* Hệ thống giao thông:
Tỉnh Thừa Thiên Huế được nhà nước đầu tư nâng cấp xây dựng nhiều tuyến đường, xây dựng các tuyến đường cao tốc bắc - nam (Đà Nẵng - Huế - Quảng Trị), nâng cấp sân bay Phú Bài thành sân bay quốc tế, các cầu qua sông, qua đầm phá. Có thể thấy rõ hệ thống giao thông ở đầm phá TGCH như sau:
- Đường bộ:
+ Hệ thống cầu: Tính đến năm 2010, đã có 4 cầu vượt đầm phá TGCH.
Cầu Thuận An: Khánh thành năm 2007, nối 2 điểm trên quốc lộ 49 tại thị trấn Thuận An với tổng chiều dài 1640m.
Cầu Tư Hiền: Khánh thành năm 2007, nối Lộc Bình với Vinh Hiền, cầu dài 2 km, rộng 12m.
Cầu Trường Hà: Khánh thành năm 2008, nối Vinh Thanh với Vinh Phú, dài 848,16m; rộng 12m.
Cầu Ca Cút (cầu Tam Giang): Khánh thành năm 2010, nối Hải Dương với Hương Phong, đây là công trình thông tuyến quốc lộ 49B từ huyện Phong Điền đến Phú Lộc.
+ Các tuyến quốc lộ: 1A qua địa phận Phú Lộc, quốc lộ 49 từ Thuận An - Huế - Alưới, quốc lộ 49B với tổng chiều dài 104,8 km, xuất phát từ ngã ba Mỹ Chánh (Quảng Trị) đi dọc theo bờ đông phá Tam Giang đến cầu Ca Cút qua xã Hương Phong, qua cầu Thảo Long nối quốc lộ 49A, đi trùng quốc lộ 49A 5 km rồi nối với quốc lộ 49B đến cửa Tư Hiền và kết thúc ở điểm nối với quốc lộ 1A tại chân đèo Phước Tượng.
+ Các tỉnh lộ: Có các tỉnh lộ nối quốc lộ 1A với thị trấn Sịa, tỉnh lộ 4B chạy ven bờ tây phá Tam Giang, các tỉnh lộ 10A, 10B, 10C (Phú Vang).
Ngoài ra, còn có các tuyến đường ngang nối tỉnh lộ với quốc lộ, các tuyến đường quanh đầm phá, đường ven biển chạy song song với quốc lộ 49B phục vụ quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội, đường bê tông ở các làng…
Hệ thống đường bộ được đầu tư nâng cấp tạo thành hệ thống giao thông hợp lí, đồng bộ. Nhờ đó, vùng đầm phá vốn xa xôi, cách trở bao đời nay đã trở nên gần hơn.
- Đường thủy: TGCH rộng lớn, tạo thuận lợi cho thuyền bè đi lại. Trong tương lai có các tuyến: Đầm phá TGCH dài 74 km, tuyến sông Hương từ Thuận An - ngã ba Tuần dài 34 km, xây dựng bến thuyền Điền Hải - bến An Lỗ (sông Bồ). Về hệ thống cảng, hiện có cảng Thuận An khả năng tiếp nhận tàu 2000 DWT với năng lực bốc dỡ hàng 0,6 triệu tấn/năm. Đến năm 2020 sẽ tiếp nhận tàu 5000 DWT, năng lực bốc dỡ hàng 1,6 triệu tấn/năm. Cảng Tư Hiền, sẽ xây dựng và phát triển thành cảng cá chuyên dụng.
Như vậy, khu vực phá TGCH có hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy ngày càng hoàn thiện tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu văn hóa giữa vùng với thành phố Huế, với các địa phương, các vùng khác và quốc tế. Đây cũng là điều kiện hết sức cần thiết cho hoạt động du lịch ở khu vực đầm phá.
* Hệ thống điện nước
Nguồn điện lưới quốc gia đã được kéo về tất cả các xã ven đầm phá TGCH với tuyến điện 220V phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân. Hiện đã có 100% các xã, thị trấn có lưới điện, khoảng 97% hộ được sử dụng điện. Trạm 110 KV T2 Cầu Hai, công suất 1x25 MVA, điện áp 110/35/22 KV.
Khu vực TGCH có nguồn nước dồi dào, nhưng từ trước đến nay người dân ven phá sử dụng nước ngầm tự nhiên vốn bị phèn và nhiễm mặn, gần đây bị ô nhiễm do nuôi trồng thủy sản và khai thác khoáng sản. Từ năm 2009, dự án đưa nước sạch về các xã bãi ngang phá Tam Giang được tiến hành với “Giải pháp lắp đặt tuyến đường cấp nước sạch ngầm băng phá Tam Giang” mà người dân ở xã Quảng Ngạn, Quảng Công đã được sử dụng nước sạch. Hiện đang tiếp tục mở rộng các vùng phụ cận đồng thời triển khai Dự án băng ngầm đầm Cầu Hai, Thủy Tú, Thuận An, cấp nước sạch cho khoảng 13800 hộ dân với khoảng 76000 nhân khẩu huyện Phú Vang và khoảng 6400 hộ với 35400 nhân khẩu huyện Phú Lộc.
Dự án hoàn thành sẽ cung cấp khoảng 26600 hộ dân với 146900 nhân khẩu của thị trấn Thuận An và 16 xã ven biển, đầm phá của các huyện Phong Điền, quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc.
* Bưu điện, ngân hàng
Mạng lưới bưu điện của Thừa Thiên Huế phủ khắp toàn tỉnh. Cơ bản đáp ứng các nhu cầu về dịch vụ trao đổi thông tin liên lạc trong và ngoài nước. Tính đến năm 2009, 100% xã ven đầm phá TGCH có điểm giao dịch Bưu Điện. Mạng lưới Viễn thông đã được hoàn toàn số hoá, mạng truyền dẫn từ Huế đi các huyện đã được quang hoá 100%; có kèm viba số hỗ trợ, 100 xã có điện thoại và được kết nối Internet.
Có các chi nhánh ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn ở thị trấn, một số xã quanh phá. Tuy nhiên còn có nhiều khó khăn do mạng lưới Ngân hàng, các chi nhánh ở các xã bãi ngang còn thưa. Ở các xã phía đông đầm phá chưa lắp đặt hệ thống ATM.
* Giáo dục và đào tạo
Ở Huế có hệ thống giáo dục và đào tạo của tất cả các bậc học với nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt, có hệ thống đào tạo đại học đầy đủ các chuyên ngành, tạo điều kiện thuận lợi trong khâu đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế, phát triển xã hội.
Dọc theo đầm phá TGCH có cơ sở giáo dục ngày càng hoàn thiện, có đầy đủ các bậc từ mẫu giáo đến phổ thông. Trong 33 xã dọc theo đầm phá, hiện có 7 trường THPT (Tam Giang, Tố Hữu, Hóa Châu, Nguyễn Chí Thanh, Thuận An, Vinh Xuân, Phú Lộc), có 1 trường cấp 2,3 (THCS và THPT Hà Trung).
Hiện chính phủ quan tâm đến giáo dục vùng đầm phá TGCH, với mục tiêu đến 2015 hoàn thành cơ bản phổ cập giáo dục bậc trung học. Tạo điều kiện nâng cao dân trí của các xã ven biển và đầm phá.
* Cơ sở y tế
Thừa Thiên Huế có bệnh viện Trung ương Huế hiện đại, nổi tiếng miền trung. Có mạng lưới y tế rộng khắp các địa phương trong tỉnh.
Ở khu vực đầm phá TGCH có các bệnh viện đa khoa: Vinh Giang, Điền Hải, Thuận An. Xây dựng mới bệnh viện cấp vùng ở phía Nam đầm phá.
Tất cả các xã đều có trạm y tế, phục vụ tốt vấn đề chăm lo sức khỏe nhân dân, phòng chống nhanh chóng, kịp thời các bệnh truyền nhiễm, các bệnh dịch.