7. Cấu trúc của luận văn
1.2.2. Nguyên tắc người được hưởng lợi phải trả tiền
Trong các mô hình quản lý môi trường cũng như các giải pháp quản lý môi trường trước đây, chúng ta thường hay sử dụng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền (polluter pays). Cơ chế này yêu cầu những người gây ra các tác động có hại đến môi trường phải có trách nhiệm chi trả và cải tạo lại môi trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cơ chế này cũng có một số hạn chế nhất định vì người gây ô nhiễm thường không muốn trả tiền hoặc không khắc phục các thiệt hại về môi trường [Lê Thị Kim Oanh, 2010].
Khác với các cơ chế quản lý trước đây, PES không hoạt động theo cơ chế người gây ô nhiễm phải trả tiền, mà hướng tới một cơ chế khác là người được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường sẽ trả tiền cho việc thụ hưởng đó. Các nhà kinh tế đã tiến hành nhiều nghiên cứu và chỉ ra rằng, sẽ hiệu quả hơn nếu trả tiền để giữ gìn môi trường thay vì bắt họ phải chi trả cho những thiệt hại môi trường mà họ đã gây ra [Trần thu Thủy, 2009].
Một ví dụ cụ thể là, thay vì phạt những người dân ở vùng thượng lưu vì đã chặt phá rừng gây ra lũ lụt cho vùng hạ lưu thì chi trả cho họ một khoản tiền để họ giữ các khu rừng đó và đem lại lợi ích cho dân ở vùng hạ lưu. Những người ở vùng hạ lưu trước đây không phải trả tiền cho bất cứ lợi ích nào họ nhận được từ môi trường rừng, thì nay họ sẽ chi trả một phần cho các lợi ích mà họ được hưởng. Đây là một cách tiếp cận rất mới của PES, coi dịch vụ môi trường là hàng hóa và nếu nhận được lợi ích từ hàng hóa thì hiển nhiên phải trả tiền để được sử dụng. Dựa trên cách tiếp cận này, các giá trị của dịch vụ môi trường, đặc biệt là dịch vụ môi trường rừng sẽ được đánh giá một cách chính xác hơn.