Hợp đồng hoán đổi lãi suất ra đời khoảng đầu năm 1980 ở thị trường trái phiếu Châu Âu cho phép các ngân hàng (hay doanh nghiệp) có mức độ xếp hạng tín nhiệm khác nhau hỗ trợ nhau bằng cách trao đổi những đặc điểm có lợi nhất trong hợp đồng vay vốn của mình hoặc thường được các ngân hàng (hay doanh nghiệp) sử dụng để điều chỉnh kỳ hạn thực tế của tài sản và nợ (khe hở kỳ hạn). Nói một cách khác, hợp đồng hoán đổi lãi suất cho phép các bên tham gia có thể chuyển lãi suất cố định sang lãi suất thả nổi (thường là lãi suất Libor) hoặc ngược lại từ lãi suất thả nổi sang lãi suất cố định và làm cho kỳ hạn của tài sản và nợ trở nên phù hợp hơn.
Như vậy, hoán đổi lãi suất là một thỏa thuận giữa hai bên trong đó bên này cam kết thanh toán cho bên kia khoản tiền lãi phải trả theo lãi suất cố định (hay thả nổi) tính trên cùng một khoản nợ gốc trong cùng một khoản thời gian nhất định.
Theo Quyết định số 62/2006/QĐ-NHNN ngày 29/12/2006 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng quy định: “Giao dịch hoán đổi lãi suất là việc các bên giao kết hợp đồng với nhau, theo đó mỗi bên cam kết thanh toán cho bên kia khoản tiền lãi tính theo một loại lãi suất hoán đổi đã cam kết trên cùng một khoản vốn gốc nhất định trong cùng một khoản thời gian nhất định” .
Ngân hàng Nhà Nước cũng quy định các trường hợp hoán đổi lãi suất được phép thực hiện tại Việt Nam như:
- Hóan đổi lãi suất một đồng tiền (đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ).
- Hoán đổi lãi suất giữa hai đồng tiền hay hoán đổi lãi suất tiền tệ chéo, trong đó việc trao đổi vốn gốc đầu kỳ do các bên thỏa thuận thực hiện hoặc không thực hiện, nhưng bắt buộc phải có trao đổi vốn gốc vào cuối kỳ theo tỷ giá
được thỏa thuận từ ngày hợp đồng có hiệu lực.
Hoán đổi lãi suất cộng dồn, trong đó số lãi phải trả và được nhận tính theo các mức lãi suất đã thỏa thuận có kèm theo các điều kiện dựa trên biến động tỷ giá và lãi suất của thị trường.
Hình thức phổ biến nhất của các loại hoán đổi lãi suất mà thực ra là phổ biến nhất trong tất cả các loại hoán đổi là hình thức mà một phía chi trả theo lãi suất cố định và phía còn lại chi trả theo lãi suất thả nổi. Công cụ này được gọi là hoán đổi vanilla thuần nhất (plain vanilla swap) và thỉnh thoảng chỉ gọi là hoán đổi vanilla.
Một giao dịch hoán đổi lãi suất được thể hiện thông qua một hợp đồng theo đó các bên tham gia cam kết trao đổi cho nhau nghĩa vụ chi trả lãi suất định kỳ. Động lực của trao đổi này là nhằm trao đổi các lợi thế so sánh về lãi suất trong các hợp đồng tín dụng của hai bên và đem lại lợi ích cho cả hai phía khi tiết kiệm được chi phí vay vốn. Điều kiện phát sinh nhu cầu hoán đổi nghĩa vụ nợ là do sự không đồng nhất về mức rủi ro của cả đối tác.Vì thế mỗi đối tác có những lợi thế riêng trong quan hệ vay vốn xuất phát từ mức rủi ro của họ.
Để hạn chế rủi ro về lãi suất, các ngân hàng sẽ trực tiếp tham gia vào các hợp đồng hoán đổi đồng thời cũng có thể đứng ra làm trung gian để phục vụ cho các khách hàng tham gia hợp đồng để thu phí dịch vụ.
Trường hợp 1: Vận dụng hợp đồng hoán đổi lãi suất để giảm chi phí huy động vốn của hai ngân hàng có mức độ xếp hạng tín nhiệm khác nhau nhằm trao đổi những đặc điểm có lợi nhất trong hợp đồng huy động vốn.
Trường hợp 2: Vận dụng hợp đồng hoán đổi lãi suất để điều chỉnh sự bất cân xứng giữa kỳ hạn thực tế của tài sản và nợ (khe hở kỳ hạn). Một ngân hàng có khe hở kỳ hạn âm ( Kỳ hạn hoàn vốn trung bình của tài sản < Kỳ hạn hoàn trả trung bình của nợ) sẽ bị giảm sút thu nhập khi lãi suất thị trường giảm và ngược lại ngân hàng khác có khe hở kỳ hạn dương (Kỳ hạn hoàn vốn trung bình của tài sản > Kỳ hạn hoàn trả trung bình của nợ) sẽ bị gia tăng chi phí khi lãi suất thị trường tăng. Hai ngân hàng sẽ tiến hành ký kết một hợp đồng hoán đổi lãi suất: Ngân hàng có khe hở kỳ hạn dương (do kỳ hạn nợ quá ngắn), qua hợp đồng hoán đổi lãi suất sẽ
chuyển giao các khoản trả lãi biến đổi để lấy các khoản trả lãi cố định. Ngân hàng có khe hở kỳ hạn âm (do kỳ hạn tài sản quá ngắn), qua hợp đồng hoán đổi lãi suất sẽ chuyển giao các khoản thu nhập có lãi suất biến đổi để lấy các khoản thu nhập dài hạn có lãi suất cố định.
- Ngân hàng mua Swaps (ngân hàng thanh toán lãi suất cố định) là ngân hàng có nguồn vốn huy động với lãi suất thả nổi nhưng nguồn thu từ tài sản có là lãi suất cố định. Thông qua giao dịch Swaps lãi suất, ngân hàng mua nhằm mục đích chuyển việc thanh toán lãi cho vốn huy động từ hình thức lãi suất thả nổi sang lãi suất cố định. Ngược lại, ngân hàng bán Swaps (ngân hàng thanh toán lãi suất thả nổi) là ngân hàng có nguồn vốn huy động với lãi suất cố định nhưng nguồn thu từ tài sản có là lãi suất thả nổi. Thông qua giao dịch Swaps lãi suất, ngân hàng bán nhằm mục đích chuyển việc thanh toán lãi cho vốn huy động từ hình thức lãi suất cố định sang hình thức thả nổi để phù hợp với tính chất thả nổi của nguồn thu từ tài sản có.
1.2.4 Hợp đồng quyền chọn lãi suất:
Quyền chọn lãi suất là một công cụ cho phép người mua nó có quyền (nhưng không bắt buộc) được mua hoặc bán một số lượng tài sản tài chính tại thời điểm xác định trong tương lai với một mức giá được xác định ngay tại thời điểm thỏa thuận hợp đồng. Người mua quyền chọn (quyền chọn mua hay quyền chọn bán) có quyền chứ không phải nghĩa vụ mua/ bán một lượng hàng hóa theo một giá thỏa thuận trước trong hợp đồng. Ngược lại, người bán quyền chọn phải có nghĩa vụ chứ không phải quyền bán/mua một lượng hàng hóa theo một giá thỏa thuận trước trong hợp đồng và được thu về một khoản phí bán quyền chọn. Phí quyền chọn được thanh toán cho người bán tại thời điểm ký kết hợp đồng. Như vậy, đối với giao dịch quyền chọn, người mua quyền chọn là người trả phí, người bán quyền chọn là người thu phí.
Có hai quyền chọn lãi suất:
Quyền chọn mua (call option) lãi suất là một công cụ cho phép người mua nó có quyền (nhưng không bắt buộc) được mua một số lượng tài sản tài chính
(chứng khoán, khoản cho vay….) vào ngày đáo hạn của hợp đồng với một mức giá được xác định trước. Người bán quyền phải sẵn sàng bán chứng khoán nếu người mua thực hiện quyền.
Ngân hàng sẽ mua quyền chọn mua khi dự đoán trong tương lai lãi suất thị trường sẽ giảm vì lúc đó giá trị thị trường của các chứng khoán, các khoản cho vay hay các hợp đồng tương lai sẽ tăng, việc thực hiện quyền sẽ mang lại thu nhập cho ngân hàng vì vẫn được hưởng lãi suất đầu tư ở thời điểm lãi suất chưa giảm.
Quyền chọn bán (put option) lãi suất là một công cụ cho phép người mua nó có quyền (nhưng không bắt buộc) được bán một số lượng tài sản tài chính (chứng khoán, khoản cho vay ….) vào ngày đáo hạn của hợp đồng với một mức giá được xác định trước. Người bán quyền phải sẵn sàng mua chứng khoán nếu người mua thực hiện quyền.
Ngân hàng sẽ mua quyền chọn bán khi dự đoán trong tương lai lãi suất thị trường sẽ tăng vì lúc đó giá trị thị trường của các chứng khoán, các khoản cho vay hay các hợp đồng tương lai sẽ giảm, việc thực hiện quyền sẽ mang lại thu nhập cho ngân hàng từ việc tìm kiếm trên thị trường các chứng khoán, khoản cho vay, hợp đồng tương lai với lãi suất thấp rồi bán lại cho người phát hành quyền chọn với giá cao hơn giá ở thời điểm lãi suất chưa tăng.
1.2.4.1 Hợp đồng mua quyền chọn mua lãi suất – Caps:
Mua Caps là mua quyền chọn mua hoặc là mua một chuỗi quyền chọn mua lãi suất. Nếu lãi suất thị trường tăng trên mức lãi suất giao dịch quyền chọn (lãi suất Caps), thì người bán quyền chọn mua (người bán Caps) sẽ thanh toán khoản chênh lệch lãi suất cho người mua quyền chọn mua (người mua Caps). Thông qua hợp đồng bán Caps, ngân hàng bán quyền chọn mua lãi suất thu một khoản phí từ người mua quyền chọn mua. Ngày thực hiện quyền chọn trong hợp đồng Caps có thể là một ngày hoặc nhiều ngày.
Khi tài sản Nợ của ngân hàng có lãi suất thả nổi trong khi tài sản Có có lãi suất cố định hay khi tài sản Nợ có thời lượng ngắn hơn tài sản Có. Dự kiến lãi suất trong thời gian tới sẽ tăng, để phòng ngừa rủi ro lãi suất ngân hàng thực hiện mua Caps và
phải trả một khoản phí cho ngân hàng bán Caps.
Nếu lãi suất thị trường tăng cao hơn so với lãi suất trong hợp đồng Caps, ngân hàng mua Caps sẽ nhận được một khoản bù đắp từ ngân hàng bán Caps tại thời điểm nhất định đã được thỏa thuận trong hợp đồng. Khoản bù đắp này bằng giá trị hợp đồng Caps nhân với chênh lệch giữa lãi suất thị trường và lãi suất của hợp đồng Caps. Khoản tiền này dùng để bù đắp cho chi phí huy động vốn tăng do lãi suất thị trường tăng hoặc bù đắp cho sự giảm giá trái phiếu trong tài sản có của ngân hàng.
Nếu lãi suất thị trường giảm thấp hơn so với lãi suất trong hợp đồng Caps thì người bán Caps không phải thanh toán khoản tiền nào cho người mua Caps.
Ví dụ: Tại thời điểm t = 0, ngân hàng mua Caps với trị giá 100 triệu, lãi suất Caps là 8%/năm, ngân hàng phải trả một khoản phí mua Caps là C, ngày giá trị của hợp đồng là t =1 và t =2.
Nếu đến ngày t = 1, lãi suất trên thị trường tăng lên 9%/năm thì ngân hàng sẽ nhận được một khoản bù đắp là: (9% - 8%)*100 = 1 triệu
Nếu đến ngày t = 2, lãi suất thị trường là 7% thì ngân hàng sẽ không được nhận một khoản bù đắp nào từ phía ngân hàng bán hợp đồng Caps.