Phương thức thu,chi của PFES

Một phần của tài liệu Chi trả dịch vụ môi trường rừng và sinh kế cộng đồng trường hợp nghiên cứu tại xã chiềng cọ, thành phố sơn la, tỉnh sơn la (Trang 61)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.3.Phương thức thu,chi của PFES

Phương thức thu

Nguồn thu của QBVPTR tại Sơn La chủ yếu là từ các bên sử dụng dịch vụ như nhà máy thủy điện Hòa Bình, nhà máy thủy điện Suối Sập trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các chi nhánh cấp nước huyện Phù Yên và Mộc Châu, thuộc Công ty Cấp nước Sơn La, tỉnh Sơn La. Hiện nay, trên toàn tỉnh có 8 đơn vị nằm trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm chi trả theo định mức chi trả theo Thông tư số 62/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về Hướng dẫn cơ chế quản lý sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng ký ngày 16/11/2012: 20 đ/kwh điện áp dụng cho nhà máy thủy điện và 40 đ/m3 nước cho các chi nhánh cung cấp nước và các công ty cấp nước. Cho đến nay, mới chỉ có 4 đơn vị thực hiện, các cơ sở này đều thuộc các đơn vị quản lý Nhà nước, còn lại 4 đơn vị khác là các công ty tư nhân chưa thực hiện [Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng, 2013].

Phương thức chi

Theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ, cụ thể là Điều 6, Quỹ PFES cấp tỉnh được sử dụng tối đa 10% tổng số tiền thu được từ bên sử dụng dịch vụ theo cơ chế ủy thác chi cho các hoạt động tiếp nhận tiền, thanh toán, quyết toán, kiểm tra, giám sát và kiểm toán; hỗ trợ các hoạt động liên quan đến nghiệm thu, đánh giá rừng; hỗ trợ cho hoạt động kỹ thuật theo dõi chất lượng dịch vụ môi trường rừng; hỗ trợ cho các hoạt động liên quan đến việc chi trả dịch vụ môi trường rừng các cấp huyện, xã, thôn bản. Số tiền còn lại 90% được trích ra 10% cho công việc kiểm tra giám sát, nghiệm thu, đánh giá chất lượng, số lượng rừng để thanh

toán tiền dịch vụ môi trường hàng năm. Số còn lại được chi trả cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng.

Các trường hợp chủ rừng là các hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao rừng để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp và các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, dân cư thôn tự đầu tư trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp, thì được hưởng toàn bộ số tiền của 90% số tiền sau khi đã được trích 10% cho QBVPTR cấp tỉnh [Chính phủ CHXHCNVN, 2010], việc chi trả theo hai hình thức: chi trả trực tiếp và chi trả gián tiếp.

Đối với trường hợp chi trả trực tiếp: Tiền thu được từ chi trả các dịch vụ môi trường rừng sau khi thực hiện nghĩa vụ về tài chính theo quy định của pháp luật, người được chi trả có toàn quyền quyết định việc sử dụng số tiền này để đầu tư vào việc bảo vệ và phát triển rừng. Chi trả trực tiếp được thực hiện trên cơ sở hợp đồng thỏa thuận tự nguyện giữa bên sử dụng dịch vụ và cung ứng dịch vụ môi trường rừng phù hợp với quy định tại Nghị định 99/2010/NĐ-CP, trong đó, mức chi trả không thấp hơn mức do Nhà nước quy định đối với cùng một loại dịch vụ môi trường rừng.

Đối với trường hợp chi trả gián tiếp: Các QBVPTR các cấp được làm trung gian chi trả tiền thu được từ bên sử dụng dịch vụ môi trường cho bên cung cấp dịch vụ môi trường rừng được sử dụng và được hưởng 10% từ số tiền thu được cho các hoạt động của quỹ chi trả dịch vụ môi trường.

Đối với xã Chiềng Cọ, chỉ áp dụng cho hình thức chi trả trực tiếp tới các cộng đồng thôn bản, không có tổ chức quản lý và phát triển rừng để áp dụng chi trả gián tiếp. Số tiền được chi trả trực tiếp từ QBVPTR tỉnh Sơn La, vì tại thành phố Sơn La không có chi nhánh cấp huyện, do quỹ cấp tỉnh đảm nhiệm toàn bộ phần thực hiện chi trả.

Tiền chi trả cho cộng đồng được thực hiện trên cơ sở Nghị định 99//2010/NĐ-CP và theo phương thức áp dụng hệ số K được tính theo phương thức xác định hiện trạng rừng theo nguyên tắc tại Điều 13, Khoản 2 theo công thức chi trả cho chủ rừng sau:

Tổng số tiền chi trả cho người được chi trả

dịch vụ MTR trong năm (đ) = Định mức chi trả bình quân cho 1 ha rừng (đ/ha) x Diện tích rừng do người được chi trả dịch vụ MTR quản lý, sử dụng (ha) x Hệ số K Trong đó:

Định mức chi trả bình quân cho 1 ha rừng được xác định bằng tổng số tiền thu được từ các đối tượng phải chi trả dịch vụ môi trường rừng (MTR) chia cho tổng diện tích rừng trên lưu vực tại thời điểm được cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận làm căn cứ để chi trả dịch vụ MTR.

Diện tích rừng do người được chi trả dịch vụ MTR quản lý, sử dụng là diện tích được giao, được thuê, được nhận khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài tính tại thời điểm kê khai thanh toán.

Hệ số K là hệ số điều chỉnh mức chi trả dịch vụ MTR, phụ thuộc vào nguồn gốc hình thành rừng (rừng tự nhiên, rừng trồng); từng loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất); tình trạng rừng (rừng giàu, trung bình, rừng nghèo, rừng phục hồi); và tính phức tạp, khó khăn của lô rừng.

Theo phương pháp xác định hệ số K để chi trả dịch vụ môi trường rừng của Vương Văn Quỳnh [2012] thì hệ số K được xác định K = K1*K2*K3*K4, trong đó, K1 được tính bằng trung bình cộng theo nguồn gốc của rừng (rừng tự nhiên, rừng trồng); K2 là trung bình cộng theo trạng thái của rừng (rừng giàu, rừng trung bình, rừng nghèo); K3 là trung bình cộng theo loại rừng (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất); K4 theo mức độ khó khăn cho lô rừng tại địa phương, không phụ thuộc vào nguồn gốc hay trạng thái của rừng.

Đối với tỉnh Sơn La, mức tiền chi trả cho các chủ rừng được phân làm 4 nhóm và với 4 hệ số K dựa trên báo cáo kết quả rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng tại tỉnh Sơn La theo Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 5/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ về Rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng trên phạm vi toàn quốc, được chia ra 4 loại rừng tương ứng với 4 hệ số K như sau [Hoàng Thị Thu Thương, 2011]:

Trong giai đoạn thực hiện thí điểm tại xã Chiềng Cọ, chi trả theo 4 hệ số K: K = 1 với rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, mức chi trả 140.243 đồng/ha/năm K = 0,9 với rừng phòng hộ là rừng tự trồng, mức chi trả 126.219 đồng/ha/năm K = 0,6 với rừng sản xuất là rừng tự nhiên, mức chi trả 84.146 đồng/ha/năm K = 0,5 với rừng sản xuất là rừng trồng, mức chi trả 70.121 đồng/ha/năm.

Từ năm 2012 cho đến nay, tỉnh Sơn La chỉ áp dụng chi trả cho cộng đồng chủ rừng hai loại hệ số K, đó là hệ số K = 1 đối với loại rừng tự nhiên với chức năng phòng hộ, với mức giá là 219.000 đ/ha và loại hai là hệ số K = 0,9 và được tính nhân tương đương với 1 ha x 0,9 x đơn giá là 219.000 đ/ha đối với loại rừng trồng từ Dự án 661 với chức năng rừng sản xuất. Tại xã Chiềng Cọ, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng được thông qua ủy thác của QBVPTR tỉnh chi trả trực tiếp cho cộng đồng và đang áp dụng hai hệ số K do QBVPTR tỉnh Sơn La quy định [Quỹ bảo vệ và phá triển rừng tỉnh Sơn La, 2014].

Như vậy, đối với tỉnh Sơn La, chỉ áp dụng với một tiêu chí, đó là K1 theo nguồn gốc của rừng, còn lại các tiêu chí khác K2, K3, K4 không được tính đến trong trường hợp này. Như vậy, khi khu rừng có sự đầu tư chăm sóc, bảo vệ rừng để nâng cao giá trị dịch vụ, thì khoản chi trả có đền đáp xứng đáng không? Điều này có thể không công bằng cho các chủ rừng thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc rừng, và do đó có thể ảnh hưởng đến tinh thần trách nhiệm của cộng đồng tham gia bảo vệ rừng, không khích lệ được những chủ rừng bảo vệ tốt.

Một phần của tài liệu Chi trả dịch vụ môi trường rừng và sinh kế cộng đồng trường hợp nghiên cứu tại xã chiềng cọ, thành phố sơn la, tỉnh sơn la (Trang 61)