Đây là cơ sở pháp lý để Thanh tra lao động tiến hành các hoạt động thanh tra. Hệ thống này khi chưa hoàn thiện sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của Thanh tra lao động.
Thứ nhất: Quy định về cơ chế ba bên ở Việt Nam cho phù hợp với quy
định của quốc tế. Cơ chế ba bên được sử dụng nhằm hoạch định chính sách, pháp luật lao động, triển khai thực thi pháp luật lao động và giúp các vấn đề phát sinh trong quá trình lao động, đặc biệt là giải quyết tranh chấp lao động và đình công thông qua đối thoại xã hội và cùng quyết định. Việc xây dựng cơ chế ba bên trước hết phải bắt đầu từ quy định công nhận sự tồn tại và vai trò của hiệp hội tổ chức của những người sử dụng lao động (giới chủ) bên cạnh tổ chức của người lao động (công đoàn, các hiệp hội lao động). Đồng thời, coi việc tham gia hoạt động trong cơ chế ba bên là nghĩa vụ phải được kiểm soát của các bên trong quan hệ lao động nhằm tạo môi trường lao động lành mạnh.
Thứ hai: Về Bảo hiểm xã hội: cần quy định cụ thể các hình thức xử phạt nếu đóng thiếu, đóng chậm, không đóng BHXH. Mức phạt cần nâng cao,nghiêm khắc hơn quy định hiện hành (quy định mức phạt hành chính hiện hành tối đa là 20 triệu đồng, trong khi đó, có doanh nghiệp nợ kéo dài hàng tỷ đồng, sẵn sàng nộp phạt vì xác định mức phạt có khi không bằng mức lãi suất tiết kiệm ngân hàng. Mức phạt cần xác định theo tỷ lệ so với số tiền đóng chậm hay thời gian nợ và một số hành vi vi phạm có thể đưa vào tội chiếm dụng tài sản để xử lý hình sự).
Thứ ba: Quy định về thỏa ước lao động tập thể:
Bộ luật Lao động cần bổ sung quy định về loại thỏa ước lao động tập thể là thỏa ước tập thể bộ phận doanh nghiệp và thòa ước tập thể vùng cho phù hợp với thực tế là các Tổng công ty và các công ty con đã thành lập tổ chức công đoàn cơ sở thành viên đã ký kết loại thỏa ước tập thể bộ phận
doanh nghiệp. Từ đó quy định cụ thể về phạm vi, đối tượng áp dụng thỏa ước tập thể bộ phận, thỏa ước tập thể ngành. Hướng dẫn cụ thể về quá trình thương lượng và ký kết, quá trình thực hiện và chấm dứt hiệu lực đối với các loại tthỏaước này. Quy định về đại diện tập thể lao động nếu đơn vị không có tổ chức công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời để phù hợp, thống nhất với các Công ước quốc tế cũng như các quy định khác trong Bộ luật Lao động. Quy định các đại diện tập thể lao động là người lao động trong thời gian tham gia thương lượng, kí kết thỏa ước tập thể không do doanh nghiệp trả lương mà được hỗ trợ từ quỹ công đoàn. Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng để Thanh tra lao động căn cứ vào để xử lý các vi phạm.
Thứ tư: Quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động
Nhằm đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho người lao động trong quá trình lao động, Bộ luật Lao động quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại Chương IX. Qua thanh tra việc sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động tại doanh nghiệp thấy rằng các quy định về đăng ký này về mặt thủ tục hành chính còn rất lỏng lẻo. Thông tư số 04/2008/TT-BLĐTBXH ngày 27/2/2008 hướng dẫn thủ tục đăng ký các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động quy định: hồ sơ đăng ký chỉ phải "chuyển trực tiếp hoặc qua đường bưu điện/fax/thư điện tử đến Thanh tra lao động thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để đăng ký trước khi đưa đối tượng vào sử dụng". Quy định này dẫn đến tình trạng khi tiến hành thanh tra việc đăng ký thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động của doanh nghiệp thì doanh nghiệp không có bằng chứng để chứng minh việc đăng ký (như giấy chứng nhận đăng ký), trong khi thanh tra Sở không thể mang theo Sổ đăng ký mỗi khi đi thanh tra. Do đó, cần có quy định về cấp giấy chứng nhận đăng ký máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thống nhất theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành nhằm đảm bảo hoạt động quản lý nhà
nước đối với việc sử dụng và vận hành những thiết bị mà doanh nghiệp sử dụng cũng như mới lắp đặt và đưa vào sử dụng trên địa bàn.