2.3.1.3.1. Hiệu quả sử dụng vốn cố định
Vốn cố định là biểu hiện bằng tiền của tài sản cố định của doanh nghiệp được đưa vào trong sản xuất kinh doanh. Nói cách khác vốn cố định chính là giá trị bằng tiền của tài sản cố định. Một đặc điểm nổi bật của tài sản cố định là tham gia vào nhiều chu kỳ sản xuất kinh doanh mà vẫn giữ nguyên hình thái ban đầu, cho đến khi phải tiêu huỷ hoặc thanh lý. Là một doanh nghiệp sản xuất nên các tài sản cố định như máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, nhà xưởng…là không thể thiếu với Việt Hưng Phát. Hiệu quả sử dụng vốn cố định của công ty cổ phần Việt Hưng Phát được phản ánh thông qua bảng sau:
Bảng 2.10: Phân tích hiệu quả sử dụng vốn cố định
Chỉ tiêu Năm 2009 (triệu đồng) Năm 2010 (triệu đồng) Năm 2011 (triệu đồng)
Doanh thu thuần 245.343 210.259 196.773
Lợi nhuận trước thuế (LNTT) 1.797 638 -5
Lợi nhuận sau thuế (LNST) 1.348 479 -5
Vốn cố định (TSCĐ) 526.039 529.039 531.039
Hiệu suất sử dụng VCĐ 0,466 0,397 0,371
Tỷ suất LNTT/VCĐ 0,0034 0,0012 0,0000
Tỷ suất LNST/VCĐ 0,0026 0,0009 0,0000
Nhận xét:
Từ bảng 2.10 cho ta thấy năm 2009 với mỗi 1 đồng vốn cố định bỏ ra thì công ty thu về được 0,466 đồng doanh thu năm, năm 2010 là 0,397 đồng và năm 2011 là 0,371 đồng. Hiệu suất sử dụng vốn cố định giảm dần qua các năm, nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng kinh doanh ảm đạm, lượng đặt hàng ít khiến sản lượng của công ty sụt giảm, máy móc thiết bị của công ty không hoạt động hết công suất, nhiều khu vực sản xuất phải tạm thời đóng cửa cho công nhân nghỉ việc tạm thời… trong khi khấu hao tài sản cố định đã được chia đều cho các kỳ.
Các năm 2009, 2010 bỏ 1 đồng vốn cố định ra công ty vẫn còn có lãi, tuy nhiên sang năm 2011 tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn cố định đã về không thậm chí âm. Điều này chứng tỏ tình hình sử dụng vốn cố định của công ty ngày càng thiếu hiệu quả và không đem lại lợi nhuận như kỳ vọng của các cổ đông. Sản lượng giảm dần qua các năm, trong khi hệ thống máy móc thiết bị của công ty được đầu tư tốn kém, thiết kế để sản xuất hàng loạt với công suất lớn nên chỉ cần một sự thay đổi khiến hệ thống không thể hoạt động theo công suất tối ưu sẽ dẫn đến giảm hiệu quả ngay lập tức.
2.3.1.3.2. Hiệu quả sử dụng vốn lưu động (VLĐ)
Bảng tính sau được tính toán dựa trên nguồn số liệu từ các Bảng cân đối kế toán, Bảng Báo cáo kết quả kinh doanh của công ty Cổ phần Việt Hưng Phát:
Bảng 2.11. Phân tích hiệu quả sử dụng vốn lưu động qua các năm
Chỉ tiêu Năm 2009 Năm 2010 Năm 2011
Doanh thu thuần 245.343 210.259 196.773
Lãi gộp 32.658 34.320 40.086
Lãi ròng 1.348 479 -5
VLĐ bình quân 232.533 205.675 197.676
Sức sản xuất VLĐ 1,055 1,022 0,995
Sức sinh lợi của VLĐ (Lãi gộp) 0,140 0,167 0,203 Sức sinh lợi của VLĐ (Lãi ròng) 0,006 0,002 0,000
Số vòng quay VLĐ 1,055 1,022 0,995
Số ngày 1 vòng quay 341 352 361
Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn lưu động có ý nghĩa là khi công ty bỏ ra 1 đồng vốn lưu động sẽ thu về được bao nhiêu đồng lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng. Nếu chỉ số này càng lớn thì hiệu quả kinh doanh của công ty càng cao trong kỳ vừa qua.
Theo các số liệu tính toán ở bảng trên ta nhận thấy nguồn vốn lưu động bình quân của công ty trong 3 năm qua đã giảm dần. Tuy nhiên tỷ lệ giảm không đều, năm 2010 vốn lưu động bình quân của công ty giảm gần 27 tỷ đồng so với năm 2009. Sang năm 2011 vốn lưu động bình quân của công ty là hơn 197 tỷ đồng, giảm gần 8 tỷ so với năm trước đó nhưng mức giảm đã thấp hơn. Mức giảm này tương ứng với mức giảm của giá vốn hàng bán của công ty trong giai đoạn này. Lý do chính là do sản lượng sụt giảm không đều giữa năm 2010 và năm 2011.
Ngoài ra nhìn vào bảng tính trên thì sức sản xuất và sức sinh lời vốn lưu động cũng biến động một cách đáng kể. Nhìn chung sức sản xuất vốn lưu động giảm dần qua các năm và tỷ lệ giảm tương đối đồng đều, tức là một đồng vốn lưu động năm sau tạo ra doanh thu ít hơn năm trước. Điều này xảy ra do công ty khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm đã tiến hành nhiều công trình khuyến mại, giảm giá bán sản phảm, giảm phí tư vấn thiết kế…làm ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của công ty.
Trong quá trình sản xuất kinh doanh, vốn lưu động vận động không ngừng, thường xuyên. Nếu đẩy nhanh được tốc độ luân chuyển của vốn lưu động sẽ góp phần giảm bớt gành nặng về vốn cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Bảng 2.11 cho thấy năm 2009 số vòng quay của vốn lưu động lớn nhất, đạt 1,055. Năm 2010 và 2011 vòng quay vốn lưu động giảm dần xuống 1,022 và 0,995. Nhưng nhìn chung trong những năm gần đây vốn lưu động của công ty quay vòng rất chậm, nhanh nhất cũng chỉ là 341 ngày, thậm chí lên tới 361 ngày vào năm 2011. Điều này càng chứng tỏ hơn hiệu quả sử dụng vốn lưu động của công ty là chưa cao. Tốc độ quay vòng vốn lưu động và quá trình tái sản xuất tương đối chậm chạp.