VỀ THANH TRA LAO ĐỘNG Ở VIỆT NAM
3.1. SỰ CẦN THIẾT HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ THANH TRA LAO ĐỘNG Ở VIỆT NAM ĐỘNG Ở VIỆT NAM
3.1.1. Xuất phát từ yêu cầu của quan hệ lao động trong bối cảnh hiện nay
Quan hệ lao động là đối tượng điều chỉnh của Luật lao động Việt Nam, là quan hệ giữa người làm công ăn lương với người sử dụng lao động và các quan hệ xã hội khác có liên quan trực tiếp với quan hệ lao động. Trong cơ chế thị trường, sức lao động là hàng hóa. Yếu tố con người trong mọi quá trình sản xuất, công tác là hết sức quan trọng. Nền kinh tế thị trường ở nước ta vận động và phát triển gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do đó, vấn đề về chất lượng lao động, xây dựng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có trình độ, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần được nhà nước và các doanh nghiệp quan tâm. Trong thị trường sức lao động đó, vị thế yếu thường thuộc về phía người lao động. Mặt khác, thị trường sức lao động với quan hệ cung cầu về lao động và giá cả sức lao động luôn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy, cần có sự quản lý của nhà nước để đảm bảo quyền lợi cho người lao động (quyền làm việc, lợi ích và các quyền khác của người lao động).
Cơ chế thị trường đòi hỏi quan hệ lao động được xác lập trên cơ sở sự thỏa thuận giữa người người sử dụng lao động và người lao động. Nhà nước tham gia quan hệ đó trong tư cách của nhà hoạch định quy định những điều kiện cho việc xác lập, duy trì, chấm dứt quan hệ lao động này. Tính chất công
nghiệp hóa, hiện đại hóa của quan hệ lao động phụ thuộc nhiều vào ý thức của các bên và hệ thống quy phạm pháp luật mang tính nền tảng.
Đó là yêu cầu hiện đại hóa môi trường lao động, hiện đại hóa quan hệ chủ thợ, hiện đại hóa tác phong cũng như trang thiết bị làm việc. Việc xây dựng các thỏa ước lao động tập thế phải thể hiện được nội dung này.
Nền kinh tế thị trường đòi hỏi quan hệ lao động được xây dựng hài hòa, ổn định, lành mạnh và tiến bộ. Đó là sự hài hòa trong cách ứng xử, quyền - nghĩa vụ - lợi ích, địa vị, trách nhiệm, quan điểm, hoạt động của người sử dụng lao động và người lao động; sự ổn định trong mối quan hệ lao động, không có hiện tượng thường xuyên biến cố; đó là sự lành mạnh trong môi trường lao động không bạo lực; đó là sự tiến bộ trong ý thức của các bên và trong các quy định của pháp luật lao động; đó là yêu cầu nâng cao năng lực các đối xử xã hội. Đối thoại và thương lượng tập thể là công cụ hữu hiệu để xây dựng quan hệ lao động lành mạnh, phòng tránh và giải quyết tranh chấp lao động tại doanh nghiệp. Chỉ thị số 22/2008/CT-TW ngày 05/6/2008 của Ban bí thư Trung ương và Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 18/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp đã được thực hiện trong thực tế, đem lại những hiệu quả đáng kể như giảm tranh chấp lao động, giảm ngừng việc tập thể, người lao động có lợi, doanh nghiệp phát triển bền vững…
Nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đòi hỏi trong lĩnh vực lao động, cơ chế ba bên của ILO phải được thiết lập. Đây là vấn đề sống còn của quan hệ lao động (giải quyết tranh chấp bằng hòa bình lao động). Cơ chế này được sử dụng trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về lao động, tổ chức và quản lý lao động cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh, kể cả giải quyết tranh chấp lao động và đình công (Khoản 2 Điều 10 Bộ luật Lao động).