Về bảo tồn, khai thác và phát huy tài nguyên du lịch nhân văn

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch nông thôn huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 84)

- Chùa Hà Trung

3.3.3. Về bảo tồn, khai thác và phát huy tài nguyên du lịch nhân văn

Trong du lịch, TNDL càng phong phú và độc đáo bao nhiêu càng hấp dẫn du khách. Nhằm bảo tồn, phát huy và khai thác các TNDL nhân văn vào du lịch cần quan tâm thực hiện một số vấn đề sau:

- Nhà nước, UBND tỉnh cần hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp quy về quản lý khai thác tài nguyên du lịch, bảo tồn các giá trị văn hóa; ban hành tiêu chuẩn ngành về thiết kế và xây dựng các công trình du lịch phù hợp với cảnh quan đầm phá và hài hòa với không gian Cố đô Huế; đề ra các chính sách tái đầu tư và bảo vệ tài nguyên du lịch hợp lý thông qua nguồn thu từ hoạt động du lịch.

- Các cấp chính quyền, ban ngành cần can thiệp kịp thời hỗ trợ cộng đồng dân cư việc khôi phục lại các giá trị văn hóa truyền thống như nhà ở, trang phục, âm nhạc, lễ hội, nghề thủ công, khôi phục lại các điệu múa, hò dân gian. Cần chọn ra một số lễ hội tiêu biểu như Lễ hội cầu ngư làng Thái Dương Hạ, lễ hội Sóng nước Tam Giang để tạo điểm nhấn; đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu để hoàn thiện điệu múa Náp ở Quảng Ngạn, có kinh phí hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động các làng nghề tiêu biểu như đan lát Bao La Ngoài, Liễn làng Chuồn, nấu rượu thủ công... Để tạo nét thú vị riêng đặc trưng cho du lịch đầm phá, cần nhanh chóng khôi phục lại các hình thức đánh bắt truyền thống do người dân địa phương thực hiện.

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết hợp với chính quyền địa phương quản lí tốt các di tích lịch sử văn hóa, nhiều di tích cần được công nhận, xếp hạng đồng thời đảm bảo công tác trùng tu, tôn tạo đúng giá trị vốn có của nó. Trong đó, cần cấp thiết đầu tư bảo vệ các di tích đang có nguy cơ biến mất như: Thành Hóa Châu, địa đạo Quảng Thái, có biện pháp bảo vệ tháp Mỹ Khánh, trùng tu Trấn Hải Đài đưa vào khai thác du lịch...

- Các cấp chính quyền địa phương thực hiện quyết liệt việc quy hoạch lại hệ thống phân bố nò sáo trên toàn đầm phá TGCH, nhằm khơi thông các con đường đi lại bằng ghe thuyền, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động du lịch trên mặt nước. Phân bố lại nò sáo hợp lí còn tạo cảnh quan riêng cho không gian đầm phá, vừa nuôi trồng thủy sản vừa phục vụ tham quan du lịch. Vấn đề này cần thực hiện ở các xã của huyện Phú Lộc, vừa vận động người dân thực hiện đồng thời kết hợp các cấp chính quyền đề sắp xếp lại hệ thống nò sáo, các lồng nuôi cá.

- Quá trình thực hiện các dự án, phải đảm bảo trân trọng, gìn giữ những giá trị văn hóa bản địa và phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương. Hạn chế làm tổn hại đến lối sống, thuần phong mỹ tục của người dân bao đời nay.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch nông thôn huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 84)