Khái quát chung:

Một phần của tài liệu Pháp luật về quản trị công ty đại chúng, thực trạng áp dụng tại Công ty Cổ phần VINAFCO Luận văn ThS. Luật (Trang 36)

7. Kết cầu của luận văn

2.1 Khái quát chung:

Tháng 12/1986 được coi là “cột mốc” khởi đầu cho quá trình đổi mới ở nước ta với Nghị quyết của Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ “Nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”. Do đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước đã ra đời và phát triển trong thời điểm hoàn cảnh khác nhau. Trong suốt quá trình đó, quan niệm và pháp luật về doanh nghiệp bị “phân chia” theo tính chất sở hữu. Vì vậy khung quản trị đối với các loại hình sở hữu khác nhau cũng khác nhau và được điều chỉnh bởi các luật, nghị định riêng biệt.

Trước năm 1990, các cơ sở kinh doanh thuộc khu vực kinh tế tư nhân vẫn tồn tại và hoạt động trong thực tế ở nước ta, nhất là từ năm 1987. Chúng nằm dưới các hình thức “hộ tiểu chủ” hay “hộ kinh doanh cá thể” và chưa có quy định về mặt pháp lý. Để khuyến khích nền kinh tế nhiều thành phần, về phương diện pháp lý, cuối năm 1990, Quốc hội Khóa VIII, kỳ họp thứ 2 đã ban hành hai đạo luật quan trọng, đó là Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân có hiệu lực tháng 4/1991. Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân đã đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc hình thành và phát triển hệ thống doanh nghiệp chính quy và hiện đại đồng thời đưa ra những mầm mống manh nha cho khung quản trị công ty ở nước ta. Luật Công ty năm 1990 mới định hình được sơ lược của quản trị nội bộ, cơ cấu quản trị nội bộ công ty cổ phần gồm: Đại hội đồng cổ đông (Điều 37), Hội đồng Quản trị (Điều 38, 39), Giám đốc điều hành (Điều 40) và Ban Kiểm soát (Điều 41). Quyền của cổ đông khá sơ sài chủ yếu có quyền được chia lợi nhuận tương ứng với số cổ phần hoặc phần góp vốn và tham gia Đại hội và biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền, còn các nội dung khác của khung quản trị công ty hoàn toàn chưa được quy định. Những nội dung cơ bản như công khai hóa thông tin, minh bạch quản lý điều hành, hay cấm giao dịch nội gián và kiểm soát giao dịch với các bên liên quan hoàn toàn chưa có trong luật.

Mùa hè năm 1997, khủng hoảng tài chính khu vực xảy ra, nó gây không ít tác động xấu đến kinh tế nước ta. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài suy giảm, vốn đầu tư trong nước không huy động được, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước suy giảm,… Trong bối cảnh đó, việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong nước để phát triển được đặt lên hàng đầu và được coi là nhân tố quyết định do vậy Luật Doanh nghiệp năm 1999 ra đời để đáp ứng yêu cầu này.

Luật Doanh nghiệp năm 1999 đã đánh dấu một bước tiến nhảy vọt trong quá trình hoàn thiện khung quản trị công ty ở nước ta. Khung quản trị đã được hình thành với đầy đủ các yếu tố cấu thành như: quyền của cổ đông được quy định tương đối đầy đủ và được đối xử tương đối bình đẳng; quy định rõ vai trò, chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền của từng cơ quan trong cơ cấu quản trị nội bộ công ty bao gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng Quản trị, Giám đốc, Ban kiểm soát; Khái niệm giao dịch với các bên có liên quan và cơ chế kiểm soát các bên có liên quan cũng được quy định và áp dụng… Bên cạnh Luật Doanh nghiệp năm 1999, Văn phòng chính phủ còn ban hành bản mẫu Điều lệ Số 07/2002/QĐ-VPCP ngày 19 tháng 11 năm 2002 được khuyến cáo áp dụng cho các công ty niêm yết trên các trung tâm giao dịch chứng khoán. Khung quản trị hình thành trong bản Mẫu Điều lệ nói trên đã vận dụng khá đầy đủ các nguyên tắc tốt của OECD về quản trị công ty. Ngoài nội dung quản trị công ty theo Luật năm 1999 thì Điều lệ còn áp dụng một số yêu cầu như: Phải có ít nhất một phần ba số thành viên Hội đồng Quản trị không điều hành, hàng năm bầu lại một phần ba số thành viên Hội đồng Quản trị và Ban kiểm soát, yêu cầu công bố thù lao của Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát, lập các tiểu ban hoặc cử thành viên Hội đồng Quản trị chuyên trách về kiểm soát nội bộ, đề cử thành viên Hội đồng Quản trị về trả lương và lợi ích khác và về bổ nhiệm nhân sự ở công ty.

Tuy vậy, trước yêu cầu mới về phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, hệ thống pháp luật hiện hành về doanh nghiệp nói chung và Luật Doanh nghiệp 1999 nói riêng đã bộc lộ nhiều điểm không còn phù hợp.

- Trước hết đó là sự chia tách, khác biệt trong các quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Điều này đã tạo ra một sân chơi không bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đồng thời tạo ra các thói quen hành xử khác nhau của các cơ quan nhà nước khác nhau đối với các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Đây là lý do cần phải có một luật thống nhất áp dụng chung cho tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

- Trước yêu cầu mới của hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp của Việt Nam cần phải được “nâng cấp” về chất lượng để đủ sức cạnh tranh và phát triển trong môi trường kinh doanh mới khi Việt Nam đã đi những bước cuối cùng của quá trình gia nhập WTO. Đây là lý do để Luật Doanh nghiêp 2005 phải có các quy định cụ thể vể quản trị doanh nghiệp, một vấn đề mà trước đó chưa thực sự được quan tâm trong Luật Doanh nghiệp 1999. Đối với khung quản trị của Công ty cổ phần đã có những thay đổi theo thực tế cho phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng xét về khía cạnh pháp lý, khung quản trị đó cũng bộ lộ không ít những khiếm khuyết cụ thể:

Quyền của Cổ đông công ty Cổ phần vẫn chưa được quy định đầy đủ và chưa được bảo đảm thực hiện một cách hợp lý.

Yêu cầu về sự linh hoạt đối với Đại hội đồng cổ đông là tương đối thấp so với thông lệ quốc tế; trong việc quyết định đa số về các vấn đề quan trọng của công ty, có nhiều sơ hở; việc ra quyết định bằng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản. Hệ quả là, quyền và lợi ích của các cổ đông thiểu số không được bảo vệ một cách hợp lý cần thiết.

Cơ chế giám sát trực tiếp của các cổ đông hoặc giám sát gián tiếp thông qua thế chế như kiểm toán, kiểm soát nội bộ… chưa được quy định đủ hoặc chưa phát huy được hiệu lực như mong muốn.

Các nghĩa vụ của người quản lý chưa được định hình cụ thể và định hình rõ, gồm nghĩa vụ cẩn trọng, nghĩa vụ trung thành, trung thực.

Nhóm người liên quan cũng như sự giám sát các giao dịch của công ty chưa được quy định đầy đủ, hợp lý và chưa được thực hiện hiệu quả.

Chưa có quy định về các tiêu chuẩn của người quản lý, về nguyên tắc xác định mức thù lao của họ gắn với hiệu quả hoạt động của công ty.

Chế độ công khai hóa thông tin của cổ đông cũng như đối với công chúng đầu tư còn mờ nhạt và kém hiệu quả trên thực tế.

Luật Doanh nghiệp năm 2005 là bước tiến lớn, tạo ra sự thay đổi căn bản trong quá trình hoàn thiện khung quản trị doanh nghiệp ở nước ta. Sau gần 20 năm cải cách, pháp luật về doanh nghiệp đã được thống nhất không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế. Luật Doanh nghiệp đã quy định khá đầy đủ và cụ thể các nội dung, yếu tố cấu thành khung quản trị công ty đã tuân thủ và về cơ bản phù hợp với các nguyên tắc và thông lệ thông dụng phổ biến. Bên cạnh đó, Luật Chứng khoán năm 2006 được ban hành góp phần nâng cao hơn nữa khung quản trị cho các công ty niêm yết. Đặc biệt, Bộ Tài chính đã liên tiếp ban hành hai văn bản quan trọng để xây dựng một khuôn khổ quản trị công ty niêm yết là: Quyết định 12/2007/QĐ-BTC ngày 13/3/2007 về việc ban hành Quy chế quản trị áp dụng cho các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm giao dịch chứng khoán; Quyết định 15/2007/QĐ-BTC ngày 19/3/2007 về việc ban hành Điều lệ mẫu áp dụng cho các Công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm giao dịch chứng khoán.

Như vậy, đến năm 2007 cơ bản khung pháp lý về quản trị công ty tại Việt Nam đã được hình thành cơ bản theo Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Một phần của tài liệu Pháp luật về quản trị công ty đại chúng, thực trạng áp dụng tại Công ty Cổ phần VINAFCO Luận văn ThS. Luật (Trang 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)