Nguyên nhân khách quan

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Trang 63)

• Môi trường kinh tế

Sau những biến động của nền kinh tế giai đoạn trước, từ năm 2012 đến nay, tuy nền kinh tế có một số chuyển biến tích cực về tình hình vĩ mô như tỷ giá cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối dồi dào (hiện nay hơn 35 tỷ USD), lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, bên cạnh đó Chính phủ có nhiều biện pháp từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường song nền kinh tế vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức: sức cầu nền kinh tế yếu, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng chưa cao, nợ công cao đi kèm với thâm hụt ngân sách ở mức cao, tiến trình xử lý nợ xấu còn nhiều bất cập.

Với ngành ngân hàng, sự phục hồi của các doanh nghiệp diễn ra chậm, hoạt động của các doanh nghiệp khó khăn kéo theo 2 vấn đề đối với BIDV là nhu cầu tín dụng và các dịch vụ ngân hàng tăng chậm lại và ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành trong quý I/2015 đã tăng so với thời điểm cuối năm 2014 (tháng 12/2014 là 3,25%, tháng 1: 3,46%, tháng 2: 3,59%). Tiến độ xử lý nợ xấu diễn

ra chậm chạp do nhiều nguyên nhân: vấn đề về pháp lý dẫn đến khó khăn trong xử lý tài sản đảm bảo, thị trường mua bán nợ của Việt Nam chưa phát triển, chưa có quy định về giá cả đối với việc mua, bán nợ xấu, chưa khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. VAMC chủ yếu vẫn đóng vai trò quản lý hộ nợ xấu của các TCTD mà chưa xử lý dứt điểm được nợ xấu. Hiện nay, VAMC chỉ xử lý được 4.000/123.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua,chiếm 3,25%. Hậu quả là tăng trưởng tín dụng của BIDV trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ nợ xấu mặc dù đã giảm song vẫn cao so với một số NHTMCP. Mặt khác hiện nay BIDV đang chủ động xử lý nợ xấu bằng nguồn từ quỹ DPRR nên cũng đã ảnh hưởng đến thu nhập của ngân hàng.

• Môi trường pháp lý

Tại Việt Nam, hệ thống khuôn khổ môi trường pháp lý chưa đầy đủ và minh bạch. Các văn bản pháp quy về hoạt động ngân hàng chủ yếu được xây dựng trên cơ sở các giao dịch thủ công với nhiều loại giấy tờ và quy trình xử lý nghiệp vụ phức tạp. Trong khi đó, phát triển dịch vụ NHBL đòi hỏi phải áp dụng công nghệ mới và quy trình nghiệp vụ hiện đại, nhanh chóng. Với tốc độ phát triển dịch vụ như hiện nay, nhiều quy định pháp lý đã tỏ ra bất cập và không bao hàm hết các mặt nghiệp vụ, gây khó khăn cho các NHTM khi muốn triển khai dịch vụ mới.

Hệ thống pháp lý hướng dẫn hoạt động giao dịch ngân hàng điện tử chưa đầy đủ. Hiện nay, các ngân hàng vẫn dựa trên Luật giao dịch điện tử số 51/2005 để tự đưa ra các quy định cho sản phẩm ngân hàng điện tử của mình mà hầu như không có sự thống nhất chung. Văn bản luật này đã ra đời 10 năm khi mà giao dịch điện tử mới xuất hiện tại Việt Nam nên đã bộc lộ rất nhiều vấn đề không phù hợp và không theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ này.

Về việc mở rộng điểm mạng lưới, do chính sách của NHNN hạn chế mở mạng lưới đối với địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và giới hạn số lượng phòng giao dịch được mở trên các địa bàn nên BIDV chưa có cơ hội đầu tư vào một số quận, huyện có điều kiện bán triển dịch vụ ngân hàng tốt. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi chính thức thực hiện sáp nhập với ngân hàng TMCP Phát triền nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) với mạng lưới sáp nhập gồm 46 chi nhánh, 187 phòng giao dịch và 193 ATM thì mạng lưới hoạt động của BIDV sẽ được mở rộng đáng kể.

• Môi trường văn hoá – xã hội

Văn hoá tiêu dùng bằng tiền mặt có ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động ngân hàng bán lẻ. Người dân vẫn có thói quen mua hàng tại chợ, hàng rong hay các cửa hàng nhỏ. Tâm lý ngại thay đổi, ngại rủi ro khiến cho nhiều khách hàng vẫn thanh toán bằng tiền mặt tại các trung tâm thương mại, siêu thị,…họ e ngại sử dụng dịch vụ điện tử và vẫn đến giao dịch tại quầy. Thêm vào đó, thu nhập của dân cư còn thấp nên nhu cầu tiêu dùng chưa cao, nhu cầu sử dụng dịch vụ bán lẻ vì thế cũng có sự ảnh hưởng.

• Môi trường công nghệ

Mặt bằng trình độ công nghệ của Việt Nam hiện nay còn thấp so với các nước trên thế giới, khoảng cách chênh lệch về kỹ thuật công nghệ giữa các ngân hàng còn xa gây ra khó khăn trong việc kết nối trên toàn hệ thống. Bên cạnh đó, hạ tầng phục vụ hoạt động thanh toán phát triển chưa hoàn thiện, tập trung ở các thành phố lớn, khu đông dân cư chứ chưa phát triển mạnh ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo. Hệ thống máy ATM và POS mở rộng rộng rãi nhưng chưa được sử dụng phổ biến và hiệu quả.

• Áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt

Tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng của ngành tài chính ngân hàng, sự phát triển ngày càng đa dạng các loại hình tổ chức tín dụng và các nghiệp vụ ngân hàng đã và đang tạo ra áp lực cạnh tranh gay gắt với toàn hệ thống nói chung và BIDV nói riêng. Riêng trong hệ thống các NHTM, trong vài năm trở lại đây, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng của khối NHTMCP và khối các ngân hàng nước ngoài đã đạt mức cao hơn toàn hệ thống và cao hơn NHTM Nhà nước. Các ngân hàng đều cung cấp đa dạng các sản phẩm với lãi suất và phí dịch vụ hợp lý cùng các chương trình ưu đãi, khuyến mại nhằm thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng nước ngoài với tiềm lực tài chính vững mạnh, cơ sở khoa học công nghệ hiện đại cùng kinh nghiệm quản lý tốt sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ.

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Trang 63)