Bám sát đặc trưng thể loại

Một phần của tài liệu Rèn luyện kĩ năng mềm cho học sinh THPT qua dạy học văn học nước ngoài (Trang 46)

6. Cấu trúc của luận văn

2.1.2. Bám sát đặc trưng thể loại

Thể loại là một phạm trù cơ bản của văn học, chi phối cả sáng tác, lưu truyền và tiếp nhận văn học. Bên cạnh những đặc điểm chung của văn học, mỗi thể loại có những đặc điểm và khả năng riêng trong nhận thức và tái hiện hiện thực cuộc sống, con người. Việc cung cấp tri thức, kỹ năng cho học sinh qua dạy học văn, trong đó có VHNN, không thể không chú ý đến đặc trưng thể loại của văn bản.

Từ xa xưa, ở phương Tây và phương Đông đã có nhiều cách phân chia thể loại văn học. Hiện nay, phổ biến hơn cả là cách phân chia tác phẩm văn học thành loại và thể. Về loại, chia làm ba: tự sự, trữ tình, kịch. Tự sự nhận thức và thể hiện đời sống qua chuỗi các biến cố, sự kiện bằng lời kể của người trần thuật. Trữ tình là sự bộc bạch trực tiếp tâm trạng, cảm xúc của chủ thể trữ tình bằng phương thức biểu cảm. Kịch tái hiện bức tranh đời sống qua xung

đột hành động và lời đối thoại, độc thoại của nhân vật mà không cần một người kể lại. Sự phân chia thành ba loại có khả năng bao quát rộng rãi các tác phẩm văn học nhưng mới chỉ dừng lại ở sự khái quát. Chính vì vậy cần phải có sự phân loại cụ thể hơn, bởi mỗi tác phẩm văn học không chỉ thuộc về một loại nhất định mà còn tồn tại trong những thể (hay thể loại) nhất định. Thể là những dạng tồn tại của tác phẩm văn học, đã từng có (và sẽ có) trong lịch sử văn học thế giới, mang tính đặc thù của mỗi thời đại văn học, mỗi nền văn học dân tộc hay khu vực. Thể loại vừa có tính ổn định lại vừa có sự vận động, biến đổi trong tiến trình văn học. Mỗi thể loại được sinh ra trong một thời kì nhất định, rồi duy trì, biến đổi hoặc mất đi trong các thời đại văn học khác, được thay thế bằng những thể loại khác. Thể loại cũng gắn liền với đặc thù của từng nền văn học dân tộc hay khu vực. Trong quá trình giao lưu giữa các nền văn học, nhiều thể loại từ một nền văn học hoặc một khu vực đã được du nhập vào các nền văn học khác. Từ đó trở thành những thể loại mang tính quốc tế, tuy vẫn có ít nhiều nét riêng ở mỗi nền văn học.

Trong chương trình Ngữ văn THPT, thể loại là một trục chính để sắp xếp hệ thống văn bản đưa vào chương trình và sách giáo khoa. Vì thế, tri thức về thể loại văn học, về tiến trình thể loại, kỹ năng đọc hiểu tác phẩm theo đặc trưng thể loại là những yêu cầu rất quan trọng trong dạy học văn. Bởi lẽ, thể loại không chỉ quy định cách thức tổ chức tác phẩm mà còn định hướng cho việc tiếp nhận của độc giả, tạo nên kênh giao tiếp giữa tác phẩm và người đọc. Việc hướng dẫn học sinh đọc hiểu văn bản, qua đó cung cấp tri thức, kỹ năng cho các em, không thể không chú ý điều này.

Trong dạy học VHNN, nguyên tắc này là hết sức quan trọng, Bởi lẽ, việc dạy học VHNN ở trường phổ thông được thực hiện qua bản dịch. Ở đó, đặc trưng thể loại của văn bản là yếu tố hàng đầu cần được chú ý để định hướng học sinh tiếp nhận tri thức, kỹ năng. Với các văn bản thuộc loại tự sự,

như: Rama buộc tội (Ngữ văn 10), Người trong bao (Ngữ văn 11), Thuốc

(Ngữ văn 12),... trong quá trình hướng dẫn các em đọc - hiểu, giáo viên phải đặc biệt chú ý đến tình huống, chi tiết, sự kiện, nhân vật, sắc thái giọng điệu... Từ đó, giúp các em có được những tri thức, kỹ năng cần thiết. Trong khi đó, với văn bản trữ tình, như: Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng (Ngữ văn 10), Tôi yêu em (Ngữ văn 11)... cấu tứ, hình ảnh, sự vận động của mạch cảm xúc chủ thể trữ tình... là những phương diện chủ yếu giáo viên cần định hướng để các em đọc hiểu, thảo luận. Kỹ năng phát hiện vấn đề, phối hợp nhóm, vì vậy có những khác biệt nhất định so với dạy học tác phẩm tự sự, kịch.

Như đã nói ở trên, sự khác biệt giữa các văn bản văn học không chỉ ở loại, mà còn ở thể. Theo đó, hướng dẫn học sinh đọc hiểu một văn bản sử thi cổ đại như Uylixơ trở về (Ngữ văn 10) có những khác biệt nhất định với một văn bản truyện ngắn như Người trong bao (Ngữ văn 11). Ra đời trong thời cổ đại, nhân vật sử thi là con người cộng đồng, được "xét xử theo cái nghiệp mà nó bảo vệ" (H. Ghen). Nói cách khác, đó là những nhân vật thể hiện quan niệm lý tưởng của cộng đồng. Trong khi đó, hình tượng người trong bao lại là nhân vật của truyện ngắn, mang tính cách, tâm trạng của con người cá nhân, cá thể, được xây dựng theo bút pháp hiện thực chủ nghĩa. Nhận thức được sự khác biệt này, giáo viên mới có thể định hướng các em đọc hiểu đúng các văn bản. Từ đó, cung cấp tri thức, kỹ năng cần thiết cho các em.

Những phân tích trên đây cho thấy, việc bám sát đặc trưng thể loại không chỉ có ý nghĩa trong hướng dẫn học sinh đọc hiểu văn bản mà còn có ý nghĩa trong tích hợp rèn luyện kỹ năng mềm cho các em. Những kỹ năng, như: giao tiếp, hoạt động nhóm, phát hiện vấn đề, trình bày vấn đề... mà học sinh thu nhận được qua giờ học phụ thuộc nhiều vào thể loại của văn bản. Đó là điều người giáo viên phải luôn luôn ý thức.

Một phần của tài liệu Rèn luyện kĩ năng mềm cho học sinh THPT qua dạy học văn học nước ngoài (Trang 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(115 trang)
w