Phương pháp vấn đáp, đàm thoại

Một phần của tài liệu Rèn luyện kĩ năng mềm cho học sinh THPT qua dạy học văn học nước ngoài (Trang 58)

6. Cấu trúc của luận văn

2.2.2. Phương pháp vấn đáp, đàm thoại

Vấn đáp, đàm thoại là PPDH được sử dụng từ lâu trong nhà trường. Từ thời cổ đại, các nhà tư tưởng nổi tiếng như Socrat, Khổng Tử đã khởi xướng và sử dụng có hiệu quả những phương pháp này. Lý luận dạy học hiện đại đã kế thừa và phát triển phương pháp vấn đáp, đàm thoại trên tích hợp với một số phương pháp khác.

Vấn đáp, đàm thoại là phương pháp trong đó giáo viên đặt ra câu hỏi để học sinh trả lời, hoặc học sinh có thể tranh luận với nhau và với giáo viên, qua đó lĩnh hội được nội dung bài học. Theo tác giả Nguyễn Ngọc Quang trong luận dạy học đại cương, đàm thoại là phương pháp mà trong đó thầy đặt ra một hệ thống câu hỏi để trò lần lượt trả lời, đồng thời có thể trao đổi qua lại, thậm chí tranh luận với nhau và cả với thầy dưới sự chỉ đạo của thầy. Qua hệ thống câu hỏi - đáp, trò lĩnh hội được nội dung bài học. Như vậy, với phương pháp này, hệ thống câu hỏi - đáp là nguồn kiến thức chủ yếu.

Mục đích của phương pháp vấn đáp, đàm thoại là nâng cao chất lượng của giờ học bằng cách tăng cường hình thức hỏi - đáp, đàm thoại giữa GV và HS, rèn cho HS bản lĩnh tự tin, khả năng diễn đạt một vấn đề trước tập thể. Muốn thực hiện điều đó, GV phải xây dựng được hệ thống câu hỏi phù hợp với yêu cầu bài học, hấp dẫn, sát đối tượng, xác định được vai trò chức năng của từng câu hỏi, mục đích hỏi, các yếu tố kết nối câu hỏi, thứ tự hỏi. GV cũng cần dự kiến các phương án trả lời của HS, mức độ hỏi, có thể dẫn dắt qua các câu hỏi phụ tránh đơn điệu, nhàm chán, nặng nề, bế tắc; tạo hứng thú học tập của HS và tăng hấp dẫn của giờ học. Mặt khác, phương pháp này còn

giúp hình thành ở các em một số kỹ năng, như: giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình...

Phân loại các hình thức đàm thoại: Căn cứ vào tính chất nhận thức của người học, người ta phân biệt đàm thoại tái hiện, đàm thoại giải thích - minh họa, đàm thoại tìm tòi - phát hiện (đàm thoại ơrixtic).

+ Đàm thoại tái hiện: GV đặt ra những câu hỏi chỉ đòi hỏi HS nhớ lại kiến thức đã biết và trả lời dựa vào trí nhớ không cần suy luận. Đàm thoại tái hiện có nguồn gốc từ lối dạy giáo điều. Ngày nay, lí luận dạy học hiện đại không coi đàm thoại tái hiện là phương pháp có giá trị sư phạm.

+ Đàm thoại giải thích - minh họa: Có mục đích làm sáng tỏ một đề tài nào đó, có kèm theo những ví dụ minh họa cho lời giải thích. Nội dung giải thích được cấu tạo thành hệ thống câu hỏi - lời đáp, như vậy sẽ dễ nhớ, dễ hiểu cho người học.

+ Đàm thoại tìm tòi - phát hiện (đàm thoại ơrixtic): Phương pháp đàm thoại này vận dụng bản chất của phương pháp đàm thoại Xoocrat. GV tổ chức cuộc trao đổi ý kiến, kể cả tranh luận giữa GV và cả lớp, có khi giữa GV với HS, thông qua đó HS nắm được tri thức mới. Hệ thống câu hỏi của GV phải mang tính chất nêu vấn đề ơrixtic để buộc HS luôn luôn phải cố gắng phát huy trí tuệ, tự lực tìm lời giải đáp. Hệ thống câu hỏi - lời giải đáp mang tính chất nêu vấn đề, tạo nên nội dung trí dục chủ yếu của bài học, là nguồn kiến thức và là mẫu mực của cách giải quyết một vấn đề nhận thức. Như vậy, thông qua phương pháp này, HS không những nắm vững được cả nội dung trí dục mà còn học được cả phương pháp nhận thức và cách diễn đạt tư tưởng bằng ngôn ngữ nói.

Trong dạy học VHNN ở trường THPT, vấn đáp đàm thoại là phương pháp được hầu hết giáo viên sử dụng. Nhiều tình huống, nhiều vấn đề đặt ra trong giờ dạy đều được giải quyết thông qua vấn đáp, đàm thoại. Chẳng hạn,

phát hiện, phân tích sự khác biệt giữa bản dịch thơ và bản dịch nghĩa. Đây là điều mà khi dạy các bài thơ Đường giáo viên không thể bỏ qua. Bên cạnh đó, do sự khác biệt về văn hóa, cách hiểu một số tình huống trong tác phẩm VHNN cũng cần phải được đàm thoại.

Chẳng hạn khi phân tích đoạn trích Tình yêu và thù hận của Sếch-xpia GV tổ chức cho HS hoạt động bằng những câu hỏi: Thù hận ở đây xuất phát từ đâu? Nó được thể hiện trong lời hai nhân vật như thế nào? Nỗi ám ảnh thù hận giữa hai dòng họ xuất hiện ở ai nhiều hơn? Vì sao? Và như thế nào? Họ đều nhắc đến thù hận trong khi tỏ tình để làm gì? Học sinh trao đổi, tranh luận, rồi đi đến thống nhất ý kiến. Hay sau khi học xong đoạn trích Tình yêu và thù hận giáo viên sử dụng phương pháp vấn đáp, đàm thoại để rèn luyện KNM cho học sinh, chẳng hạn GV đưa ra câu hỏi, Có ý kiến cho rằng: Tình yêu chân chính đem lại sức mạnh kì diệu cho con người. Theo em ý kiến trên đúng không? Vì sao? Liên hệ với bảnthân.

Ưu điểm nổi bật của phương pháp vấn đáp, đàm thoại là rèn luyện cho học sinh bản lĩnh tự tin, khả năng và kỹ năng diễn đạt một vấn đề trước tập thể. Phương pháp này còn giúp hình thành ở các em một số kỹ năng như: giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình... Vì vậy, khi kết thúc cuộc đàm thoại, học sinh có được niềm vui của sự khám phá, trưởng thành thêm một bước về trình độ tư duy. Mặt khác các em sẽ tự tin hơn trong cuộc sống, điều này rất cần với lứa tuổi các em.

Một phần của tài liệu Rèn luyện kĩ năng mềm cho học sinh THPT qua dạy học văn học nước ngoài (Trang 58)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(115 trang)
w