VIỆT NAM VÀ BỘ NGUYÊN TẮC UNIDROIT
Chế tài do vi phạm hợp đồng được đặt trong tương quan so sánh giữa pháp luật Việt Nam và Bộ Nguyên tắc UNIDROIT về Hợp đồng thương mại quốc tế. Tác giả tiến hành so sánh dựa trên các tiêu chí sau:
2.1. Căn cứ áp dụng chế tài do vi phạm hợp đồng
2.1.1. Hành vi vi ph ạm hợp đồng ạm hợp đồng
Đây là căn cứ đầu tiên để áp dụng chế tài do vi phạm hợp đồng, xảy ra khi một bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các điều khoản trong hợp đồng mà hai bên đã thỏa thuận, cam kết với nhau. Điều 302 BLDS 2005 và Điều 7.1.1 Bộ Nguyên tắc UNIDROIT đều coi vi phạm hợp đồng là yếu tố cấu thành trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Điều 303, 308, 310, 312 LTM 2005, cũng quy định một trong những căn cứ để áp dụng chế tài do vi phạm hợp đồng là phải có hành vi vi phạm hợp đồng. Người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ của mình cho bên có quyền, nhưng đã không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của mình với bên có quyền. Hành vi vi phạm này là hành vi trái pháp luật. Vì pháp luật thừa nhận và bảo vệ các quyền dân sự hợp pháp của chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ dân sự. Các quyền dân sự hợp pháp của chủ thể được pháp luật bảo vệ, người có hành vi vi phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của bên có quyền, hành vi vi phạm đó là hành vi trái pháp luật [7, tr. 303].
Khi đánh giá hành vi vi phạm hợp đồng, cần quan tâm đến việc xác định thế nào là hành vi vi phạm hợp đồng, căn cứ xác định vi phạm hợp đồng,
các loại vi phạm hợp đồng và vi phạm trước thời hạn có được coi là vi phạm hợp đồng không.
Hợp đồng là kết quả từ sự thống nhất ý chí của các bên khi tham giao kết, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ. Để xác định có hành vi vi phạm hợp đồng hay không, trước hết là căn cứ vào nội dung hợp đồng và các văn bản tài liệu kèm theo như phụ lục hợp đồng, điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu khác (nếu có). Trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng thì coi đó là vi phạm hợp đồng, là một trong những căn cứ quan trọng để truy cứu trách nhiệm.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, đôi khi các bên có thay đổi bổ sung các nội dung đã thỏa thuận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện cũng như tạo sự thích nghi trước những diễn biến thực tế. Những thay đổi đó được thể hiện thông qua các phụ lục hợp đồng, được coi là một phần hợp đồng và có giá trị pháp lý như hợp đồng và trở thành căn cứ xác định nghĩa vụ.
Vi phạm hợp đồng được phân biệt thành hai loại vi phạm cơ bản và vi phạm không cơ bản. Sự phân biệt này có ý nghĩa rất lớn đối với việc áp dụng các chế tài. Theo Khoản 13 Điều 3 LTM 2005: “Vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng”, hậu quả là bên bị vi phạm có quyền tuyên bố tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc hủy hợp đồng. Tuy nhiên, thực tế tranh chấp kinh doanh thương mại cho thấy không dễ dàng xác định đâu là vi phạm cơ bản, cho đến nay LTM 2005 cũng chưa có hướng dẫn chi tiết về vấn đề này.
Theo LTM 2005, để xác định vi phạm cơ bản đòi hỏi cả hai bên phải hiểu rõ mục đích của việc ký kết hợp đồng. Vì bên bị vi phạm phải chứng
minh hành vi vi phạm làm mình không đạt được mục đích hợp đồng và đây là yếu tố rất khó để chứng minh.
Đối với những vi phạm không cơ bản, bên bị vi phạm không được áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ thực hiện hợp đồng trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác [34, tr. 259].
Điển hình của việc vi phạm nghĩa vụ hợp đồng là các bên không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng như bên bán không chuyển giao tài sản, bên mua không trả tiền hay bên bán đã thiết lập một vật quyền phụ thuộc trên tài sản đem bán, có thể là một tài sản nào đó trong doanh nghiệp đã được mang đi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho bên bán trong một giao dịch khác như tài sản bị mang đi thế chấp ngân hàng để bảo đảm cho khoản vay. Bên mua đã vi phạm nghĩa vụ khai báo thông tin gây thiệt hại cho bên bán.
BLDS 2005 không có quy định cụ thể xác định vi phạm nào là vi phạm cơ bản, vi phạm nào là vi phạm không cơ bản dẫn đến khó khăn trong thực tiễn áp dụng. LTM 2005 phân chia hành vi vi phạm hợp đồng thành hai loại là vi phạm cơ bản và vi phạm không cơ bản. Theo Khoản 13, Điều 3 LTM 2005 “Vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng”.
LTM 2005 quy định việc áp dụng chế tài thương mại đối với vi phạm không cơ bản tại:
Điều 293. Áp dụng chế tài trong thương mại đối với vi phạm không cơ bản: Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên bị vi phạm không được áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc huỷ bỏ hợp đồng đối với vi phạm không cơ bản.
Điều 313. Hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp giao hàng, cung ứng dịch vụ từng phần
1. Trường hợp có thoả thuận về giao hàng, cung ứng dịch vụ từng phần, nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc giao hàng, cung ứng dịch vụ và việc này cấu thành một vi phạm cơ bản đối với lần giao hàng, cung ứng dịch vụ đó thì bên kia có quyền tuyên bố huỷ bỏ hợp đồng đối với lần giao hàng, cung ứng dịch vụ.
2. Trường hợp một bên không thực hiện nghĩa vụ đối với một lần giao hàng, cung ứng dịch vụ là cơ sở để bên kia kết luận rằng vi phạm cơ bản sẽ xảy ra đối với những lần giao hàng, cung ứng dịch vụ sau đó thì bên bị vi phạm có quyền tuyên bố hủy bỏ hợp đồng đối với những lần giao hàng, cung ứng dịch vụ sau đó, với điều kiện là bên đó phải thực hiện quyền này trong thời gian hợp lý.
Như vậy, khi có sự vi phạm hợp đồng nếu các bên không có thỏa thuận khác thì bên bị vi phạm chỉ được áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng hoặc đình chỉ, hủy bỏ hợp đồng khi đó là vi phạm cơ bản. Bên cạnh đó, cần xem xét vi phạm trước thời hạn, LTM 2005 không quy định về vi phạm hợp đồng trước thời hạn. Tuy nhiên BLDS 2005 có quy định liên quan đến vấn đề này:
Điều 415. Quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ dân sự trong hợp đồng song vụ: 1. Bên phải thực hiện nghĩa vụ trước có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ, nếu tài sản của bên kia đã bị giảm sút nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện được nghĩa vụ như đã cam kết cho đến khi bên kia có khả năng thực hiện được nghĩa vụ hoặc có người bảo lãnh.
2. Bên phải thực hiện nghĩa vụ sau có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ đến hạn nếu bên thực hiện nghĩa vụ trước chưa thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn.
Đây là một biện pháp tự bảo vệ vì áp dụng biện pháp này không cần có sự can thiệp của cơ quan công quyền [5, tr. 146].
Trong trường hợp nếu bên có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng trước có căn cứ cho rằng bên kia không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình thì có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ của mình cho đến khi phía bên kia có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc có sự bảo lãnh của người thứ ba. Nếu chỉ dừng lại ở đó thì quy định của BLDS 2005 vẫn chưa giải quyết được bản chất vấn đề, bởi vì nếu chờ đợi đến khi bên kia có khả năng thực hiện nghĩa vụ thì rất có thể thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều và do đó, điều này dường như là đã không tuân thủ một quy định khác của luật – nghĩa vụ hạn chế tổn thất [13, tr. 66]
Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng không thể có vi phạm nghĩa vụ trước thời điểm khi mà thời hạn thực hiện vẫn chưa hết. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện một nghĩa vụ nào đó khi có xuất hiện một sự kiện hay trong một thời hạn nhất định.