Thức về bản thân của học sinh THCS phát triển mạnh mẽ

Một phần của tài liệu Biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục đạo đức cho học sinh THCS của huyện Thanh Trì (Trang 41)

Do có sự thay đổi cơ bản về mọi mặt, đặc biệt là sự lớn vổng lên về hình dáng; đồng thời trong học tập, lao động, ở gia đình cũng như ngoài xã hội, vị thế được nâng lên, nên các em có ấn tượng rằng “mình đã khôn lớn”, “mình không còn là trẻ con nữa”. Theo đó ý thức về bản thân cũng phát triển mạnh mẽ, thái độ trong mối quan hệ đối với người lớn, các em nhỏ, bạn bè cũng khác trước.

Các em đã bắt đầu quan tâm nhiều đến bản thân, trước hết là mái tóc, vẻ mặt, thân hình, dáng điệu, tiếp đó là những phẩm chất nhân cách, ý thức tự khẳng định mình, tự lực, tự lập để chứng tỏ rằng mình đã lớn. Ở các em đã có biểu hiện nhu cầu so sánh mình với người khác để xem xét, nhận biết những mặt mạnh, mặt yếu để hoàn thiện mình, vạch cho mình một hướng đi trong tương lai.

Sự hình thành và phát triển ý thức đã gây nhiều ấn tượng sâu sắc đến toàn bộ đời sống tâm lý, học tập, đến sự hình thành các mối quan hệ của các em với những người xung quanh.

Nhu cầu tự ý thức của các em học sinh nảy sinh từ nhu cầu cuộc sống, hoạt động thực tiễn và yêu cầu mong muốn của người lớn và tập thể quy định mà cụ thể là bố mẹ, thầy cô, anh chị. Do sự phát triển của các mối quan hệ với tập thể, với đời sống xã hội mà các em nảy sinh nhu cầu đánh giá khả năng của mình, tìm kiếm vị trí, hành vi của mình giúp hoặc ngăn cản các em đạt được mong muốn trở thành người lớn.

Sự tự ý thức của học sinh THCS được bắt đầu từ sự tự nhận thức hành vi của mình.. Lúc đầu là sự nhận thức những hành vi riêng lẻ, sau đó là toàn bộ hành vi của mình. Cuối cùng các em nhận thức về phẩm chất đạo đức, tính cách và khả năng, về tình cảm trách nhiệm, lòng tự trọng, danh dự, tính nguyên tắc, tính mục đích…

Sự hình thành tự ý thức của các em và cơ sở tự ý thức của các em là một quá trình diễn ra dần dần. Cơ sở đầu tiên của sự tự ý thức là sự nhận xét đánh giá về người khác, nhất là người lớn. Khi tuổi các em càng lớn thì các em bắt đầu có khuynh hướng độc lập phân tích và đánh giá nhân cách của mình.

Đặc điểm quan trọng về tự ý thức của lứa tuổi này là sự mâu thuẫn giữa nhu cầu tìm hiểu bản thân với kỹ năng chưa đầy đủ để phân tích một cách đúng đắn sự biểu lộ của nhân cách. Trên cơ sở đó nảy sinh những xung đột do mẫu thuẫn giữa mức độ kỳ vọng của các em với địa vị của mình trong tập thể, mâu thuẫn giữa thái độ của các em với bản thân, đối với những phẩm chất nhân cách của mình và thái độ của các em với người lớn, với bạn bè cùng trang lứa.

Ý nghĩa quyết định nhất để phát triển tự ý thức ở học sinh THCS là cuộc sống tập thể của các em; giúp các em hình thành lòng tự tin vào sự tự đánh giá của mình là những yêu cầu ngày càng cao đối với hành vi, hoạt động, nguyện vọng tìm kiếm một vị trí trong hệ thống những mối quan hệ đúng đắn và tự ý thức của các em.

Như vậy, trên cơ sở phát triển tự ý thức và thái độ nhận thức thực tế với những yêu cầu ngày càng cao của lứa tuổi này, vị trí mới mẻ của các em trong tập thể đã làm nảy sinh khát vọng tự tu dưỡng nhằm mục đích phát triển cho bản thân những nét tính cách tốt, khắc phục những nét tính cách lạc hậu, những khuyết điểm, sai lầm của mình.

Một phần của tài liệu Biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục đạo đức cho học sinh THCS của huyện Thanh Trì (Trang 41)