Nguyên tắc áp dụng chế tài do vi phạm hợp đồng

Một phần của tài liệu So sánh các Chế tài vi phạm hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và theo Bộ Nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế (Trang 31)

Nguyên tắc thứ nhất, tránh nhầm lẫn giữa các chế tài: các biện pháp, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm hợp đồng là rất phong phú, đa dạng nhằm điều chỉnh các hậu quả pháp lý khác nhau. Mỗi chế tài đều có điều kiện và hệ quả áp dụng của nó. Do vậy, khi áp dụng không nên có sự nhầm lẫn, có những chế tài xuất phát từ thỏa thuận của các bên, có những chế tài do pháp luật dự liệu để bên có quyền hoặc bên có nghĩa vụ có thể sử dụng.

Nguyên tắc thứ hai, áp dụng đồng thời các chế tài: tùy từng trường hợp cụ thể, có thể vận dụng nhiều chế tài cùng một lúc đối với cùng hành vi vi phạm, ví dụ cùng áp dụng biện pháp phạt và buộc bồi thường thiệt hại. Việc áp dụng này nhằm khôi phục thiệt hại cho bên bị vi phạm và có tính trừng phạt, răn đe đối với bên vi phạm hợp đồng.

Nguyên tắc thứ ba, áp dụng thống nhất: việc áp dụng thống nhất được hiểu là khi áp dụng chế tài phải xác định đâu là theo thỏa thuận, đâu là theo pháp luật, việc này phụ thuộc nhiều vào Tòa án. Định hướng của cơ quan tư pháp là rất quan trọng trong việc thống nhất áp dụng. Ngoài việc định hướng áp dụng thống nhất thông qua ban hành các Nghị quyết, Tòa án nhân dân tối cao cần phát triển án lệ. Thông quan án lệ, tòa án cấp dưới có hướng giải quyết chung cho những vấn đề cụ thể nên việc thống nhất sẽ được đảm bảo [5, tr. 323, 324].

Tiểu kết Chƣơng 1

Xuất phát từ việc bảo vệ, duy trì và phát triển quan hệ hợp đồng thương mại, chế tài do vi phạm hợp đồng ra đời không chỉ nhằm mục đích nhắc nhở, thúc đẩy các bên nghiêm túc thực hiện các điều khoản đã thỏa thuận, cam kết mà còn nhằm giúp các bên kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.

Chế độ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa được thể hiện thông qua các chế tài cụ thể. Đặc điểm nổi bật của các chế tài này là những hậu quả bất lợi về tài sản đối với chủ thể vi phạm hợp đồng.Việc áp dụng các chế tài phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên, sự lựa chọn của bên bị vi phạm. Bên cạnh đó, pháp luật cũng có những quy định nhằm hạn chế quyền lựa chọn của các bên. Theo Điều 293 LTM 2005, trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên bị vi phạm không được áp dụng các chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng đối với vi phạm không cơ bản.

Trên thế giới, việc sử dụng Bộ nguyên tắc UNIDROIT để bổ trợ giải thích những văn bản pháp luật quốc tế đặc biệt là Công ước Viên trở nên phổ biến, bằng cách tham khảo đến những nguyên tắc và tiêu chuẩn thống nhất, độc lập và mang tính chất quốc tế. Tuy nhiên ở Việt Nam, việc sử dụng Bộ nguyên tắc UNIDROIT và Công ước Viên như những nguồn tập quán quốc tế để giải thích luật thương mại nói chung và chế tài vi phạm hợp đồng nói riêng là một quan điểm chưa được thừa nhận rộng rãi. Theo tư duy phổ biến hiện nay, đối với những vấn đề mà luật thương mại (luật chuyên ngành) chưa điều chỉnh thì sẽ áp dụng Bộ luật Dân sự (đạo luật mẹ) để giải thích. Nhưng điều này chỉ được thừa nhận áp dụng phổ biến đối với quan hệ thương mại quốc nội. Còn đối với hợp đồng thương mại quốc tế, điều này có áp dụng không? Và cho dù có áp dụng, chế tài bồi thường thiệt hại trong Bộ luật Dân sự cũng không bao quát được hết các vấn đề của thương mại quốc tế. Trong bối cảnh đó, quy định về chế tài vi phạm hợp đồng trong LTM 2005 cần bổ sung thêm một số điểm để đảm bảo tính rõ ràng và tương thích với pháp luật quốc tế. Vấn đề này sẽ được nghiên cứu sâu hơn trong Chương 2, Chương 3 của luận văn.

CHƢƠNG 2

CÁC CHẾ TÀI DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM VÀ BỘ NGUYÊN TẮC UNIDROIT

Chế tài do vi phạm hợp đồng được đặt trong tương quan so sánh giữa pháp luật Việt Nam và Bộ Nguyên tắc UNIDROIT về Hợp đồng thương mại quốc tế. Tác giả tiến hành so sánh dựa trên các tiêu chí sau:

Một phần của tài liệu So sánh các Chế tài vi phạm hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và theo Bộ Nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế (Trang 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)