ĐỘNG CỦA THANH TRA LAO ĐỘNG
2.3.l. Những hạn chế và tồn tại trong tổ chức của Thanh tra lao động
Một là, một vấn đề có thể nhìn thấy rõ là Thanh tra viên trên toàn quốc không chuyên trách thực hiện nhiệm vụ thanh tra trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội. Đây là một khó khăn rất lớn cho thanh tra ngành nói riêng và hoạt động ngành nói chung trong bối cảnh Thanh tra viên thì ít, đối tượng thanh tra thì nhiều và luôn tìm cách trốn tránh việc thực hiện pháp luật.
Số lượng Thanh tra viên quá mỏng không tương xứng với tốc độ phát triển nhanh chóng của các doanh nghiệp, lại "ôm" quá nhiều việc như hiện nay cũng là một thực trạng đáng lo ngại trong công tác tổ chức bộ máy thanh tra ngành và trong công tác quản lý nhà nước về lao động.
Hai là, thực tế có một khó khăn cho thanh tra ngành nói chung và Thanh tra lao động nói riêng, xuất phát từ nguyên tắc quản lý theo ngành kết
hợp với quản lý theo lãnh thổ. Thanh tra Sở chịu sự quản lý về hành chính và nhân sự của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và chịu sự quản lý, chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Thanh tra Bộ. Vì không liên quan đến hành chính và nhân sự nên khi Thanh tra Sở không chấp hành chế độ báo cáo hoặc không phối hợp trong công tác thì cũng không có biện pháp xử lý dẫn đến công tác quản lý ngành gặp nhiều khó khăn.
Ba là, về nguồn nhân lực.
Về số lượng, Việt Nam đang "thiếu trầm trọng Thanh tra lao động". Đó là phát biểu của ông Nguyễn Văn Tiến, hiện là Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ông Tiến cho rằng, với lực lượng mỏng và ôm nhiều việc như hiện nay thì phải sau 150 năm Thanh tra viên mới quay lại doanh nghiệp một lần. Do đó, việc phát hiện ra vi phạm pháp luật lao động là rất hạn chế, việc bỏ lọt vi phạm là không thể tránh khỏi. Ông Tiến cũng cho rằng, đây chính là một trong nhiều nguyên nhân khiến tình trạng tai nạn lao động, đình công liên tục gia tăng. Theo ILO, với các nước đang phát triển như Việt Nam thì trung bình 40.000 lao động phải có một Thanh tra viên lao động. Nếu theo tiêu chuẩn này thì với 45 triệu lao động, Việt Nam phải cần tới hơn 1000 Thanh tra viên, chứ không dừng lại ở con số khiêm tốn hiện nay.
Về chất lượng: theo số liệu thống kê năm 2007 của thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước có 362 cán bộ Thanh tra, trong đó chỉ có 283 cán bộ đã học nghiệp vụ thanh tra. Số lượng thanh tra ít, lại phải thực hiện hoạt động thanh tra mọi lĩnh vực của ngành, trong khi chỉ được đào tạo chuyên môn về một lĩnh vực (hoặc là Thanh tra chính sách lao động, hoặc là Thanh tra an toàn lao động, hoặc là Thanh tra lĩnh vực xã hội). Lực lượng thanh tra hiện nay chủ yếu tốt nghiệp từ các trường Đại học Luật, kinh tế (hiện nay, tại Thanh tra Bộ, có 02 Thanh tra viên tốt nghiệp trường Đại học Y). Thực tế đó tất yếu dẫn đến việc kiểm tra, kiểm soát về chấp hành pháp luật lao động bị hạn chế. Như vậy, Thanh tra ngành nói chung và Thanh tra lao
động nói riêng đã thiếu, lại yếu, nên vấn đề tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ đang đặt ra rất cấp thiết.
Về chế độ, chính sách đối với ngạch Thanh tra viên: Thanh tra viên phải có tiêu chuẩn đặc thù phù hợp với hoạt động thanh tra, bởi vì họ không chỉ có khả năng đánh giá, xem xét hoạt động quản lý nhà nước mà còn phải có khả năng phân tích, tổng hợp, hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực, nội dung thanh tra, có thể độc lập trong thực hiện công vụ. So với yêu cầu trên, đội ngũ Thanh tra viên hiện nay chưa đủ sức đảm đương thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thanh tra, trong khi đó, quy định về thời gian để bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên rất dài (9 năm), cùng với những quy định về điều kiện văn bằng, chứng chỉ rất chặt chẽ… Mặc dù trọng trách rất lớn nhưng điều kiện đảm bảo về lương, phụ cấp và các chế độ chính sách khác không đủ sức hấp dẫn để thu hút nguồn lực mới, thậm chí, trong quá trình tác nghiệp không thể tránh khỏi những tiêu cực nảy sinh trong hệ thống cán bộ thanh tra.