Từ năm 1993, Ấn Độ bắt đầu thực hiện chính sách tự do hóa tài chính, nới lỏng kiểm soát lãi suất dẫn đến sự gia tăng mức độ biến động lãi suất một cách mạnh mẽ. Đến năm 1999, trước nguy cơ rủi ro lãi suất có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với các NHTM Ấn Độ, ngân hàng Trung Ương Ấn Độ (RBI) đã ban hành quy chế yêu cầu các NHTM phải thiết lập cơ chế quản lý rủi ro lãi suất có sự giám sát của Hội đồng quản trị và ban điều hành cấp cao của các ngân hàng. Từ tháng 4/1999, các NHTM Ấn Độ phải xây dựng hệ thống quản lý tài sản Có – tài sản Nợ (ALM), mỗi ngân hàng phải thành lập Ủy ban quản lý tài sản Có – tài sản Nợ, đứng đầu là Tổng Giám Đốc điều hành ngân hàng. Các ngân hàng Ấn Độ sử dụng mô hình định giá lại
để phân loại tài sản Nợ, tài sản Có nhạy cảm lãi suất và xác định tổn thất của ngân hàng trước những biến động của lãi suất thị trường. ( Đỗ Thị Kim Hảo, 2005)
Tháng 7/1999, RBI đã ban hành văn bản hướng dẫn và cho phép các NHTM Ấn Độ sử dụng các giao dịch kỳ hạn lãi suất (FRA) và giao dịch hoán đổi lãi suất (IRS) nhằm phòng ngừa rủi ro lãi suất. RBI cũng yêu cầu các NHTM phải tuân thủ các qui định pháp lý cần thiết khi thực hiện các nghiệp vụ này như: Gửi báo cáo hàng ngày về doanh số và số dư các giao dịch phái sinh lãi suất cho RBI ; giá trị các giao dịch FRA và IRS phải được quy đổi rủi ro để tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu cho mỗi ngân hàng ; mức độ rủi ro tín dụng của các giao dịch FRA và IRS phải được xem xét trong giới hạn giao dịch tín dụng của ngân hàng với khách hàng ; NHTM phải phân định rõ chức năng giao dịch và kiểm soát các nghiệp vụ phái sinh. ( Đỗ Thị Kim Hảo, 2005)
Các giao dịch phái sinh lãi suất đã phát triển mạnh tại Ấn Độ cho thấy vai trò quan trọng của các công cụ tài chính này trong phòng ngừa rủi ro lãi suất tại các NHTM Ấn Độ khi lãi suất thị trường có nhiều biến động.