Phương pháp hoạt động nhóm

Một phần của tài liệu Rèn luyện kĩ năng mềm cho học sinh THPT qua dạy học văn học nước ngoài (Trang 60)

6. Cấu trúc của luận văn

2.2.3. Phương pháp hoạt động nhóm

Thảo luận nhóm là một phương pháp dạy học tạo được sự tham gia tích cực của học sinh trong học tập. Nếu phương pháp vấn đáp, đàm thoại, nêu vấn đề có tác động tích cực tới sự động não của từng cá nhân riêng lẻ thì phương pháp thảo luận nhóm lại tạo cơ hội tối đa cho mọi thành viên trong nhóm hợp tác làm việc. Mỗi thành viên trong nhóm có điều kiện học hỏi lẫn nhau, biết

kiên nhẫn lắng nghe và đánh giá ý kiến của người khác một cách độc lập. Từ đó hình thành thói quen tương tác trong học tập, tăng năng lực hơp tác và không khí hiểu biết, đoàn kết, tin cậy lẫn nhau.

Với mục đích rèn luyện kỹ năng mềm cho học sinh THPT qua dạy học VHNN, phương pháp làm việc nhóm có nhiều ưu điểm. Về tổ chức, đơn giản, dễ thực hiện. Lớp học được chia thành từng nhóm nhỏ từ 4 đến 6 người. Tùy mục đích, yêu cầu của việc học tập, các nhóm được phân chia ngẫu nhiên hay có chủ định, được duy trì ổn định hay thay đổi trong từng phần của tiết học, được giao cùng một nhiệm vụ hay những nhiệm vụ khác nhau. Nhóm tự bầu nhóm trưởng nếu thấy cần. Trong nhóm có thể phân công mỗi người một phần việc. Trong nhóm nhỏ, mỗi thành viên đều phải làm việc tích cực, không thể ỷ lại vào một vài người hiểu biết và năng động hơn. Các thành viên trong nhóm giúp đỡ nhau tìm hiểu vấn đề nêu ra trong không khí thi đua với các nhóm khác. Kết quả làm việc của mỗi nhóm sẽ đóng góp vào kết quả học tập chung của cả lớp. Để trình bày kết quả làm việc của nhóm trước toàn lớp, nhóm có thể cử ra một đại diện hoặc phân công mỗi thành viên trình bày một phần nếu nhiệm vụ giao cho nhóm là khá phức tạp. Phương pháp hoạt động nhóm có thể tiến hành theo nhiều hình thức: làm việc chung cả lớp; làm việc theo nhóm; tổng kết trước lớp. Phương pháp hoạt động nhóm giúp các thành viên trong nhóm chia sẻ các băn khoăn, kinh nghiệm của bản thân, cùng nhau xây dựng nhận thức mới. Bằng cách nói ra những điều đang nghĩ, mỗi người có thể nhận rõ trình độ hiểu biết của mình về chủ đề nêu ra, thấy mình cần học hỏi thêm những gì. Bài học trở thành quá trình học hỏi lẫn nhau chứ không phải là sự tiếp nhận thụ động từ giáo viên.

Học sinh THPT đều ở tuổi thanh niên, hiếu động, có cá tính. Ở nhà trường, các em được học tri thức văn hóa kết hợp hình thành, rèn luyện một số kỹ năng mềm. Các tác phẩm VHNN luôn mang đến cho học sinh những tri

thức phong phú, mới, lạ, hấp dẫn. Tuy nhiên do sự khác biệt văn hóa, việc tiếp nhận tác phẩm VHNN với học sinh THPT là điều không dễ. Nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình dạy, học. Đó là điều kiện thuận lợi cho hoạt động làm việc nhóm phát huy thế mạnh của mình.

Để hoạt động làm việc nhóm có kết quả, giáo viên phải lựa chọn được đúng vấn đề, gợi mở để các nhóm thảo luận, đi đến cách hiểu được nhiều người chấp nhận. Chẳng hạn, để giúp HS đọc - hiểu bài thơ Tôi yêu em của Pu-skin (Ngữ văn 11), GV chia lớp học thành 4 nhóm, mỗi nhóm tập trung một vấn đề, cử đại diện trình bày. Trong khi trình bày, nhóm nào không đồng ý với ý kiến của nhóm bạn, sẽ phản biện và nêu ra ý kiến của nhóm mình.

Nhóm 1: Phân tích tác dụng nghệ thuật của câu "Tôi yêu em" mở đầu bài thơ. Tại sao người dịch không dịch: anh yêu em cho tình cảm thêm thắm thiết? Hoặc ngược lại: tôi yêu cô, thể hiện mức độ thân thiết còn hạn chế hoặc sự rụt rè của chàng trai?

Nhóm 2: Nhận xét giọng điệu câu 3-4? Tâm trạng của nhân vật trữ tình được thể hiện như thế nào trong 2 câu thơ này?

Nhóm 3: Điệp ngữ tôi yêu em có tác dụng gì? Hai câu 5-6 thể hiện tâm trạng gì của nhân vật trữ tình? Vì sao lại xuất hiện tâm trạng ấy?

Nhóm 4: Giọng điệu trong câu 7-8 được thể hiện ra sao? Sau điệp khúc “Tôi yêu em” lần thứ ba, diễn biến tâm trạng phức tạp của nhân vật trữ tình được thể hiện tinh tế như thế nào trong 2 câu thơ cuối?

Để tổ chức hoạt đông nhóm không làm gián đoạn giờ dạy, giáo viên cần phải lựa chọn thời điểm thích hợp. Chẳng hạn, đối với phân tích tác phẩm tự sự, sau khi phân tích xong một đến hai nhân vật, GV tổ chức nhóm để thảo luận. Thảo luận xong, sẽ bước sang phân tích nhân vật khác. Chẳng hạn, sau khi phân tích xong nhân vật Rama trong đoạn trích Rama buộc tội (Ngữ văn 10), GV chia nhóm để thảo luận tập trung một số vấn đề, như: 1, Em đọc

những tác phẩm nào thể hiện cơn ghen vì tình ái của nhân vật? thử so sánh với cơn ghen của Rama? 2, Có người cho rằng hành động của nhân vật Rama là đạt lý nhưng không thấu tình. Nghĩa là nhân vật này có nhiều khuyết điểm. Nhận xét đó có đúng không?. Sau khi dạy xong một thể loại, GV có thể củng cố bài học thông qua thảo luận nhóm. Chẳng hạn, đối với thể loại sử thi trong SGK Ngữ văn 10, sau khi dạy xong đoạn trích Rama buộc tội GV có thể chia HS thành ba nhóm, thảo luận ba vấn đề sau:

Nhóm 1: Nêu những nét tương đồng ba đoạn trích: Chiến thắng Mtao Mxây, Uylixơ trở về, và Rama buộc tội (dựa vào đặc điểm thể loại sử thi).

Nhóm 2: Nêu nét khác biệt giữa hai đoạn trích: Uylixơ trở về, và Rama buộc tội.

Nhóm 3: Nêu những nét khác biệt giữa hai đoạn trích: Chiến thắng Mtao Mxây, Uylixơ trở về.

Việc thảo luận những vấn đề nói trên sẽ củng cố tri thức thể loại, giúp các em vận dụng những tri thức lý thuyết về thể loại để giải quyết, khắc sâu và nâng cao nhận thức. Kỹ năng tổng hợp, thuyết trình của các em qua đó cũng được rèn luyện, nâng cao.

Việc tổ chức hoạt động nhóm không phải chỉ thực hiện trong giờ học; giáo viên có thể giao cho các nhóm về nhà thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trên cơ sở sự chuẩn bị đó mà tổ chức giờ học. Chẳng hạn, trước giờ học Ông già và biển cả (trích) của Hê-minh-uê, GV có thể giao nhiệm vụ cho nhóm thứ nhất tìm hiểu về tác giả; nhóm thứ hai đọc hết tác phẩm Ông già và biển cả

để hiểu sâu hơn tác phẩm trong quá trình đọc - hiểu; nhóm thứ ba đọc một số truyện của các tác giả khác như Chiếc lá cuối cùng (O.Henri), Tiếng gọi nơi hoang dã (Giắc Lơnđơn)... để tích hợp trong quá trình dạy học; nhóm thứ tư đọc một số bài nghiên cứu, phê bình về tác giả, tác phẩm trong SGK và tự rút ra những nhận xét riêng của nhóm. Trên cơ sở đó, GV nhận xét, bổ sung, chuẩn hóa kiến thức.

Có thể thấy, việc sử dụng phương pháp thảo luận nhóm không chỉ kích thích hứng thú học tập, mà còn giúp các em hình thành kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết tình huống. Đây là những kỹ năng tối thiểu cần thiết với các em.

Một phần của tài liệu Rèn luyện kĩ năng mềm cho học sinh THPT qua dạy học văn học nước ngoài (Trang 60)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(115 trang)
w