Từ những năm 1960 khi mới thành lập công ty du lịch Việt Nam đến nay đã qua hơn 45 năm ngành du lịch Việt Nam hình thành và phát triển, du lịch Việt Nam đã có những tiến bộ đáng ghi nhận trong việc chuẩn bị hành trang để vững tiến vào thế kỉ 21 với vai trò ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước như trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 9, Đảng ta đã khẳng định: “Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao hiệu quả hoạt động trên cơ sở khai thác lợi thế và điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa, lịch sử, đáp ứng nhu cầu trong nước và phát triển nhanh du lịch quốc tế, sớm đạt được trình độ của khu vực. Thực tiễn phát triển du lịch ở nhiều nước trên thế giới cho thấy, việc hoàn thiện công tác quản trị nguồn nhân lực cho du lịch có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành du lịch. Thực trạng về nhân sự ngành du lịch nước ta trong những năm gần đây đã có những bước khích lệ song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển với tốc độ nhanh của nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng. Nhân sự du lịch ở Việt Nam phần đông là lao động trẻ (ở nhóm tuổi dưới 30 tuổi chiếm khoảng từ 55% 60%, Tạp chí Du lịch Việt Nam 12 2006); trong đó hầu hết lao động trong ngành du lịch chuyển từ các ngành khác sang; tỷ lệ lao động được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ du lịch mới đạt khoảng 52% trong tổng số lao động của toàn ngành. Hơn nữa, trong ngành kinh doanh dịch vụ, tỉ lệ lao động trực tiếp tương đối lớn, người lao động là người trực tiếp tạo ra sản phẩm dịch vụ, việc quản lí nhân viên để hoạt động kinh doanh đạt kết quả tốt nhất không phải là vấn đề đơn giản đối với bất kì một nhà quản lí nào.