Chế tài buộc bồi thường thiệt hại

Một phần của tài liệu So sánh các Chế tài vi phạm hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và theo Bộ Nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế (Trang 62)

2.2.3.1. Buộc bồi thường thiệt hại theo pháp luật Việt Nam

Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm hợp đồng bồi thường cho bên bị vi phạm những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng của mình gây ra. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại có chức năng chủ yếu là bồi hoàn, bù đắp, khôi phục lại cho bên bị vi phạm những lợi ích vật chất bị tổn thất. Mọi hành vi vi phạm hợp đồng nếu gây thiệt hại thì bên vi phạm đều phải bồi thường, không phân biệt hành vi do không thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ hợp đồng. Khác với phạt hợp đồng phải buộc các bên có thỏa thuận trong hợp đồng thì bồi thường thiệt hại không đòi hỏi các bên có thỏa thuận trong hợp đồng. Chế tài bồi thường thiệt hại hợp đồng luôn được áp dụng song hành cùng với các chế tài khác do vi phạm hợp đồng. Bởi mục đích của chế tài này nhằm yêu cầu bù đắp những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra [7, tr. 293].

Theo quy định tại Điều 302 LTM 2005, Điều 307 BLDS 2005, buộc bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm phải bồi hoàn những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Số tiền bồi thường thiệt hại không thể cao hơn giá trị tổn thất và khoản lợi đáng lẽ được hưởng. Giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp chính là những thiệt hại thực tế, trực tiếp; thiệt hại đó có thể tính toán

được và phải do chính hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng gây ra chứ không phải do một nguyên nhân nào khác.

LTM 2005 không quy định một cách cụ thể cách thức tính toán, xác định mức độ thiệt hại phải đền bù, mà chỉ quy định những nguyên tắc chung khi xác định thiệt hại: số tiền bồi thường thiệt hại gồm giá trị tốn thất thực tế, trực tiếp và khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng và số tiền này không thể cao hơn giá trị tổn thất và khoản lợi đáng lẽ được hưởng. Theo đó, thiệt hại được bồi thường bao gồm thiệt hại thực tế và khoản lợi đáng lẽ được hưởng. Có thể liệt kê thiệt hại trực tiếp bao gồm những thiệt hại sau: Hàng hóa bị mất mát hay hư hỏng; Chi phí, phí tổn đã được sử dụng hay sẽ được sử dụng để phục hồi hay loại bỏ khuyết tật của hàng hóa; Khoản tiền mà bên vi phạm phải đền bù cho đối tác do không thực hiện nghĩa vụ của mình. Khoản lợi đáng lẽ được hưởng là những khoản lãi mà bên bị vi phạm lẽ ra sẽ được hưởng trong điều kiện bình thường nếu bên vi phạm thực hiện đúng nghĩa vụ của mình.

Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam trách nhiệm do vi phạm hợp đồng là trách nhiệm tài sản, trách nhiệm vật chất. Bên vi phạm hợp đồng không chịu trách nhiệm tinh thần. Vì vậy, khi đòi bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng thì không được tính thiệt hại về tinh thần, nếu có đòi thì cũng không được chấp nhận.

2.2.3.2. Buộc bồi thường thiệt hại theo Bộ Nguyên tắc Unidroit

Các vấn đề về bồi thường thiệt hại được quy định thống nhất tại Mục 4 Chương 7 UNIDROIT. UNIDROIT xác định việc thanh toán đã được thỏa thuận khi vi phạm hợp đồng. Điều 7.4.13 (Tiền bồi thường ấn định trước trong hợp đồng) đưa ra một số quy tắc được áp dụng rộng rãi trong thương mại quốc tế, theo đó các bên có thể thoả thuận trước về khoản tiền phải trả khi

không muốn hay không thể thực hiện hợp đồng. Khoản 1 Điều 7.4.13 theo nguyên tắc công nhận hiệu lực của bất kỳ điều khoản nào, theo đó nếu một bên không thực hiện sẽ phải thanh toán một khoản tiền cho bên bị thiệt hại như là việc vi phạm hợp đồng, bên bị thiệt hại có quyền yêu cầu đòi được chi trả số tiền đã được thoả thuận, bất kỳ thiệt hại thực tế đã xảy ra như thế nào. Bên vi phạm không được quyền viện dẫn rằng bên bị thiệt hại không chịu thiệt hại nào, hoặc chịu một thiệt hại ít hơn so với khoản tiền này.

Ví dụ: A là một cầu thủ bóng đá nổi tiếng của Brazil, được thuê huấn luyện đội bóng B của Úc trong ba năm, với mức lương hàng tháng là 10.000 AUD. Trong hợp đồng có điều khoản quy định rằng A có quyền được lĩnh 200.000 AUD khi bị sa thải vô cớ. Sau đó sáu tháng, A đã bị sa thải vô cớ. A có quyền được yêu cầu B trả số tiền đã thoả thuận này. Thậm chí nếu ngay sau đó A được một đội tuyển bóng đá khác thuê với mức lương gấp đôi giá của B. Thông thường, việc không thực hiện phải nằm trong phạm vi bên không thực hiện chịu trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, bởi lẽ khó mà chấp nhận việc một bên phải nộp tiền bồi thường cho những sự việc anh ta không phải chịu trách nhiệm, ví dụ như trường hợp bất khả kháng. Tuy nhiên, các bên cũng có thể thoả thuận trong hợp đồng một bên phải thanh toán một khoản một khoản tiền nhất định trong bất cứ trường hợp nào khi họ không thực hiện hợp đồng, kể cả khi bất khả kháng [12, tr. 120].

Để tránh khả năng lạm dụng điều này, Khoản 2 của Điều 7.4.13 cho phép giảm bớt số tiền đã thoả thuận khi có sự bất bình đẳng có liên quan đến thiệt hại phát sinh do việc không thực hiện và do những yếu tố khác. Khoản 2 cũng nêu rõ rằng nó mang tính chất bắt buộc và các bên không được phép loại bỏ áp dụng khả năng giảm bớt số tiền được thoả thuận này. Số tiền được thoả thuận chỉ có thể được giảm nhưng không được bỏ qua, thí dụ như, toà án hoàn

định từ trước để tự mình ra quyết định về bồi thường thiệt hại. Khoản tiền này cũng không được phép tăng nếu thiệt hại thực tế cao hơn trị giá khoản tiền hai bên đã thoả thuận. Hơn nữa cần lưu ý là khoản tiền thoả thuận chỉ được giảm khi có sự bất bình đẳng, có nghĩa là một người bình thường trong cùng hoàn cảnh như các bên cũng phải cảm thấy như vậy. Cần xem xét thêm mối liên quan giữa các khoản tiền được thoả thuận và thiệt hại thực tế phát sinh.

Ví dụ: A giao kết hợp đồng với B về việc mua máy trả góp là 48 kỳ vụ, mỗi kỳ 30000FRF. Hợp đồng có ghi một điều khoản theo đó cho phép các bên lập tức chấm dứt hợp đồng, khi bên mua không thanh toán bất kỳ vụ nào, và cho phép B được tịch thu số tiền của A đã nộp và đòi nộp tiếp những kỳ vụ chưa nộp như một khoản tiền bồi thường thiệt hại. A không trả nổi kỳ vụ thứ 11. B tịch thu số tiền 300000FRF A đã trả, đồng thời ngoài việc đòi lại máy, còn bắt A trả 1.140.000 FRF cho 38 kỳ vụ còn lại. Khi đó Toà án có thể sẽ giảm bớt số tiền thoả thuận này, vì nó tạo nên bất bình đẳng gây thiệt hại về quyền lợi cho A.

Việc thoả thuận trước về các khoản tiền bồi thường do không thực hiện khác với điều khoản tịch thu và những điều khoản tương tự khác. Các dạng của các điều khoản được nhắc đến trong Điều 7.4.13 khác với điều khoản tịch thu và những điều khoản tương tự khác, theo đó cho phép một bên rút lui khỏi hợp đồng bằng cách trả một khoản tiền hay chịu mất một khoản tiền đặt cọc. Mặt khác, một điều khoản qui định bên bị thiệt hại có thể giữ lại số tiền bên kia đã trả như một phần của giá thanh toán, được coi là một dạng của những điều khoản được nêu trong điều này.

Ví dụ: A cam kết bán bất động sản cho B với giá 900.000.000 ITL (liras Ý). B phải thực hiện quyền mua ưu tiên trong vòng ba tháng và phải trả một khoản tiền đặt cọc là 50.000.000 ITL. A có thể giữ lại khoản tiền này,

nếu B không thực hiện quyền mua ưu tiên. Vì đây không phải là khoản tiền được xác định trước để bồi thường cho việc không thực hiện, số tiền trên sẽ không được giảm. cho dù nó là quá lớn và gây lợi cho A quá nhiều.

Ví dụ: A giao kết hợp đồng với B về việc thuê máy. Hợp đồng quy định rằng nếu A không trả bất kỳ khoản thuê nào trong kỳ hạn hợp đồng, thì hợp đồng sẽ được chấm dứt, và khoản tiền đã trả sẽ được B giữ lại như tiền bồi thường thiệt hại. Điều này được điều chỉnh bởi Điều khoản này và số tiền bồi thường trên có thể được giảm. [10, tr. 393]

2.2.3.3. Tương quan so sánh chế tài buộc bồi thường thiệt hại giữa pháp luật Việt Nam và Bộ Nguyên tắc Unidroit

Về loại thiệt hại thực tế, LTM 2005 và Bộ Nguyên tắc UNIDROIT đều quy định loại thiệt hại nào phải được bồi thường (thiệt hại thực tế và khoản lợi đáng lẽ được hưởng) và mức bồi thường tối đa “toàn bộ những thiệt hại mà mình phải gánh chịu từ việc không thực hiện”. Nếu như Bộ Nguyên tắc UNIDROIT coi “thiệt hại có thể là phi tiền tệ và bắt nguồn từ nỗi đau thể chất hoặc tinh thần” thì theo LTM 2005, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng là trách nhiệm tài sản, trách nhiệm vật chất, bên vi phạm hợp đồng không chịu trách nhiệm tinh thần. Quy tắc bồi thường thiệt hại phi vật chất của Bộ Nguyên tắc UNIDROIT có thể được áp dụng, trong những gì liên quan đến thương mại quốc tế, như hợp đồng ký kết với nghệ sỹ , vận động viên cấp cao hoặc những nhà tư vấn thuộc một công ty hay một tổ chức [13, tr. 367]. Tóm lại, “Thiệt hại được bồi thường là những tổn thất mà bên có quyền phải gánh chịu do việc không thực hiện đúng hợp đồng gây ra và những lợi nhuận đáng lẽ bên có quyền được hưởng nếu hợp đồng được thực hiện đúng” [5, tr.104].

Về nghĩa vụ chứng minh thiệt hại, Điều 302 LTM 2005 quy định nghĩa vụ này thuộc về bên yêu cầu bồi thường thiệt hại. Họ phải chứng minh tổn

thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Liên quan đến việc chứng minh thiệt hại, Bộ Nguyên tắc UNIDROIT có những quy định tương đối rõ ràng, mạch lạc từ việc xác định tính xác thực của thiệt hại cho đến sự can thiệp của cơ quan tài phán. Theo Điều 7.4.3 Bộ Nguyên tắc UNIDROIT, “những thiệt hại chỉ được bồi thường khi chúng được thiết lập với một mức độ hợp lý về tính xác thực” vì không thể yêu cầu bên có nghĩa vụ bồi thường những thiệt hại mang tính giả định hoặc có thể xảy ra. Bộ Nguyên tắc UNIDROIT còn quy định thêm trường hợp “khi không thể thiết lập với một mức độ đầy đủ tính xác thực về khoản tiền bồi thường thì thiệt hại được xác định tùy theo Tòa án”. Khi số tiền bồi thường thiệt hại không thể được xác định với một mức độ đủ xác thực, thay vì từ chối mọi bồi thường hoặc bồi thường thiệt hại một cách tượng trưng, tòa án sẽ xác định một cách hợp lý khoản tiền tương đương với mức độ thiệt hại xảy ra [13, tr. 370].

Phương pháp xác định tiền lãi từ việc không thanh toán thiệt hại, Bộ Nguyên tắc UNIDROIT có Điều 7.4.12 quy định về đồng tiền thanh toán thiệt hại như sau: “Thiệt hại được tính bằng đồng tiền quy định trong điều khoản về nghĩa vụ thanh toán, hoặc bằng đồng tiền tại nơi thiệt hại phát sinh tùy theo đồng tiền nào thích hợp nhất”. Khác với quy định pháp luật Việt Nam, Bộ Nguyên tắc UNIDROIT, mở rộng phạm vi áp dụng đồng tiền thanh toán thiệt hại, bao gồm cả đồng tiền tại nơi thiệt hại phát sinh. Với quy định này, các bên có thêm quyền lựa chọn đối với đồng tiền nào thích hợp nhất khi sử dụng làm công cụ thanh toán nghĩa vụ vi phạm.

Bên cạnh đó, Điều 7.4.9 Bộ Nguyên tắc UNIDROIT quy định chi tiết về việc áp dụng cách tính tiền lãi từ việc không thanh toán với việc xác định tỷ lệ lãi suất trung bình cho vay ngắn hạn của ngân hàng cho đồng tiền thanh toán của hợp đồng… Bên cạnh đó, Điều 7.4.10 của Bộ Nguyên tắc

UNIDROIT còn quy định cụ thể về thời gian tính tiền lãi khoản tiền bồi thường thiệt hại “Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, tiền bồi thường thiệt hại do không thực hiện nghĩa vụ không phải là nghĩa vụ thanh toán làm phát sinh tiền lãi từ ngày không thực hiện”. Tuy nhiên thực tiễn áp dụng chung lại thường sử dụng luật quốc gia điều chỉnh hợp đồng để ấn định mức lãi suất phù hợp hơn là lãi suất của Bộ Nguyên tắc UNIDROIT [13, tr. 19].

Theo Điều 306 LTM 2005 quy định về tiền lãi: Trong trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Ở đây, có thể nhận thấy sự khác biệt của LTM 2005 trong việc sử dụng lãi suất nợ quá hạn so với lãi suất vay của Bộ Nguyên tắc UNIDROIT, loại lãi suất bị cho là trong một số trường hợp đã bồi thường vượt quá cho bên bị vi phạm và không được áp dụng phổ biến so với lãi suất tiết kiệm [23].

Vấn đề áp dụng luật, Điều 302 LTM 2005 quy định chế tài này sẽ được áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế khi luật điều chỉnh hợp đồng là luật Việt Nam. Bộ Nguyên tắc UNIDROIT điều chỉnh quan hệ hợp đồng thương mại mang tính chất liên quốc gia, do vậy “Bộ Nguyên tắc UNIDROIT đưa ra những quy phạm chung cho hợp đồng thương mại quốc tế với mục tiêu thiết lập một bộ nguyên tắc cân bằng để áp dụng trên thế giới không phụ thuộc vào truyền thống pháp luật và điều kiện kinh tế xã hội của các nước” [27, tr. 48].

Một phần của tài liệu So sánh các Chế tài vi phạm hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và theo Bộ Nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế (Trang 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)