Đặc trưng tâm lý lứa tuổi học sinh trung học phổ thông

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý hoạt động GDHN trong các trường THPT ở thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) (Trang 30)

8. CẤU TRÚC CỦA LUẬN VĂN

1.5.2. Đặc trưng tâm lý lứa tuổi học sinh trung học phổ thông

1.5.2.1. Những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của lứa tuổi học sinh trung học phổ thông

- Trong tâm lý học lứa tuổi, người ta định nghĩa tuổi thanh niên là giai đoạn phát triển bắt đầu từ lúc dậy thì và kết thúc khi bước vào tuổi người lớn. Đối với đa số thanh niên thì tuổi thanh niên là thời kỳ từ 14, 15 tuổi đến 25 tuổi.

- Tuổi đầu thanh niên - tuổi học sinh trung học phổ thông - là thời kỳ đạt được sự trưởng thành về mặt cơ thể.

Nhìn chung thì đây là lứa tuổi của các em có cơ thể phát triển cân đối, khỏe đẹp. Đa số các em có thể đạt được những khả năng, thành tích về cơ thể như người lớn.

1.5.2.2. Hoạt động học tập và sự phát triển trí tuệ của học sinh trung học phổ thông

- Nội dung và tính chất của hoạt động học tập ở thanh niên học sinh khác nhau rất nhiều so với hoạt động học tập của thiếu niên. Học sinh càng trưởng thành, kinh nghiệm sống càng phong phú, các em càng ý thức được rằng mình đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Do vậy, thái độ có ý thức của các em đối với học tập ngày càng phát triển. Các em hiểu được rằng, vốn tri thức, kỹ năng, kỹ xảo là điều kiện cần thiết để các em bước vào cuộc sống tương lai. Do vậy nhu cầu tri thức của các em tăng lên. Thái độ của thanh niên học sinh đối với các môn học trở nên có lựa chọn hơn, ở các em đã hình thành những hứng thú học tập gắn liền với khuynh hướng nghề nghiệp. Cuối bậc trung học phổ thông, các em đã xác định được cho mình một hứng thú ổn định đối với một hoặc một số môn học nào đó, đối với một lĩnh vực tri thức nhất định. Hứng thú này thường liên quan với việc chọn một nghề nhất định của học sinh.

- Lứa tuổi học sinh trung học phổ thông là giai đoạn quan trọng trong việc phát triển các năng lực trí tuệ. ở học sinh trung học phổ thông, tính chủ định được phát triển mạnh ở tất cả các quá trình nhận thức. Hoạt động tư duy của các em tích cực, độc lập hơn. Tư duy của các em chặt chẽ hơn, có căn cứ và nhất quán hơn. Đồng thời, tính phê phán của tư duy cũng phát triển... Những đặc điểm đó tạo điều kiện cho học sinh trung học phổ thông thực hiện các thao tác tư duy lôgic, tư duy toán học phức tạp, phân tích nội dung cơ bản của khái niệm trừu tượng và nắm được mối quan hệ nhân quả trong tự nhiên và xã hội... Đó là cơ sở để hình thành thế giới quan.

Tuy nhiên, thiếu sót cơ bản hiện nay trong hoạt động tư duy của nhiều em là thiếu tính độc lập. Nhiều khi các em chưa chú ý phát huy hết năng lực độc lập suy nghĩ của bản thân, còn kết luận vội vàng theo cảm tính, hoặc thiên về việc tái hiện tư tưởng của người khác, cách luận chứng của người khác...

Việc giúp các em phát triển khả năng nhận thức là một nhiệm vụ quan trọng của giáo viên.

1.5.2.3. Những đặc điểm nhân cách chủ yếu

- Sự phát triển của tự ý thức: Sự phát triển tự ý thức là một đặc điểm nổi bật trong sự phát triển nhân cách của thanh niên mới lớn, nó có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển tâm lý của lứa tuổi thanh niên học sinh.Trên cơ sở tự ý thức phát triển mạnh mẽ, nhu cầu tự giáo dục ở thanh niên học sinh cũng được phát triển. Vấn đề tự giáo dục của học sinh trung học phổ thông thật sự cần thiết cho sự phát triển của chính bản thân; nó khiến cho vị trí của các em thay đổi: học sinh từ chỗ là đối tượng của giáo dục thì dần dần đến giai đọan này các em đã trở thành vừa là đối tượng, vừa là chủ thể của giáo dục. Do vậy cần phải khuyến khích và hướng dẫn việc tự giáo dục của các em.

- Sự hình thành thế giới quan: sự hình thành thế giới quan là nét chủ yếu trong sự phát triển tâm lý ở học sinh trung học phổ thông. Nó được thể hiện ở tính tích cực nhận thức. Các em cố gắng xây dựng quan điểm riêng trong lĩnh vực khoa học, đối với các vấn đề xã hội, tư tưởng, chính trị, đạo đức. Chính nội dung các môn học ở trung học phổ thông giúp các em xây dựng được thế giới quan tích cực về tự nhiên, xã hội.

Một vấn đề quan trọng cần bàn tới trong thế giới quan của học sinh trung học phổ thông là việc chọn vị trí xã hội tương lai cho bản thân và các phương thức đạt đến vị trí xã hội ấy; để đạt được vị trí xã hội theo ước mong thì trước hết học sinh phải lựa chọn nghề một cách có ý thức, phù hợp với khả năng và điều kiện cho phép.

Điều quan trọng là việc lựa chọn nghề đã trở thành công việc khẩn thiết của học sinh trung học phổ thông. Càng cuối bậc học thì việc lựa chọn nghề càng nổi bật. Các em cũng đã hiểu rằng, cuộc sống tương lai phụ thuộc vào chỗ mình có biết lựa chọn nghề nghiệp một cách đúng đắn hay không. Dù vô tâm đến đâu, các em cũng phải quan tâm, suy nghĩ đến việc chọn nghề. Việc

quyết định chọn một nghề nào đó ở nhiều em đã có căn cứ. Tuy nhiên qua đó cũng cho thấy vai trò của GDHN đối với học sinh trung học phổ thông là vô cùng quan trọng và cần được Hiệu trưởng nhà trường đặc biệt quan tâm chỉ đạo.

- Về giao tiếp và đời sống tình cảm của học sinh trung học phổ thông: + Tuổi học sinh trung học phổ thông là lứa tuổi mang tính chất tập thể nhất. Ở tuổi này, quan hệ với bạn cùng tuổi chiếm vị trí lớn hơn hẳn so với quan hệ với người lớn tuổi hoặc ít tuổi hơn. Đó là do lòng khao khát muốn có vị trí bình đẳng trong cuộc sống chi phối. Trong hoàn cảnh giao tiếp tự do, rỗi rãi, trong tiêu khiển, trong việc phát triển nhu cầu, sở thích... thanh niên hướng vào bạn bè nhiều hơn hướng vào cha mẹ. Nhưng khi bàn đến những giá trị sâu sắc hơn như chọn nghề, thế giới quan, những giá trị đạo đức thì ảnh hưởng của cha mẹ mạnh hơn rõ rệt. Hiểu được điều này thì nhà trường cần thiết phải có biện pháp tích cực tác động vào gia đình học sinh để góp phần giúp các em có thêm sự trợ giúp cần thiết trong định hướng nghề.

Hiểu được đặc điểm tâm lý của học sinh trung học phổ thông sẽ giúp ích rất nhiều cho việc tiến hành các hoạt động giáo dục của nhà trường đối với các em nói chung và hoạt động GDHN nói riêng.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Chương 1 đã tập trung đề cập tới một số nội dung sau:

- Khái niệm “hướng nghiệp” và các khía cạnh tiếp cận khái niệm này. - Vai trò của quản lý đối với công tác GDHN.

- Vai trò, ý nghĩa của GDHN trong nhà trường phổ thông. - Các cách GDHN cho học sinh THPT.

- Một số yếu tố tâm lý, xã hội tác động tới GDHN cho học sinh phổ thông.

Những nội dung trên sẽ là cơ sở lý luận để vận dụng vào việc đánh giá thực trạng và đề xuất biện pháp GDHN cho học sinh THPT.

Chương 2

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ

HOẠT ĐỘNG GDHN TRONG CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý hoạt động GDHN trong các trường THPT ở thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) (Trang 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(145 trang)
w