7. Kết cấu của luận văn
2.2.2. Những ảnh hưởng tiêu cực
Nền đạo đức mà chúng ta xây dựng, phát triển là đạo đức cách mạng tiến bộ theo quan điểm Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trên cơ sở kế thừa phát huy những nhân tố tích cực của đạo đức truyền thống nói chung, đạo đức Phật giáo nói riêng.
Trong quá trình xây dựng đạo đức hiện nay chúng ta cũng gặp không ít những khó khăn, cản trở do nếp nghĩ, lối sống theo đạo đức Phật giáo mang tính duy tâm, bảo thủ chủ quan đã in đậm trong đời sống của một bộ phận nhân dân ở Hải Phòng. Vì “Phật giáo đã tạo dựng thế giới quan hư vô, niềm tin không tưởng, đạo lý cốt nhục, hành vi thụ động bất lực trước thiên nhiên và xã hội trói buộc con người, làm lu mờ cá tính, cá nhân và sự phát triển nhân cách” [23, tr.212] Điều này đã và đang tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình xây dựng đạo đức hiện nay. Điều này được thể hiện qua các nét chính sau đây:
Thứ nhất: Trong đạo đức Phật giáo đề cao tinh thần nhẫn nhục - nhẫn
nhục Balamật. Đây là ý thức nhẫn nhục theo kiểu chịu đựng và như thế vô hình đi đến chỗ cam chịu, an phận thủ thường, tính đấu tranh trực tiếp sẽ bị hạn chế. Không ít Phật tử ở Hải Phòng đã tuân theo phép tu này nên đã nảy sinh tâm lý bằng lòng với những gì mà mình có, với những gì đến với mình và đang, sẽ xảy ra quanh mình. Theo giáo lý nhà Phật thì phải nhẫn nhục đến mức mà không ai có thể nhẫn nhục được hơn thế - nhẫn nhục Balamật, thì mới là đại hùng; sự nhẫn nhục như thế sẽ cảm hoá được người khác, cảm hoá được chúng sinh. Nhưng thử hỏi nhẫn nhục đến tột cùng như thế thì sẽ đạt được cái gì về mặt hiện thực? Nhà Phật trả lời rằng: Chiến thắng được chính bản thân mình thì sẽ tạo ra được sức mạnh của cái “Tâm” để cảm hoá. Vậy trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay ở mọi nơi nói chung, Hải phòng nói riêng khi mà nhiều mặt trái vẫn tồn tại diễn ra do cả vô tình và cả cố ý của sự vi phạm đạo đức, pháp luật thì sự nhẫn nhục cam chịu đó có cảm hoá được
không? Như vậy hệ quả của phương thức sống theo đạo đức nhẫn nhục là sự cam chịu, là thủ tiêu đấu tranh chống những mặt tiêu cực. Đồng thời từ chỗ làm giảm rồi đi đến triệt tiêu ý thức đấu tranh để vươn lên trong cuộc sống xã hội. Nhiều Phật tử ở Hải Phòng đã theo cách sống đạo đức này nên đã buông xuôi theo dòng chảy tự nhiên của nó, bệnh tật, nghèo đói, lạc hậu, học kém... họ đều cho rằng tại mệnh, số, tại luân hồi của kiếp trước, nên có cố vươn lên cũng không được vì vậy họ đã ỷ lại, mặc cho đời đưa đẩy, nhất là trong cuộc đấu tranh chống bảo thủ lạc hậu, chống tham nhũng, chống các thế lực phản động gây tội ác hiện nay. Chúng ta rất cần phải có sự đồng tâm hiêp lực để tạo ra sức mạnh để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đang, sắp đặt ra.Trong khi đó nhiều nhà sư, nhiều Phật tử đã siêng năng tụng kinh, gõ mõ, siêng năng học thuộc kinh sách hơn là tích cực tham gia có hiệu quả trong công cuộc đấu tranh, cải tạo,xây dựng đời sống hiện thực được ấm no hạnh phúc. Điều này biểu hiện ở khu vực nông thôn nhiều hơn nội thành.
Thứ hai: Về quan điểm hạnh phúc và con đường để đạt được hạnh
phúc, tôn giáo nói chung, đạo đức Phật giáo nói riêng phổ biến cho rằng hạnh phúc là nơi Thiên đàng hay cõi Niết bàn, nơi mà được giải thoát tất cả,còn cuộc đời này chỉ là cõi tạm (vô ngã), là bể khổ... Với quan niệm, tư tưởng này thì hạnh phúc chỉ là hạnh phúc của sự hư ảo. Như vậy trong quan niệm hạnh phúc của đạo đức Phật giáo có sự mâu thuẫn, ví dụ: Càng nhẫn nhục được - nhẫn nhục Balamật là anh hùng, vậy hạnh phúc là cái đạt được khi không còn là mình nữa, như thế quan niệm về cái riêng, cái chung, cái hiện thực và cái tâm lý... không được rõ ràng. Thử hỏi đã ở đâu, bao giờ, mà hạnh phúc lại được cho là thoát ly cái riêng, cụ thể, của con người, của xã hội hiện thực? Hay họ cho rằng để có hạnh phúc thì phải tu hướng thiện trách ác nhưng sự hướng thiện đến mức thoát ly đời sống thực tế, đến mức không phản kháng
đối với cái ác thì khác nào lại là sự tiếp tay đồng loã cho cái ác tồn tại, phát triển. Vậy đó là thứ hạnh phúc gì?
Tuy nhiên đó là chúng đã đứng vững trên lập trường duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để xem xét, đánh giá và đặt ra vấn đề như vậy. Còn thực tế trong xã hội vốn phong phú, phức tạp. Có phải người dân nào cũng có hoàn cảnh, điều kiện và nhận thức như nhau đâu, do đó vẫn có không ít người Hải Phòng, đặc biệt là nông dân vẫn tin nhiều vào giáo lý và phương pháp tu của đạo đức Phật giáo, nhất là có niềm tin lớn vào nhà tu hành, coi hình ảnh tất cả các nhà sư đều là hình tượng thiêng liêng đáng kính... Họ đã thay vì chịu khó làm cho gia đình mình, cho bản thân mình được hạnh phúc thật sự với lo toan cho vợ, chồng, con cái, cơm dẻo canh ngọt, dạy dỗ quản lý con cái được chu đáo... Họ đã cần mẫn sớm tối ra chùa, lên chùa tụng kinh gõ mõ, rất đều đặn, chăm chỉ, chu đáo. Thật là việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng. Như vậy hạnh phúc thật, lao động, đấu tranh để có hạnh phúc thật thì lại bị xem nhẹ. Trong khi đó cái hạnh phúc còn ở phía trước mang tính mờ ảo thì lại cố đeo đuổi... Thực trạng này ảnh hưởng xấu đến quá trình xây dựng đạo đức hiện nay ở Hải Phòng. Nhân dân Hải phòng đã, đang khẳng định hạnh phúc có nguồn gốc từ lao động sản xuất, từ đấu tranh xã hội, nghiên cứu khoa học, vì chỉ thông qua hoạt động thực tiễn thì mới tạo ra được những giá trị vật chất và tinh thần để thoả mãn nhu cầu của đời sống con người, xã hội. Đồng thời hạnh phúc cá nhân nằm trong hạnh phúc xã hội, hạnh phúc cá nhân là xuất phát điểm cho hạnh phúc xã hội và ngược lại xã hội được hạnh phúc thì đó là môi trường, điều kiện cho hạnh phúc cá nhân được toàn diện hơn nữa.
Hoạt động thực tiễn không chỉ là cội nguồn hạnh phúc bằng cách tạo ra của cải vật chất và tinh thần, mà nó còn là quá trình cải tạo biến đổi thế giới khách quan và qua đó không ngừng làm nảy sinh những nhu cầu mới cần phải
giải quyết... Cứ như vậy hoạt động thực tiễn của con người luôn được kích thích với trí sáng tạo không ngừng, và chính đây là qúa trình con người, xã hội không ngừng đạt được hạnh phúc. Đối chiếu, so sánh quan điểm này với quan điểm, cách thức để đạt được hạnh phúc của đạo đức Phật giáo, ta thấy đạo đức Phật giáo tác động tiêu cực đến nhận thức và hành vi về vấn đề hạnh phúc. Nhiều Phật tử đã mải tu chùa mà quên, sao nhãng công tác tu chợ, tu nhà, nên đã có biểu hiện trì trệ, thụ động trong lao động sản xuất. Đây là vấn đề cần được khắc phục ngay để việc xây dựng đạo đức hiện nay có hiệu quả tốt hơn .
Thứ ba: Về phương thức niềm tin ở đạo đức Phật giáo “Có sự pha trộn
chất hư vô chủ nghĩa, nặng về tin tưởng ở quyền năng và phép mầu nhiệm của một vị siêu nhiên mà nhẹ về tin tưởng ở năng lực hoạt động của con người, nếp sống thì khổ hạnh và không tránh khỏi nương theo những nghi lễ thần bí” [23, tr.229]. Một thực tế cho thấy ở Hải phòng nhiều Phật tử truyền giảng cho nhau, cho người mới vào (quy) về sự kỳ vĩ của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni, cho đây là con người đại hùng, đại bi vì đã thắng được cả ma vương, thắng nhu cầu nhục dục của bản thân mình. Đồng thời là các nghi lễ cúng bái trong hệ thống thờ tự rất huyền bí, vào bất cứ một chùa nào ở Hải Phòng, chúng ta cũng thấy nhiều tranh, ảnh, tượng phật, nhiều ban thờ... với đầy những nghi lễ nửa đạo nửa đời, nửa truyền thống nửa “hiện đại”, người dân Hải Phòng đến chùa cầu may, cầu phúc lộc, thậm chí cầu con. Như vậy vai trò đối với bản thân gia đình, xã hội của một bộ phận Phật tử Hải Phòng bị phủ nhận vì một thế giới quan ảo giác, họ lấy cửa Phật làm nơi nương náu, chạy chốn thực tại mà không đấu tranh đối mặt với những vấn đề thực tế trong cuộc sống xã hội; bi quan trước những khó khăn trước mắt và phía trước của con đường cuộc sống đang đi, từ đó đẫn đến sự trì trệ, bảo thủ, chủ quan. Nhìn vào cuộc sống của người Phật tử và gia đình họ thì thấy rõ được đặc điểm này, cũng từ niềm
tin thờ cúng, lễ bái mà nạn buôn thần, bán thánh đang diễn ra nhiều ở cả đô thị và nông thôn. Lợi dụng sự kém hiểu biết của người dân, niềm tin đến mức mù quáng của họ mà một nhà tu hành không chân chính, không tu vì đạo, vì đời mà vì một lý do nào đó cơ nhỡ, lười lao động hay trốn tránh thực tại... rồi đi vào chùa nương nhờ cửa Phật, để rồi quá trình ấy xác định cũng như một cái nghề kiếm sống, thậm chí có trường hợp những vị này còn thường xuyên lấy điều răn dạy Phật để loè bịp, hạch sách tín đồ. Đúng như một số nhà sư đã phải thốt lên: “Có kẻ mượn Phật làm danh, cũng ngày đêm hai buổi công phu thọ trì, sóc vọng, cũng sám hối như ai, nhưng lại thủ dị cầu kỳ, học thêm bùa ngải; luyện roi thần, làm bạn với thiên linh cái, đồng nhi, khi ông lên, lúc bà xuống, ngáp ngắn ngáp dài, thu phù niệm chú, gọi là cứu nhân độ thế, nhưng thực ra là lợi dụng lòng mê muội của thiện nam tín nữ, mở rộng túi tham vơ vét cho sạch sành sanh. Than ôi! Họ phải ma vương sao mà làm chuyện trò cười cho ngoại đạo? Vậy mà cũng lên mặt trụ trì! Hiện trạng như thế bảo sao chảng suy đồi, làm tấm bia cho các nhà duy vật mỉa mai” [22, tr.150].
Thực ra điều này xét cho cùng thì cũng tương xứng bởi “đường quang anh không đi mà lại đâm quàng vào bụi rậm”, chẳng hiểu sự thâm sâu của giáo lý mà chỉ tin vào mầu áo nâu sòng, đầu cạo nhẵn... mà đã vội thiêng hoá ngay, cho đây là đấng siêu việt, đấng liên lạc giúp ta với chốn quyền năng để mọi việc thành công. Những nhà sư tu hành chân chính như Thượng Toạ Thích Quảng Tùng, Thích Thanh Giác, Thích Giác Nghiên... đã nói: Người dân Hải Phòng dễ tin đến mức cứ ai mặc áo nâu sòng, đi chân đất, đầu cạo sạch... là nhà sư rồi. Hơn nữa nạn giả sư để làm ăn kinh tế cũng đang diễn ra ở nhiều khu vực. Xin dẫn ra ở đây: ở Kiến Thuỵ có vị Tâm giả làm sư ở chùa Ngũ Đoan( xã Đại Hà ),vị Lan chùa Phương Đôi (xã Thuỵ Hương ), vị Tưởng chùa Phổ Chiếu (xã Hữu Bằng ); ở Huyện An Dương có bà Hải 65 tuổi giả sư đi quyên góp xây chùa nhưng thực ra là để vào túi riêng, vị Dần ở chùa Gắng
(xã Lê Thiện ) trước đây là thủ tự nhưng nay chiếm chùa để có chỗ ăn ở và thu nhập riêng; ở Thuỷ Nguyên có vị Sơn giả sư chiếm chùa xã Kênh Giang, vị Đại tự xưng là Thích Quảng Đại chiếm chùa Giáng Trung (xã Minh Tân); ở Vĩnh Bảo có vị Tân giả sư ở chùa Bắc Tạ (thị trấn Vĩnh Bảo). Đây thực sự là những hiện tượng nhức nhối vi phạm hoat động của Phật giáo, ảnh hưởng tiêu cực không ít tới quá trình xây dựng đạo đức hiện nay ở Hải Phòng.
Về phương thức thờ cúng của đạo Phật đã dần làm cho tín đồ mê tín: Kẻ trước người sau dâng hương, dâng lễ lên Phật cầu xin Phật ban phát tài lộc. Đồng thời nhà chùa còn tăng phần trai đàn, cầu siêu, cúng giương sao giải hạn hàng tháng, cúng cầu an, cúng cô hồn. Nhiều Phật tử đã siêng năng đi lễ chùa, thậm chí đi hành lễ nơi xa thì mới được thiêng hơn với niềm si mê nơi cõi Phật nhằm hưởng cực lạc sau này, mà đã sao nhãng lao động sản xuất, bê trễ học tập, hao tiền tốn thời gian. Những hoạt động này đang ảnh hưởng xấu đến việc xây dựng đạo đức hiện nay, đúng như giáo sư Đặng Nghiêm Vạn đã nói: “Mê tín là những hành vi của cộng đồng tôn giáo có tính chất phản văn hoá, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực trong cộng đồng, ngăn cản sự sản xuất, phá hoại đạo đức, thậm chí dẫn đến chia rẽ cộng đồng, thiệt hại cho tài sản và sức khoẻ, có khi dẫn đến sự chết chóc” [24, tr.29].