Chức năng điều chỉnh hành vi là chức năng cơ bản nhất của đạo đức, là một trong những phương thức không thể thiếu để điều chỉnh hoạt động của con người nhằm đáp ứng những yêu cầu và lợi ích chung của xã hội. Không có chức năng này thì đạo đức sẽ trở nên trừu tượng, vô nghĩa.
Điều chỉnh hành vi của đạo đức được thực hiện từ hai phía: xã hội và chủ thể đạo đức.
Điều chỉnh từ phía xã hội: Đó là bằng các chuẩn mực đạo đức, quy tắc đạo đức có tính khuyến khích hoặc ngăn cấm đối với hành vi của các cá nhân. Xã hội khuyến khích hành vi của các cá nhân làm điều thiện, điều tốt vì lợi ích chung của con người, đồng thời ngăn cấm các hành vi làm điều ác, điều xấu, làm tổn hại đến lợi ích người khác. Sự điều chỉnh hành vi đạo đức từ phía xã hội được thực hiện thông qua cơ chế dư luận xã hội và toà án lương tâm còn điều chỉnh hành vi của pháp luật lại bằng cơ chế quyền lực.
Điều chỉnh hành vi đạo đức từ phía chủ thể được thực hiện thông qua sự nhận thức về những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực, giá trị đạo đức xã hội,
chủ thể tự giác điều chỉnh hành vi đạo đức của bản thân mình cho phù hợp với yêu cầu đạo đức của xã hội. Sự điều chỉnh hành vi của đạo đức từ phía chủ thể được thực hiện bằng cơ chế tự nguyện, tự giác của mỗi người. Nó khác với pháp luật mang tính cưỡng chế.
Ba chức năng cơ bản của đạo đức có quan hệ chặt chẽ với nhau. Chức năng giáo dục tạo cơ sở để thực hiện chức năng nhận thức. Đến lượt nó, chức năng nhận thức tạo ra điều kiện để phát huy giáo dục và điều chỉnh hành vi. Thực hiện chức năng điều chỉnh hành vi sẽ góp phần tích cực để phát triển nhận thức và nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức.
Tóm lại, các quan điểm tự nhiên, quan điểm duy tâm và tôn giáo coi đạo đức là những nguyên tắc, chuẩn mực được rút ra từ nguồn gốc phi hiện thực lịch sử - chẳng hạn: “Thượng đế”, hoặc “ý niệm tuyệt đối”. Quan điểm Mácxít coi đạo đức là một hiện tượng xã hội - lịch sử, một hiện tượng tinh thần của xã hội, xem xét nó trong quan hệ với tồn tại xã hội. Sự phát sinh, phát triển và hoàn thiện của đạo đức được bắt nguồn và bị quy định bởi sự phát sinh, phát triển và hoàn thiện của tồn tại xã hội. Bản chất của đạo đức là sự phản ánh những điều kiện vật chất hiện thực trong đó con người sống và hoạt động. Khi xã hội có sự phân chia thành giai cấp thì đạo đức xã hội bao giờ cũng mang bản chất giai cấp, tuy nhiên lại mang tính nhân loại. Đạo đức là một hiện tượng xã hội đa chức năng, trong đó giáo dục, nhận thức và điều chỉnh hành vi là các chức năng cơ bản thể hiện vai trò to lớn của đạo đức đối với sự tồn tại, phát triển của con người và xã hội.