Thị trường phái sinh Mỹ bắt đầu bằng sự ra đời của thị trường hợp đồng tương lai hàng hóa Chicago Board of Trade (CBT) năm 1848, Chicago Mercantile Exchange (CME) năm 1898. Sau đó là một loạt các thị trường hợp đồng tương lai và quyền chọn ra đời.
Kể từ đầu những năm 1980 cùng với xu hướng tự do hóa lãi suất dẫn đến sự biến động mạnh của lãi suất thị trường thì việc phòng ngừa rủi ro lãi suất trong hoạt động kinh doanh ngân hàng ngày càng trở nên quan trọng tại Mỹ. Trong các phương pháp định lượng rủi ro lãi suất, có 3 phương pháp được các ngân hàng tại Mỹ sử dụng phổ biến nhất là: sử dụng mô hình định giá lại để đo lường sự nhạy cảm lãi suất của thu nhập, mô hình thời lượng để đánh giá sự biến động giá trị tài sản khi lãi suất thay đổi và mô hình mô phỏng. Để tạo điều kiện cho việc đo lường rủi ro lãi suất và đảm bảo tính hiệu quả quản lý, chính sách quản lý rủi ro lãi suất của mỗi ngân hàng đều quy định rõ ràng trách nhiệm đối với các quyết định quản lý rủi ro lãi suất, thường là do Ủy ban quản lý Tài sản Có/ Tài sản Nợ ( ALCO) chịu trách nhiệm.
Trên cơ sở đo lường, đánh giá rủi ro lãi suất và thực hiện các biện pháp điều chỉnh cơ cấu tài sản Có, tài sản Nợ, các ngân hàng thương mại Mỹ còn sử dụng các công cụ tài chính phái sinh để phòng ngừa rủi ro lãi suất. Thị trường tài chính phái sinh ngày càng phát triển mạnh tại Mỹ cho thấy các CCTCPS có vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận cho các ngân hàng tại Mỹ. Trong số các nghiệp vụ phái sinh thực hiện tại Mỹ thì các nghiệp vụ phái sinh lãi suất
chiếm tỷ trọng cao nhất khoảng 80% - 90% tổng giá trị các hợp đồng phái sinh cho thấy nghiệp vụ phái sinh tại các ngân hàng Mỹ chủ yếu nhằm phòng ngừa rủi ro lãi suất.
Tuy nhiên, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 tại Mỹ cũng xuất phát từ việc đầu cơ các sản phẩm phái sinh. Khi thị trường bất động sản tại Mỹ phát triển mạnh mẽ, các định chế tài chính tạo ra những hợp đồng cho vay dưới chuẩn rồi khuyến khích cả những người không đủ khả năng tài chính đi vay tiền mua nhà. Các tổ chức tài chính phố Wall đã tập hợp các hợp đồng cho vay bất động sản này lại thành tài sản đảm bảo để phát hành trái phiếu ra thị trường tài chính quốc tế. Đó là một dạng của sản phẩm tài chính phái sinh được đảm bảo bằng những hợp đồng cho vay bất động sản có thế chấp. Các ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư đã tranh nhau mua các hợp đồng này do các tổ chức giám định hệ số tín nhiệm đánh giá cao cho các sản phẩm phái sinh này. Việc mua bán các khoản nợ trong đó có rất nhiều nợ dưới chuẩn tiếp tục thực hiện qua nhiều tổ chức và nhiều cá nhân khác nhau. Đến khi thị trường bất động sản đóng băng, người đi vay không trả được nợ, bất động sản rớt giá trầm trọng. Từ đó các hợp đồng cho vay bất động sản dùng để đảm bảo cho trái phiếu trở thành nợ khó đòi. Các ngân hàng rơi vào tình trạng khốn đốn, gánh chịu các khoản lỗ khổng lồ dẫn tới mất khả năng thanh toán. Từ đó cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ tại Mỹ và lan truyền khắp các nước trên thế giới.