lớn, trong khi đó sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của các nước phát triển là những sản phẩm tinh, có sức cạnh tranh cao. 4.2.2. Đặc điểm, mục tiêu và giải pháp phát triển nông nghiệp ở các nước đang phát triển Đặc điểm chung Các nước đang phát triển đang tiến hành công cuộc công nghiệp hoá đất nước với cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, kỹ thuật sản xuất lạc hậu, thủ công là chính... Vì vậy kết quả sản xuất thấp, hiệu quả kinh tế thấp và không ổn định, rất phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Những nước này thường có các tài nguyên thiên nhiên tương đối phong phú, nguồn nhân lực dồi dào nhưng do chưa giải phóng được khỏi nông nghiệp nên sức sản xuất non kém, thu nhập thấp và đời sống nhân dân còn rất khó khăn... Trước đây hầu hết các nước đang phát triển là thuộc địa với nền kinh tế phụ thuộc vào “Chính quốc” và bị vơ vét bóc lột nặng nề, đặc biệt về tài nguyên thiên nhiên và nhân công rẻ mạt. Trong những năm gần đây, giữa những nước này đã có sự phân hoá thành các nhóm nước sau: Nhóm nước NICs với tốc độ phát triển nhanh, kinh tế thường được tập trung vào các ngành mũi nhọn như điện tử, thương mại, trong khi đó nông nghiệp bị xem nhẹ. Nhóm nước kém phát triển (khoảng 40 nước) với trình độ sản xuất vô cùng thấp kém (nông nghiệp quảng canh), nạn đói xảy ra triền miên... Rất nhiều vấn đề kinh tế - xã hội nổi cộm ở những nước này buộc phải có sự quan tâm của các tổ chức kinh tế quốc tế. Nhóm những nước còn lại đã giải quyết được an ninh lương thực, vượt qua đói kém, đang từng bước thực hiện có hiệu quả công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước và đã đạt được một số thành tựu trong phát triển kinh tế, dần dần vươn lên giành dật vị trí nhất định trong cộng đồng kinh tế nhân loại. Đặc điểm trong nông nghiệp Ở các nước đang phát triển, dân cư tập trung phần lớn trong nông thôn và nông nghiệp là nguồn sống chính của người dân nông thôn. Sự phát triển yếu ớt của công nghiệp đã không cho phép các nước nàycó thể nhanh chóng giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội nan giải như đời sống thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao, dân số tăng nhanh... Trong nông nghiệp người dân quan tâm trước hết đến sản xuất lương thực (sản xuất lương thực mang tính độc canh). Loanh quanh giải quyết vấn đề lương thực làm cho các nước đang phát triển rơi vào tình trạng lẩn quẩn vì các nguồn lực thường phải tập trung cho những ngành kém hiệu quả. Trình độ khai thác nguồn lực kém dẫn đến sử dụng không hợp lý, các nguồn lực bị lãng phí... Sức sản xuất của các nước đang phát triển thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, lao động thủ công là chủ yếu, nông nghiệp phụ thuộc vào tự nhiên, kết quả sản xuất bấp bênh, hiệu quả kinh tế thấp, thu nhập thấp, đói kém thường xuyên xảy ra. 52 Sản xuất nặng về tự sản tự tiêu, trình độ chuyên môn hoá thấp, tỷ suất hàng hoá thấp, quy mô sản xuất nhỏ, tổ chức sản xuất phân tán... là điểm nổi bật về trình độ sản xuất hàng hoá của nông nghiệp các nước đang phát triển. Không ổn định trong quy hoạch (ở tầm vĩ mô) và lúng túng trong việc xác định phương hướng sản xuất ở các vùng, các địa phương, các cơ sở sản xuất là điều thường thấy ở các nước đang phát triển. Các nước đang phát triển là thị trường nhập khẩu vật tư tiềm năng rộng lớn của các nước phát triển và là nơi xuất khẩu sản phẩm thô cho họ (do không có trang thiết bị chế biến tốt, công nghệ chế biến thủ công lạc hâu, không có thị trường, sức cạnh tranh của sản phẩm yếu...). Để tổ chức tốt công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, các nước đang phát triển cần xác định cho mình các mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế phù hợp. - Các mục tiêu phát triển kinh tế chủ yếu An ninh lương thực: Giải quyết đói nghèo là mục tiêu to lớn trước mắt và lâu dài cần tập trung giải quyết ở các nước đang phát triển. Tuỳ điều kiện từng nước sẽ có các con đường giải quyết khác nhau nhưng rõ ràng về mặt kỹ thuật không thể phát triển lương thực theo lối quảng canh và về mặt thể chế cần phát huy vai trò chủ động của kinh tế hộ. An ninh lương thực thể hiện ở tính chủ động sẵn sàng cung ứng lương thực trong mọi điều kiện và tính tiếp cận cao của người tiêu dùng với mọi biến động về giá lương thực. Từ một khía cạnh khác, an ninh lương thực còn cần được thoả mãn về các yêu cầu về an toàn thực phẩm. Việt Nam là một nước nông nghiệp, giải quyết lương thực cực kỳ khó khăn. Trước đây dưới ách thống trị của đế quốc, phong kiến, những nạn đói kinh niên, đói giáp hạt thường xảy ra trên diện rộng, đặc biệt nạn đói năm 1945 đã làm chết 2 triệu người (trong tổng số dân hơn 20 triệu người). Sau này chúng ta đã có nhiều chủ trương tập trung sức giải quyết vấn đề lương thực. Tuy nhiên mãi đến năm 1987 Việt Nam vẫn còn phải nhập gần 1 triệu tấn lương thực. Nghị quyết 10 BCT (15/4/1988) về Dổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp đã thực sự trao quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh cho kinh tế hộ. Điều kỳ diệu đã xảy ra là ngay sau đó chúng ta đã giải quyết được vấn đề lương thực, đủ lương thực cho tiêu dùng trong nước, dự trữ và có lương thực xuất khẩu, đứng hàng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo. Liên tiếp từ đó đến nay chúng ta vẫn chủ động giải quyết tốt vấn đề lương thực, lượng gạo xuất khẩu tăng đều qua các năm và trước khi bước vào thế kỷ XXI, Việt Nam đã trở thành nước lớn thứ 2 về xuất khẩu gạo. Mặc dù vẫn còn một số địa phương và một số người bị đói kém, mặc dù vấn đề vệ sinh thực phẩm chưa được giải quxết tốt nhưng nước ta đã được xếp vào danh sách những nước an ninh lương thực trên thế giới. Phát triển các sản phẩm có lợi thế so sánh: Các nước đang phát triển đang “sống trên đống của” với những lợi thế tuyệt đối và lợi thế so sánh trong sản xuất hàng đặc sản (dầu khí, khoáng sản, sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới, sản phẩm biển, rừng...). Những sản phẩm này mang lại tích luỹ hay được trao đổi lấy ngoại tệ cho đất nước. Vì vậy quan tâm khai thác sản xuất những sản phẩm này là một mục tiêu góp phần làm cho “dân giầu, nước mạnh”... 53 Cũng như các nước đang phát triển khác, Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế. Khai thác các thế mạnh đó đang là nhiệm vụ đặt ra cho các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương. Gọi vốn: Để thực hiện công nghiệp hoá đất nước cần một lượng vốn đầu tư lớn. Với tình trạng sản xuất thấp kém trong nước, tích luỹ từ nông nghiệp thật không đáng kể. Muốn cho nền kinh tế “cất cánh” các nước đang phát triển cần phải gọi vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế và các nước khác (chủ yếu là các nước phát triển). Đây là mục tiêu không kém phần quan trọng nếu không muốn kéo dài tình trạng trì trệ của nền kinh tế. - Các giải pháp phát triển kinh tế chủ yếu Xác định chiến lược phát triển kinh tế: Đây là giải pháp trước tiên giúp định hình mô hình phát triển kinh tế lâu dài của đất nước được coi như sự lựa chọn cơ bản chi phối toàn bộ các hoạt động kinh tế sau này. Nội dung chiến lược bao gồm cả việc định ra các mục tiêu lâu dài và các giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế. Theo đó là một loạt các kế hoạch phát triển kinh tế dài hạn và ngắn hạn nhằm từng bước thực hiện chiến lược đã nêu ra. Nếu không có chiến lược sẽ không có định hướng và từ đó gây rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết nhiều vấn đề nảy sinh chồng chéo hoặc mâu thuẫn nhau. Quy hoạch: Căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế cần tiến hành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch nhiệm vụ phát triển cụ thể đối với từng ngành, vùng, lĩnh vực kinh tế... Các địa phương sẽ căn cứ vào quy hoạch của Trung ương để tiến hành quy hoạch cụ thể trong phạm vi của mình. Các cơ sở sản xuất kinh doanh cần căn cứ vào quy hoạch chung để tiến hành quy hoạch cụ thể nhiệm vụ phát triển kinh tế của mình. Làm như vậy sẽ không xảy ra mâu thuẫn giữa toàn cục và cục bộ, tránh được lãng phí trong đầu tư do phải làm đi làm lại, từ đó có thể xây dựng được mối quan hệ liên kết giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương, giữa các doanh nghiệp... Từng bước tăng cường cơ sở hạ tầng: Xuất phát từ vai trò của cơ sở hạ tầng trong sản xuất, xuất phát từ điều kiện tài chính cụ thể cần từng bước tăng cường cơ sở hạ tầng theo hướng ưu tiên cho sản xuất và những vấn đề bức súc, những vấn đề thiết thực của sản xuất và đời sống. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần được tiến hành theo quy hoạch, thiết kế, bảo đảm chất lượng thi công... Khuyến khích áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới: Phát triển nông nghiệp theo đường lối thâm canh, lựa chọn và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới phù hợp là phương châm đúng đắn đối với các nước đang phát triển. Đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp: Cơ chế quản lý lạc hậu lỗi thời kìm hãm, tạo nên sức ỳ, cản trở sự phát triển kinh tế. Cơ chế quản lý mới tiến bộ sẽ khơi dậy các tiềm năng phát triển kinh tế, phát huy các nội lực, phát triển được các quan hệ liên kết mới, từ đó nâng cao sức sản xuất trong quá trình phát triển kinh tế. Đổi mới cơ chế quản lý cần được thực hiện đồng bộ trong tất cả các lĩnh vực, các ngành, các cấp, các địa phương, các doanh nghiệp, các trang trại, các hộ nông dân... Giải quyết tốt các vấn đề kinh tế - xã hội - môi trường: Trên thực tế có rất nhiều vấn đề kinh tế - xã hội vốn có cần giải quyết, rất nhiều vấn đề mới nảy sinh. Quan tâm đến các vấn 54 đề này có nghĩa là đã ngăn chặn được các yếu tố xã hội tiêu cực ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển. Giừ gìn truyền thống, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, thuần phong mỹ tục, giữ gìn và bảo vệ tài nguyên môi trường... là biện pháp hữu hiệu bảo đảm cho sự phát triển bền vững trong nông nghiệp nông thôn.. Nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực: Dân trí là yếu tố quyết định ảnh hưởng đến thành công của các hoạt động mang tính cộng đồng. Trình độ dân trí thể hiện ở trình độ văn hoá, am hiểu về chính sách của Chính phủ và các vấn đề xã hội khác..., từ đó có thái độ ứng xử tiến bộ, hợp với yêu cầu quy luật phát triển. 4.3. MỘT SỐ CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP ĐIỂN HÌNH TRÊN THẾ GIỚI 4.3.1. Các chính sách tác động trực tiếp đến phát triển nông nghiệp Chính sách đất đai Mục tiêu của chính sách đất đai nhằm tạo nên sự công bằng giữa những người sản xuất nông nghiệp, quản lý tốt đất nông nghiệp và trong dài hạn cần tập trung đất nông nghiệp về tay những người sản xuất giỏi để làm ra ngày càng nhiều sản phẩm trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Các hợp phần của chính sách đất đai bao gồm: chính sách cải cách ruộng đất (CCRĐ) và tập trung ruộng đất, chính sách hạn điền, chính sách chuyển quyền sử dụng đất (thừa kế, mua bán, thuê đất...), chính sách về giá đất và thuế sử dụng đất, chính sách thu hồi đất nông nghiệp, chính sách về thời hạn sử dụng đất. Đối tượng của chính sách đất đai là những người sở hữu và sử dụng đất nông nghiệp, Chính sách đất đai ở một số nước Thành công về chính sách cải cách ruộng đất ở Nhật Bản, Hàn Quốc và lãnh thổ Đài Loan... đã duy trì mức phát triển nông nghiệp cao và ổn định trong nhiều năm. Một số nước chưa đạt mục tiêu CCRĐ như Philipin, Ấn Độ... thì gặp khó khăn trong phát triển sản xuất nông nghiệp. + Chính phủ Hàn Quốc thừa nhận sở hữu tư nhân về đất nông nghiệp, nhưng Chính phủ quản lý mục đích sử dụng đất (chỉ những ai đang sử dụng và sẽ sử dụng đất nông nghiệp thì mới có quyền sở hữu đất nông nghiệp), mặt khác Nhà nước phát triển công nghiệp để thu hút lao động dư thừa trong nông thôn, thay đổi mức hạn điền từ 3 ha/hộ đến 30 ha/hộ. + Tháng 12/1945 Nhật Bản ban hành Luật CCRĐ xác lập quyền sở hữu ruộng đất của nông dân, buộc địa chủ có trên 5 ha phải chuyển nhượng đất, phải thanh toán địa tô bằng tiền mặt. CCRĐ lần thứ 2 với nội dung thực hiện chuyển quyền sở hữu đất do Chính phủ quyết định, xác lập quyền sở hữu ruộng đất của nông dân nhằm giảm địa tô. Mức hạn điền mới không vượt quá 1 ha (đối với vùng ít ruộng) và 4 ha (đối với vùng nhiều ruộng), nếu phú nông có 3 ha mà sử dụng không hợp lý sẽ bị trưng thu. Các luật về bảo đảm quyền sở hữu đất của nông dân, luật cải tạo đất nông nghiệp... được ban hành. + Ở Trung Quốc chính sách đất đai thể hiện trong Luật Đất đai ban hành năm 1987 và Luật Quản lý nhà đất thành thị ban hành năm 1999. Văn kiện số 1 (1984) quy định "Kéo dài thời gian giao khoán để khuyến khích người nông dân tăng đầu tư, bồi bổ sức đất, thực hiện 55 thâm canh". Luật Đất đai của Trung Quốc quy đinh 4 chủ sở hữu đất nông nghiệp ở nông thôn là tập thể nông dân xã, tập thể nông dân thôn tự trị, tập thể nhóm nông dân và tổ tự trị. + Nhà nước Hoa Kỳ cấp đất đồng thời cho phép mua, bán, cho thuê để hình thành trang trại (với quy mô bình quân tới 229 ha/trang trại). + Do điều kiện đất chật người đông, Chính phủ Đài Loan rất chú trọng đến tính công bằng trong phân phối quĩ đất nông nghiệp cho nông dân và sử dụng đất có hiệu quả. Về hạn điền, Chính phủ quy định sở hữu tư nhân, mỗi địa chủ không quá 3 ha lúa nước, 6 ha ruộng khô loại có độ màu mỡ trung bình. Nhà nước trưng mua số đất vượt quá mức hạn điền theo giá bằng giá bán cho người lĩnh canh, thanh toán kéo dài trong 10 năm với lãi suất 4%/năm. Diện tích đất nông nghiệp công do Nhà nước hoặc do các tổ chức xã hội cộng đồng quản lý được chuyển lại cho người lĩnh canh (nông dân nghèo). Bên cạnh đó Nhà nước còn cho nông dân vay vốn tín dụng để cải tạo đất, phát triển thuỷ lợi nội đồng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững; Nhà nước đặc biệt chú ý đến chính sách giá đất linh hoạt nhằm đẩy nhanh quá trình tích tụ ruộng đất.. + Hiện nay ở Thái Lan có trên 19.298.906 rai đất nông nghiệp được phân bổ cho 1.388.926 số hộ sản xuất (bình quân 13 rai/hộ). Trên thực tế đất được phân bổ không đều (15,2% hộ có quy mô trên 40 rai sử dụng trên 40% diện tích canh tác, vào cuôi năm 1980 có 8% số hộ không đất.. Vì vậy các chính sách đất đai tập trung vào vấn đề tổ chức cải cách đất nông nghiệp. Chính phủ Thái Lan gặp rất nhiều khó khăn để giải quyết vấn đề này. Chính sách hỗ trợ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp Mục tiêu của chính sách hỗ trợ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp là tăng cường sức sản xuất cho nông nghiệp, giúp người sản xuất nông nghiệp tiếp cận tốt với các yếu tố sản xuất mới để phát huy tiềm năng sản xuất vốn có của mình. Lý do của việc đưa ra chính sách này là do sự non yếu khá toàn diện của các cơ sở sản xuất nông nghiệp (về kỹ thuật sản xuất, khả năng tài chính và tổ chức huy động nguồn lực). Đối tượng của chính sách hỗ trợ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp là nông dân và các cơ sở sản xuất nông nghiệp. Các hợp phần của chính sách hỗ trợ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp bao gồm các chính sách a) tín dụng, b) khuyến nông và tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong nông nghiệp, c) cung ứng vật tư kỹ thuật nông nghiệp. + Chính sách tín dụng Chính sách tín dụng hướng vào việc huy động tối đa các nguồn vốn, thoả mãn nhu cầu về vốn đối với những người sản xuất kinh doanh... và nâng cao hiệu quả kinh tế trong sử dụng vốn. Chính sách tín dụng gồm chính sách huy động vốn; chính sách cho vay dài hạn, ngắn hạn và trung hạn; chính sách quy định về cho vay thế chấp, tín chấp, ưu đãi; chính sách kiểm soát các tổ chức tín dụng chính thống và không chính thống... Đối tượng của chính sách tín dụng là người đi vay và người cho vay. Những người đi vay gồm các trang trại, những hộ nông dân có khả năng trả nợ và những người nghèo. Từng đối tượng vay khác nhau sẽ tiếp nhận các hình thức vay trả khác nhau. Về hình thức tín dụng 56 gồm tín dụng chính thống và tín dụng không chính thống. Ở Nhật Bản, toàn bộ tín dụng cho nông nghiệp nông thôn được đáp ứng thông qua các hợp tác xã nông nghiệp. Hoạt động tín dụng của Chính phủ thông qua các tổ hợp tài chính nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (AFFFC) và các chương trình cho vay đối với nông nghiệp của Chính phủ (GPLAs). Tổ chức tín dụng nông nghiệp chính thống lớn nhất của Thái Lan là Ngân hàng nông nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp (BAAC); thứ đến là hệ thống ngân hàng nông nghiệp Thái Lan, tập đoàn các ngân hàng thương mại, ngân hàng Nhà nước Thái Lan. Chính phủ Phlipin buộc các ngân hàng thương mại phải dành 25% quĩ tiền vay của mình cho nông nghiệp. Chính phủ cũng tổ chức một ngân hàng đặc biệt cung cấp tín dụng cho nông nghiệp là ngân hàng đất đai (dành 60% số vốn huy động để cho vay trong nông nghiệp). Băng La Đet thành công trong mô hình ngân hàng cho những người nghèo (Grameen Bank). Một số tổ chức tài chính lớn trên thế giới và khu vực (IMF, WB, ADB...) cũng dùng một phần vốn của mình để cho vay trong nông nghiệp. + Chính sách khuyến nông Chính sách khuyến nông hướng vào mục tiêu truyền bá kiến thức cho nông dân ngay tại địa bàn sản xuất của họ (vườn cây, ao cá, chuồng trại, ruộng, đồng cỏ..) để họ tự ra các quyết định mà không cần đào tạo chính quy tập trung. Để thực hiện tốt chính sách khuyến nông cần phải hiểu được yêu cầu của người sản xuất nhằm tổ chức huấn luyện, đáp ứng các yêu cầu đó. Vì vậy cần xây dựng chương trình khuyến nông và đào tạo một đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở tinh thông và tâm huyết với nghề nghiệp. Quỹ khuyến nông được huy động từ nhiều nguồn (ngân sách Nhà nước, tài trợ từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế nông thôn và đóng góp của nông dân). Đối tượng của chính sách khuyến nông là nông dân, các chủ trang trại. Các hình thức khuyến nông có thể là: a) phổ biến kiến thức thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như sách, báo, đài, tivi...; b) tập huấn cho nông dân tại cơ sở sản xuất của họ (theo kiểu "cầm tay chỉ việc"); c) hội thảo, triển lãm, tham quan; d) xây dựng mô hình trình diễn... Chính sách khuyến nông đặc biệt được quan tâm ở các nước đang phát triển với mô hình V&T (Visit and Training), tăng cường đào tạo và hoạt động của đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở. + Chính sách cung ứng vật tư kỹ thuật nông nghiệp Chính sách cung ứng vật tư kỹ thuật nông nghiệp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của những người sản xuất nông nghiệp đối với các loại vật tư kỹ thuật mới, từ đó sẽ áp dụng tốt hơn các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất sản phẩm nông nghiệp. Các hợp phần của chính sách cung ứng vật tư kỹ thuật nông nghiệp gồm chính sách hình thành mạng lưới cung ứng vật tư kỹ thuật, chính sách bình ổn giá vật tư kỹ thuật, chính sách hỗ trợ giá đầu vào cho nông dân khi sử dụng vật tư kỹ thuật mới... 57 Ở các nước phát triển, nhất là nước Pháp, Chính phủ đã tăng cường ổn định giá đối với các yếu tố đầu vào của sản xuất nông nghiệp; Mạng lưới cung ứng phân đạm hoá học đặc biệt phát huy có hiệu quả ở Indonesia; Tiến bộ kỹ thuật được áp dụng rất bài bản ở Đài Loan thông qua hợp đồng giữa hợp tác xã và nông dân... Chính sách tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Mục đích của chính sách này là tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ, bảo đảm cho sản phẩm nông nghiệp được tiêu thụ nhanh chóng, vừa thoả mãn nhu cầu người tiêu dùng, vừa giảm hao hụt, tránh thất thoát sản phẩm nông nghiệp. Hợp phần của chính sách tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bao gồm a) chính sách tạo lập và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản và b) chính sách trợ giá sản phẩm nông nghiệp. + Chính sách tạo lập và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản Để mở rộng thị trường cần tăng lượng cầu của các thị trường, tăng sức mua của của dân chúng... Thị trường nông sản gồm rất nhiều cấp độ. Xét theo phạm vi đó là thị trường nội hạt, ngoại hạt, xuất khẩu; Xét theo tính chất của cầu sản phẩm có các thị trường tiêu dùng sản phẩm tươi sống, sản phẩm chế biến, nguyên liệu cho nhà máy hoặc xuất khẩu. Sự chiếm lĩnh thị trường, tạo lập thị trường ổn định với hệ thống sản phẩm cao cấp là lợi thế trong tiêu thụ sản phẩm của các nước phát triển. Tại các nước này, các cơ sở vật chất cho bảo quản và chế biến sản phẩm rất hiện đại, hệ thống chợ bán buôn, bán lẻ đã được hình thành ổn định. Trong nông thôn các hợp tác xã có vai trò to lớn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó việc tiêu thụ sản phẩm ở các nước đang phát triển gặp nhiều khó khăn, hiện tượng dư cung cục bộ thường xuyên xảy ra. Chợ nông thôn với khối lượng tiêu thụ nhỏ không thể đáp ứng yêu cầu tiêu thụ sản phẩm và chất lượng sản phẩm thấp, không đồng đều là một trở ngại lớn, nhất là đối với sản phẩm xuất khẩu. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, sức cạnh tranh non yếu đang là một thách thức lớn đối với tiêu thụ nông sản phẩm của các nước đang phát triển. + Chính sách trợ giá sản phẩm nông nghiệp Ở các nước phát triển với tiềm lực kinh tế to lớn, Chính phủ thường trợ giá bán nông sản nên giá nông sản thường cao, thu nhập của nông dân được bảo đảm (ở Tây Ban Nha, thu nhập của các nông hộ thường lớn hơn thu nhập của giám đốc điều hành của hợp tác xã...), trong khi đó giá nông sản ở các nước đang phát triển thường rất thấp, đặc biệt khi được mùa, làm cho đời sống nông dân gặp khó khăn trong mọi hoàn cảnh. Trợ giá luôn là một đòi hỏi đối với tiêu thụ nông sản, nhất là khi được mùa. Khi được mùa tiêu thụ hàng nông sản trở nên khó khăn, giá cả xuống thấp và lúc đó cần hỗ trợ về chính sách "giá sàn" để tăng giá sản phẩm và tăng lượng hàng tiêu thụ. Vấn đề này không mấy khó khăn đối với các nước phát triển nhưng rất khó khăn đối với các nước đang phát triển. Điều đó đơn giản được giải thích từ sức mạnh kinh tế của những nước này. Thông thường hàng năm Chính phủ Nhật Bản trợ giá cho nông nghiệp khoảng 300 tỷ yên. Tại các nước đang phát triển Chính phủ chỉ có thể trợ giá cho một vài mặt hàng có ý nghĩa quốc kế dân sinh và cũng chỉ cho phép giới hạn trong một phạm vi nào đó. Chính sách xoá đói giảm nghèo 58 Chính sách xoá đói giảm nghèo hướng vào việc hỗ trợ cho người nghèo đói các điều kiện sản xuất cần thiết (và trong chừng mực nhất định cả các điều kiện sinh hoạt), giúp người đói nghèo thoát khỏi đói nghèo, ổn định sản xuất và đời sống. Xét trên ý nghĩa đó đây là một chính sách trực tiếp nâng cao đời sống người nghèo. Chính sách xoá đói giảm nghèo thể hiện ở việc cung cấp tài chính, hỗ trợ vật tư kỹ thuật, bồi dưỡng trình độ sản xuất, tay nghề cho người nghèo. Thực hiện chính sách xoá đói giảm nghèo thường rất khó khăn vì đối tượng của chính sách xoá đói giảm nghèo là những người nghèo đói (những người non yếu về trình độ kỹ thuật và tổ chức sản xuất, đông con và thường chỉ có nguồn thu từ nông nghiệp...). Vốn cho người nghèo vay thường không được sử dụng đúng mục đích, vốn đầu tư cho sản xuất thường bị lạm dụng cho sinh hoạt... Trình độ kỹ thuật non yếu là điều kiện bảo đảm không chắc chắn cho kết quả sản xuất trông đợi. Người nghèo thường phải vay tín chấp nhưng thường "bóc ngắn cắn dài" nên việc thu hồi vốn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy ngân hàng cho người nghèo và các tổ chức tín dụng cho người nghèo vay vốn thường có các hình thức cho vay và thu nợ rất linh hoạt phù hợp với trình độ tiếp thu và khả năng thanh toán của người nghèo. Mô hình nổi tiếng về tín dụng cho người nghèo là tín dụng của Grameen Bank. Ở các nước đang phát triển thường có Ngân hàng người nghèo cho người nghèo vay ưu đãi. Chính sách phát triển kinh tế trang trại Kinh tế trang trại đã hình thành và phát triển trên thế giới hơn 2 thế kỷ nay và giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Các Chính phủ đều khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, đặc biệt là trang trại gia đình. Các trang trại đều nhanh chóng xác định phương hướng sản xuất, tổ chức áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất và đều chú ý giải quyết tốt việc chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm của trang trại ngày càng có chất lượng và nhiều sản phẩm trở thành sản phẩm xuất khẩu. Trong quá trình phát triển, các trang trại đều hướng tới các hoạt động phi sản xuất nông nghiệp (trước hết là chế biến và tiêu thụ nông sản), tỷ trọng thu từ nông nghiệp ngày càng giảm. Ở Mỹ quy mô diện tích 1 trang trại khoảng 180 ha. Với 2,2 triệu trang trại của Mỹ đã sản xuất ra 50% sản lượng ngô và đậu tương của thế giới. Đầu tư của các trang trại Mỹ rất hiện đại. Mỹ đặc biệt quan tâm phát triển trang trại gia đình (chiếm 87% tổng số trang trại cả nước, 65% diện tích đất đai, 70% giá trị nông sản sản xuất ra). Ở Pháp có 98 nghìn trang trại, chủ yếu là trang trại gia đình, quy mô diện tích 1 trang trại khoảng 29 ha và 2,07 lao động (1989). Ở Hà Lan có 128 nghìn trang trại, quy mô diện tích 1 trang trại khoảng 2,2 ha và 2,2 lao động (1987). Ở Nhật Bản có khoảng 4 triệu lao động trang trại, quy mô 1 trang trại khoảng 3 lao động, trong đó lao động nông nghiệp là 1,3. Từ năm 1975 các trang trại ở Hàn Quốc chuyển sang phát triển đa dạng hoá với nhiều loại cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao, quy mô 1 trang trại khoảng 3,3 lao động. Số lượng trang trại ở Indonesia tăng lên nhanh chóng (năm 1963 có 12.273 nghìn trang 59 trại, năm 1983 tăng lên 18.560 nghìn trang trại (2,1%/năm). Tương tự như vậy ở Philipin năm 1948 có 1.639 nghìn trang trại, năm 1980 tăng lên 3.420 nghìn trang trại (2,3%/năm). 4.3.2. Các chính sách tác động gián tiếp Chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp (chống lại tác hại của thiên tai, giảm nhẹ cường độ và tăng năng suất lao động nông nghiệp). Mục tiêu của chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là tạo nên cơ sở vật chất vững mạnh trong nông nghiệp như thuỷ lợi, giao thông, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản phẩm. Ngoài ra, chính sách này còn quan tâm đến các lĩnh vực đời sống, văn hoá để phát triển nông thôn toàn diện, thúc đẩy quá trình đô thị hoá. Có thể chia thành 2 loại đầu tư: đầu tư chung và đầu tư riêng cho từng cơ sở sản xuất. Đầu tư chung do Nhà nước đảm nhận và tuỳ từng phạm vi có thế có đóng góp của địa phương, thậm chí của dân. Đầu tư chung đó tạo nên những tài sản công, thường mang lại lợi ích nhiều hơn cho các cơ sở sản xuất có vị trí thuận lợi. Đầu tư riêng được tiến hành theo kế hoạch của từng cơ sở sản xuất trong sự hỗ trợ về tài chính của Nhà nước. Các nước phát triển thường có đầu tư rất lớn về cơ sở hạ tầng, đô thị hoá nông thôn và mọi khâu (sản xuất, chế biến, tiêu thụ) đều có đầu tư lớn. Hà Lan nổi tiếng về hệ thống đê bao ngăn mặn; Nhật Bản với sự hoàn thiện về hệ thống tưới... là những minh chứng về sự đầu tư lớn cho nông nghiệp. Ở các nước đang phát triển, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, thiên tai chậm được khắc phục... Đài Loan ưu đãi về tài chính cho nông nghiệp (2/3 viện trợ Mỹ dành cho phát triển cơ sở hạ tầng và nông nghiệp, chỉ có 1/5 cho công nghiệp). Nông nghiệp Thái Lan phát triển toàn diện kể cả công nghệ sau thu hoạch và chế biến. Ở Thái Lan có hơn 1/4 số xí nghiệp gia công chế biến sản phẩm được phân bố ở nông thôn. Chính sách quản lý giống cây trồng vật nuôi Mục tiêu của chính sách này nhằm giữ gìn các nguồn gien thuần, quí, tránh lạm dụng tuỳ tiện tạp giao trong phối giống... để tìm ra hệ thống giống thích hợp cho vùng sinh thái. Chính sách này thường được tôn trọng nghiêm ngặt ở các nước có trình độ cao và bị xem thường ở các nước có trình độ thấp. Các hợp phần của chính sách này gồm: a) tăng cường năng lực nghiên cứu của các cơ quan khoa học, khuyến khích cán bộ có tài năng tìm ra những giống mới có năng suất cao, sức chống chịu lớn; b) quản lý các giống cây, con, ngăn ngừa phổ biến các giống xấu... Đối tượng thực hiện chính sách này không chỉ gồm những người sản xuất nông nghiệp mà còn bao gồm cả các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao, các trung tâm khuyến nông... Các nước có trình độ cao đặc biệt quan tâm đến vấn đề quản lý giống cây trồng, vật nuôi. Hệ thống giống cây trồng, vật nuôi của họ là chuẩn mực, việc chọn lọc, lai tạo, áp dụng giống mới trong sản xuất đều được tuân thủ theo các quy trình nghiêm ngặt. Vì vậy ngân hàng gien ở đây rất đầy đủ. Tại các Viện nghiên cứu lớn về giống trên thế giới có cất giữ rất nhiều giống với lý lịch rõ ràng. Sự tuỳ tiện trong sản xuất và cung ứng giống cây trồng, vật nuôi ở những nước đang 60 phát triển đã sinh ra nhiều giống tạp, giống chất lượng kém, lẫn giống... gây khó khăn rất lớn cho người sản xuất. Chính sách khuyến khích xuất khẩu nông sản Mục tiêu của chính sách này là khuyến khích và nâng đỡ xuất khẩu nông sản, nhất là những sản phẩm có lợi thế so sánh. Từ việc tăng khối lượng hàng hoá xuất khẩu thu nhập của các doanh nghiệp, những người sản xuất sẽ được tăng thêm. Các hợp phần của chính sách khuyến khích xuất khẩu nông sản gồm chính sách miễn giảm thuế xuất khẩu, mở rộng hạn ngạch xuất khẩu, trợ giá xuất khẩu... Đối tượng của chính sách khuyến khích xuất khẩu nông sản là những người tham gia xuất khẩu nông sản, trước hết là những người sản xuất ra nông sản phẩm có tham gia xuất khẩu nông sản. Chính sách khuyến khích xuất khẩu nông sản ở một số nước Các nước phát triển có lợi thế về xuất khẩu hàng hoá nông sản, sản phẩm của họ thường là các sản phẩm tinh, tiêu thụ ở các thị trường tương đối ổn định. Các nước đang phát triển đang trong quá trình tìm kiếm thị trường nên Chính phủ rất khuyến khích những doanh nghiệp, cá nhân tổ chức xuất khẩu được nhiều hàng hoá. Chính phủ Mỹ quan tâm đến ứng dụng vật tư thiết bị hiện đại cho sản xuất nông nghiệp, trợ cấp cho xuất khẩu nông sản (ví dụ năm 1994 trợ cấp 1,15 tỷ USD). + Chính phủ Indonesia quy định công nghiệp nông thôn phải kết hợp với nông nghiệp nhằm tạo việc làm, tăng lương thực, tăng thu nhập và tăng sản phẩm xuất khẩu. Chương trình giảm thuế cho phép các các công ty sản xuất hàng hoá xuất khẩu được trực tiếp nhận nguồn nguyên liệu rẻ nhất mà không phải nộp bất cứ loại thuế nào và được hoạt động trong điều kiện như trong một khu chế xuất. Từ đó đã làm tăng kim ngạch xuất khẩu một cách đáng kể (1981 xuất khẩu trị giá 4,5 tỷ USD, 1986 đạt 6,5 tỷ USD, 1991 đạt 18,25 tỷ USD). + Chính phủ Trung Quốc có chính sách quản lý xuất nhập khẩu rất chặt chẽ, hạ thấp thuế xuất khẩu, đa dạng hoá các hình thức xuất khẩu, kể cả hình thức xuất khẩu phi mậu dịch. + Malaysia thực hiện chính sách khuyến khích tài chính, tiền tệ nhằm phát triển trồng, chế biến và xuất khẩu các nông sản có lợi thế trên quy mô lớn, trợ giúp phí tổn khi xuất khẩu nông sản, trợ giúp các nhà xuất khẩu thâm nhập thị trường mới, xây dựng các kho chứa, bảo quản, đổi mới công nghệ, tín dụng... + Từ năm 1977 Thái Lan đã có chính sách đa dạng hoá nền kinh tế theo hướng sản xuất sản phẩm xuất khẩu; khuyến khích nông dân vừa chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vừa nâng cao giá trị nông sản và hàng hoá có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Trong sự thành công của chiến lược xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, sự phát triển công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm đóng vai trò hết sức quan trọng... Chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế Mục tiêu của chính sách này là sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực tại chỗ, chuyển các nguồn lực từ các lĩnh vực kém hiệu quả sang các lĩnh vực có hiệu quả kinh tế cao và bảo đảm sự phát triển bền vững của kinh tế nông thôn. Thông thường chính sách này sẽ giúp chuyển các nguồn lực từ nông nghiệp sang công 61 nghiệp và dịch vụ nông thôn, từ trồng trọt sang chăn nuôi, từ sản phẩm độc canh sang các sản phẩm đa canh, từ sản phẩm mang tính tự sản tự tiêu sang sản xuất hàng hoá... Chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế được thực hiện trên cơ sở kết hợp tổng hợp của nhiều chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn. Đối tượng của chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế là các tác nhân sử dụng các nguồn lực kinh tế trong nông thôn, các nhà đầu tư về nông thôn. Chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn ở một số nước + Ẩn Độ có chương trình phát triển nông thôn tổng hợp, phát triển tiểu thủ công nghiệp ngành nghề nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm đói nghèo. + Trung Quốc có chính sách phát triển xí nghiệp hương trấn nhằm ngăn chặn dòng người khổng lồ thiếu việc làm ở nông thôn tràn vào thành phố. + Đài Loan có chính sách khuyến khích phát triển các xí nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn + Thái Lan có chính sách đa dạng hoá kinh tế nông thôn, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn và ngành nghề truyền thống... Chính sách hợp tác hoá nông nghiệp Mục tiêu của chính sách hợp tác hoá nông nghiệp là hướng dẫn nông dân tổ chức các hợp tác xã nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của họ. Các hợp phần của chính sách hợp tác hoá nông nghiệp bao gồm: + Tổ chức nông dân xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp + Hướng dẫn hình thành hệ thống Liên minh hợp tác xã + Tạo cơ chế phát huy chức năng của hợp tác xã trong việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cung ứng vốn và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho hộ xã viên. + Bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã. Đối tượng của chính sách hợp tác xã nông nghiệp là các nông hộ và các cơ sở sản xuất - kinh doanh trong nông thôn. Mô hình kinh tế hợp tác xã đã được hình thành từ lâu. Hình thành nên các hợp tác xã là ý tưởng vĩ đại, được hình thành một cách tự nhiên từ nhu cầu thực tế của con người trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến nay ý tưởng đó đã tồn tại phát triển được hơn 150 năm và được chứng minh bằng thực tiễn sinh động của phong trào hợp tác hoá trên thế giới. + Năm 1847 ở CHLB Đức, F. W. Raiffecson đã sáng lập ra hợp tác xã dịch vụ phúc lợi đầu tiên ở nông thôn. Sau đó phát triển sang lĩnh vực nông nghiệp và trở thành một mô hình phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trong nông nghiệp hàng hoá của nhiều nước trên thế giới. + Ở Nhật Bản hình thành các hợp tác xã đa ngành là chủ yếu. Năm 1947 Chính phủ ban hành Luật Hợp tác xã nông nghiệp trên cơ sở thực hiện nguyên tắc tự nguyện và dân chủ của nông dân. + Hà Lan đã có hợp tác xã hơn 100 năm nay. Phần đông nông dân tham gia 2, 3 hoặc 4 hợp tác xã khác nhau.. Hợp tác xã được hình thành rộng khắp, đáp ứng 90% hoạt động tài chính cho nông hộ, nông trại, cung ứng trên 50% phân hoá học, nhiều hợp tác xã chế biến, tiệu thụ sữa đường được hình thành. 62 + Theo quy định của các Bang ở Mỹ, ngay từ những năm 1920, hợp tác xã có thể do các chủ trại thành lập để cùng hoạt động buôn bán hoặc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của chủ trại. Nhìn chung có thể phân các hợp tác xã của chủ trại thành 3 loại (hợp tác xã tiêu thụ, hợp tác xã cung ứng và hợp tác xã chuyên các khâu dịch vụ). Có 4 cấp hợp tác xã: Hợp tác xã cấp cơ sở của chủ trại; Hợp tác xã cấp khu vực; Hợp tác xã cấp liên khu vực và Hợp tác xã cấp toàn quốc. + Những năm 80, số lượng các hợp tác xã ở Anh tăng 40 lần so với những năm 70 (cuả thế kỷ 20). + Ở Indonesia năm 1977 có 17.430 hợp tác xã với 7,61 triệu xã viên, năm 1983 có 5.911 hợp tác xã. + Ở Thái Lan năm 1990 có 3.009 hợp tác xã, năm 1993 có 3.453 hợp tác xã. Có nhiều loại hợp tác xã (hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã tiết kiệm và tín dụng, hợp tác xã tiêu thụ, hợp tác xã dịch vụ, hợp tác xã khai khẩn đất đai và hợp tác xã ngư nghiệp). Hợp tác xã được tổ chức theo 3 cấp: Liên hiệp hợp tác xã cấp cơ sở (huyện); Liên hiệp hợp tác xã cấp tỉnh và Liên đoàn hợp tác xã quốc gia (nhập vật tư bán cho nông dân và tiêu thụ lúa gạo). Chính sách giải quyết việc làm Mục tiêu của chính sách giải quyết việc làm là thoả mãn nhu cầu việc làm cho lao động nông thôn nhằm huy động triệt để hơn thời gian lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn. Yêu cầu chính sách giải quyết việc làm một mặt tạo nhiều việc làm, một mặt cần sử dụng lao động có hiệu quả để tăng thu nhập. Trên cơ sở cân đối lao động trong quá trình đô thị hoá, cần tạo nên sự phân công lao động tại chỗ, tránh chuyển dịch lao động về thành phố. Bên cạnh phân công lại lao động theo ngành, cần chú ý đến phân công lại lao động theo lãnh thổ... góp phần điều chỉnh lại mật độ dân số nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng phát triển kinh tế ở mọi vùng. Các hợp phần của chính sách giải quyết việc làm gắn bó với hợp phần của các chính sách khác như vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn; phát triển công nghiệp và dịch vụ nông thôn; khai hoang; di dân; phát triển các chương trình, dự án phát triển nông thôn... Đối tượng của chính sách giải quyết việc làm là lao động nông thôn, đặc biệt ở các vùng thuần nông, thiếu việc làm... Chính sách giải quyết việc làm ở một số nước Từ năm 1978 Trung Quốc thực hiện phương châm "ly nông bất ly hương", "nhập xưởng bất nhập thành". Do phát triển mạnh mẽ của công nghiệp nông thôn, tỷ trọng lao động nông nghiệp từ trên 50% (những năm 50) còn 14,2% (1988). Chính sách lớn của Trung Quốc về giải quyết việc làm là phát triển xí nghiệp hương trấn tại các vùng nông thôn. Đài Loan với chính sách phát triển các xí nghiệp nhỏ và vừa (N&V) có tính gia tộc đã tạo nên sự phát triển tương đối ổn định trong nông thôn (1993 ở nông thôn Đài Loan đã có 700 nghìn xí nghiệp N&V, chiếm 98% số xí nghiệp và 26% lao động của ngành công nghiệp). 63 Thái Lan giải quyết việc làm trên cơ sở phát triển đa dạng hoá kinh tế nông thôn, quan tâm đến phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống và đặc biệt là công nghiệp chế biến nông sản theo kiểu liên kết tam giác (Nhà nước-Công ty-Hộ gia đình). Tài liệu tham khảo 1.Vũ Trọng Bình (2008), Phát triển nông thôn Trung Quốc, Hiện trạng, lý luận, chính sách và giải pháp, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội. 2.Phạm Vân Đình (1998), Phát triển xí nghiệp hương trấn ở Trung Quốc, NXB Nông nghiệp, Hà Nội. 3.Frank Ellis (1953), Chính sách nông nghiệp trong các nước đang phát triển, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội. 4.Hoàng Hải(1996), Nông nghiệp châu Ẩu những kinh nghiệm phát triển, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội. 5.Micheal P. Todaro (1998), Kinh tế học cho thế giới thứ ba, NXB Giáo dục, Hà Nội. 6.Võ Thị Thanh Thu (2001), Chiến lược thâm nhập thị trường Mỹ, NXB Thống kê, Hà Nội. 7.Đào Minh Tú (2001), Một số kinh nghiệm xây dựng và điều hành chính sách tín dụng ở các nước trong khu vực và châu Á, Tạp chí Ngân Hàng, số 12/2001, Hà Nội. Câu hỏi thảo luận 1. Phân tích quá trình phát triển của nông nghiệp hiện đại thế giới? 2. Phân tích đặc điểm phát triển nông nghiệp ở các nước trên thế giới? 3. Trình bày các chính sách nông nghiệp điển hình trên thế giới? 64 Chương 5. CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM Chương này đề cập đến nhiệm vụ chiến lược cùng các chính sách nông nghiệp chủ yếu trong các giai đoạn phát triển của cách mạng Việt Nam; đặc điểm họach định chính sách nông nghiệp ở Việt Nam; yêu cầu, nội dung chính và tác động của một số chính sách chủ yếu trong nông nghiệp Việt Nam. Các chính sách được trình bày gồm chính sách đất đai, chính sách vốn, tín dụng trong nông nghiệp, chính sách giá, chính sách marketing, chính sách khuyến nông, chính sách khuyến khích áp dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chính sách đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp. 5.1. CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM 5.1.1. Giai đoạn từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1954 Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Chính quyền cách mạng vừa được thiết lập, còn đang non trẻ đã phải đương đầu với "giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm". Nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng trong giai đoạn này là tập trung sức người, sức của cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Chính sách nông nghiệp của Chính phủ ở giai đoạn này chủ yếu là động viên tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, huy động lương thực cho tiền tuyến, thực hiện giảm tô, giảm tức cho nông dân ở các vùng giải phóng. Nhờ các chính sách này mà sản xuất nông nghiệp được khôi phục và phát triển. Sản lượng lương thực quy thóc năm 1954 ở vùng giải phóng đạt 3 triệu tấn, tăng 13,7% so với năm 1946. Nền kinh tế ở giai đoạn này phát triển nhanh hơn giai đoạn trước, khắc phục được nạn đói, do đó củng cố lòng tin của nhân dân vào chính quyền cách mạng. 5.1.2. Giai đoạn từ năm 1955 đến năm 1960 Sau thất bại ở Điện Biên Phủ, thực dân Pháp đã phải ký Hiệp định Giơnevơ năm 1954 chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Nước Việt Nam lúc này tạm thời bị chia cắt làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời. Ở miền Bắc, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà tiếp tục lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước. Giai đoạn này bắt đầu bằng kế hoạch ba năm khôi phục và phát triển kinh tế (1955 - 1957) và tiếp theo là thời kỳ cải tạo nền kinh tế theo CNXH (1958 - 1960). Nền kinh tế miền Bắc vốn chủ yếu là nông nghiệp lại đứng trước hậu quả hết sức nặng nề do chiến tranh để lại. Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tháng 8/1954 đã đề ra kế hoạch 3 năm (1955 - 1957) khôi phục, phát triển kinh tế. Chính sách trong nông nghiệp lúc này là "cải cách ruộng đất là trung tâm". Tháng 2/1954 cải cách ruộng đất được thực hiện trên phạm vi 3.653 xã thuộc 22 tỉnh miền Bắc. Cuối năm 1957 cải cách ruộng đất đã cơ bản được hoàn thành. Mặc dù cải cách ruộng đất có một số sai lầm tả khuynh, sau đó phải sửa sai, nhưng nó vẫn là một thắng lợi lớn. Cải cách ruộng đất đã chia 81 vạn hecta ruộng, 74 nghìn con trâu bò cho trên 2,1 triệu hộ nông dân. Khẩu hiệu "người cày có ruộng" đề ra từ những năm 30 đã được thực hiện. Chính sách thuế nông nghiệp lúc này dựa trên cơ sở phân hạng đất đai và xác định tỷ suất thuế theo hạng đất. Ở khu vực quốc doanh nông nghiệp có hình thành các nông trường quốc doanh, nông trường quân đội và liên đoàn sản xuất miền Nam, các trạm máy kéo máy móc nông nghiệp. 65 Từ 1958 - 1960 miền Bắc tiến hành cải tạo XHCN. Tháng 4/1958 Quốc hội thông qua kế hoạch 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế (1958 - 1960). Nội dung chủ yếu của công cuộc cải tạo là “Biến nền kinh tế nhiều thành phần thành nền kinh tế XHCN với 2 hình thức sở hữu chính là quốc doanh và tập thể”. Trên tinh thần đó khâu đột phá của công cuộc cải tạo là đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể. Quá trình tập thể hoá trong nông thôn được tiến hành từng bước dần từ thấp đến cao (tổ đổi công - hợp tác xã bậc thấp - hợp tác xã bậc cao). Kết quả là đến năm 1960 đã có 85,8% hộ nông dân với 68,1% diện tích đất canh tác được tập thể hoá, 2760 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, 276 tổ đổi công, 285 hợp tác xã nghề muối. Ngoài ra, các ngành thương nghiệp, tín dụng, giao thông vận tải... cũng thành lập các hợp tác xã. Ngành nông trường quốc doanh được tổ chức lại, các loại nông trường quốc doanh (nông trường quốc doanh, nông trường quân đội và liên đoàn sản xuất miền Nam) được sát nhập lại, gọi chung là nông trường quốc doanh, cả nước có 56 nông trường quốc doanh. 5.1.3. Giai đoạn từ năm 1961 đến năm 1975 Đây là giai đoạn thực hiện song song 2 nhiệm vụ chiến lược "Xây dựng CNXH ở miền Bắc và chi viện cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam". Tháng 9/1960 Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam đã đề ra kế hoạch xây dựng và phát triển kinh tế 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Tháng 7/1961 Hội nghị lần thứ 3 BCH Trung ương Đảng đã họp đề ra những quyết sách cho nông nghiệp: "củng cố và phát triển hợp tác xã nông nghiệp và nông trường quốc doanh, phát triển nông nghiệp một cách vững chắc, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho nông nghiệp, thuỷ lợi hoá, dần dần cơ giới hoá một bước"... Trong thời kỳ này miền Bắc tiến hành xây dựng các cơ sở vật chất bước đầu, nổi bật trong nông nghiệp là thủy lợi; tiến hành cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã và đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho hợp tác xã. Cải tiến quản lý hợp tác xã được thực hiện trên 3 mặt (tài chính, lao động và phân phối). Năm 1972 cuộc vận động "Tổ chức lại sản xuất" được tiến hành trên toàn miền Bắc, các đội sản xuất tổng hợp và các đội chuyên trong các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp được thành lập. Chính sách phát triển kinh tế của giai đoạn này nhằm tăng cường sản xuất, đóng góp sức người sức của cho tiền tuyến. Do hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ(chủ yếu là 1966 - 1967 và 1971 1973) nên chủ trương phát triển kinh tế phải vừa phát triển kinh tế Trung ương, vừa phát triển kinh tế địa phương. 5.1.4. Giai đoạn từ 1976 đến năm 1980 Đây là giai đoạn cải tạo XHCN kinh tế miền Nam và phát triển kinh tế trong cả nước. Kế hoạch 5 năm (1976 - 1980) được đặt ra, trọng tâm là cải tạo nền kinh tế và tập trung giải quyết vấn đề lương thực. Ở miền Nam, công cuộc cải tạo XHCN được tiến hành trong nông nghiệp. Nhiều HTX và tập đoàn sản xuất nông nghiệp ra đời. Phong trào hợp tác hoá phát triển mạnh ở cả hai miền với mô hình tập thể hoá, chuyên môn hoá cao. Tuy nhiên, phong trào phát triển nhanh mà không vững chắc, mất cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng lương thực, thực phẩm. Sản lượng lúa giảm (năm 1976 đạt 11,827 triệu tấn thì đến năm 1978 chỉ đạt 9,790 triệu tấn), cả 66 nước nhập khẩu 1,708 triệu tấn lương thực. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước bị thua lỗ nghiêm trọng. Lạm phát luôn tăng ở mức hai con số. Do vậy, nền kinh tế lúc này đã bắt đầu có dấu hiệu rơi vào tình trạng khủng hoảng. 5.1.5. Giai đoạn từ năm 1981 đến năm 1987 Ngày 13/1/1981 Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có Chỉ thị 100 CT/BBT về cơ chế “khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động”. Theo tinh thần của cơ chế khoán mới, hợp tác xã điều hành 5 khâu, xã viên đảm nhận 3 khâu. Từ đây, các hộ xã viên đã được chủ động hơn trên mảnh đất và họ đã được hưởng một phần sản lượng vượt khoán. Đây là việc làm có ý nghĩa trong việc thực hiện quyền tự chủ trong sản xuất, đã ngăn chặn được sự sa sút trong nông nghiệp, tạo ra động lực cho sản xuất nông nghiệp phát triển. Trong những năm đầu thực hiện chế độ khoán mới, sản lượng lương thực tăng lên liên tiếp (mỗi năm tăng gần một triệu tấn, năm 1985 đạt 15,875 triệu tấn). Ngày 14/11/1987 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định 217/HĐBT về việc giao quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, thực hiện lấy thu bù chi cho các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế Nhà nước. Tuy nhiên, cơ chế khoán mới vẫn chưa triệt để và do ảnh hưởng của chính sách Giá – Lương – Tiền (1985) và sự hoành hành của “dịch hụi”, nền kinh tế của đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. 5.1.6. Giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1992 Thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam (1986) đề ra, để thực hiện một ba chương trình kinh tế lớn là lương thực, thực phẩm, ngày 5/4/1988 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết X BCT về “Đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp”. Nghị quyết đã xác định vai trò tự chủ của kinh tế hộ nông dân với sự hỗ trợ dịch vụ của hợp tác xã. Từ đây, sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển đáng kể. Sản lượng lương thực từ chỗ chỉ đạt trên dưới 18 triệu tấn thời kỳ 1984 – 1987, nay đã tăng lên, đạt 21,5 triệu tấn vào năm 1989. Bình quân giai đoạn 1986 – 1990 sản lượng lương thực tăng 13,5%/năm. Từ một nước thiếu lương thực, đến nay Việt Nam không những cung cấp đủ lương thực cho tiêu dùng trong nước mà đã trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực (năm 1989 xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo, năm 1990 xuất khẩu 1,6 triệu tấn gạo), đứng hàng thứ 3, rồi thứ 2 về xuất khẩu gạo trên thế giới. Đối với khu vực kinh tế quốc doanh, Nhà nước đã giảm bớt các chỉ tiêu pháp lệnh, đến năm 1989 hầu hết các doanh nghiệp chỉ còn phải thực hịên một chỉ tiêu pháp lệnh duy nhất là nộp ngân sách. Trong giai đoạn này chế độ hai giá bị xoá bỏ, chấm dứt tình trạng phân phối theo giá bao cấp đối với phần lớn hàng hoá tư liệu sản xuất (trừ một vài loại sản phẩm vật tư chiến lược như điện, thép, xi măng, xăng dầu...). Đến tháng 3/1989 trừ ba mặt hàng còn bao cấp là xăng dầu, điện và cước vận tải, còn lại giá cả của tất cả mọi hàng hoá đều được thả nổi. Thành công trong giai đoạn này không chỉ đơn thuần là phục hồi được sản xuất tăng trưởng kinh tế, đẩy lùi lạm phát mà quan trọng hơn là đã chuyển đổi về căn bản cơ chế quản lý cũ sang cơ chế quản lý mới, tức là xoá bỏ cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Do vậy, sức sản xuất đã được giải phóng. 67 5.1.7. Giai đoạn từ năm 1993 đến nay Trong giai đoạn này, rất nhiều bộ luật mới được ban hành như Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Đất đai, Luật Tín dụng, Luật Hợp tác xã... Đường lối đổi mới đã được triển khai và phát huy tác dụng tích cực, lạm phát được kiềm chế và bị đẩy lùi, Nhà nước ban hành hàng loạt các Chỉ thị, Nghị quyết để từng bước xác lập và đổi mới cơ chế quản lý mới. Chính sách đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp thực sự là động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Trong nông nghiệp, Luật Đất đai được ban hành năm 1993, sửa đổi năm 1998, năm 2001 và năm 2003 đã xác nhận và hoàn thiện các quyền trong sử dụng đất đai. Để khuyến khích nông dân bỏ vốn đầu tư lâu dài vào nông nghiệp, Luật cho phép người sử dụng đất có thể sử dụng đất trong thời hạn dài (20 năm đối đất canh tác, 30 năm cho đất trồng cây lâu năm và 50 năm đối với đất rừng). Nhờ vậy sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lương thực liên tục phát triển, vấn đề an ninh lương thực đã được giải quyết, sản lượng lương thực không ngừng tăng cao. Trong giai đoạn này, bình quân mỗi năm tăng 1,2 triệu tấn lương thực. Thị trường xuất khẩu nông sản được mở ra và ngày càng phát triển, nhiều loại nông sản xuất khẩu đã có chỗ đứng trên thị trường ngoài nước. Từ một nước nhập khẩu lương thực, đến nay Việt Nam đã trở thành nước đứng hàng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII. IX, X tập trung mọi điều kiện cần thiết để phát triển nông nghiệp và nông thôn, nhiều chính sách đã được ban hành nhằm phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn, chú ý thỏa đáng đến quyền lợi của nông dân. Các chương trình 134, 135, xây dựng các điểm sáng trong phát triển kinh tế - văn hoá miền núi, chương trình trồng 5 triệu hecta rừng, phát triển kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa... đã được triển khai. Các chính sách khuyến nông, tín dụng trong nông nông nghiệp, phát triển kinh tế trang trại... đã thực sự đi vào cuộc sống, hệ thống chính sách nông nghiệp trở nên phong phú, đáp ứng nhu cầu đa dạng của sản suất và đời sống. Trong giai đoạn này, mặc dù chịu ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai, nhưng nông nghiệp vẫn tiếp tục phát triển toàn diện cả về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, chăm sóc bảo vệ, trồng rừng... Các chính sách nông nghiệp đã khơi dậy sự năng động sáng tạo của nông dân. Nhiều mô hình sản xuất giỏi, các hình thức hợp tác kiểu mới trong nông thôn xuất hiện đã được rút kinh nghiệm và nhân rộng. Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp cho Việt Nam hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Kết quả đạt được trong những năm đổi mới vừa qua đã đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo ra tiền đề để bước vào giai đoạn phát triển mới – giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. 5.2. ĐẶC ĐIỂM HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM Hoạch định chính sách kinh tế nói chung và chính sách nông nghiệp nói riêng ở Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của các đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của đất nước Do đất nước Việt Nam có vị trí trải dài, điều kiện tự nhiên rất phong phú, lại diễn biến phúc tạp nên để có được chính sách nông nghiệp phù hợp với tất cả các vùng kinh tế là điều 68 rất khó khăn. Do vậy, tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể mà mỗi ngành, mỗi địa phương phải cụ thể hoá chính sách để việc triển khai thực hiện chính sách nông nghiệp ở địa phương mình vừa không trái với đường lối của Đảng, chính sách của Chính phủ vừa lại được sự đồng tình ủng hộ của đại đa số quần chúng nông dân. Điểm xuất phát về kinh tế - xã hội thấp kém, trình độ sản xuất lạc hậu, lại trải qua thời kỳ chiến tranh kéo dài cho nên việc hoạch định và thực hiện chính sách nông nghiệp phải làm dần từng bước từ thấp đến cao phù hợp với trình độ tiếp thu của nông dân. Ruộng đất (tư liệu sản xuất chủ yếu trong nông nghiệp) qua nhiều lần thay đổi cách quản lý vẫn chưa tạo lập được tâm lý ổn định trong sử dụng đất người nông dân. Sau cải cách ruộng đất, nông dân được quyền sở hữu ruộng đất nên phấn khởi sản xuất; tiếp đó trong thời ký hợp tác hóa, ruộng đất trở thành sở hữu tập thể và từ năm 1980, Hiến pháp Việt Nam quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân... Đối với nông dân chỉ từ sau Nghị định 64CP (1993) họ mới yên tâm đầu tư trên mảnh ruộng được giao quyền sử dụng lâu dài. Trình độ dân trí, trình độ tiếp thu chính sách của Chính phủ ở các tầng lớp nhân dân rất khác nhau, thu nhập và sản xuất có sự chênh lệch giữa các vùng và các nhóm người trong xã hội đã ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định chính sách nông nghiệp và chỉ đạo thực hiện chính sách ở từng vùng. Chính sách nông nghiệp Việt Nam được hoạch định dựa trên cơ sở chủ trương, đường lối phát triển nông nghiệp của Đảng Cộng sản Việt Nam Trong hệ thống chính trị của Việt Nam, Đảng vừa là một thành viên, vừa là lực lượng lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị. Đảng Cộng sản Việt Nam tuân theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, yêu cầu của quy luật kinh tế khách quan để đưa ra những quyết sách phát triển kinh tế đất nước, bảo đảm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Từ nhận thức đúng quy luật vận động khách quan, Đảng lãnh đạo Nhà nước thể chế hoá đường lối phát triển kinh tế của Đảng bằng các chính sách. Trong nông nghiệp, các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng đối với sản xuất nông nghiệp được thể hiện bằng các chính sách nông nghiệp. Trên cơ sở nhận thức đường lối phát triển kinh tế của Đảng, Chính phủ cụ thể hoá bằng chính sách nông nghiệp phù hợp. Tuỳ theo nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ phát triển kinh tế của đất nước, Đảng đề ra mục tiêu, phương hướng phát triển nền nông nghiệp. Mỗi chính sách sẽ chỉ phát huy tác dụng tốt ở những điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội nhất định, khi những điều kiện này thay đổi thì chính sách cũng phải thay đổi theo. Kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế Từ một nền kinh tế phát triển theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, hệ thống luật định đang được hình thành, chính sách đang dần được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập với kinh tế trong khu vực và thế giới. Chúng ta cũng phải tranh thủ những cơ hội thuận lợi, không ngừng nâng cao trình độ hoạch định chính sách để chính sách nông nghiệp vừa phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể của đất nước vừa bắt kịp với trình độ hoạch định chính sách của các nước tiên tiến trên thế giới. 69 5.3. MỘT SỐ CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 5.3.1. Chính sách đất đai Mục tiêu của chính sách đất đai Chính sách đất đai phải giải quyết thoả đáng các quan hệ ruộng đất phát sinh trong cơ chế thị trường và giải quyết những mâu thuẫn đặt ra trong thực tiễn. Các vấn đề phức tạp nảy sinh trong quan hệ đất đai do yếu tố lịch sử để lại cần được giải quyết một cách hợp lý, không nên gây ra những xáo động lớn trong nông thôn nhằm phát huy truyền thống đoàn kết của tình làng nghĩa xóm. Chính sách đất đai phải bảo đảm sự hài hoà về lợi ích trong sử dụng ruộng đất giữa các hộ nông dân, các thành phần kinh tế và các dân tộc. Từ đó yêu cầu đối với chính sách đất đai là phải làm cho người sử dụng đất không chỉ có khai thác có hiệu quả mà còn phải bảo vệ, cải tạo và tăng cường chất lượng của ruộng đất. Chính sách đất đai phải nhằm giải phóng đất đai và các nguồn lực sản xuất khác, bảo đảm cho việc chuyển nền nông nghiệp từ tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hoá, sử dụng ngày càng hiệu quả nguồn lực đất đai. Chính sách đất đai còn nhằm ổn định thời gian dài trong việc sử dụng, tạo điều kiện cho nông dân yên tâm đầu tư thâm canh phát triển sản xuất, bảo đảm được tình đoàn kết trong nông thôn, ngăn ngừa tình trạng tranh chấp ruộng đất, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội nông thôn. Căn cứ để hoạch định chính sách đất đai Hoạch định chính sách đất đai phải dựa vào lịch sử, quá trình vận động về quyền sở hữu và quyền sử dụng đất đai trong các thời kỳ. Ở Việt Nam, quyền sở hữu và quyền sử dụng đất đai luôn có sự thay đổi nên khi hoạch định chính sách đất đai phải xem xét đến chính sách đất đai trong quá khứ và thực tế hiện trạng của đất đai mà lịch sử đã để lại. Hoạch định chính sách đất đai còn phải căn cứ vào thực trạng sử dụng đất đai ở nước ta nhằm kết hợp tốt giữa khai thác, sử dụng và cải tạo bồi dưỡng đất đai để không ngừng nâng cao độ phì của đất. Mặt khác, khi hoạch định chính sách đất đai còn phải tham khảo chính sách đất đai của một số nước trong khu vực có điều kiện, hoàn cảnh tương đồng, để chính sách đất đai của ta vừa có tính kế thừa vừa phù hợp với tiến trình phát triển của nền nông nghiệp hiện đại và hội nhập. Vai trò của chính sách đất đai đối với phát triển nông nghiệp Trong điều kiện của Việt Nam quỹ ruộng đất có hạn, dân số sống bằng nông nghiệp lại chiếm phần rất lớn, cho nên chính sách đất đai là một trong những chính sách hàng đầu, quan trọng nhất và là xuất phát điểm của các chính sách khác đối với nông nghiệp. Chính sách đất đai có vai trò thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay cơ cấu sản xuất nông nghiệp nước ta đang mất cân đối không chỉ diễn ra giữa trồng trọt và chăn nuôi mà thể hiện ngay trong nội bộ của từng ngành. Trong ngành trồng trọt sản xuất còn mang tính độc canh cây lúa. Trong ngành chăn nuôi sự phát triển giữa các loại gia súc, gia cầm vẫn chưa cân đối. Để từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp có nhiều vấn đề cần phải quan tâm giải quyết, trong đó đổi mới chính sách đất đai là một trong những nội dung mang tính cấp bách. Chính sách đất đai có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển nông nghiệp nước ta từ một nền nông nghiệp sản xuất mang tính tự cấp, tự túc sang nền nông nghiệp sản xuất hàng 70 hoá. Chính sách đất đai hợp lý còn tạo ra những điều kiện rất cơ bản để không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai. Nội dung cơ bản của chính sách đất đai Trước năm 1945 chính sách đất đai của tầng lớp thống trị thực dân phong kiến đặt ra nhằm bảo vệ lợi ích cho vua chúa phong kiến, quan lại và thực dân. Trong những năm từ 1949 1953, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thực hiện chính sách chia ruộng đất cho nông dân, giảm tô, giảm tức cho nông dân trong vùng giải phóng. Từ năm 1954 – 1957, Chính phủ đã tiến hành cuộc cải cách ruộng đất, tịch thu ruộng đất của địa chủ, cường hào, phong kiến chia cho nông dân. Từ năm 1958 – 1960 đã vận động và hướng dẫn nông dân góp ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác vào HTX. Chế độ sở hữu đối với ruộng đất lúc này là toàn dân và tập thể. Từ khi có chính sách về cơ chế quản lý trong nông nghiệp đến nay, ruộng đất lại được giao về cho các hộ nông dân sử dụng. Nội dung cơ bản của chính sách đất đai hiện nay được thể hiện trong Luật Đất đai năm 1993, Luật sửa đổi năm 1998, năm 2003 và các văn bản dưới Luật khác. Một số văn bản dưới luật như Nghị định 64 CP ngày 27/9/1993 về giao đất nông nghiệp cho hộ nông dân sử dụng ổn định, lâu dài; Nghị định 02 CP ngày 15/01/1994 về giao đất lâm nghiệp ổn định, lâu dài cho hộ nông dân; Nghị định 01 CP ngày 4/1/1995 về việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản trong các doanh nghiệp Nhà nước; Nghị định 04 CP ngày 10/1/1997 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai và một số văn bản khác. Hiện nay, với chính sách khuyến khích nông dân dồn điền, đổi thửa, tập trung ruộng đất đã tạo ra các điều kiện cần thiết cho sự phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá. Xác lập quyền sở hữu về đất đai Trong Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, Luật Đất đai và các văn bản dưới Luật khác đã quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý”. Theo đó, Nhà nước là người đại diện hợp pháp, duy nhất về quyền sở hữu đất đai, hộ nông dân và các tổ chức với tư cách là chủ thể sản xuất – kinh doanh được Nhà nước giao cho quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài, có thời hạn hoặc tạm thời. Các quyền lợi trong sử dụng đất đai Người sử dụng đất sẽ được Nhà nước xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài. Người sử dụng đất có quyền được hưởng các thành quả lao động, bán thành quả lao động cũng như kết quả đầu tư trên đất được giao. Luật Đất đai năm 1993 quy định. Các hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao cho quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế và thế chấp. Luật Đất đai sửa đổi năm 1998 bổ sung thêm. Người sử dụng đất đai ngoài 5 quyền mà Luật Đất đai năm 1993 quy định còn có thêm 2 quyền nữa là quyền cho thuê lại và quyền góp vốn bằng giá trị sử dụng đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh. Luật Đất đai sửa đổi năm 2003 lại bổ sung thêm. Người sử dụng đất đai ngoài 7 quyền 71 mà luật sửa đổi đất đai năm 2003 quy định còn có thêm 2 quyền nữa là quyền tặng cho và quyền bảo lãnh. Như vậy, quyền của người sử dụng đất đai là quyền sở hữu về mặt kinh tế hay gọi là quyền sở hữu tương đối về đất đai. Luật Đất đai và các văn bản chính sách khác còn quy định cụ thể về thời hạn giao đất ổn định lâu dài đối với cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản là 20 năm, đối với cây lâu năm là 30 năm. Khi hết thời hạn, nếu người sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất, chấp hành đúng pháp luật sẽ được Nhà nước tiếp tục giao đất sử dụng. Chính sách đất đai còn quy định việc thu hồi đất và cấp có thẩm quyền được giao đất, cấm việc mua, bán đất trái phép. Như vậy, quá trình đổi mới ở nước ta, quyền sở hữu về kinh tế đã được trả lại cho hộ nông dân và các tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Về mức hạn điền, Nghị định 64 CP ngày 27/9/1993 đã quy định như sau: Đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, hạn mức đất nông nghiệp của mỗi hộ gia đình cho một số tỉnh đồng bằng như: Cần thơ, Long An, An Giang... không quá 3 ha, các thành phố trực thuộc Trung ương không quá 2 ha, đối với đất trồng cây lâu năm các xã vùng đồng bằng không quá 10 ha, các xã trung du, miền núi không quá 30 ha. Nếu sử dụng đất nông nghiệp vượt quá mức quy định sẽ phải chịu mức thuế suất bổ sung là 20% mức thuế sử dụng đất nông nghiệp. Các nghĩa vụ trong sử dụng đất đai Người sử dụng đất đai có trách nhiệm phải sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, gắn việc sử dụng đất với bồi bổ, cải tạo đất và sử dụng đất hợp lý. Người sử dụng đất phải tuân theo quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh. Người sử dụng đất phải có nghĩa vụ đóng thuế sử dụng đất cho Nhà nước. Nghị định 74-CP ngày 25/10/1993 quy định những đất phải chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp gồm đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cỏ, đất mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, đất rừng trồng đã được giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, chăm sóc, khai thác. Căn cứ để tính thuế là dựa vào chất lượng của đất, thông qua việc phân hạng đất. Đối với đất trồng cây hàng năm và đất nuôi trồng thuỷ sản, mức thuế suất được tính theo 6 hạng đất. Đối với đất trồng cây lâu năm, mức thuế suất được tính theo 5 hạng đất. Đối với cây ăn quả lâu năm trồng trên đất trồng cây hàng năm, mức thuế suất được tính bằng 1,3 lần thuế sử dụng đất trồng cây hàng năm cùng hạng nếu là đất hạng 1, hạng 2 và 3 và bằng thuế đất trồng cây hàng năm cùng hạng, nếu thuộc đất hạng 4, hạng 5 và 6. Đối với đất trồng cây lâu năm thu hoạch một lần thì chịu mức thuế bằng 4% giá trị sản lượng khai thác. Mục đích của thuế sử dụng đất đai là thu lại một phần lợi nhuận của người sử dụng đất để bổ sung cho ngân sách Chính phủ. Tuy nhiên, mức thuế cần được phân biệt để khuyến khích việc sử dụng đất đai vào sản xuất nông nghiệp ngày càng có hiệu quả cao, hạn chế việc sử dụng đất đai không đúng mục đích. Về hình thức thu thuế được linh hoạt bằng hiện vật hoặc bằng tiền. Thời hạn thu thuế có thể theo mùa vụ của cây trồng hoặc một năm. Nghị định 74 CP ngày 25/10/1993 còn quy định các loại đất không phải chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp gồm: đất rừng tự nhiên, đất đồng cỏ tự nhiên chưa giao cho người nào 72 sử dụng, đất làm giao thông, thuỷ lợi, đất chuyên dùng, đất ở, đất xây dựng công trình chịu thuế nhà đất. Tác động của chính sách đất đai Trong mỗi thời kỳ khác nhau, chính sách đất đai của Việt Nam đã có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống kinh tế, xã hội trong nông thôn. Chính sách tịch thu ruộng đất của thực dân, phong kiến chia cho nông dân thời kỳ 1954 -1956 ở miền Bắc đã được hàng triệu nông dân đồng tình ủng hộ, ước mơ “người cày có ruộng” qua bao đời của người nông dân nay đã thành hiện thực. Chính sách tập thể hoá đất đai, đưa nông dân vào HTX đã huy động được sức người, sức của rất lớn cho tiền tuyến, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chính sách giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho nông dân thời kỳ đổi mới đã gắn nông dân với ruộng đất và sản phẩm họ làm ra, đầu tư thâm canh nông nghiệp. Ngày nay, chính sách dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp đang tạo ra cho nông nghiệp có điều kiện tập trung ruộng đất với quy mô sản xuất lớn hơn để sản xuất hàng hoá, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Nhìn chung, chính sách đất đai của Việt Nam ở mỗi thời kỳ đều mang tính lịch sử, làm cho nông dân gắn bó với ruộng đất, tạo ra động lực mạnh mẽ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Chính sách đất đai còn tạo ra quá trình tập trung ruộng đất, tạo ra sự phân công lại lao động trong nông nghiệp, đáp ứng với yêu cầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Một số vấn đề đặt ra đối với chính sách đất đai + Cần xác định thời hạn cho thuê đất linh hoạt và phù hợp hơn, điều chỉnh lại mức hạn điền cho phù hợp với yêu cầu của quá trình tập trung, tích tụ ruộng đất, chuyển nền nông nghiệp sang sản xuất hàng hoá. Đối với quỹ đất công 5% để lại, quỹ đất ao hồ, mặt nước thì cần có những quy định cụ thể về chế độ quản lý, sử dụng để tránh sự tranh chấp, lấn chiếm, bán đất công... Cần tăng cường sự quản lý giám sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với đất đai và sớm hình thành thị trường đất đai có sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước. + Ruộng đất còn manh mún, phân tán, quy mô diện tích nhỏ, quá trình tập trung ruộng đất diễn ra chậm, chưa kết hợp được giữa việc khai thác, sử dụng ruộng đất trước mắt với việc cải tạo, bồi dưỡng đất đai lâu dài, do đó năng suất cây trồng, vật nuôi còn thấp. + Quá trình giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diễn ra còn chậm. Do vậy, phải triển khai nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai cho các hộ nông dân và các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Tình trạng tranh chấp đất đai còn xảy ra ở nhiều địa phương, thủ tục giải quyết còn nhiều phiền hà. + Bộ máy quản lý Nhà nước chưa phát huy tốt hiệu lực... với những biểu hiện tiêu cực trong quản lý, đội ngũ cán bộ chuyên môn trình độ thấp, sự hiểu biết về luật và chính sách đất đai của nông dân chưa sâu và rộng cho nên chính sách chưa thực sự phát huy tác dụng một cách có hiệu quả trong thực tế. 5.3.2. Chính sách vốn, tín dụng trong nông nghiệp Vai trò của chính sách vốn, tín dụng phát triển nông nghiệp Chính sách vốn, tín dụng trong nông nghiệp sẽ tạo ra những tiền đề rất cơ bản cho việc 73 đầu tư xây dựng cơ sở cơ sở hạ tầng, trang bị thêm cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho việc sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp. Chính sách vốn, tín dụng cho nông nghiệp góp phần giúp cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh khai thác tốt hơn các nguồn lực như đất đai, lao động... và nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Chính sách vốn, tín dụng cho nông nghiệp còn tạo điều kiện huy động được nhiều vốn để sản xuất chuyên môn hoá, đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp. Chính sách vốn, tín dụng cho nông nghiệp, sẽ góp phần giải quyết tốt các vấn đề xã hội tạo thêm việc làm, xoá đói giảm nghèo, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan... Chính sách vốn, tín dụng trong nông nghiệp ở nước ta nhằm đáp ứng đủ nhu cầu và thời hạn về vốn, giúp cho việc mở rộng phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng cao tốc độ phát triển của ngành nông nghiệp. Mục tiêu của chính sách vốn, tín dụng Mục tiêu chung của chính sách vốn, tín dụng là huy động được các nguồn vốn trong nước (vốn ngân sách, vốn tín dụng, vốn trong dân...) và nguồn vốn nước ngoài (vốn liên doanh, liên kết, vốn vay, viện trợ...) để đáp ứng nhu cầu về vốn sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp và nông thôn. Nội dung chủ yếu của chính sách vốn, tín dụng Nội dung của chính sách vốn, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn được thể hiện rõ trong các văn bản sau: Nghị định 14CP ngày 23/3/1993 về việc cho hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất; Chỉ thị 2024 ngày 28/6/1991 về cung cấp vốn tín dụng trực tiếp cho nông dân; Quyết định 67QĐ/TTg ngày 30/3/1999 về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn; Quyết định 423/QĐ/NH, ngày 22/9/2000 của Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về chính sách tín dụng cho kinh tế trang trại; Nghị định 390/CP về việc thành lập Quỹ tín dụng nhân dân; Nghị định 327/CP về việc vay vốn để thực hiện chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc, và một số văn bản khác. Đối tượng cho vay Đối tượng cho vay vốn là các hộ nông dân (cá thể, tư nhân); công ty cổ phần; hợp tác xã; doanh nghiệp... hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông – lâm – ngư – diêm nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn. Các hộ sản xuất có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện thì được Ngân hàng và các tổ chức tín dụng cho vay để bổ sung nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ sản xuất nông nghiệp. Nguồn vốn cho vay Nguồn vốn huy động bao gồm: Nguồn vốn được huy động trong nhân dân, các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước bằng các hình thức thích hợp Nguồn vốn cho vay hàng năm của Chính phủ đối với các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn Vốn uỷ thác của các tổ chức phi Chính phủ trong và ngoài nước, vốn tài trợ cho phát triển nông nghiệp và nông thôn theo chương trình 74 Nguồn vốn huy động từ các tổ chức tín dụng khác, từ tích luỹ của ngân hàng... Điều kiện, hình thức và phương thức cho vay Điều kiện trước hết đối với các hộ nông dân được vay vốn là phải có đơn ghi rõ mục đích vay vốn và được chính quyền địa phương xác nhận hoặc hộ phải có tài sản thế chấp. Đối với những hộ không có tài sản thế chấp thì có thể được vay vốn thông qua hình thức tín chấp, được các tổ chức, đoàn thể ở địa phương đứng ra bảo lãnh và giới thiệu. Vốn cho vay có thể bằng tiền mặt đồng tiền nội tệ hay ngoại tệ, hoặc có thể vay bằng ứng trước vật tư, cây giống, con giống sử dụng trong quá trình sản xuất – kinh doanh. Phương thức vay vốn thông qua tổ liên doanh, liên đới, tổ tự nguyện của nông dân, thông qua nhóm phụ nữ do chương trình của Liên hiệp Phụ nữ triển khai; thông qua Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên và các tổ chức khác... Ngoài ra, việc vay vốn còn thông qua tổ chức kinh tế trung gian như các hợp tác xã, các chương trình, dự án... Thời hạn vay Thời hạn vay vốn tùy theo nguồn hình thành, mục tiêu cần đạt được, nhưng nhìn chung có thể chia ra thời hạn vay vốn thành các loại vay dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Lãi suất cho vay Lãi suất vay phải bảo đảm lợi ích cho cả bên vay và bên cho vay. Tuỳ theo nguồn vốn và các tổ chức tín dụng mà lãi suất vay được xác định khác nhau. Ngân hàng Nhà nước quy định mức lãi suất cao hay thấp tuỳ thuộc vào thời gian vay vốn khác nhau và thời điểm vay vốn khác nhau. Ngân hàng và các tổ chức tín dụng công bố mức lãi suất cho từng đối tượng, từng vùng kinh tế trong từng thời gian phù hợp trên cơ sở của quan hệ cung cầu về vốn. Tác động của chính sách vốn, tín dụng đối với phát triển nông nghiệp Chính sách vốn, tín dụng trong nông nghiệp thời gian qua đã có tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Chúng ta đã huy động được nguồn vốn khá lớn cho các nông hộ, trang trại, các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh nông nghiệp. Chính sách vốn tín dụng ở nước ta đã thu hút được sự đầu tư khá lớn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Chính sách vốn, tín dụng còn góp phần tạo ra nhiều việc làm trong nông thôn, giải quyết tình trạng thiếu việc làm trong lao động nông nghiệp. Chính sách tín dụng còn góp phần vào việc xoá đói giảm nghèo ở nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng, từng bước nâng cao đời sống cho nông dân. Một số vấn đề đặt ra đối với chính sách vốn, tín dụng nông nghiệp Nông nghiệp là lĩnh vực hoạt động rộng lớn nên cần nhiều vốn. Vì vậy, các chủ thể có vốn cần phải căn cứ vào đặc điểm của lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đối tượng vay mà xác định đối tượng nào được vay, số lượng vốn vay, thời gian vay và hình thức vay cho phù hợp. Về thủ tục vay, các tổ chức ngân hàng, kho bạc và tổ chức tín dụng cần giảm bớt các thủ tục gây phiền hà cho nông dân. Về lãi suất, nếu lãi suất tín dụng quá thấp sẽ khó có thể bảo đảm việc kinh doanh tiền có lãi và dễ tạo ra những tác động tiêu cực với cả người vay và người gửi. Vấn đề hiệu quả sử dụng vốn vay cần phải đặc biệt được coi trọng. Vốn vay sẽ đem lại hiệu quả tốt và phát huy tác dụng nếu vốn được sử dụng đúng mục đích, được cung cấp đẩy 75 đủ, kịp thời với mức vay phù hợp. Ngược lại, nếu vốn vay không đúng mục đích, không được cung cấp kịp thời phù hợp sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng đồng vốn. Đầu tư vào nông nghiệp với tính rủi ro cao là điều khó tránh khỏi. Vấn đề bảo toàn được vốn là vấn đề được đặt lên hàng đầu cho kho bạc, ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Vì vậy, việc thế chấp tài sản khi vay vốn là việc làm cần thiết song trong thực tế nhiều người dân ở nông thôn khó có những tài sản tương đương giá trị tiền vay. Do vậy, ngoài việc sử dụng tài sản để thế chấp (kể cả đất đai) thì cũng cần mở rộng hình thức vay vốn bằng tín chấp, thông qua các tổ chức kinh tế, xã hội trong nông thôn. Vốn đầu tư cho nông nghiệp cần tập trung lượng vốn lớn vào các vùng trọng điểm, khuyến khích phát triển các cây trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ, hải sản nhằm vào việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, đồng thời tạo điều kiện để áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, xây dựng nền nông nghiệp đa canh, bền vững. 5.3.3. Chính sách giá Căn cứ để hoạch định chính sách giá Để hoạch định chính sách giá trước hết cần phải nắm được vai trò của giá cả của loại hàng hoá đối với sản xuất và đời sống. Nông sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của toàn xã hội, là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của nông dân cho nên khi hoạch định chính sách giá cho một loại nông sản cụ thể cần phải có cách nhìn toàn diện. Xét trong một khoảng thời gian ngắn hạn thì giá cả nông sản thường có tính không ổn định so với các loại sản phẩm công nghiệp. Khi xác định giá cả nông sản cần xem xét tính mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp. Khi hoạch định chính sách giá còn phải căn cứ vào chi phí sản xuất của từng loại hàng nông sản, sự cân bằng về cung – cầu của mặt hàng nông sản đó ở trong nước và quốc tế. Mục tiêu của chính sách giá Mục tiêu của chính sách giá nhằm ổn định giá đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, ổn định cả nông sản, nhất là giá lương thực, thực phẩm cho người tiêu dùng, để từ đó làm ổn định tình hình kinh tế - xã hội. Chính sách giá còn nhằm mục tiêu giảm sự không chắc chắn trong sản xuất, từ đó tạo ra sự công bằng trong phân phối thu nhập, tăng thu nhập cho nông dân. Công cụ của chính sách giá Công cụ chủ yếu của chính sách giá là giá trần, giá sàn; tỷ giá hối đoái; ấn định giá cố định, trợ giá và sử dụng công cụ hành chính để thực hiện chính sách giá... Nội dung của chính sách giá Chính sách thương mại Chính sách thương mại bao gồm chính sách đánh thuế hàng hoá nhập khẩu hoặc xuất khẩu; chính sách giới hạn tối đa lượng sản phẩm nhập khẩu hoặc xuất khẩu (hạn ngạch), cho hàng hóa tự do lưu thông hoặc đánh thuế hàng hoá lưu thông trong nước. Mức thuế suất tùy thuộc vào tính chất quan trọng của hàng hóa đối với đời sống, phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ quy định các mức thuế suất khác nhau. Chính sách kiểm soát thị trường tiền tệ và tỷ giá hối đoái Tỷ giá hối đoái của một nước là tỷ số giữa giá trị tiền tệ nước này so với một đơn vị tiền 76 tệ nước kia. Tỷ giá hối đoái là mức giá mà tại đó hai đồng tiền của hai quốc gia có thể chuyển đổi được cho nhau. Tỷ giá này có ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất trong nước. Chính phủ có thể tác động vào tỷ giá hối đoái, điều chỉnh lãi suất tiền gửi, tiền vay để điều khiển thị trường tiền tệ. Chính sách trợ giá Giá cả sản phẩm nông nghiệp trên thị trường được xác định bởi quy luật cung-cầu, nhưng giá cả sản phẩm còn chịu ảnh hưởng của chính sách thuế và trợ giá. Trợ giá được hiểu là phải chi ra một khoản trợ cấp để bù vào phần chênh lệch giữa giá sản xuất và giá thị trường. Trợ giá xẩy ra khi giá sản xuất thấp hơn giá thị trường. Chính sách trợ giá của Chính phủ được thực hiện thông qua trợ giá vật tư đầu vào và trợ giá sản phẩm đầu ra cho sản xuất nông nghiệp. Chính sách trợ giá đầu vào Để trợ giá đầu vào cho sản xuất nông nghiệp Chính phủ đã sử dụng biện pháp là giảm hoặc không đánh thuế đối với các đầu vào nhập khẩu, trợ giá cho các đầu vào sản xuất trong nước hoặc giảm chi phí vận chuyển... Tác dụng của chính sách trợ giá đầu vào cho sản xuất là làm cho giá đầu vào ổn định nên khuyến khích nông dân tiếp thu ứng dụng kỹ thuật mới, giúp nông dân tránh được những sai lầm trong lựa chọn và kết hợp đầu vào, từ đó làm tăng thu nhập cho nông dân thông qua việc sử dụng các yếu tố sản xuất đầu vào được trợ giá. Hạn chế của chính sách trợ giá đầu vào là tạo ra việc sử dụng không hợp lý các tài nguyên trong nước. Sử dụng tài nguyên không hợp lý là do nông dân đưa ra quyết định sản xuất không phù hợp với chi phí cơ hội của các tài nguyên được sử dụng. Trợ giá đàu vào sẽ là gánh nặng cho ngân sách Chính phủ. Đối với phạm vi nông trại thì trợ giá đầu vào sẽ làm cho việc sử dụng các nguồn lực kém hiệu quả cả về mặt kinh tế và cả về mặt xã hội và môi trường. Chính sách trợ giá đầu ra Để trợ giá đầu ra cho sản xuất, Chính phủ đã sử dụng biện pháp là mua sản phẩm của nông dân với giá cao rồi bán cho người tiêu dùng với giá thấp. Chính sách này đã có tác dụng khuyến khích người sản xuất sử dụng thêm đầu vào cho sản xuất nên lượng cung sản phẩm ra thị trường tăng lên. Tuy nhiên, chính sách này có những mặt hạn chế là khó có thể thực hiện được hệ thống phân phối định lượng. Chính sách này chỉ được thực hiện tốt khi có đội ngũ cán bộ làm việc công minh, nếu làm không tốt sẽ kích thích “chợ đen” phát triển. Lập quỹ bình ổn giá Chính phủ bỏ ra một lượng tiền nhất định để mua vào một số lượng nông sản, dùng lượng nông sản này để làm quỹ bình ổn giá. + Khi được mùa, giá nông sản tại P 1 mức sản xuất là Q 1 dẫn đến hiện tượng dư cung. Chính phủ bỏ tiền ra mua lượng sản phẩm là Q1 – Q0 để làm cho giá từ P1 lên P0. Khi mất mùa, giá nông sản tại P 2 , lượng sản phẩm là Q2 dẫn đến hiện tượng dư cầu (Q0 – Q1). Để cho giá ổn định ở mức P0 Chính phủ xuất từ kho đệm ra một lượng hàng bán 77 trên thị trường để kéo giá từ P2 xuống P0 (xem hình 4.1). Lượng nông sản mua vào Lượng nông sản Q2 bán ra Tác động của quỹ bình ổn giá (Hình 5.2) Q 0 < Q1 Được mùa (dư cung): Khi được mùa sẽ có hiện tượng dư cung, cung dịch chuyển từ E về B, lượng sản phẩm là Qi với giá Pi. Quỹ bình ổn sẽ mua vào lượng nông sản dư thừa (Qi- Q 0). Khi đó sẽ xẩy ra hiện tượng sau: + Thặng dư của người tiêu dùng giảm là c+d+e (1) + Thặng dư của người sản xuất tăng là c+d+e+f (2) Chi phí để mua hàng bình ổn để đưa vào kho đệm là e+f+h Mất mùa (dư cầu): Khi mất mùa có hiện tượng dư cầu (Q 0-Q2). Cầu dịch chuyển từ E về A. Quỹ bình ổn sẽ bán ra một lượng nông sản để kéo giá từ P2 xuống P0. Khi đó xẩy ra hiện tượng sau: + Thặng dư của người tiêu dùng tăng là a+b (3) + Thăng dư của người sản xuất giảm là a (4) Thu từ quỹ bình ổn (từ kho đệm) (lượng hàng bán ra) là d+g Tác động của quỹ bình ổn giá Chung cho cả hai trường hợp được mùa và mất mùa như sau + Loại trừ dự trữ ở kho đệm là d+g = e+f+h Từ (1), (2), (3) và (4) ta có : (c+d+e)-(c+d+e+f)+a+b-a=f+b Vì e=f Hình 5.2: Tác động của quỹ bình ổn giá 78 Kết quả chung: An sinh xã hội tăng e+b; Lượng tăng này được dồn cả vào cho người sản xuất. Trong phân tích ở trên được giả định rằng dự trữ không cần chi phí. Khi đưa vào tính toán chi phí hoạt động của kho đệm (quỹ bình ổn) bao gồm cả dự trữ và chi phí hành chính thì an sinh xã hội sẽ bị thay đổi. Do vậy sử dụng quỹ bình ổn để làm kho đệm chỉ là một trong nhiều giải pháp. Tác động của chính sách giá trong nông nghiệp Chính sách giá phù hợp có tác dụng ổn định, kích thích sản xuất phát triển, tăng lượng nông sản hàng hoá trao đổi trên thị trường, tăng thu nhập của nông dân. Chính sách giá còn làm giảm sự thua thiệt của người sản xuất ở khu vực nông nghiệp so với người sản xuất ở khu vực phi nông nghiệp, tăng khả năng tham gia vào thị trường của một số hộ nông dân nghèo. 5.3.4. Chính sách marketing trong nông nghiệp Khi hoạch định chính sách marketing người ta phải căn cứ vào vai trò của marketing trong sản xuất hàng hoá, đặc điểm cuả marketing sản phẩm nông nghiệp, căn cứ vào tình trạng cân bằng cung, cầu trong nước và quốc tế. Mục tiêu của chính sách marketing là bảo vệ nông dân và người tiêu dùng khỏi sự độc quyền, ổn định và tăng giá cổng trại cho người sản xuất, giảm sự chênh lệch giữa giá người sản xuất nhận được và giá người tiêu dùng phải trả. Chính sách marketing còn nhằm khuyến khích tăng chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu, tăng mức độ an ninh lương thực, tránh tình trạng đầu cơ của thương nhân, giảm bớt tình trạng hụt cung giả tạo. Nội dung của chính sách marketing Chính phủ thành lập các tổ chức marketing để thực hiện công việc marketing cho các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu như gạo, cà phê, cao su, chè... Các tổ chức này chủ yếu tham gia vào các hoạt động như thực hiện quỹ bình ổn giá, can thiệp vào thị trường khi giá nông sản tăng quá mức hoặc giảm xuống quá mức. Sự can thiệp này có thể dưới hình thức trợ giá, cung cấp tín dụng... hay sử dụng quỹ dự trữ quốc gia vào làm ổn định giá hàng nông sản. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào thị trường, tránh tình trạng độc quyền trên thị trường. Một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho tất cả các thành phần kinh tế sẽ giúp cho cả người sản xuất và người tiêu dùng đạt được mục tiêu của mình. Hình thành các tổ chức kinh tế hợp tác cho nông dân bán sản phẩm và mua vật tư, tạo nên được sức mạnh tập thể khi trao đổi hàng hoá dịch vụ trên thị trường, hợp pháp hoá quyền kinh doanh của công ty kinh doanh hay cá nhân tham gia vào buôn bán nông sản hay vật tư kỹ thuật nông nghiệp. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho marketing như giao thông, thông tin... Hoàn thiện cấu trúc thị trường, xoá bỏ các hàng rào thuế quan trong nước để cho hàng hoá có thể được vận chuyển dễ dàng và có hiệu quả từ nơi thừa sang nơi thiếu. Tác động của chính sách marketing Chính sách marketing có tác động làm ổn định giá nông sản theo mùa vụ, theo vùng thông qua sự hoạt động của các cơ quan marketing Nhà nước, làm giảm sự chênh lệch giữa giá người sản xuất nhận được với giá người tiêu dùng phải trả thông qua hoạt động marketing. 79 Ở Việt Nam hệ thống bán buôn, bán lẻ vật tư và thu mua nông sản đã mở rộng tới tận thôn, xã. Hiện nay, đã xoá bỏ việc chia cắt thị trường theo địa phương, hình thành thị trường thống nhất trên phạm vi cả nước. Nhà nước cho phép tất cả các thành phần kinh tế tham gia vào hệ thống bán buôn, bán lẻ vật tư nông nghiệp và tham gia thu gom nông sản. Hàng hoá tiêu dùng đã trở nên đa dạng, phong phú, giá cả phải chăng, chất lượng khá bảo đảm, đời sống của cư dân nông thôn đã được cải thiện. Trong nông thôn số hộ giàu dần tăng lên, số hộ nghèo dần giảm xuống. 5.3.5. Chính sách khuyến nông Một trong những kết luận giống nhau ở các cuộc điều tra kinh tế trong nông thôn là hiện nay nông dân Việt Nam đang “đói” kiến thức. Kiến thức của nông dân thường nghèo nàn trong mọi lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, hạch toán kinh tế... Từ đó sự ra đời của chính sách khuyến nông trở thành một yêu cầu bức súc. Chính sách khuyến nông sẽ là cơ sở quan trọng để cho ra đời mạng lưới khuyến nông, thực hiện các chương trình khuyến nông tới nông dân, nâng cao hiểu biết của nông dân... Mục tiêu và nội dung chủ yếu của chính sách khuyến nông là truyền bá kiến thức cho nông dân ngay tại địa bàn sản xuất của họ (ruộng, vườn, ao hồ, chuồng trại, đồng cỏ...) theo yêu cầu của họ, giúp họ tự ra những quyết định để xử lý đúng đắn trước những tình huống đặt ra liên tiếp nảy sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà không cần qua các lớp đào tạo tập trung ở trường học. Xét trên ý nghĩa đó, để làm tốt công tác khuyến nông, cán bộ khuyến nông cần phải tìm hiểu những yêu cầu của nông dân thông qua các cuộc thăm hỏi (Visit – V) rồi tổ chức huấn luyện (Training – T) cho nông dân. Đó là mô hình V & T trong khuyến nông. Như vậy, các hoạt động khuyến nông sẽ trở nên rất thiết thực đối với nông dân vì những kiến thức cần huấn luyện là đòi hỏi của chính họ. Trên thực tế, các hộ nông dân khác nhau cần những kiến thức ở trình độ khác nhau vì trình độ kỹ thuật của nông dân khá chênh lệch. Vì vậy người cán bộ khuyến nông phải có tính kiên trì, phải là người có tâm huyết với nghề nghiệp, lăn lộn với thực tế, trăn trở với cuộc sống của nông dân và phải có phương pháp truyền đạt tốt, đặc biệt là phương pháp truyền đạt kiến thức cho những người lớn tuổi, trình độ văn hoá thấp, sức ỳ lớn... Ở nước ta khuyến nông đặc biệt phát triển từ sau khi có Nghị định 13 CP năm 1993 của Hội đồng Bộ trưởng. Sau khi Nghị định 13 CP ra đời, Cục Khuyến nông được thành lập (ở cấp Trung ương), các Trung tâm khuyến nông được thành lập (ở cấp tỉnh, thành) và ở các huyện có các Trạm khuyến nông. Từ đó, các hoạt động khuyến nông phát triển khá sôi động ở các địa phương. Từ khi có Nghị định 56/2005/NĐ-CP ngày 26/4/2005 của Chính phủ về khuyến nông, khuyến ngư thì hoạt động khuyến nông có nhiều chuyển biến tích cực. Các hình thức khuyến nông chủ yếu là: Truyền đạt kiến thức thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (tivi, đài, báo, sách...). Hình thức này được thực hiện trên phạm vi rộng nhưng chỉ có những người có điều kiện về trình độ hoặc bố trí được thời gian mới có thể tiếp thu tốt. Bồi dưỡng kiến thức qua các lớp huấn luyện là hình thức phổ biến hiện nay. Điều quan 80 trọng là cần tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng để giúp nông dân tiếp thu tốt các kiến thức cần thiết, tránh hình thức phô trương... Tổ chức cho nông dân tham dự các cuộc triển lãm, hội thảo, tham quan, hội nghị đầu bờ, câu lạc bộ... nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của nông dân đối với kỹ thuật mới bằng các cách tiếp cận sinh động, gây ấn tượng... Xây dựng mô hình trình diễn nhằm giúp nông dân “mắt thấy tai nghe” phù hợp với cách tiếp thu mang tính thực tiễn của nông dân. Đưa giống cây, con mới năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất trong nông nghiệp. Quỹ khuyến nông được hình thành từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn từ Ngân sách Nhà nước, có nguồn tài trợ từ các tổ chức từ thiện, các dự án, chương trình phát triển kinh tế nông thôn... nhưng cũng được bổ sung từ đóng góp của chính nông hộ. Ở nước ta, khuyến nông còn là một vấn đề mới mẻ và gặp không ít trở ngại do ảnh hưởng của chế độ bao cấp. Thông thường các hoạt động khuyến nông khó tiến hành độc lập được mà phải gắn với các tài trợ nào đó. Điều đó phần nào đã làm sai lệch bản chất của khuyến nông, từ đó gây trở ngại cho việc nâng cao trình độ kỹ thuật và hạch toán kinh tế của nông hộ. 5.3.6. Chính sách khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong nông nghiệp Căn cứ để hoạch định chính sách Khi hoạch định chính sách tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong nông nghiệp, người ta phải căn cứ vào hệ thống công cụ, tư liệu sản xuất, điều kiện tự nhiên, xã hội và trình độ áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật hiện tại của đất nước, địa phương hay vùng sản xuất. Nông dân là người thiếu thông tin và bị hạn chế về trình độ tiếp cận thị trường cho nên chính sách áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật cần dễ hiểu, có thể phát huy được tác dụng trực tiếp, có hiệu quả ngay khi thực hiện để người nông dân dễ thấy, dễ làm và tin tưởng. Mặt khác, do nông nghiệp là khu vực có trình độ sản xuất thấp nên chính sách tiến bộ khoa học – kỹ thuật phải phù hợp với khả năng tiếp thu của nông dân. Đối tượng sản xuất nông nghiệp là cây trồng, vật nuôi nên khi hoạch định chính sách nông nghiệp người ta còn căn cứ vào đặc điểm sinh trưởng, phát triển của từng loại cây trồng, vật nuôi và điều kiện tự nhiên có thể áp dụng. Khi hoạch định chính sách nông nghiệp người ta còn xem xét sự chuyển đổi cơ chế quản lý trong nông nghiệp sẽ có khả năng làm thay đổi phương pháp truyền bá kiến thức, trình độ áp dụng khoa học – kỹ thuật trong nông nghiệp. Mục tiêu của chính sách Góp phần khai thác có hiệu quả các nguồn lực khan hiếm trong sản xuất thông qua việc tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Chính sách còn nhằm làm tăng thu nhập của nông dân, giảm tối đa số hộ nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm và tăng cường xuất khẩu. Tăng chất lượng sản phẩm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Góp phần vào công cuộc CNH và HĐH ngành nông nghiệp. Nội dung của chính sách Nội dung của chính sách khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật nông nghiệp là khai thác triệt để các tiến bộ khoa học – kỹ thuật và công nghệ của thế giới bằng việc nhập 81 khẩu các giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao, chất lượng tốt; đầu tư cho các nghiên cứu, phát minh, sáng chế trong nước nhằm nâng cao khả năng của đội ngũ các nhà khoa học, kỹ thuật nông nghiệp; khuyến khích việc nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; đầu tư vốn nhằm cung cấp vật tư thiết bị, kỹ thuật cho sản xuất nông nghiệp. Trong nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cần đặc biệt chú ý tới các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới có giá trị xuất khẩu cao như gạo, chè, cà phê, cao su, hải sản... Chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cần tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế của vùng, nhanh chóng chuyển giao công nghệ sản xuất tiên tiến cho nông dân. Nâng cao trình độ đồng đều về kỹ thuật trong sản xuất giữa các ngành chủ yếu và các vùng trọng điểm, xoá dần sự chênh lệch về kinh tế - xã hội giữa các vùng đất nước, giữa những người sản xuất nông nghiệp ở nông thôn. Tác động của chính sách Chính sách khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật có tác động đến cả thị trường đầu vào và cả thị trường đầu ra của sản phẩm. Đối với thị trường đầu vào của sản xuất, chính sách sẽ có tác động đến hệ thống trang bị, mua sắm các tư liệu sản xuất, đổi mới công nghệ sản xuất. Với hệ thống tư liệu sản xuất tiên tiến và công nghệ hợp lý, người ta sẽ tiết kiệm được nguyên vật liệu, sức lao động để làm ra nhiều sản phẩm hơn với một khối lượng đầu vào như cũ hoặc làm ra một lượng sản phẩm như cũ với khối lượng đầu vào ít hơn. Áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật cùng với phương pháp sản xuất tiến tiến còn nâng cao được chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tạo điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, mặt trái của việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp là dễ dẫn đến dư cung sản phẩm nông nghiệp nên làm giảm giá nông sản. Khi đưa hệ thống máy móc vào thay thế sức lao động sẽ dẫn đến hiện tượng dư thừa lao động. Do vậy, vấn đề đặt ra là phải phát triển ngành nghề, dịch vụ để thu hút lao động. Áp dụng tiến bộ kỹ thuật và đổi mới công nghệ cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng thêm sự phân hoá giàu nghèo trong nông thôn. Một số vấn đề đặt ra đối với chính sách Chúng ta cần có sự đầu tư cao hơn cho nghiên cứu khoa học phục vụ ngành nông nghiệp. Hiện nay, hạn chế của nghiên cứu khoa học nông nghiệp là thiết bị đầu tư chủ yếu dựa vào sự trợ giúp của nước ngoài, kinh phí nghiên cứu quá thấp, lương cho cán bộ nghiên cứu thấp cho nên đã làm cho các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học mất thời gian vào các hoạt động dịch vụ để nâng cao đời sống. Từ đó đã hạn chế phát minh, sáng chế, nghiên cứu cơ bản dài hạn. Từ các hạn chế trên, để đẩy mạnh công tác triển khai ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cần có những biện pháp khuyến khích việc nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo từng lĩnh vực ưu tiên. Thông qua việc lồng ghép các chương trình trong nông nghiệp cần làm tốt công tác tổ chức và triển khai hoạt động theo tinh thần của Nghị định 13 CP ngày 2/3/1993 về công tác khuyến nông để rút ngắn khoảng cách từ nghiên cứu đến triển khai trong thực tiễn trên diện rộng. 82 5.3.7. Chính sách đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp Vào những năm cuối của thập kỷ 70, tình hình kinh tế nước ta rất khó khăn, nền kinh tế lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, tổng sản phẩm xã hội tăng bình quân 1,4%, trong nông nghiệp tăng 1,9%, thu nhập quốc dân tăng 0,4%, trong khi đó tốc độ tăng dân số là 2,2%. Đời sống nhân dân nhất, là nông dân gặp nhiều khó khăn, đói nghèo gia tăng. Mỗi năm Nhà nước phải nhập khẩu trên dưới một triệu tấn lương thực để đề bảo đảm nhu cầu lương thực trong nước. Nền kinh tế vận hành theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung đã bộc lộ nhiều nhược điểm và nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Trong nông nghiệp, hình thức khoán mới đã ra đời nhưng chưa được công nhận, tình trạng “khoán chui” xuất hiện ở một số địa phương. Cuối năm 1979, Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng họp đã đề ra chủ trương tháo gỡ khó khăn và trì trệ của nền kinh tế. Theo tinh thần đó, Chỉ thị 100 CT ngày 13/1/1981 về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các HTX nông nghiệp” của Ban Bí thư Trung ương Đảng ra đời. Để triển khai chỉ thị 100, Bộ Nông nghiệp đã ra Thông tư 05 ngày 16/2/1981; Thông tư 01 ngày 28/2/1983 và Thông tư 18 ngày 14/2/1983 hướng dẫn thi hành Chỉ thị 100 CT của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Chỉ thị 100 CT có thể được coi là giải pháp tình thế để ngăn chặn sự sa sút nghiêm trọng trong sản xuất nông nghiệp của những năm cuối thập kỷ 70. Chỉ thị đã khơi dậy tinh thần làm chủ, lòng phấn khởi, hăng hái của nông dân, tạo ra động lực mới, sức sống mới cho nông nghiệp phát triển. Cùng với chỉ thị 100 CT, Nhà nước đã ban hành một loạt chính sách tạo điều kiện hỗ trợ và khuyến khích nông dân phát triển sản xuất như giao khoán đất đai trong thời gian từ 3 – 5 năm, hỗ trợ đầu tư phát triển các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, tăng lượng vật tư nông nghiệp cung ứng cho nông dân, ổn định nghĩa vụ lương thực cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trong 5 năm, khuyến khích phát triển kinh tế gia đình, giao đất, giao rừng cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Sau một số năm phục hồi phát triển nông nghiệp (từ 1981 – 1985), tình hình sản xuất nông nghiệp lại có những dấu hiệu trì trệ. Bình quân lương thực trên đầu người giảm từ 301 kg năm 1983 xuống còn 280 kg năm 1985 và tình trạng thiếu lương thực lại xuất hiện. Nhiều vấn đề khó khăn trong sản xuất nông nghiệp nảy sinh chậm được giải quyết, nông dân thiếu phấn khởi, hệ thống tổ chức cũ không bắt kịp sự thay đổi của sản xuất nông nghiệp, phát sinh tiêu cực. Đứng trước tình hình đó, yêu cầu cấp bách đặt ra là phải tìm ra chính sách thích hợp để sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh hơn và ổn định hơn. Chủ trương, mục tiêu của chính sách Trước tình hình nền kinh tế nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng đang lâm vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, Đảng ta đã quyết định đổi mới nền kinh tế của đất nước. Nghị quyết Đại hội VI (tháng 12/1986) của Đảng đã chỉ rõ: “Tập trung sức người, sức của vào việc thực hiện 3 chương trình kinh tế về lương thực – thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu”. Cũng trong Nghị quyết Đại hội VI đối với nông nghiệp, mục tiêu của chính sách là bảo đảm lương thực đủ ăn cho toàn xã hội, có dự trữ, đáp ứng một cách ổn định nhu cầu thiết yếu về thực phẩm, mức tiêu dùng lương thực, thực phẩm phải bảo đảm tái sản xuất sức 83 lao động. Tại Đại hội VII (tháng 6/1991), Đảng ta tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới đã được Đại hội VI đề ra và được tiếp tục hoàn thiện trên tầm cao mới. Đảng ta chủ trương “xây dựng, phát triển nền kinh tế hàng hoá, nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN”. Chủ trương đổi mới cơ chế quản lý nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng tiếp tục được các Đại hội Đảng VIII, IX, X khẳng định là đúng hướng và phát triển. Nội dung của chính sách Chính sách đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp được đánh dấu bằng Nghị quyết 10 BCT ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Nội dung cơ bản của Nghị quyết 10 là chuyển nền nông nghiệp từ sản xuất tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hoá, giao khoán ruộng đất ổn định đến hộ nông dân, khẳng định vai trò tự chủ của hộ xã viên, thực hiện khoán ruộng đất canh tác cho hộ nông dân, đổi mới chức năng của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp từ sản xuất sang làm dịch vụ cho sản xuất, bỏ chế độ phân phối theo công điểm mà thực hiện phân phối theo lao động của xã viên, thương mại hoá vật tư nông nghiệp, khuyến khích “ai giỏi nghề gì làm nghề đó”, sắp xếp lại các đơn vị quốc doanh nông, lâm, ngư nghiệp để các đơn vị này thực sự trở thành trung tâm thúc đẩy kinh tế phát triển, khuyến khích phát triển kinh tế gia đình, kinh tế cá thể và tư nhân trong nông nghiệp. Nhà nước bảo hộ quyền kinh doanh và hưởng lợi từ kết quả sản xuất của nông dân. Giao quyền sử dụng đất từ 1 – 2 chu kỳ sản xuất kinh doanh đối với cây dài ngày và 15 – 20 năm đối với cây hàng năm. Đến Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khoá VI (tháng 3/1989) đã chính thức xác định “gia đình xã viên trở thành đơn vị kinh tế tự chủ”, thừa nhận sự tồn tại kinh tế cá thể, tư nhân trong nông nghiệp. Nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng của kinh tế tư nhân, quyền bình đẳng trước pháp luật. Sau Nghị quyết X của Bộ Chính trị, Nhà nước ta đã có một số chính sách về đổi mới cơ chế quản lý sản xuất nông nghiệp. Năm 1993 Luật Đất đai ra đời, giao ruộng đất ổn định lâu dài trong nông dân, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân. Nhà nước công nhận 5 quyền (chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp) của người sử dụng đất nông nghiệp, công nhận sự tồn tại của các thành phần kinh tế. Hiện nay chúng ta đang tiến hành cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước trong đó có doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII (tháng 12/1997) về tiếp tục công cuộc đổi mới đã xác định đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với phân công lại lao động. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp phải chuyển từ sản xuất thuần nông sang sản xuất hàng hoá, vận động theo cơ chế thị trường, đa dạng hoá sản phẩm, khai thác tổng hợp và tối ưu các lợi thế so sánh trong các ngành trồng trọt, chăn nuôi, trên mỗi vùng của đất nước, gắn sản xuất với chế biến, nâng cao giá trị hàng nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nghị quyết TW 5 (khoá IX) về sử dụng vốn của thành phần kinh tế tư nhân. Tư nhân được dùng tài sản hình thành từ vốn vay để thế chấp khi vay vốn ngân hàng. Nhà nước giúp 84 đào tạo nâng cao trình độ cho các chủ doanh nghiệp và người lao động làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân. Nhà nước mở rộng dịch vụ tư vấn khoa học, công nghệ cho các hộ và doanh nghiệp. Nhà nước hỗ trợ mọi thành phần kinh tế về thông tin, xúc tiến thương mại ở cả thị trường trong và ngoài nước. Như vậy, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp là quá trình chuyển nền nông nghiệp từ tự cấp, tự túc sang nền sản xuất hàng hoá nhiều thành phần, từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Kết quả của chính sách + Thành tựu đạt được trong những năm đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp là rất to lớn, toàn diện trên tất cả phương diện, góp phần quyết định vào thành công của sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Sau một số năm phát triển, sản xuất nông nghiệp, chúng ta không những chỉ sản xuất đủ lương thực, thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, giải quyết được vấn đề an ninh lương thực, từ một nước hàng năm phải nhập khẩu lương thực, nay đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai trên thế giới. + Chúng ta đã hình thành, phát triển một số vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn như cà phê, cao su, chè, điều... Cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp đã có sự thay đổi. Từ chỗ mất cân đối với trồng trọt, ngày nay ngành chăn nuôi có tốc độ phát triển nhanh hơn trồng trọt, nâng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi cân đối với trồng trọt. + Phát triển lực lượng sản xuất, diện tích sản xuất nông nghiệp được mở rộng, khối lượng cung ứng vật tư, máy móc cho sản xuất nông nghiệp tăng lên đáng kể, các tiến bộ khoa học – kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp được áp dụng. Các thành phần kinh tế trong sản xuất nông nghiệp có sự chuyển biến tích cực. Hộ nông dân thực sự đã trở thành đơn vị kinh tế tự chủ. Kinh tế trang trại được xác định, tạo điều kiện phát triển. Năng lực tiềm ẩn vốn có bị cơ chế cũ kìm hãm phát triển nay đã được giải phóng. Các mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp đang được hoàn thiện và triển khai trên diện rộng. Số hộ nghèo trong nông thôn ngày càng giảm, số hộ giầu ngày càng tăng lên. Một số vấn đề lớn đặt ra đối với cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong những năm đổi mới, vẫn còn một số vấn đề lớn đặt ra đối với sự nghiệp đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp như sau: + Việc tổ chức khai thác, sử dụng các tài nguyên thiên nhiên như ruộng đất, mặt nước, rừng. Mặc dù diện tích đất nông nghiệp trên đầu người ở nước ta quá ít ỏi nhưng nhiều vùng đất vẫn chưa tận dụng hết khả năng để mở rộng diện tích, thâm canh, tăng vụ. Tài nguyên rừng chưa được khai thác hợp lý kết hợp với việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Việc khai thác sử dụng diện tích mặt nước, nhất là mặt biển để nuôi trồng thuỷ, hải sản vẫn chưa hiệu quả. Do vậy, chính sách nông nghiệp trong thời gian tới cần tập trung vào việc phát huy thế mạnh của điều kiện tự nhiên trong nông nghiệp. + Lao động trong nông nghiệp, nguồn lực con người chưa được khai thác tốt, lao động nông nghiệp đa số là lao động giản đơn, ít lao động có kỹ thuật. Trình độ dân trí, tay nghề của người lao động nông nghiệp nhìn chung còn thấp. Lao động nông nghiệp thiếu việc làm 85 nghiêm trọng làm cho thu nhập của nông dân chưa cao. Nghèo đói vẫn tồn tại trong nông thôn, sự phân hoá giầu nghèo trong nông thôn ngày càng sâu sắc. + Vẫn còn nhiều loại sản phẩm nông nghiệp chưa gắn được với công nghệ bảo quản, chế biến. Công nghệ sản xuất và chế biến nông sản nhiều loại sản phẩm còn lạc hậu so với thế giới và trong khu vực. + Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn nhiều yếu kém. Trước hết là giao thông nông thôn, đặc biệt là ở miền núi chậm phát triển làm cho tiêu thụ sản phẩm của nông dân gặp khó khăn. Nông dân là người thiếu thông tin về lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ nông sản. Do vậy, tình trạng dư cung nông sản, dẫn đến giá bán hạ, làm thiệt hại cho sản xuất, giảm thu nhập của nông dân vẫn xẩy ra. Công tác thuỷ lợi phục vụ nông nghiệp mặc dù đã được Nhà nước đầu tư khá nhưng nhiều công trình vẫn chưa phát huy tác dụng. + Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chậm được đổi mới,. Quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp vẫn nặng về tự cấp, tự túc, chưa chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá phát huy lợi thế so sánh. + Cơ cấu thành phần kinh tế trong nông nghiệp cũng đang là vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu giải quyết. Khẩn trương đổi mới cơ chế, chính sách, sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước để các doanh nghiệp Nhà nước làm tròn chức năng, vai trò chủ đạo của nó. Trong cơ chế mới, thành phần kinh tế tập thể đang bộc lộ nhiều yếu kém, trì trệ, cần phải tạo điều kiện khuyến khích các mô hình kinh tế hợp tác đa dạng, chuyển mạnh sang mô hình HTX kiểu mới. Kinh tế hộ nông dân với quy mô quá nhỏ bé và phân tán như hiện nay thì khó có thể sản xuất đạt hiệu quả cao được. Thành phần kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác được khuyến khích phát triển song cũng đang còn nhiều vấn đề tồn tại cần được tháo gỡ. Sự đồng bộ của các chính sách kinh tế vĩ mô cần phải tiếp tục được hoàn thiện để chính sách thực sự là phương cách, đường lối dẫn dắt hành động và phát huy tác dụng đối với sản xuất. Tài liệu tham khảo 1. Ban Nông nghiệp Trung ương (1991), Kinh tế - Xã hội nông thôn Việt nam ngày nay, Nhà xuất bản Tư tưởng – Văn hoá, Hà Nội. 2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, VII, IIX, IX, X, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội. 3. Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam (1998), Phát triển nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tập 1, tập 2, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội. 4. Lê Đình Thắng (1995), Đổi mới và hoàn thiện chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội. Câu hỏi thảo luận 1. Trình bày tình hình thực hiện chính sách chủ yếu trong từng giai đoạn phát triển của nông nghiệp Việt Nam? 2. Trình bày cơ sở hoạch định, mục tiêu, nội dung và tác động của một số chính sách chủ yếu trong nông nghiệp Việt Nam. 86 MỤC LỤC BÀI GIẢNG HỌC PHẦN............................................................................................................................................1 CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP.................................................................................................................................1 CHƯƠNG 1....................................................................................................................................................................2 NHẬP MÔN...................................................................................................................................................................2 1.1. SỰ CẦN THIẾT VỀ CAN THIỆP CỦA CHÍNH PHỦ ĐỐI VỚI NỀN KINH TẾ.....................................2 1.1.1. Các mô hình tổ chức kinh tế..................................................................................................................2 1.1.2. Vai trò của Chính phủ trong nền kinh tế hỗn hợp.................................................................................3 1.1.3. Sự cần thiết về can thiệp của Chính phủ đối với nền kinh tế................................................................4 1.2. CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP...............................................................................................................5 1.2.1. Sự cần thiết phải có chính sách nông nghiệp........................................................................................5 1.2.2. Bản chất của chính sách nông nghiệp...................................................................................................5 1.2.3. Các loại văn bản chính sách ở Việt Nam..............................................................................................7 1.3. ĐỐI TƯỢNG, NHIỆM VỤ, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU MÔN HỌC..................8 1.3.1. Đối tượng nghiên cứu............................................................................................................................8 1.3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu.............................................................................................................................8 1.3.3. Nội dung nghiên cứu.............................................................................................................................8 1.3.4. Phương pháp nghiên cứu......................................................................................................................8 CHƯƠNG 2..................................................................................................................................................................10 HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP 10 2.1. KHÁI NIỆM VỀ HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP........................................................10 2.2. CĂN CỨ HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP....................................................................11 2.2.1. Định hướng phát triển lâu dài của nông nghiệp.................................................................................11 2.2.2. Thực trạng về những vấn đề cần tháo gỡ đối với sản xuất nông nghiệp............................................12 2.2.3. Ảnh hưởng của các tác động khách quan...........................................................................................12 2.2.4. Sức mạnh kinh tế của đất nước...........................................................................................................13 2.2.5. Khả năng tiếp nhận chính sách của các đối tượng chịu tác động......................................................13 2.2.6. Trình độ phát triển của kỹ thuật và công nghệ....................................................................................13 2.3. YÊU CẦU CỦA CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP..................................................................................14 2.3.1. Tính khoa học......................................................................................................................................14 2.3.2. Tính thực tiễn.......................................................................................................................................14 2.3.3. Tính quần chúng..................................................................................................................................14 2.3.4. Tính đồng bộ........................................................................................................................................15 2.3.5. Tính thời điểm.....................................................................................................................................15 2.3.6. Tính hoàn thiện....................................................................................................................................15 2.4. ĐIỀU KIỆN ĐỂ HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP........................................................16 2.4.1. Trình độ hoạch định chính sách..........................................................................................................16 2.4.2. Sức mạnh vật chất của nền kinh tế......................................................................................................16 2.4.3. Trình độ dân trí...................................................................................................................................17 2.5. PHÂN LOẠI CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP.......................................................................................17 2.5.1. Theo tính chất......................................................................................................................................17 2.5.2. Theo thời gian.....................................................................................................................................18 2.5.3. Theo nội dung......................................................................................................................................18 2.5.4. Theo đối tượng tác động......................................................................................................................18 2.5.5. Theo phạm vi tác động........................................................................................................................19 2.6. CÔNG CỤ ĐỂ HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP..........................................................19 2.7. TRÌNH TỰ HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP................................................................19 2.7.1. Thu thập và xử lý thông tin..................................................................................................................19 2.7.2. Hình thành nhận thức..........................................................................................................................20 2.7.3. Đưa ra quy định..................................................................................................................................20 2.7.4. Chỉ đạo trong thực tế...........................................................................................................................20 2.7.5. Phát hiện các vấn đề phát sinh cần giải quyết....................................................................................21 CHƯƠNG 3. 22 PHƯƠNG PHÁP LUẬN VỀ PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP 22 3.1. SỰ CẦN THIẾT PHẢI PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP..................................................22 3.2. VAI TRÒ CỦA PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP..............................................................22 3.3. NỘI DUNG CỦA PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP..........................................................23 87 3.3.1. Phân tích cơ sở khoa học và thực tiễn của chính sách........................................................................23 3.3.2. Phân tích tính cần thiết về sự ra đời của chính sách..........................................................................23 3.3.3. Phân tích kết quả thực hiện chính sách...............................................................................................23 3.3.4. Phân tích ảnh hưởng của chính sách..................................................................................................23 3.4. CỘNG CỤ PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP....................................................................24 3.4.1. Độ co giãn...........................................................................................................................................24 3.4.2. Thặng dư người sản xuất và thặng dư người tiêu dùng......................................................................24 3.4.3. Thị trường một sản phẩm....................................................................................................................26 3.4.4. Giá thế giới và chi phí cơ hội..............................................................................................................27 3.4.5. Giá cá thể và giá xã hội.......................................................................................................................27 3.4.6. Phúc lợi xã hội....................................................................................................................................28 3.5. TRÌNH TỰ PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP....................................................................28 3.5.1. Giai đoạn chẩn đoán...........................................................................................................................28 3.5.2. Giai đoạn phân tích/dự báo chính sách..............................................................................................28 3.5.3. Giai đoạn đề xuất các điều chỉnh chính sách......................................................................................28 3.6. MÔ HÌNH PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP.....................................................................29 3.6.1. Mô hình chung về phân tích chính sách nông nghiệp.........................................................................29 3.6.2. Mô hình phân tích cầu.........................................................................................................................30 3.6.3. Mô hình phân tích cung.......................................................................................................................31 3.6.4. Mô hình cân bằng không gian.............................................................................................................32 3.6.5. Ma trận phân tích chính sách (PAM)..................................................................................................32 3.7. PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP..........................................................33 3.7.1. Phương pháp phân tích phúc lợi.........................................................................................................33 3.7.2. Phương pháp phân tích ngành hàng...................................................................................................40 3.7.3. Ma trận phân tích chính sách (Policy Analysis Matrix).....................................................................43 3.7.4. Phương pháp phân tích tân cổ điển....................................................................................................46 CHƯƠNG 4..................................................................................................................................................................49 CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP ĐIỂN HÌNH TRÊN THẾ GIỚI 49 4.1. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TRÊN THẾ GIỚI...........................................................49 4.1.1. Quá trình phát triển của nông nghiệp xét theo trình độ sản xuất hàng hoá.......................................49 4.1.2. Các giai đoạn phát triển của một nền nông nghiệp hiện đại..............................................................50 4.2. ĐẶC ĐIỂM PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP THẾ GIỚI........................................................................51 4.2.1. Đặc điểm phát triển nông nghiệp của các nước phát triển.................................................................51 4.2.2. Đặc điểm, mục tiêu và giải pháp phát triển nông nghiệp ở các nước đang phát triển.......................52 4.3. MỘT SỐ CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP ĐIỂN HÌNH TRÊN THẾ GIỚI...........................................55 4.3.1. Các chính sách tác động trực tiếp đến phát triển nông nghiệp..........................................................55 4.3.2. Các chính sách tác động gián tiếp......................................................................................................60 CHƯƠNG 5..................................................................................................................................................................65 CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 65 5.1. CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM........................................................65 5.1.1. Giai đoạn từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1954..........................................................65 5.1.2. Giai đoạn từ năm 1955 đến năm 1960................................................................................................65 5.1.3. Giai đoạn từ năm 1961 đến năm 1975................................................................................................66 5.1.4. Giai đoạn từ 1976 đến năm 1980........................................................................................................66 5.1.5. Giai đoạn từ năm 1981 đến năm 1987................................................................................................67 5.1.6. Giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1992................................................................................................67 5.1.7. Giai đoạn từ năm 1993 đến nay..........................................................................................................68 5.2. ĐẶC ĐIỂM HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM............................................68 5.3. MỘT SỐ CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM..........................................................................70 5.3.1. Chính sách đất đai...............................................................................................................................70 5.3.2. Chính sách vốn, tín dụng trong nông nghiệp......................................................................................73 5.3.3. Chính sách giá.....................................................................................................................................76 5.3.4. Chính sách marketing trong nông nghiệp...........................................................................................79 5.3.5. Chính sách khuyến nông......................................................................................................................80 5.3.6. Chính sách khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong nông nghiệp............................81 5.3.7. Chính sách đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp...........................................................83 88 [...]... nuôi ) Nhóm chính sách bảo hiểm giống cây trồng, vật nuôi Nhóm chính sách bảo hiểm mùa màng Nhóm chính sách marketing và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Nhóm chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như chính sách giá trần, chính sách giá sàn, chính sách xoá đói giảm nghèo Nhóm chính sách về phát triển các hình thức liên kết kinh tế trong nông nghiệp như chính sách phát triển hợp tác xã, chính sách phát... chính sách phát triển kinh tế ở Việt Nam, Hà Nội Câu hỏi thảo luận 1 Phân tích sự cần thiết về hoạch định chính sách nông nghiệp? 2 Phân tích các căn cứ để hoạch định chính sách nông nghiệp? 3 Phân tích các yêu cầu đối với chính sách nông nghiệp? 4 Phân tích các điều kiện hoạch định chính sách nông nghiệp? 21 Chương 3 PHƯƠNG PHÁP LUẬN VỀ PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP Phân tích chính sách nông nghiệp. .. trong phân tích chính sách nông nghiệp 3.1 SỰ CẦN THIẾT PHẢI PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP Phân tích chính sách nông nghiệp sẽ giúp cho các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan, các nhà lãnh đạo thấy rõ hướng tác động của chính sách đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn Từ đó rút ra được sự cần thiết phải hoàn thiện, cải tiến hay đổi mới chính sách đối với lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn Vì... dụng các yếu tố sản xuất trong nông nghiệp (chính sách đất đai, chính sách tín dụng, chính sách khuyến nông, chính sách áp dụng tiến bộ kỹ thuật hay công nghệ, chính sách giải quyết việc làm, chính sách sử dụng tài nguyên môi trường ) Nhóm chính sách về cung ứng các yếu tố đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như chính sách cung ứng vật tư kỹ thuật nông nghiệp (phân hoá học, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc,... và thực hiện chính sách Mục tiêu của chương này là giúp cho người học nắm được cơ sở lý luận và thực tiễn của việc phân tích chính sách nông nghiệp Với mục tiêu đó, các bài giảng được thiết kế nhằm cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về sự cần thiết phải phân tích chính sách nông nghiệp, nội dung của phân tích chính sách nông nghiệp, các công cụ để phân tích chính sách nông nghiệp và phương... trình độ non kém 13 2.3 YÊU CẦU CỦA CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP 2.3.1 Tính khoa học Tính khoa học là yêu cầu trước tiên khi hoạch định chính sách nông nghiệp Vấn đề đó được giải thích bởi một số lý do sau: Chính sách nông nghiệp thể hiện sự lựa chọn cân nhắc của Chính phủ nhằm hướng nền nông nghiệp phát triển theo xu hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá Chính sách nông nghiệp chứa đựng các quy định nhằm giải... khi chính sách này thành công sẽ góp phần chuyển nền nông nghiệp sang bước phát triển mới cao hơn Để đáp ứng yêu cầu các chính sách mục tiêu, cần tận dụng tốt sự giúp đỡ từ bên ngoài trên cơ sở phát huy tốt nội lực trong nông nghiệp Chính sách hỗ trợ chính là những can thiệp có lợi cho nông nghiệp từ Chính phủ Bằng chính sách hỗ trợ, Chính phủ đã tạo nên sự ổn định về sản xuất và đời sống trong nông nghiệp. .. tích chính sách nông nghiệp là cần thiết, giúp cho các nhà hoạch định chính sách bổ sung và lựa chọn đúng đắn các chính sách, đồng thời giúp cho các đối tượng hiểu biết được sự vận hành của chính sách Chính sách nông nghiệp không chỉ có quan hệ đến tất cả những vấn đề của sản xuất nông nghiệp mà còn có quan hệ đến quá trình phát triển nông thôn một cách toàn diện và bền vững, vì thế phân tích chính sách. .. ban hành chính sách chỉ được đánh giá sau khi chính sách đó được ban hành nên cần thận trọng Mặc dù sự chuyển biến của nông nghiệp thường chậm hơn so với các lĩnh vực khác, nhiều chính sách kinh tế không phát huy tức thì nhưng ban hành chính sách đúng thời điểm sẽ đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các chính sách giá trần đối với vật tư kỹ thuật nông nghiệp và chính sách giá... chỉ đạo thực hiện chính sách; f) Tổ chức triển khai cho các đối tượng của chính sách hiểu biết và thực hiện tốt chính sách và g) Chế tài xử lý các trường hợp vi phạm chính sách 2.2 CĂN CỨ HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP 2.2.1 Định hướng phát triển lâu dài của nông nghiệp Chính sách là một công cụ đắc lực của Chính phủ trong việc tổ chức quản lý điều khiển sự phát triển nền kinh tế Chính phủ không ... phân tích sách nông nghiệp, công cụ để phân tích sách nông nghiệp phương pháp chủ yếu phân tích sách nông nghiệp 3.1 SỰ CẦN THIẾT PHẢI PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP Phân tích sách nông nghiệp. .. CẦU CỦA CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP 2.3.1 Tính khoa học Tính khoa học yêu cầu trước tiên hoạch định sách nông nghiệp Vấn đề giải thích số lý sau: Chính sách nông nghiệp thể lựa chọn cân nhắc Chính phủ... hội Chính sách nông nghiệp nhằm kết hợp phát triển ngành kinh tế nông thôn công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ + Chính sách nông nghiệp nhằm mục tiêu phát triển nông

Ngày đăng: 11/10/2015, 08:14

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TRÍCH ĐOẠN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w