Một số điểm tương đồng trong lý luận về chế tài do vi phạm hợp đồng

Một phần của tài liệu So sánh các Chế tài vi phạm hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và theo Bộ Nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế (Trang 27)

phạm hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và Bộ Nguyên tắc Unidroit

Những vấn đề lý luận về chế tài do vi phạm hợp đồng quy định tại đạo luật quốc gia và bộ quy phạm chung về hợp đồng thương mại quốc tế đều có những điểm tương đồng và khác biệt xác định.

1.4.1. Một số điểm tương đồng trong lý luận về chế tài do vi phạm hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và Bộ Nguyên tắc Unidroit theo pháp luật Việt Nam và Bộ Nguyên tắc Unidroit

Về nguyên tắc, pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế đều nhấn mạnh tính bù đắp về tài sản, hạn chế xung đột, triệt tiêu không đáng có. Ở đây

có thể thấy, hậu quả pháp lý bất lợi được đặt ra khi có sự vi phạm hoặc không thực hiện nghĩa vụ. Trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, trung thực cam kết hợp đồng được các nhà lập pháp nâng lên thành các quy phạm pháp luật và trở thành trách nhiệm bắt buộc hay còn gọi là trách nhiệm pháp lý đối với các bên. Chế tài vi phạm hợp đồng là hậu quả pháp lý bất lợi mà chủ thể vi phạm pháp luật, vi phạm cam kết giữa các bên do có hành vi xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác phải gánh chịu với tính chất là biện pháp cưỡng chế được pháp luật quy định nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể bị vi phạm.

Về thẩm quyền áp dụng, chế tài do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước, quốc tế không chỉ được áp dụng bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà còn có thể được áp dụng bởi cơ quan tài phán phi chính phủ như cơ quan trọng tài của một quốc gia hay cơ quan trọng tài quốc tế. Đặc biệt, đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế chịu sự chi phối của các hệ thống pháp luật khác nhau nên khi các cơ quan này áp dụng các chế tài vi phạm cần phải căn cứ vào sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng hoặc nếu hợp đồng không quy định thì phải căn cứ vào các quy định của luật áp dụng.

Về lĩnh vực áp dụng, chế tài do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước, quốc tế được áp dụng trong lĩnh vực ký kết, thực hiện hợp đồng khi có hành vi vi phạm. Nếu hợp đồng chưa được giao kết và thực hiện thì sẽ không đặt ra vấn đề hiệu lực của hợp đồng, không có căn cứ để xác định hành vi vi phạm hợp đồng. Hợp đồng không hợp pháp hoặc bị tuyên bố vô hiệu cũng có thể làm phát sinh trách nhiệm giữa các bên nhưng đó là trách nhiệm ngoài hợp đồng vì nó không phát sinh từ các nghĩa vụ do các bên thỏa thuận với nhau.

Về mục đích áp dụng các chế tài, các chế tài nêu trên được áp dụng không chỉ nhằm mục đích giáo dục và phòng ngừa vi phạm pháp luật như

trách nhiệm pháp lý nói chung mà mục đích chính của việc áp dụng các chế tài này là khôi phục lợi ích vật chất, bù đắp những tổn thất cho bên bị vi phạm. Việc áp dụng các chế tài này không chỉ mang tính trừng phạt đối với bên vi phạm mà còn tính toán để đảm bảo lợi ích chính đáng của chính họ. Điều này thể hiện ở các quy định về miễn giảm trách nhiệm, nghĩa vụ chứng minh tổn thất, nghĩa vụ hạn chế thiệt hại của bên bị vi phạm. Đặc điểm này xuất phát từ bản chất của quan hệ hợp đồng là quan hệ mang tính chất đền bù ngang giá. Khi hợp đồng bị vi phạm, điều mà các bên quan tâm là điều chỉnh lợi ích vật chất của mình, lợi ích đó sẽ được đáp ứng ra sao thông qua việc áp dụng các chế tài do vi phạm hợp đồng.

Về tính chất của chế tài, trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa, yếu tố lợi ích vật chất là yếu tố hàng đầu vì mục đích của hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước và quốc tế là mục đích kinh doanh, thương mại tức là để thu lợi nhuận cho các bên ký kết. Vì vậy, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa cũng mang tính vật chất hay tính tài sản. Bên vi phạm hợp đồng phải gánh chịu hậu quả vật chất bất lợi, tức phải dùng tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để bồi hoàn tổn thất vật chất cho bên bị vi phạm dưới hình thức tiền phạt vi phạm hoặc tiền bồi thường thiệt hại, hay phải gánh chịu những tổn thất về vật chất như chi phí để thực hiện đúng hợp đồng, các tổn thất không thu hồi được do hợp đồng bị hủy bỏ hoặc bị đình chỉ. Một điểm lưu ý thêm là, bên vi phạm hợp đồng sẽ không phải gánh chịu trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm hành chính trước đối tác của mình.

Một phần của tài liệu So sánh các Chế tài vi phạm hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và theo Bộ Nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế (Trang 27)