Các di tích lịch sử văn hóa

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch nông thôn huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 38)

Các di tích lịch sử là tài nguyên du lịch có vai trò chính trong việc thu hút khách du lịch. Theo điều tra, khảo sát ở các xã ven đầm phá có các di tích sau:

* Các di tích lịch sử, cách mạng, văn hóa

- Trấn Hải Thành (Trấn Hải Đài)

+ Địa điểm: thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

+ Cấp xếp hạng: di sản cấp quốc gia theo Quyết định số 871-QĐ/BVHTT, ngày 12/05/1997.

+ Trấn Hải Thành ở cửa biển Thuận An (cũ) là một cụm kiến trúc trong hệ thống kiến trúc kinh đô Huế thời nhà Nguyễn (1802 – 1945). Ngày nay, cửa biển cũ đã thay đổi vị trí cách đó khoảng 4 km nhưng tòa thành Trấn Hải vẫn còn tương đối nguyên vẹn.

Sau khi chọn được vị trí chiến lược ở cửa Thuận An cũ (sử sách gọi là cửa Eo), năm 1813 vua Gia Long đã cho xây ở đây một tòa thành gọi là Trấn Hải Đài, có chức năng kiểm soát và điều khiển lưu thông tàu thuyền trong và ngoài nước ra vào cửa biển Thuận An, bảo vệ cho Kinh đô. Dưới thời Minh Mạng, năm 1820, 1826, 1830, 1831, Trấn Hải Đài được gia cố thêm. Năm 1834, triều đình đổi tên Trấn Hải Đài thành Trấn Hải Thành, và cho xây thêm trên đài một tòa nhà cao gọi là Lầu

Quan Hải, để kiểm soát mặt biển rõ hơn và cho trồng thêm 9.000 cây dừa để chống xâm thực. Năm 1840, triều đình cho treo trên Lầu Quan Hải một cái đèn lồng đường kính 3m xem như ngọn hải đăng. Dưới triều Tự Đức, triều đình cho củng cố hệ thống đồn lũy ở Thuận An xây thêm nhiều đồn bốt để phòng thủ.

Sau khi Pháp chiếm Thuận An (1883), quân Pháp đã đồn trú ở Trấn Hải Thành từ đó cho đến năm 1954.

Trấn Hải Thành được xây dựng theo kiểu Vauban là loại thành lũy mang tính bố phòng rất vững chắc. Thành được xây bằng gạch, chu vi 302,04m; cao 4,40m; dày 12,6m. Thành có hai cửa: Cửa chính mặt trước, nhìn về hướng Nam, cao 2,6m, rộng 2,16m và cửa phụ ở mặt sau. Trên thành bố trí 99 ụ súng. Quanh chân thành là hệ thống hào rộng 9,04m, sâu 2,4m.

Hiện Trấn Hải Thành chưa được trùng tu, ngày càng xuống cấp.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch nông thôn huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 38)