Chức năng, nhiệm vụ của trường trung học cơ sở

Một phần của tài liệu Một số biện pháp quản lý hoạt động dạy học ở các trường trung học cơ sở vùng đặc biệt khó khăn huyện quan hóa tỉnh thanh hóa (Trang 29)

Giáo dục THCS được thực hiện trong 4 năm học, từ lớp 6 đến lớp 9, dành cho trẻ trong độ tuổi từ 11 đến 15, học sinh vào lớp 6 phải hoàn thành chương trình tiểu học. Giáo dục THCS phải củng cố, phát triển những nội dung đã học ở tiểu học đảm bảo cho học sinh có những hiểu biết phổ thông cơ bản về tiếng Việt, Toán, Lịch sử dân tộc; các kiến thức khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, pháp luật, tin học, ngoại ngữ, có những hiểu biết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp.

Giáo dục THCS cung cấp cho học sinh một hệ thống vững chắc những kiến thức, phương pháp phổ thông, cơ bản, thiết thực và tương đối hoàn chỉnh. Hình thành và phát triển các kỹ năng cơ bản cần thiết phát triển năng lực trí tuệ, bước đầu có năng lực tự học, năng lực thích ứng với những thay đổi trong thực tiễn để tự chủ, tự lập trong lao động và trong cuộc sống, góp phần hình thành các phẩm chất lao động khoa học cần thiết của người lao động mới. Chính vì vậy người quản lý giáo dục THCS phải hiểu rõ và nắm bắt một cách sâu sắc, toàn diện các yêu cầu của giáo dục THCS để thực hiện đúng, đủ và tốt các yêu cầu, mục tiêu của giáo dục đề ra.

Chức năng của trường THCS là cơ quan chuyên môn, giúp UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục ở địa phương theo quy định của Chính phủ. Đồng thời trường THCS chịu sự quản lý của phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Luật giáo dục và điều lệ trường học của Bộ GD&ĐT.

Tại Điều 3, Điều lệ trường Trung học. Ban hành theo Quyết định số: 07/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 02/04/2007 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ rõ:

Trường trung học có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: Tổ chức giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục khác của chương trình giáo dục phổ thông; quản lý giáo viên, cán bộ, nhân viên; tham gia tuyển dụng và điều động giáo viên, cán bộ, nhân viên; tuyển sinh và tiếp nhận học sinh, vận động học sinh đến trường, quản lý học sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT; thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục trong phạm vi cộng đồng; huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực cho hoạt động giáo dục. Phối hợp với gia đình học sinh, tổ chức và cá nhân trong hoạt động giáo dục; quản lý, sử dụng và bảo quản CSVC, trang thiết bị theo quy định của Nhà nước; tổ chức cho giáo viên, nhân viên, học sinh tham gia hoạt động xã hội; tự đánh giá chất lượng giáo dục và chịu sự kiểm định chất lượng giáo dục của cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng giáo dục; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Trường THCS là cơ sở giáo dục phổ thông của hệ thống giáo dục quốc dân, có đầy đủ tư cách pháp nhân, có tài khoản và có con dấu riêng. Trường THCS vừa là một thiết chế xã hội trong quản lí quá trình đào tạo trung tâm, vừa là một bộ phận của cộng đồng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Chính vì vậy, hoạt động quản lí của trường THCS phải thể hiện đầy đủ bản chất của hoạt động quản lí. Mang tính xã hội, tính khoa học, tính kĩ thuật và nghệ thuật của hoạt động quản lí. Quản lý trường THCS là tổ chức, chỉ đạo và điều hành quá trình giảng dạy của giáo viên và hoạt động học tập của học sinh, đồng thời quản lý những điều kiện CSVC và công việc phục vụ cho dạy và học nhằm đạt mục tiêu của GD&ĐT.

Một phần của tài liệu Một số biện pháp quản lý hoạt động dạy học ở các trường trung học cơ sở vùng đặc biệt khó khăn huyện quan hóa tỉnh thanh hóa (Trang 29)