Để có thể duy trì quy mô hiện tại công ty cần phải cạnh tranh rất khốc liệt với các đối thủ trong ngành. Sức cạnh tranh yếu chính là một trong những lý do khiến sản lượng và doanh thu của công ty sụt giảm trong những năm qua. Để nâng cao khả năng cạnh tranh của mình, công ty cổ phần Việt Hưng Phát cần chuẩn bị tốt các điều kiện, các yếu tố cần thiết phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh như:
3.2.1.2.1. Nguyên vật liệu
Hiện tại đa phần số nguyên vật liệu mà công ty sử dụng là nguyên liệu nhập ngoại có giá đắt à chi phí vận chuyển khá cao, điều này khiến cho giá thành sản phẩm cao hơn. Hơn nữa, công ty đã không chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Vì vậy đây cũng là một trong những giải pháp trước mắt cần thực hiện ngay. Đó là phải giảm hợp lý tỷ lệ nguyên liệu ngoại nhập, nghiên cứu phương án sử dụng nguyên liệu trong nước với lợi thế về chi phí thấp. Hơn nữa nguồn cung trong nước hiện nay rất dồi dào, số lượng nhà cung cấp nhiều đa dạng về chủng loại và mẫu mã. Công ty hoàn toàn có thể lựa chọn được nguồn vật liệu chất lượng với giá cả phải chăng nhằm giảm giá thành sản xuất.
3.2.1.2.2. Máy móc thiết bị và công nghệ
Thực hiện công tác khấu hao thường xuyên theo kế hoạch các loại tài sản cố định trong toàn công ty và các phân xưởng sản xuất.
Vì tỷ suất lợi nhuận của vốn cố định hiện đang rất thấp, chứng tỏ việc sử dụng tài sản cố định ở công ty kém hiệu quả, doanh nghiệp cần sử dụng tối đa công suất của dây chuyền máy móc để có thể phát huy lợi thế của công nghệ đang có.
3.2.1.2.3. Quản lý chất lượng
Công ty cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng cơ sở, được điều chỉnh phù hợp với từng loại sản phẩm và điều kiện thi công. Hệ thống chỉ tiêu cần đảm bảo tính thống nhất giữa các phân xưởng, đồng thời cũng cần phải linh hoạt trong các tình huống phát sinh. Trên thực tế, nhu cầu của khách hàng có thể thay đổi theo thời gian, vì thế Việt Hưng Phát cần xem xét định kỳ các yêu cầu chất lượng để có thể đảm bảo rằng sản phẩm của doanh nghiệp làm ra luôn thoả mãn tốt nhất nhu cầu của khách hàng.
Các nhu cầu cụ thể cần được chuyển thành các đặc tính với các tiêu chuẩn nhất định. Nó có thể là nhu cầu về công năng sử dụng, kỹ thuật lắp ráp, độ bền,
độ tin cậy, tính thuận tiện và dễ dàng trong sửa chữa, tính thẩm mỹ và các tác động đến môi trường… Trong quá trình xây dựng hệ thống tiêu chuẩn công ty cần chú ý:
- Chất lượng sản phẩm là tập hợp các đặc trưng thể hiện tính năng kỹ thuật hay tính hữu dụng của sản phẩm.
- Chất lượng sản phẩm phải được xây dựng gắn liền với điều kiện tiêu dùng của từng đối tượng khách, từng khu vực thị trường cụ thể. Đối với những khách hàng lớn và khó tính, tiêu chuẩn áp dụng cần phải khắt khe hơn. Sản phẩm của công ty được xây lắp và sử dụng tại những khu vực địa lý và điều kiện tự nhiên đặc biệt cần lưu ý những đặc tính cần thiết như độ chịu mặn, chống mài mòn…
- Cân bằng giữa hai nhân tố chi phí và chất lượng. Thông thường chất lượng của sản phẩm tỷ lệ thuận với chi phí dùng để sản xuất ra sản phẩm đó. Tuy nhiên trong mối quan hệ biện chứng giữa chi phí, giá cả, doanh thu và hiệu quả kinh doanh thì đòi hỏi chi phí để đạt được chất lượng đó phải được quản lý một cách có hiệu quả.
Chủ trương của công ty trong những năm tới là cắt giảm chi phí, hạ giá thành. Nhưng không thể vì thế mà làm giảm chất lượng sản phẩm của công ty, điều này đi ngược với định hướng ngay từ khi thành lập của công ty là cung cấp sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao. Hơn nữa giảm chất lượng sản phẩm sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín và thương hiệu mà công ty đã dày công gây dựng. Điều này sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường, sản phẩm của công ty có thể bị các khách hàng lâu năm từ chối, trong khi chưa chắc chắn đảm bảo sẽ thành công trong phân khúc sản phẩm giá rẻ.
Ngoài ra công ty cần có cơ chế quản lý chất lượng rõ ràng và khoa học: - Xác định rõ các công việc hay hoạt động của mỗi khu vực
- Giao quyền và phân công trách nhiệm thật rõ ràng cho các cán bộ cấp dưới thuộc từng khu vực, bộ phận quản lý và công đoạn làm việc
- Nên có một bộ phận hay cán bộ chuyên trách để định kỳ xem xét đánh giá và điều chỉnh.
3.2.1.2.4. Tiết kiệm chi phí
- Đối với chi phí sản xuất chung: Nỗ lực cắt giảm các khoản mục chi phí vận chuyển, chi phí bốc xếp thành phẩm, chi phí nguyên vật liệu nhập kho phục vụ sản xuất. Ngoài ra áp dụng các cải tiến nhằm tiết kiệm chi phí điện, nước, nâng cao ý thức tiết kiệm điện và các tài nguyên khác cho người lao động trong công ty.
- Đối với chi phí quản lý doanh nghệp: Bằng cách giảm thiểu tối đa các khoản mục chi phí lễ tân, tổ chức hội nghị, sử dụng điện và nước tiết kiệm, an toàn…
- Đối với chi phí bán hàng: kiểm soát các chi phí tiếp khách, công tác phí của các nhân viên kinh doanh, tránh tình trạng lạm dụng và khai báo không trung thực.
3.2.1.2.5. Tăng năng suất lao động
Xây dựng và triển khai những chương trình thi đua trong lao động sản xuất, đồng thời có các mức thưởng xứng đáng cho thành tích cao của cá nhân, tổ, đội. Bên cạnh đó cần có cơ chế xử phạt thật nghiêm khắc đối với những ai vi phạm các quy định và kỷ luật trong lao động của công ty. Tổ chức những chương trình thể thao, trình diễn văn nghệ, giao lưu văn hoá cho tập thể cán bộ công nhân viên trong công ty nhằm chăm lo đời sống tinh thần, tạo điều kiện cho người lao động thi đua lập thành tích trong quá trình lao động và sản xuất… Xây dựng mức thưởng dựa trên doanh thu cho các nhân viên kinh doanh.
3.2.1.2.6. Cơ cấu lại bộ máy tổ chức
Công ty Việt Hưng Phát cần thực thiện tái cơ cấu bộ máy tổ chức hiện nay, cần phải đề ra đích danh các cán bộ chủ chốt của từng phòng ban, từ đó phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn của mỗi người, đồng thời tăng sức sáng tạo, chủ động hơn trong công việc. Những bộ phận quan trọng như marketing, nhân lực cần có đội ngũ chuyên trách riêng, công ty nên xem xét việc thành lập các phòng ban mới để đảm nhiệm những công việc này. Đồng thời tuyển nhân viên marketing và nhân viên thiết kế mẫu tấm lợp và thiết kế nhà xưởng.
Trong điều kiện hiện tại do bị giới hạn về số lượng lao động chuyên môn và nguồn tài chính khá hạn hẹp nên công ty cổ phần Việt Hưng Phát chưa có phòng Marketing riêng biệt, mọi hoạt động liên quan đến marketing của công ty thường chỉ đạt hiệu quả tương đối thấp, chỉ đảm bảo các giải pháp đối phó, vẫn chưa lập chiến lược marketing dài hạn cụ thể mà chỉ có kế hoạch chi tiết và kế hoạch hành động cho từng năm. Trước mắt Việt Hưng Phát nên thành lập một phòng Marketing độc lập, có cơ cấu rõ ràng và đội ngũ nhân viên chất lượng cao để thuận lợi cho việc ra nghiên cứu và soạn thảo các kế hoạch, chiến lược và cũng như đưa ra các quyết định một cách chính xác, kịp thời.