Đánh giá chung tác động đến năm nguồn lực

Một phần của tài liệu Chi trả dịch vụ môi trường rừng và sinh kế cộng đồng trường hợp nghiên cứu tại xã chiềng cọ, thành phố sơn la, tỉnh sơn la (Trang 75)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.Đánh giá chung tác động đến năm nguồn lực

Như trong phần phương pháp đã trình bày, mức độ hài lòng của người dân sẽ được quy đổi ra điểm để thể hiện mức độ tác động của PFES tới sinh kế của cộng đồng. Từ mức độ nhận xét của cộng đồng dân cư theo 3 mức 1: KHL (không hài lòng); 2: HL (hài lòng); và 3: RHL (rất hài lòng) được quy ra điểm số: mức 1 = 1 điểm, mức 2 = 5 điểm, mức 3 = 10. Sở dĩ tác giả chọn các mức điểm là 1, 5 và 10 là vì sự tác động của chính sách PFES đến sinh kế rất đa dạng và nhiều mức rất nhỏ, nếu chọn nấc thang điểm nhỏ thì sự thể hiện bằng biểu đồ gặp rất nhiều khó khăn cho việc phát hiện những tác động, do vậy tác giả đã chọn nấc thang rộng hơn để khi thể hiện bằng sơ đồ sẽ thấy sự tác động rõ hơn.

Điểm số của các nguồn lực sẽ là điểm trung bình cộng của nguồn lực đó, nghĩa là bằng tổng số điểm chia cho số chỉ tiêu phản ánh trong nguồn lực. Điểm số trung bình của vùng nghiên cứu chính là trung bình cộng của điểm số các nguồn lực trong khung sinh kế. Qua điểm số trung bình này, ta có thể xác định mức độ tác động của từng vùng, cụ thể trong nghiên cứu này, ta có thể xác định được mức độ tác động tại hai bản Ót Nọi và bản Dầu, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.

Bảng 3.8. Đánh giá mức độ ảnh hưởng của chính sách PFES đến các nguồn lực sinh kế của cộng đồng

TT Nguồn lực

Điểm số trung bình

Bản Dầu Bản Ót Nọi

1 Nguồn lực con người 5,20 4,40

2 Nguồn lực tự nhiên 1,80 3,40

3 Nguồn lực tài sản vật chất 5,40 1,80

4 Nguồn lực tài chính 4,40 2,60

5 Nguồn lực xã hội 2,80 2,60

Điểm trung bình 3,92 2,96

Nguồn: [Thảo luận nhóm, 2014].

Qua cách tính trên, đã cho ra kết quả điểm tương đương tại Bảng 3.8. Nhìn vào kết quả tại Bảng 3.8, ta thấy, điểm số trung bình của bản Dầu là 3,92 và bản Ót Nọi là 2,96. Điều này cho thấy mức độ ảnh hưởng của chính sách PFES ở bản Dầu cao hơn bản Ót Nọi, nghĩa là PFES tác động đến các nguồn lực trong sinh kế của bản Dầu nhiều hơn Ót Nọi.

Nguồn: [Thảo luận nhóm, 2014].

Hình 3.4. Sự tác động của chính sách PFES đến năm nguồn lực sinh kế cộng đồng xã Chiềng Cọ

Kết quả này được thể hiện trong Hình 3.4 đã chỉ ra rất rõ rằng, tại bản Dầu, PFES tác động nhiều nhất vào 3 nguồn lực, đó là nguồn lực con người, nguồn lực tài sản vật chất và nguồn lực tài chính. Tại bản Ót Nọi, PFES tác động chủ yếu đến hai nguồn lực: đó là nguồn lực con người và nguồn lực tự nhiên.

Đặc biệt là nguồn lực tự nhiên thể hiện sự khác nhau rõ rệt. Ở bản Dầu, thể hiện sự tác động rất yếu, có nghĩa là PFES đã không làm tăng hoặc phát triển tài nguyên rừng về chất lượng cũng như diện tích; còn bản Ót Nọi thể hiện tác động nhiều hơn, có nghĩa là PFES đã làm tăng vốn tài nguyên. Ngược lại, ở nguồn lực tài sản vật chất, lại thể hiện sự tác động mạnh mẽ lên nguồn vốn này, chứng tỏ rằng PFES đã tác động và làm tăng nguồn vốn này thông qua đóng góp kinh phí vào việc làm đường, nâng cấp đường giao thông trong nội thôn, mặc dù, vấn đề này lại không được thể hiện ở bản Ót Nọi. Điều này cũng thể hiện rõ ở nguồn lực tài chính, có nghĩa là ở bản Dầu, chính sách chi trả dịch vụ môi trường hoạt động tốt và tăng nguồn vốn này tốt hơn so với bản Ót Nọi.

Tóm lại, chính sách chi trả dịch vụ môi trường có ít nhiều tác động đến các nguồn lực sinh kế cộng đồng. Tại vùng gần rừng hơn và xa trung tâm hơn (bản Dầu) thì nhận được tác động nhiều hơn. Tác động đến nguồn lực con người và xã hội là rõ ràng và mạnh mẽ nhất. Đã có tác động đến nguồn lực tự nhiên, tài sản vật chất và tài chính, song mức độ tác động khác nhau trong các điều kiện khác nhau. Mục tiêu của chính sách PFES là cải thiện nguồn lực tự nhiên (rừng) và nâng cao giá trị dịch vụ hệ sinh thái thông qua cơ chế tài chính để nâng cao sinh kế. Nhưng qua kết quả nghiên cứu tại hai bản cho thấy, chính các nguồn lực này lại được tác động khiêm tốn nhất. Điều này cho thấy, chính sách PFES chưa đạt được những thàng công như mong đợi.

Một phần của tài liệu Chi trả dịch vụ môi trường rừng và sinh kế cộng đồng trường hợp nghiên cứu tại xã chiềng cọ, thành phố sơn la, tỉnh sơn la (Trang 75)