Thanh tra lao động theo quan niệm của ILO

Một phần của tài liệu Thanh tra lao động theo pháp luật lao động Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 32)

Tổ chức lao động quốc tế (ILO) là cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc mưu cầu thúc đẩy sự công bằng xã hội, quyền lao động và quyền con người được công nhận trên bình diện quốc tế. Với tư cách là thành viên của tổ chức này, Việt Nam đã phê chuẩn 16/187 Công ước, trong đó có Công ước số 81 về Thanh tra lao động trong công nghiệp và thương mại năm 1947 (Việt Nam phê chuẩn năm một 1994).

Công ước 81 quy định về lĩnh vực Thanh tra lao động; chức năng của hệ thống Thanh tra lao động; quyền của Thanh tra viên lao động, những việc

không được làm đối với Thanh tra viên lao động (Điều 15), về điều kiện tuyển dụng Thanh tra viên, điều kiện làm việc, về đào tạo … (Điều 7), về cơ chế đảm bảo cho hoạt động thanh tra (Điều 9), chế tài đối với việc vi phạm các quy định của pháp luật, cơ chế phối hợp hoạt động, cơ chế được thông tin, cơ chế báo cáo hàng năm về công tác thanh tra của cơ quan thanh tra...

Công ước quy định mỗi nước thành viên của tổ chức lao động quốc tế mà tại đó công ước này có hiệu lực, phải duy trì một hệ thống Thanh tra lao động trong các cơ sở công nghiệp, cơ sở thương mại.

Về chức năng của hệ thống Thanh tra lao động, Công ước quy định: - Bảo đảm việc thi hành các quy định pháp luật về điều kiện lao động và về người lao động trong khi làm việc, như các quy định về thời giờ làm việc, tiền lương, an toàn, y tế và phúc lợi, việc sử dụng trẻ em và thiếu niên, và các mặt khác có liên quan, trong giới hạn trách nhiệm mà các Thanh tra viên lao động được giao về việc áp dụng những quy định đó.

- Cung cấp thông tin và góp ý kiến về kỹ thuật cho người sử dụng lao động và người lao động về cách thức hữu hiệu nhất để tuân thủ các quy định pháp luật.

- Lưu ý cơ quan có thẩm quyền về những khiếm khuyết hay những sự lạm dụng mà các quy định pháp luật hiện hành chưa đề cập cụ thể.

Như vậy, theo ILO, Thanh tra lao động không những thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động; phát hiện những khiếm khuyết của pháp luật để kiến nghị biện pháp khắc phục mà còn có chức năng tư vấn về cách thức tuân thủ pháp luật cho người sử dụng lao động và người lao động - một cách nhìn hiện đại về vai trò của Thanh tra lao động.

Về Thanh tra viên lao động, công ước quy định:

Các Thanh tra viên lao động mang theo những giấy tờ chứng minh về chức vụ của mình sẽ được quyền:

- Tự do vào không phải báo trước, bất kể giờ nào, ngày cũng như đêm, bất cứ cơ sở nào dưới quyền kiểm soát của thanh tra;

- Vào ban ngày tất cả các phòng ban mà họ có thể có lý do hợp lệ để cho rằng các phòng ban đó thuộc quyền kiểm soát của thanh tra.

- Tiến hành mọi cuộc xét nghiệm, kiểm tra hay điều tra xét thấy cần thiết để đảm bảo rằng các quy định pháp luật được thi hành chặt chẽ;

- Có quyền đề xuất các biện pháp nhằm khắc phục những hư hỏng phát hiện thấy trong một thiết bị, một nhà xưởng hoặc những phương pháp làm việc mà Thanh tra viên có thể có lý do hợp lệ để coi là một mối đe dọa cho sức khỏe hay an toàn của người lao động.

- Để đảm bảo thực hiện các biện pháp đó, Thanh tra viên có quyền ra lệnh hay đề nghị ra lệnh về những sửa đổi cần thiết để bảo đảm việc tuân thủ những quy định pháp luật về vệ sinh và an toàn lao động; về việc phải có các biện pháp có hiệu lực tức thời trong các trường hợp có nguy cơ khẩn cấp đối với sức khỏe hay an toàn của người lao động; có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền ra lệnh hay ban hành những biện pháp có hiệu lực tức thời.

Như vậy, công ước đã trao cho Thanh tra viên những quyền năng rất cụ thể và quy định cơ chế đảm bảo việc thực thi quyền năng đó nhằm mục đích cuối cùng là bảo vệ người lao động và cân bằng mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Là thành viên của Công ước, Việt Nam đã nội luật hóa các quy định của Công ước 81 thể hiện trong hệ thống pháp luật lao động nói chung và pháp luật về Thanh tra lao động nói riêng nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi và bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Các chính sách và các quy định của pháp luật lao động được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới, đồng thời cũng là để tương thích với các tiêu chuẩn lao động quy định trong các Công ước của ILO mà Việt Nam là thành viên.

Một phần của tài liệu Thanh tra lao động theo pháp luật lao động Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)