Những quy định của pháp luật về Thanh tra

Một phần của tài liệu Thanh tra lao động theo pháp luật lao động Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 40 - 44)

Mục đích là cái đích hướng tới của những hoạt động của con người trong xã hội. Thanh tra là một chức năng không thể thiếu của hoạt động quản lý nhà nước. Hoạt động thanh tra nhằm mục đích phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật. Từ những phát hiện đó, thanh tra đưa ra kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục. Hoạt động thanh tra còn nhằm phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân (Điều 2 Luật thanh tra 2004).

Nguyên tắc là những tư tưởng chỉ đạo cơ bản, mang tính xuất phát điểm, mang tính định hướng toàn bộ hoạt động thanh tra. Hoạt động thanh tra phải tuân theo pháp luật, bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời, không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra. Đây là những nguyên tắc rất quan trọng của hoạt động thanh tra, vì thanh tra là một hoạt động nhạy cảm. Do được Nhà nước trao cho những chức năng, quyền hạn nhất định nên trong thực tế hoạt động dễ nảy sinh tình trạng lạm quyền, tình trạng tiêu cực, tình trạng nhũng nhiễu cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra. Nguyên tắc này đòi hỏi hoạt động thanh tra chỉ được tiến hành trên cơ sở pháp luật, thực tiễn và có căn cứ rõ ràng.

- Quy định về tổ chức thanh tra

So với Pháp lệnh thanh tra năm 1990, pháp luật thanh tra hiện nay đã có sự điều chỉnh cơ bản về tổ chức thanh tra. Theo đó, Thanh tra nhà nước bao gồm hai loại hình: Cơ quan thanh tra được thành lập theo cấp hành chính (cơ quan thanh tra hành chính) và cơ quan thanh tra được thành lập ở cơ quan quản lý theo ngành, lĩnh vực (cơ quan thanh tra ngành, lĩnh vực hoặc thanh tra chuyên ngành). Cơ quan thanh tra theo cấp hành chính gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Thanh tra

tỉnh, Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh). Pháp luật thanh tra quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này một cách rõ ràng, cụ thể.

Cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực: Gồm Thanh tra Bộ, cơ quan ngang bộ (gọi chung là Thanh tra Bộ) và Thanh tra Sở (Điều 23 Luật thanh tra).

Thanh tra Bộ được thành lập ở Bộ, cơ quan ngang Bộ. Cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực được thành lập cơ quan thanh tra. Thanh tra Sở được thành lập ở những Sở thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc theo quy định của pháp luật. Như vậy, không phải thanh tra Sở được thành lập ở tất cả các Sở mà chỉ được thành lập ở những Sở thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc theo quy định của pháp luật.

- Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra Về cơ bản, cơ quan thanh tra có ba nhiệm vụ sau:

+ Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp;

+ Thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo;

+ Thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa và chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về chống tham nhũng.

Ngoài ra, cơ quan thanh tra còn thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp giao như thanh tra các vụ việc, tổng hợp, báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và chống tham nhũng… Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra được quy định tại các điều 15, 18, 21, 25, 28 Luật Thanh tra.

- Quy định về Thanh tra viên

So với Pháp lệnh trước đây, quy định về Thanh tra viên đã có sự thay đổi cơ bản: "Thanh tra viên là công chức Nhà nước được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra". Như vậy, việc tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch, miễn nhiệm cũng như chế độ, chính sách của thanh tra viên thực hiện theo pháp luật thanh tra, và đồng thời thực hiện theo pháp luật về cán bộ, công chức. Thanh tra viên là ngạch công chức có tính đặc thù nên pháp luật có quy định về tiêu chuẩn chung về phẩm chất, đạo đức, về kiến thức chuyên môn, về nghiệp vụ thanh tra (Điều 31 Luật Thanh tra).

- Quy định về trình tự, thủ tục hoạt động thanh tra

Hoạt động thanh tra được thực hiện dưới hai hình thức: thanh tra theo chương trình, kế hoạch và thanh tra đột xuất. Cơ quan thanh tra thực hiện hoạt động thanh tra trên cơ sở thành lập đoàn thanh tra. Ngoài ra còn thực hiện hoạt động thanh tra thông qua vai trò thanh tra độc lập.

Quy trình tiến hành một cuộc thanh tra bao gồm các bước sau:

- Chuẩn bị thanh tra, trong đó có ra quyết định thanh tra, xây dựng và phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra; phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra; xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo; thông báo về việc công bố quyết định thanh tra.

- Tiến hành thanh tra, gồm: Công bố quyết định thanh tra; thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu; báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ thanh tra; kết thúc việc thanh tra.

- Kết thúc thanh tra: gồm: xây dựng báo cáo kết quả thanh tra; đánh giá chứng cứ ở đoàn thanh tra; xem xét báo cáo kết quả thanh tra; thực hiện ý kiến chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra; xây dựng dự thảo kết luận

thanh tra; ký ban hành và công bố kết luận thanh tra; giao trả hồ sơ, tài liệu; tổng kết hoạt động của đoàn thanh tra; lập, bàn giao hồ sơ thanh tra.

Tóm lại, tổ chức và hoạt động thanh tra trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế đã được quy định tương đối đầy đủ trong pháp luật thanh tra, là cơ sở pháp lý cho việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động thanh tra.

Một phần của tài liệu Thanh tra lao động theo pháp luật lao động Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 40 - 44)