Mô hình chuỗi nhà thuốc bán lẻ SPG pharmacy ra đời nhằm thỏa mãn 2 yếu tố: kinh tế và xã hội. Về mặt kinh tế: Sapharco mong muốn mở rộng mạng lưới cung ứng đầu ra, tăng cường ý đồ xâm nhập sâu hơn vào lĩnh vực cung ứng thuốc lẻ. Còn về mặt xã hội: công ty muốn tăng khả năng tiếp cận thông tin phản hồi từ chính khách hàng là người tiêu dùng cuối cùng, để từ đó nhanh chóng có những biện pháp điều tiết giá, xây dựng những phương án tồn trữ hợp lý vừa phục vụ kinh doanh, vừa phục vụ các mục tiêu xã hội.
Về cách thức vận hành, mô hình này có một số ưu điểm đó là: các nhà thuốc chịu trách nhiệm dự báo số lượng, loại thuốc cần thiết căn cứ theo tình hình thực tế tại khu vực của mình. Sau đó, các chi nhánh hoặc đại lý tại mỗi khu vực sẽ tổng hợp và Sapharco sẽ căn cứ theo các đơn hàng mà tìm kiếm, đàm phán thương lượng với các đối tác là các nhà cung cấp. Thậm chí đối với một số mặt hàng đặc thù cho từng vùng, các nhà thuốc có thể yêu cầu đại lý hoặc chi nhánh đặt hàng trực tiếp với nhà cung cấp mà không cần phải thông qua Sapharco. Điều này sẽ giúp các nhà thuốc linh hoạt trong vấn đề đáp ứng nhu cầu từ phía khách hàng. Bên cạnh ưu điểm dễ thấy của mô hình là sự thuận tiện trong quản lý, mô hình vẫn có những điểm yếu đang ngày càng bộc lộ khi thị trường cạnh tranh ngày càng cao và phát triển ngày càng nhanh.
Nếu trước đây việc lưu trữ thuốc phần lớn vẫn do các đại lý liên kết, hoặc chi nhánh của công ty phụ trách thì bắt đầu từ năm 2011, một số lượng lớn các đại lý buộc phải đóng cửa do ảnh hưởng của thông tư số 43/2010/TT-BYT. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác lưu kho tồn trữ, để khắc phục đòi hỏi các nhà thuốc phải mở rộng khu vực kho bãi. Điều này là không dễ khi quỹ đất ở khu vực trung tâm thành phố không còn cho phép nhà thuốc có diện tích đủ rộng để vừa có khu vực trưng bày rộng rãi, vừa có khu vực kho bãi được sắp xếp và quản lý đạt tiêu chuẩn chất lượng về bảo quản tồn trữ đối với hàng dược phẩm.
Việc được phép đặt hàng trực tiếp với nhà cung cấp thông qua chi nhánh khu vực đã khiến mô hình này phụ thuộc nhiều vào mạng lưới cung ứng hàng hóa của nhà cung cấp. Điều này dẫn đến 3 hệ quả: Thứ nhất – vì các chi nhánh đơn phương đặt hàng nên quyền lực đàm phán giá cả và các điều kiện trong hợp đồng thu mua bị hạn chế; Thứ hai – khi các nhà thuốc không nắm giữ trong tay quyền kiểm soát dòng chảy hàng hóa, những vấn đề như đứt hàng đột xuất hoặc nhà cung cấp từ chối giao hàng cho những nhà thuốc nằm ngoài khu vực giao hàng tối ưu sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Thứ ba, khi kế hoạch tồn trữ được thực hiện bởi chính các nhà thuốc sẽ xảy ra hiện tượng các nhà thuốc luôn muốn có lượng thuốc nhiều hơn nhu cầu thực tế. Số lượng đặt hàng vượt quá nhu cầu thực tế ngoài thị trường, điều này vô tình sẽ gây nên hiệu ứng “Bullwhip – Cái roi da” trong chuỗi cung ứng. 18