Phương pháp thuyết trình

Một phần của tài liệu Rèn luyện kĩ năng mềm cho học sinh THPT qua dạy học văn học nước ngoài (Trang 53)

6. Cấu trúc của luận văn

2.2.1. Phương pháp thuyết trình

Thuyết trình là một trong những phương pháp dạy học truyền thống được dùng phổ biến trong nhà trường. Đặc điểm nổi bật của phương pháp thuyết trình là thông báo - tái hiện. Vì vậy, phương pháp thuyết trình còn được gọi là phương pháp thuyết trình thông báo - tái hiện. Phương pháp này chỉ rõ tính chất thông báo bằng lời của thầy và tính chất tái hiện khi lĩnh hội của trò. Thầy giáo nghiên cứu tài liệu, sách giáo khoa, chuẩn bị bài giảng và trực tiếp điều khiển thông báo thông tin tri thức đến học sinh. Học sinh tiếp nhận những thông tin đó bằng việc nghe, nhìn, cùng tư duy theo lời giảng của thầy, hiểu, ghi chép và ghi nhớ. Những kiến thức đến với học sinh theo phương pháp này gần như đã được thầy "chuẩn bị sẵn" để trò thu nhận, sự hoạt động của trò tương đối thụ động. Phương pháp thuyết trình chỉ cho phép người học đạt đến trình độ tái hiện sự lĩnh hội tri thức. Do đó, theo hướng dạy học tích cực, cần phải hạn chế bớt phương pháp thuyết trình thông báo - tái hiện, tăng cường phương pháp thuyết trình giải quyết vấn

đề. Đây là kiểu dạy học bằng cách đặt học sinh trước những bài toán nhận thức, kích thích học sinh hứng thú giải bài toán nhận thức, tạo ra sự chuyển hóa từ quá trình nhận thức có tính nghiên cứu khoa học vào tổ chức quá trình nhận thức trong học tập. Giáo viên đưa học sinh vào tình huống có vấn đề rồi học sinh tự mình giải quyết vấn đề đặt ra. Theo hình mẫu đặt và giải quyết vấn đề mà giáo viên trình bày, học sinh được học thói quen suy nghĩ lôgic, biết cách phát hiện vấn đề, đề xuất giả thuyết, thảo luận, làm thí nghiệm để kiểm tra các giả thuyết nêu ra.

Thuyết trình kiểu đặt và giải quyết vấn đề thuần túy do giáo viên trình bày cũng đã có hiệu quả phát triển tư duy của học sinh. Nếu được xen kẽ vấn đáp, thảo luận một cách hợp lý thì hiệu quả sẽ tăng thêm. Muốn vậy, lớp không nên quá đông, có điều kiện thuận lợi cho đối thoại, đồng thời học sinh phải có thói quen mạnh dạn bộc lộ ý kiến riêng trước vấn đề nêu ra. Như vậy, để kích thích tư duy tích cực của học sinh cần tăng cường mối liên hệ ngược giữa học sinh và giáo viên, giữa người nghe và người thuyết trình. Giáo viên có thể đặt một số câu hỏi "có vấn đề" để học sinh trả lời ngay tại lớp, hoặc có thể trao đổi ngắn trong nhóm từ 2 đến 4 người ngồi cạnh nhau trước khi giáo viên đưa ra câu trả lời.

Để thu hút sự chú ý của người học và tích cực hóa phương pháp thuyết trình ngay khi mở đầu bài học giáo viên có thể thông báo vấn đề dưới hình thức những câu hỏi có tính chất định hướng, hoặc có tính chất "xuyên tâm". Trong quá trình thuyết trình bài giảng, giáo viên có thể thực hiện một số hình thức thuyết trình thu hút sự chú ý của học sinh như: Trình bày kiểu nêu vấn đề; Thuyết trình kiểu thuật chuyện; Thuyết trình kiểu mô tả, phân tích; Thuyết trình kiểu nêu vấn đề có tính giả thuyết; Thuyết trình kiểu so sánh, tổng hợp.

Đổi mới phương pháp không có nghĩa là khai tử phương pháp thuyết trình. Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định phương pháp thuyết trình vẫn phát

huy hiệu quả tích cực trong dạy học. Phương pháp thuyết trình là một trong những phương pháp đem lại hiệu quả cho giờ dạy văn truyền thống và cũng là một phương pháp được xem là đặc thù trong giờ dạy học tác phẩm văn chương. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm như tiết kiệm thời gian, tận dụng được uy tín và nghệ thuật hùng biện cũng như lượng thông tin phong phú từ lời giảng của người GV… thì phương pháp này vẫn có những hạn chế là dễ gây tâm lý thụ động ở HS và ngộ nhận ở GV. Do đó, trong quá trình giảng, dựa theo sự dẫn dắt của nội dung cũng như sự chi phối của đối tượng mà GV cần lựa chọn lời giảng sao cho nhiều màu sắc, nhiều cung bậc; chi tiết so sánh phải làm rõ được ý cần so sánh và điều quan trọng là người GV cần luyện khả năng nhận biết, biết dừng ở trọng tâm, trọng điểm để thông qua lời giảng tác động đến HS. Không những thế, GV cũng cần phải có những kiến thức chuyên sâu về nhiều lĩnh vực khác cũng như những tác phẩm khác có cùng chủ đề, đề tài…để qua phân tích, so sánh, khái quát hóa được nội dung tác phẩm. Với thơ, những vấn đề được lựa chọn để giảng bình phải hướng vào việc phát hiện cái hay, cái đẹp của văn bản thơ.

Khi thuyết trình, GV cần sử dụng những lời bình để giúp HS cảm nhận được vẻ đẹp của văn bản. Lời bình hay phải thể hiện được tính cô đọng, súc tích, giàu hình ảnh của ngôn ngữ lời bình. Đồng thời phải đảm bảo tính cân đối hài hòa giữa một lượng tri thức nhất định với việc khơi gợi cảm xúc để tạo nên độ sâu, khái quát được ý nghĩa của tác phẩm. Tuy nhiên, việc vận dụng phương pháp này trong một chừng mực và bằng cách nào đó phải đảm bảo nguyên tắc phát huy chủ thể tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, không biến học sinh thành một khách thể thụ động. Trong dạy học ngữ văn, phương pháp mà giáo viên phải thuyết trình nhiều là phương pháp giảng bình. Vấn đề là giáo viên không giảng tràn lan mà chỉ giảng khi học sinh không thể trả lời được, lời giảng của thầy lúc đó mới có ý nghĩa, nó khai thông bế tắc cho học

sinh, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp nhận tác phẩm. Cũng vậy, những lời bình đúng lúc, đúng chỗ của giáo viên sẽ tạo hứng thú thẩm mỹ đặc biệt cho học sinh, khiến các em say mê thực sự với văn chương.

So với dạy học các tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam, việc dạy học các tác giả tác phẩm VHNN có những đặc điểm, lợi thế riêng trong việc áp dụng phương pháp thuyết trình. Mới, lạ, đặc sắc, phong phú, đa dạng, đó là những đặc điểm nổi bật của VHNN trong chương trình THPT. Tuy nhiên, việc hiểu được các tác phẩm VHNN là điều không dễ, nhất là với học sinh. Bởi thế, phương pháp thuyết trình thường được giáo viên áp dụng trong dạy học VHNN. Đó là một lựa chọn đúng.

Chẳng hạn, dạy đoạn trích Uy-lít-xơ trở về (trích Ô-đi-xê của Hô-me- rơ), khi giáo viên hướng dẫn học sinh đọc hiểu nhân vật Pê-nê-lốp, GV nêu câu hỏi: "Tại sao rất nhớ chồng, mong chồng mà khi được báo tin Uy-lít-xơ đã trở về, Pê-nê-lốp lại rất đỗi phân vân, nàng không tin những lời của nhũ mẫu, cũng chưa tin người hành khất vừa chiến thắng bọn cầu hôn, giải thoát cho nàng, chính là chàng Uy-lít-xơ của nàng?". Sau khi học sinh phân tích, giải thích, thảo luận, phát biểu. GV cần thuyết trình thêm: Tính thận trọng, khôn ngoan và thực tế đã khiến Pê-nê-lốp không thể vội vàng, nôn nóng tin ngay khi nghe nhũ mẫu báo tin Uy-lít-xơ đã trở về và vừa trừng trị bọn cầu hôn. Nàng cho rằng Uy-lít-xơ đã chết nơi đất khách quê người. Và cứu tinh của nàng và gia đình là một vị thần đã vì sự bất công, vì công lí mà ra tay thôi. Câu trả lời của Pê-nê-lốp chứng tỏ sự tỉnh táo, khôn ngoan ấy. Nhưng chính câu trả lời ấy khiến nhũ mẫu càng thêm nóng lòng. Bà ta đã đưa ra những dẫn chứng chứng minh hết sức riêng biệt và cụ thể (vết sẹo ở chân Uy- lít-xơ) và lời thề thốt, đánh cuộc trang nghiêm bằng cả tính mệnh mình, bằng cả sự kính trọng của một người đầy tớ trung thành với cả hai vợ chồng chủ nhân-cũng vẫn chưa lay chuyển được sự nghi ngờ của Pê-nê-lốp. Nàng vẫn

không tin, vẫn cho đó chỉ là phép thuật huyền bí của các vị thần linh bất tử. Tuy nhiên, nàng vẫn quyết định xuống gác, đến tận nơi để quan sát và xem xét con người và sự việc vừa xảy ra. Đoạn văn tả cảnh Pê-nê-lốp gặp mặt người hành khất chiến thắng bộc lộ tâm trạng rất đỗi phân vân của nàng: Không biết đứng xa hay tiến lại gần;

Ngồi lặng thinh trên ghế, đăm đăm ngắm nhìn Uy-lít-xơ, lòng đầy nghi hoặc: đây là người hành khất? Đây là chồng mình? Đây là vị thần đang giúp đỡ mình hay đang mưu tính lừa gạt mình? Ngổn ngang trong lòng nàng những ý nghĩ như vậy và chính sự thận trọng khiến nàng chưa thể có thái độ rõ ràng, cũng chưa thể cảm ơn người khách, mà chỉ có thể ngắm nhìn, lặng yên và quan sát.

Hay khi dạy bài Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng của Lí Bạch, khi GV hướng dẫn HS đọc hiểu hai câu thơ đầu, GV hỏi: “Cố nhân” là bạn cũ. Vậy “bạn cũ” trong nguyên tác có gì khác với “bạn” trong bản dịch thơ của Ngô Tất Tố? Học sinh trao đổi thảo luận, trả lời: Trong bản dịch thơ của Ngô Tất Tố “Cố nhân” là: Bạn cũ, gắn bó nhiều kỉ niệm; Tri âm tri kỉ. GV bình thêm: Thơ xưa hay nói tới cũ với tất cả sự gắn bó, hoài niệm. Đó là cố hương, cố quốc, cố trí…và đây là “cố nhân”, nó gói ghém trong đó bao nhiêu tâm tình, tình cảm quý trọng, thương mến của tác giả đối với Mạnh Hạo Nhiên. Chắc chắn hai người có tình bạn tri kỉ lắm rồi. Đến đây GV thuyết trình về nhà thơ Mạnh Hạo Nhiên: Ông sinh 689 và mất vào năm 740. Là một người cũng mưu cầu công danh nhưng không được toại nguyện nên quay về tìm lạc thú ở chốn non nước. Ông là nhà thơ thuộc phái điền viên sơn thủy, có nhiều thành tựu trong thời kì quá độ từ Trần Tử Ngang sang Lí Bạch. Phong cách thơ của ông có nhiều điểm giống Lí Bạch. Như vậy, Lí Bạch và Mạnh Hạo Nhiên có nhiều nét đồng điệu về con người - cuộc đời và thi ca. Lí Bạch cùng từng có bài thơ nhan đề Tặng Mạnh Hạo Nhiên.

Vận dụng phương pháp thuyết trình trong dạy học VHNN, giáo viên đã tích hợp rèn luyện cho học sinh một số KNM, như: kỹ năng phát hiện vấn đề, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng nói trước đám đông... đó đều những kỹ năng cần thiết trong công việc và cuộc sống của các em.

Một phần của tài liệu Rèn luyện kĩ năng mềm cho học sinh THPT qua dạy học văn học nước ngoài (Trang 53)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(115 trang)
w