trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra lao động
Tại Chương 2, luận văn đã chỉ ra, phân tích những hạn chế, tồn tại trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra lao động mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là pháp luật về Thanh tra lao động chưa đầy đủ, đồng bộ và hợp lý. Hoàn thiện pháp luật về Thanh tra lao động nói riêng và hoàn thiện
pháp luật lao động, pháp luật thanh tra nói chung là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và trong xu thế hội nhập quốc tế. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, Luật Thanh tra đang là một trong những nội dung trong Chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh của Quốc hội, được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XII năm 2010, trong đó, Luật Thanh tra đã được Quốc hội thông qua.
Sự ra đời và vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội, tác động tới nhiều mặt của đời sống xã hội, làm cho các quan hệ kinh tế phát triển đa dạng bởi sự tham gia đa dạng của các thành phần kinh tế, làm phát sinh nhiều quan hệ xã hội mới, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Nền kinh tế thị trường cũng làm xuất hiện những mặt trái của nó như: lạm phát, độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh, trốn thuế, buôn lậu, gian lận thương mại, tiêu cực, tham nhũng và các hành vi vi phạm khác.
Vì vậy, nếu có một cơ chế thanh tra, kiểm tra chặt chẽ, hoàn chỉnh, thì không những đảm bảo quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vốn được coi là động lực phát triển kinh tế mà còn ngăn ngừa, hạn chế những tiêu cực nảy sinh từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân; đảm bảo sự điều tiết, kiểm soát của Nhà nước đối với các chủ thể hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang trở thành xu thế phát triển tất yếu. Xu hướng đó tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội trong mỗi quốc gia. Hoàn thiện pháp luật nói chung và pháp luật thanh tra nói riêng là một phương hướng quan trọng nhằm tiếp cận với các thành tựu văn minh pháp lý của nhân loại, kế thừa những điểm tiến bộ trong thể chế thanh tra, kiểm tra của một số nước trên thế giới. Đồng thời, tham gia tiến trình
hội nhập quốc tế, pháp luật thanh tra phải đáp ứng được các yêu cầu của Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, bảo đảm sự hợp tác hiệu quả, thiết thực trong cuộc chiến chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tổ cáo.
Do đó, hoàn thiện pháp luật về thanh tra nói chung và pháp luật về Thanh tra lao động nói riêng nhằm đổi mới và hoàn thiện cơ chế thanh tra, kiểm tra phù hợp với cơ chế quản lý mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, góp phần hạn chế những mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, đảm bảo định hướng XHCN là một trong những nhiệm vụ cấp bách của nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay.