Chức năng giáo dục của đạo đức nhằm góp phần hình thành, phát triển nhân cách con người đáp ứng yêu cầu ổn định và phát triển của xã hội. Đặc biệt, giáo dục đạo đức cách mạng có ý nghĩa to lớn trong việc hình hành, phát triển nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa. Bởi lẽ, giáo dục đạo đức là con đường cơ bản nhằm hình thành cho con người hệ thống những quan điểm,
nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực đạo đức xã hội. Qua đó tạo cơ sở cho con người biết đánh giá các hiện tượng đạo đức xã hội cũng như đánh giá thái độ hành vi đạo đức của bản thân mình theo chuẩn mực xã hội. Thông qua giáo dục đạo đức giúp con người có khả năng đánh giá, lựa chọn, tiếp thu các giá trị đạo đức xã hội để hình thành phẩm chất đạo đức cá nhân. Giáo dục đạo đức còn làm tăng tính tích cực xã hội của con người, giúp con người có ý thức trách nhiệm trước cuộc sống (tạo niềm tin, hạnh phúc, thanh thản lương tâm....).
Giáo dục đạo đức là một quá trình thống nhất của hai mặt giáo dục và tự giáo dục. Giáo dục đạo đức được thực hiện từ gia đình, nhà trường đến toàn thể xã hội. Tự giáo dục là của bản thân mỗi người bằng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức bản thân.
Hiệu quả của giáo dục đạo đức phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội gắn với tiến bộ đạo đức và nhân đạo hoá các quan hệ xã hội; cách tổ chức giáo dục, phương pháp, hình thức giáo dục và đặc biệt là mức độ tự giác của đối tượng giáo dục đạo đức.