Quyết định số 01/2006/QĐ-BLĐTBXH ngày l6/02/2006 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quy chế hoạt động Thanh tra Nhà nước về lao động theo phương thức Thanh tra viên phụ trách vùng và Quyết định số 02/2006/QĐ-BLĐTBXH ngày l6/02/2006 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quy chế sử dụng phiếu tự kiểm tra thực hiện pháp luật lao động ra đời là mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển biến trong công tác Thanh tra Nhà nước về lao động, thể hiện sự quyết tâm của thanh tra ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn nhằm đạt được mục đích thanh tra. Đây cũng là phương thức mà phía doanh nghiệp rất ủng hộ bởi nó tiết kiệm thời gian cho họ. Số cuộc thanh tra hàng năm mà mỗi Thanh tra viên thực hiện đã tăng đột biến. Nếu như trước đây, một Thanh tra viên mỗi năm chỉ kiểm tra được 30-40 doanh nghiệp thì đến năm 2008 con số tăng lên là gần gấp hai lần.
Theo báo cáo tổng kết 05 năm thực hiện phương thức hoạt động Thanh tra viên phụ trách vùng và sử dụng phiếu tự kiểm tra thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp ngày 10/3/2010 thì đến nay, Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan duy nhất sử dụng phương thức Thanh tra viên phụ trách vùng và sử dụng phiếu tự kiểm tra đối với các doanh nghiệp. Sự chủ động, sáng tạo trong quản lý, điều hành và trong tổ chức, hoạt động của Thanh tra Nhà nước về lao động đã mang lại những kết quả tích cực.
Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy, chưa doanh nghiệp nào thực hiện được đầy đủ các nội dung cơ bản của Bộ luật Lao động; bình quân chung là 6,4 sai phạm/doanh nghiệp. Các sai phạm chủ yếu vẫn tập trung ở một số hành vi:
- Không ký kết hợp đồng lao động hoặc ký kết hợp đồng lao động có thời hạn, hết hạn hợp đồng lại ký hợp đồng lao động có thời hạn mới lặp đi lặp lại nhiều lần;
- Không xây dựng định mức lao động, không xây dựng và đăng ký hệ thống thang lương, bảng lương;
- Trả lương không đầy đủ cho người lao động làm thêm giờ, làm việc ban đêm, làm việc vào ngày nghỉ, ngày lễ;
- Không cho lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hàng năm ít nhất mười bốn hoặc mười sáu ngày/năm (chưa kể thâm niên);
- Không tham gia bảo hiểm xã hội đối với số lao động làm việc từ đủ ba tháng đến dưới mười hai tháng;
- Không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động;
- Không khai báo điều tra, thống kê, báo cáo về tai nạn lao động;
- Không thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho lao động làm các công việc độc hại, nguy hiểm.
Số liệu thống kê cho thấy, số cuộc thanh tra qua các năm liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và chất lượng. Theo báo cáo tổng kết từ năm 2005 đến 2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Tại thanh tra Bộ, số doanh nghiệp được thanh tra năm 2009 là 247, tăng gần gấp hai lần so với năm 2007, 2008; tăng gần 3 lần so với năm 2006 và tăng gần gấp 5 lần so với năm 2005. Tổng số kiến nghị năm 2009 là 3408 tăng 1,7 lần so với năm 2007, tăng hơn 3 lần so với năm 2006 và tăng 4,3 lần so với năm 2005 (Phụ lục 5); tại Thanh tra Sở, tổng số doanh nghiệp được thanh tra và phát phiếu tự kiểm tra năm 2009 là 22.689, tăng gấp 1,2 lần so với năm 2008 và tăng gấp 1,5 lần so với năm 2007 và 2006, tăng 4,4 lần so với năm 2005. Tổng số kiến nghị năm 2009 là 7.838 tăng gấp 1,18 lần so với năm 2008, tăng gấp 1,6 lần so với năm 2007, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2006 và tăng gấp 3,4 lần so với năm 2005 (Phụ lục 4).
Theo báo cáo của Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2009, với tổng số biên chế là 42 người, Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội đã thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động tại 550 doanh nghiệp, tăng gấp 1,64 lần so với năm 2008. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ cũng đã tiến hành thanh tra hoạt động dạy nghề tại 10 cơ sở dạy nghề. Với 15 cán bộ, Thanh tra viên, Thanh tra Tổng cục dạy nghề cũng đã tiến hành thanh tra tại 101 cơ sở dạy nghề trên địa bàn 25 tỉnh, thành phố. Cũng trong thời gian này, Thanh tra Bộ thực hiện thanh tra việc thực hiện Luât Bảo hiểm xã hội tại 3 tỉnh, thành phố.
Việc áp dụng phương thức hoạt động Thanh tra viên phụ trách vùng và sử dụng phiếu tự kiểm tra tại doanh nghiệp đã cho thấy số lượng doanh nghiệp được thanh tra theo vùng diễn biến tăng dần, tần suất thanh tra trên một doanh nghiệp cũng đã thay đổi, khắc phục được tình trạng có nơi, có doanh nghiệp được thanh tra nhiều lần, và ngược lại, có nơi, doanh nghiệp từ trước đến nay chưa hề được thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh việc tiếp tục triển khai công tác Thanh tra viên phụ trách vùng và sử dung phiếu tự kiểm tra thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp, công tác thanh tra việc thực hiện pháp luật theo kế hoạch đề ra đầu năm cũng luôn được triển khai, đặc biệt là công tác an toàn, vệ sinh lao động. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động là một trong những nội dung tập trung ưu tiên trong công tác thanh tra ngành.