Chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng

Một phần của tài liệu So sánh các Chế tài vi phạm hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và theo Bộ Nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế (Trang 69)

2.2.4.1. Tạm ngừng thực hiện hợp đồng theo pháp luật Việt Nam

Theo quy định tại Điều 308 LTM 2005 thì tạm ngừng thực hiện hợp đồng là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng trong trường hợp xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng hay một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng, trừ trường hợp bên vi phạm được miễn trách nhiệm do hành vi vi phạm hợp đồng do pháp luật quy định hay do các bên thỏa thuận. Khi hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện thì nó vẫn còn hiệu lực. Việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng có nghĩa là các bên sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ của mình trong một thời hạn cụ thể nào đó. Do pháp luật không quy định về thời gian tạm ngừng thực hiện hợp đồng nên các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận với nhau. Khi áp dụng chế tài này, bên vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại.

Nếu LTM 2005 sử dụng thuật ngữ “tạm ngừng” đối với chế định này thì Điều 145 BLDS 2005 sử dụng thuật ngữ “hoãn”. Trong khoa học pháp ký, hoãn thường được hiểu tạm thời không thực hiện, không thực hiện những gì phải thực hiện, phải tiến hành. Như vậy, hoãn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng (gọi đơn giản là hoãn thực hiện hợp đồng) là trường hợp nghĩa vụ đến hạn thực hiện nhưng tạm thời không được thực hiện (…). Tại thời điểm một bên thực hiện quyền hoãn này, hợp đồng vẫn tồn tại, vẫn còn hiệu lực nên vẫn ràng buộc các bên; duy chỉ việc thực hiện hợp đồng bị tạm dừng. Hoãn thực hiện hợp đồng không làm chấm dứt nghĩa vụ hay làm phát sinh nghĩa vụ mới [5, tr.145].

Hoãn thực hiện hợp đồng có thể xuất phát từ nguy cơ không thực hiện đúng hợp đồng. LTM 2005 không có quy định chung về hoãn hợp đồng do có

nguy cơ hợp đồng không được thực hiện đúng. Theo Khoản 1 Điều 415 BLDS 2005 quy định khi có nguy cơ không thực hiện hợp đồng do bên có nghĩa vụ có tài sản bị giảm sút nghiêm trọng, bên phải thực hiện trước có quyền hoãn thực hiện hợp đồng [5, 150]. Tuy nhiên, BLDS 2005 lại không cho biết là bên hoãn thực hiện nghĩa vụ có hay không có quyền hủy bỏ, đình chỉ hợp đồng khi bên kia vẫn không có khả năng thực hiện nghĩa vụ hoặc không có người bảo lãnh.

Điều kiện tạm ngừng thực hiện hợp đồng, theo Khoản 2 Điều 38 LTM 2005, xảy ra khi có vi phạm cơ bản. Hiện nay, thuật ngữ vi phạm cơ bản chỉ được sử dụng trong LTM 2005 trong ba hoàn cảnh là “tạm ngừng”, “đình chỉ” và “chấm dứt” hợp đồng, trong khi đó ba biện pháp này có thể được áp dụng mà không cần phải chứng minh thiệt hại tồn tại hay không. Do đó, thuật ngữ “thiệt hại” phải được hiểu là không cần có thiệt hại giống như trường hợp giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại. Cần phải hiểu thuật ngữ này theo hướng, đó là những gì không thuận lợi cho bên bị vi phạm. Hơn nữa, cần phải căn cứ vào nội dung của hợp đồng và sự ảnh hưởng của việc vi phạm để hiểu “vi phạm cơ bản” chỉ nên coi những vi phạm có ảnh hưởng lớn tới hợp đồng mới là cơ bản [5, tr. 162].

Biện pháp này chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian. Biện pháp tạm ngừng hoặc hoãn được kéo dài đến khi bên có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ của mình. Sau khi hoãn mà bên kia vẫn không thực hiện đúng hợp đồng thì bên hoãn có thể áp dụng biện pháp khác. Bên hoãn có thể yêu cầu hủy bỏ hợp đồng hay kết hợp với yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc buộc tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng.

2.2.4.2. Tạm ngừng thực hiện hợp đồng theo Bộ Nguyên tắc Unidroit

Theo Điều 7.3.4 Bộ Nguyên tắc UNIDROIT, khi một bên có thể tin rằng bên kia sẽ không thực hiện chủ yếu hợp đồng thì có quyền yêu cầu bên kia cung cấp những biện pháp bảo đảm thực hiện tốt hợp đồng và, trong giai đoạn chờ đợi, có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ của mình. Họ có thể hủy bỏ hợp đồng nếu những biện pháp bảo đảm trên không được cung cấp trong khoảng thời gian hợp lý.

Bộ Nguyên tắc UNIDROIT ghi nhận quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ để bảo đảm cho việc thực hiện đúng hợp đồng khi một bên tin một cách hợp lý việc không thực hiện chủ yếu của bên kia sẽ xảy ra. Ngoài việc, họ được hoãn thực hiện nghĩa vụ thì bên bị cáo buộc phải cung cấp những biện pháp bảo đảm trong thời gian hợp lý. Trong một số trường hợp, biện pháp bảo đảm của bên kia được chấp nhận có khi chỉ là lời tuyên bố sẽ thực hiện hợp đồng, nhưng cũng có những trường hợp phải là một yêu cầu đảm bảo hoặc bảo lãnh của bên thứ ba mới được chấp thuận.

2.2.4.3. Tương quan so sánh chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng giữa pháp luật Việt Nam và Bộ Nguyên tắc Unidroit

Pháp luật Việt Nam và Bộ Nguyên tắc UNIDROIT đều ghi nhận quyền tạm ngừng hay quyền hoãn thực hiện hợp đồng đối với những nghĩa vụ đến hạn, đáng lẽ phải thực hiện thì các bên được phép không thực hiện. Việc không thực hiện đúng theo thời hạn này là do pháp luật thừa nhận. Vì vậy, việc không thực hiện hợp đồng đúng thời hạn của phía hoãn không kéo theo các chế tài. Thông thường, việc hoãn hợp đồng chỉ được tiến hành khi việc không thực hiện đúng hợp đồng đã xảy ra. Nhưng trong pháp luật thực định, một bên có thể hoãn thực hiện hợp đồng khi bên kia có nguy cơ không thực hiện đúng hợp đồng [5, tr. 148] như bên có nghĩa vụ có tài sản bị giảm sút

nghiêm trọng theo Khoản 1 Điều 415 BLDS 2005 hoặc bên phải thực hiện trước có căn cứ, bằng chứng để chứng minh rằng việc không thực hiện chủ yếu của bên có nghĩa vụ sẽ xảy ra (Điều 7.3.4 Bộ Nguyên tắc UNIDROIT).

BLDS 2005 chỉ cho bên phải thực hiện trước hợp đồng hoãn thực hiện nghĩa vụ nếu tài sản của bên kia bị giảm sút nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện nghĩa vụ như đã cam kết. Trong thực tế, nguy cơ không thực hiện hợp đồng có thể xảy ra khi tài sản không bị giảm sút nghiêm trọng như cùng một lúc bên cung cấp hàng hóa phải cung cấp cho nhiều bên với cùng thời điểm giao hàng, cùng đối tượng hàng hóa. Trong trường hợp này, khó có thể nói tài sản của bên cung cấp hàng bị giảm sút nghiêm trọng nhưng có thể cho rằng có nguy không thực hiện đúng hợp đồng. Bộ Nguyên tắc UNIDROIT dường như đã khắc phục được nhược điểm này tại pháp luật quốc gia và cho phép xem xét việc hoãn thực hiện hợp đồng khi có bất cứ nguy cơ nguy hại nào.

BLDS 2005 cho phép bên phải thực hiện hợp đồng trước có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ nếu tài sản của bên kia bị giảm sút nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện được nghĩa vụ như đã cam kết cho đến khi bên kia có khả năng thực hiện được nghĩa vụ hoặc có người bảo lãnh. Song BLDS 2005 lại không quy định là bên hoãn thực hiện nghĩa vụ có hay không có quyền hùy bỏ, đình chỉ hợp đồng khi bên kia vẫn không có khả năng thực hiện nghĩa vụ hoặc không có người bảo lãnh [5, tr. 152]. Về vấn đề này, Bộ Nguyên tắc UNIDROIT đã quy định tiến bộ hơn, khi không buộc người thực hiện trước phải chờ đợi không có kết quả khi bên kia vẫn không có biện pháp bảo đảm thực hiện tốt hợp đồng. Do đó, sau khi đã hoãn thực hiện mà bên kia cũng không khôi phục được khả năng thực hiện hợp đồng hoặc không có thêm biện pháp bảo đảm thực hiện thì Bộ Nguyên tắc UNIDROIT cho phép bên hoãn thực hiện hủy bỏ hợp đồng.

Một phần của tài liệu So sánh các Chế tài vi phạm hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và theo Bộ Nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế (Trang 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)