Làng nghề thủ công truyền thống

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch nông thôn huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 54)

- Chùa Hà Trung

2.2.1.3. Làng nghề thủ công truyền thống

Dân cư sinh sống ở khu vực đầm phá từ lâu đời. Để tồn tại và phát triển ở một vùng vốn xa xôi cách trở, tổ tiên nơi đây đã hình thành nên các làng nghề. Cho đến nay, nhiều làng nghề bên đầm phá TGCH hiện đang hoạt động, mỗi làng đều có nét đặc trưng riêng.

Theo Báo cáo tổng kết của ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Thừa Thiên Huế, tính đến năm 2007 toàn tỉnh có khoảng 60 làng nghề truyền thống đang duy trì hoạt động. Trong đó, các xã ven đầm phá TGCH có 12 làng nghề.

Qua tìm hiểu, điều tra khảo sát của tác giả, hiện khu vực đầm phá TGCH có 14 làng nghề, với một số làng nghề tiêu biểu sau:

* Làng đan lát thôn Thủy Lập (Bao La Ngoài)

- Địa điểm: Thôn Thủy Lập, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền.

- Hình thành: Làng đan lát Bao La Ngoài bắt nguồn từ làng Bao La (Bao La gốc), xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền. Hơn 100 năm trước, một số bà con trong làng Bao La gốc đến ngụ ven phá Tam Giang và dừng chân ở thôn Thủy Lập. Ở đây họ vừa cày cấy, thêm nghề đánh bắt cá, tôm, cua trong đầm phá đồng thời còn lưu giữ nghề đan lát mây tre truyền thống. Lúc đầu vẫn đan giần, sàng, rổ, rá như làng cũ sau đó xuất phát từ nhu cầu sinh sống ven phá họ chuyển sang đan thúng, mủng (còn gọi làng thúng mủng Bao La).

- Hiện cả làng có 380 hộ và tất cả vẫn giữ nghề đan lát truyền thống.

* Liễn làng Chuồn

- Địa điểm: Làng Chuồn là tên nôm của làng An Thuyền, xã Phú An.

- Hình thành: Làng Chuồn vốn là làng nông nghiệp nhưng có nhiều người đỗ đạt và làm quan to trong triều. Nhờ tính hiếu học lâu đời nên đã sản sinh ra nghề làm trướng liễn: Viết chữ đẹp, biết nhiều chữ nghĩa, nhìn nhận được giá trị nghệ thuật chữ viết. Từ đó phát huy lối chơi sang treo liễn ngày Tết.

- Đặc điểm: Người dân thường làm liễn từ tháng 10 đến giáp Tết, giấy in liễn là loại giấy in báo được nhuộm màu đỏ, vàng, xanh với cách pha chế gam màu đặc trưng. Có in ngửa và in úp ván. Liễn hoa mỗi bộ gồm bốn bức, toàn cảnh họa tiết giống như bộ tranh tứ quý. Liễn gồm một đại tự (chữ to và ván lớn) và câu đối. Đây là lối chơi tao nha, thanh cao ngày xưa, hiện nay còn nhiều người ưu thích.

* Rượu làng Chuồn

- Hình thành: Làng Chuồn là một ngôi làng cổ có lịch sử hơn 600 năm. Rượu làng Chuồn có từ lâu đời xưa nay được xếp vào loại đệ nhất danh tửu của vùng đất thần kinh với hương vị đặc trưng. Hiện có khoảng 300 người làm nghề với hơn 100 lò rượu gia đình.

* Chế biến hải sản Hiền An:

- Địa điểm: Thôn Hiền An, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc.

- Hình thành: Làng được hình thành trên dưới 300 năm, trước đây vùng này giống như một ốc đảo bốn bề đều nước. Ở đây nhiều tôm rằn, cá mú, cá hồng… ngư dân bao đời sống bằng nghề cá.

Hiện nay đã có quốc lộ 49B chạy dọc đầm phá, có cầu Tư Hiền nên giao thông thuận tiện, không còn cách trở như trước nữa. Hiện đang được đầu tư xây dựng cảng cá Vinh Hiền chuyên dụng tạo điều kiện cho nghề cá phát triển mạnh. Hiện toàn xã có 1.700 hộ với khoảng 9.000 nhân khẩu, năm 2009 xã Vinh Hiền đã xuất bán ra trên 100 tấn các loại mắm.

* Làng mai kiểng Điền Hòa

- Địa điểm: Xã Điền Hòa, huyện Phong Điền.

- Hình thành: Phần lớn người dân Điền Hòa sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghệp và đánh bắt thủy sản ven phá Tam Giang. Trong thời gian rảnh rỗi, người dân thường trồng mai vừa phục vụ thú vui chơi tao nhã vừa kinh doanh. Trồng mai cảnh là tập tục lâu đời của người dân Điền Hòa, ăn sâu nhiều thế hệ hàng trăm năm nay.

- Đặc điểm: Hội mai xuân Điền Hòa mới được tổ chức bốn năm nay, thu hút nhiều người mua bán. Hội được tổ chức từ ngày 10 đến 25 tháng chạp tại UBND xã, giúp người dân trưng bày và bán mai.

Thú chơi mai của người dân Điền Hòa khác các vùng khác. Mai có nhiều loại, đặc biệt có mai Hoàng Trúc quý hiếm. Mai được trồng trong chậu và uốn các thế của con rồng. Hiện ở Điền Hòa có nhiều nghệ nhân chơi mai nổi tiếng, tạo ra nhiều chậu mai độc đáo được trưng bày nhiều ở Huế.

Toàn xã hiện có trên 300 hộ, hầu hết đều trồng mai, nhà ít có 5 - 7 chậu, nhà nhiều có từ 50 - 70 chậu. Theo thống kê hội mai kiểng Điền Hòa cả xã hiện có gần 2000 chậu mai kiểng có độ tuổi từ 10 đến 15 năm.

Một số làng nghề khác: Làng nghề Truyền Nam xã Phú An, làng nghề Mỹ Lam và An Lưu xã Phú Mỹ, chế biến hải sản Cự Lại xã Phú Hải, làng nghề Dương Mong – Phước Linh xã Phú Mỹ, làng đan lát Vinh Thanh, nấu rượu thủ công Vinh thanh, đan lưới đóng thuyền Thuận An, làng nghề sản xuất bột lọc Xuân Lai xã Lộc An, làng thợ làm kiến trúc cung đình.

Như vậy, khu vực đầm phá TGCH có nhiều làng nghề thủ công truyền thống với nhiều nhóm nghề, tiêu biểu nhóm nghề chế biến lương thực thực phẩm, nhóm nghề mây tre đan lát… Những làng nghề không chỉ nuôi sống người dân bao đời mà còn nuôi dưỡng văn hóa riêng mang tính bản địa. Đồng thời có thể khai thác tốt nghề truyền thống vào hoạt động du lịch. Đây chính là sản phẩm nhân văn độc đáo có khả năng thu hút du khách. Hơn thế nữa, chính du khách là những người quảng bá làng nghề ra bên ngoài để có thể tạo đầu ra cho sản phẩm.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch nông thôn huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(102 trang)
w