Hiện thực mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng ngợi ca

Một phần của tài liệu Đề tài chiến tranh trong thơ Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu (Trang 40)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.1. Hiện thực mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng ngợi ca

Trong nhu cầu thiết yếu của lịch sử, thơ ca ngoài việc phản ánh đời sống hiện thực của con người còn có nhiệm vụ cao quý hơn là phục vụ cách mạng. Vì thế không riêng gì Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, mà tất cả các nhà thơ khác đều sáng tác theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng ngợi ca đóng vai trò chủ đạo trong các tác phẩm. Thơ ca chống Mỹ biểu hiện sâu sắc tư tưởng yêu nước, lòng tự hào về truyền thống, về thắng lợi của hiện tại và tin tưởng vào tương lai. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng là nội dung chủ yếu được thơ khai thác và biểu hiện với nhiều sắc thái. Có thể nhận thấy rằng, khuynh hướng sử thi và cảm hứng ngợi ca trong thơ kháng chiến chống Mỹ luôn mang cảm hứng lịch sử, thời đại, dân tộc. Đó là cái tôi mang sứ mệnh lịch sử. Chẳng hạn, trong thơ xưa chia li là nhuốm màu sắc u buồn, thê lương, ảm đạm “Người lên ngựa kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san?” (Truyện Kiều – Nguyễn Du), “Hoàng hôn đầy trong mắt trong” (Tống biệt hành – Thâm Tâm),… thì trong thơ cách mạng, chia li lại là chia li màu đỏ, màu của lý tưởng, dồn nén tình cảm riêng, tất cả vì nghĩa lớn “Đó là cuộc chia li chói ngời sắc đỏ/ Tươi như cánh nhạn lai hồng” (Cuộc chia li màu đỏ - Nguyễn Mỹ). Tình yêu đôi lứa hòa lẫn trong tình yêu rộng lớn – tình yêu đất nước “Nhớ nhau anh gọi: Em, đồng chí/ Một tấm lòng trong vạn tấm lòng” (Núi đôi – Vũ Cao). Cao đẹp nhất là ý thức mình được hòa vào nhân dân: “Con gặp lại Nhân dân như nai về suối cũ/ Cỏ đón giêng hai chim én gặp mùa” (Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên).

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước (1965 – 1975), Phạm Tiến Duật nổi bật với những tác phẩm viết về chiến tranh. Đây là thời kỳ anh viết khỏe và tốt nhất, tạo được dấu ấn riêng trên thi đàn văn học. Bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến đã được anh khắc họa, mô tả chân thực, sống động. Có thể nói, sự xuất hiện của Phạm Tiến Duật đã mang đến cho nền thơ Việt Nam sinh khí mới, góp phần cổ vũ tinh thần cho những con người đang trực chiến nơi tiền tuyến.

35

Yếu tố sử thi trong thơ được Phạm Tiến Duật phát huy triệt để và đóng vai trò chủ đạo trong các tác phẩm. Phạm Tiến Duật là nhà thơ đưa chất sử thi lan thấm và những vần thơ của đời thường. Anh đã kết hợp được nhuần nhị giữa lý tưởng và sự kiện, giữa năng lực quan sát và tấm lòng của một người lính trẻ. Chất hiện thực ngồn ngộn về đời sống chiến đấu gian khổ và hào hùng của các chiến sĩ lái xe trên đường Trường Sơn thời đánh Mỹ kết hợp một cách hài hòa với cảm hứng sử thi tạo nên những vần thơ góc cạnh đầy ấn tượng. Cái khốc liệt của chiến trường, sự hi sinh, mất mát đã nhường chỗ cho lòng quả cảm, ý chí kiên cường, bất khuất, không ngại gian khổ, vượt qua bom đạn, hay nói đúng hơn là cái tôi cá nhân được thay thế bằng cái ta chung của cộng đồng, tập thể. Trong chiến trường sự hi sinh, mất mát, sức tàn phá của bom đạn cũng chỉ thoáng qua. Vượt lên trên tất cả là lý tưởng và sức chịu đựng của con người, ngay cả người trong cuộc cũng không hiểu vì sao con người lại phi thường đến vậy. Đọc thơ anh, người đọc sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh về những cô thanh niên xung phong dũng cảm, kiên cường với những ấn tượng khó quên:

Dẫu hố bom kề bên còn bay mùi khét Tóc lá xả đâu đó vẫn bay hương

(Lửa đèn)

Mảng thơ viết về chiến tranh của Hữu Thỉnh thấm nhuần tính chất sử thi và cảm hứng ngợi ca, nằm trong giới hạn kiểu nhà thơ trữ tình công dân, thể hiện cái tôi sử thi của thơ ca cách mạng hiện đại. Cảm hứng chủ đạo ở mảng thơ viết về chiến tranh của anh là cảm hứng sử thi, cảm hứng trước cái cao cả, trong niềm say mê khẳng định tình yêu lớn, lẽ sống lớn. Hình ảnh nhân dân vĩ đại cùng với những phẩm chất kiên cường, bất khuất, thủy chung:

Không quay mặt chẳng bao giờ tiếc máu Dù cho phải đốt dãy Trường Sơn

Dù cho ăn chay ăn độn

Bíu lấy lá rau như bíu lấy lá buồm Qua sóng gió hiểm nghèo trăm trận đói

36

Cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng ác liệt mà cũng vô cùng oanh liệt. Chân giá trị của dân tộc và của mỗi người được đem ra thử thách, khe khắt và chân xác. Là người trực tiếp cầm súng, Hữu Thỉnh có điều kiện thấm thía điều đó sâu sắc, anh “nhập cuộc, dấn thân”. Chính trong quá trình đó, Hữu Thỉnh nhận ra cội nguồn sức mạnh của dân tộc, của người lính mà đôi khi bản thân họ cũng không ngờ tới. Một trong những nguồn nuôi dưỡng tâm hồn và làm nên sức mạnh của quân đội cách mạng thời ấy là thi ca: “Chúng tôi sưởi trên những câu thơ ấy/ Cứ thế qua đi nhiều mùa mưa” (Đƣờng tới thành phố).

Hiện thực đời sống trong những năm chống Mỹ và ngọn lửa chiến tranh cách mạng đã tôi luyện Nguyễn Đức Mậu thành con người vững vàng trong cuộc sống, có bản lĩnh trong nghệ thuật. Giáp mặt với thực tế chiến tranh, Nguyễn Đức Mậu đã ý thức sâu sắc về vị trí, vai trò của thế hệ mình, sự xuất hiện đúng lúc của thế hệ mình. Với anh, hình ảnh người nữ chiến sĩ hiện lên trong sự xúc động ngạc nhiên lẫn cảm phục, ngợi ca:

Em phá bom như việc cấy cày thôi Nghe em kể về bom anh lạ quá Bom nổ nhỏ hơn bởi tiếng em cười

(Nơi em ở nhiều bom đến nỗi – Nguyễn Đức Mậu)

Khuynh hướng sử thi trong thơ anh thể hiện tiếng hát tiếng cười của một dân tộc đang chiến đấu và nắm chắc chiến thắng. Người đọc tìm thấy trong thơ anh sự thanh thản của tâm hồn giữa bộn bề gian khổ, hi sinh.

Mặc dù cuộc chiến đấu chống Mỹ đang diễn ra ác liệt trong cảnh mưa bom, bão đạn, nhưng khắp các chiến trường trên mảnh đất Việt Nam đâu đâu cũng rộn rã tiếng hát, tiếng cười. Đâu có phải “khi đại bác gầm thì họa mi im tiếng hót” mà “tiếng hót” ấy càng cất cao hơn, réo rắt hơn nhằm lấn át tiếng đại bác:

Lửa bộc phá lóe lên phá sập bốt đồn Anh bỡ ngỡ ngã vào tay đồng đội

Vui chiến thắng chỉ cười thôi, không nói… Bàn tay anh in lên đất chiến hào

Thành ngôi sao nở xòe năm cánh đẹp”

37

Những năm tháng sống và chiến đấu trên chiến trường là những năm tháng sáng tác say mê nhất của Nguyễn Đức Mậu. Niềm say mê của tuổi trẻ vừa cầm súng vừa làm thơ. Hình ảnh những người chiến sĩ hiện lên trong thơ Nguyễn Đức Mậu là những con người bình dị nhưng rất đẹp và cao cả. Họ là những con người chịu đựng gan góc. Hơn một tháng trời tiểu đội bộ binh bám trụ trên chốt, họ phải nằm trên những thùng đạn. Mùa mưa, nước cuốn theo xác chuột chết lẫn mùi bom hơi, thuốc súng chảy qua đầu, qua vai, nhuộm đầm lên quần áo họ “đôi giày không khô, quần áo không khô”… rồi có những cơn sốt rét rừng hành hạ, những bữa ăn triền miên chỉ sắn và lương khô… nhưng họ đã sống và chiến đấu hết mình, kì diệu hơn cả họ lại là những người chiến thắng:

Mưa gầm lên tưởng cuốn cả cây rừng Mây xám, mưa tuôn, kẻ thù: mưa lửa

Trăm trận đánh đồi xanh thành đồi đỏ Thành màu cờ cháy rực suốt mùa mưa

(Tiểu đội bộ binh trên chốt mùa mƣa – Nguyễn Đức Mậu)

Cái nhìn của Phạm Tiến Duật không thiên về miêu tả sự dữ dội của chiến tranh mà chủ yếu thể hiện hình ảnh những con người mang dòng máu của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lạc quan, tha thiết yêu đời trong hoàn cảnh chiến đấu gian khổ, hiểm nguy. Lý giải điều này anh đã viết “Cốt chụp lấy khuôn mặt của ta/ Còn cái ác liệt của giặc thì có gì mà phải chụp” (Một bài thơ không vần kể chuyện chụp ảnh ở một vùng giáp với mặt trận). Những gương mặt, cử chỉ, hành động, giọng nói, tiếng cười, tình cảm giữa con người với con người trong chiến tranh được anh khắc họa đậm nét. Hay từ những tình cảm, cảm xúc chân thành dành cho một cô gái trong cái đêm “Thạch Nhọn – Thạch Kim” ấy, nhà thơ đã giúp người đọc thấy được gương mặt chung của một lớp trẻ, bởi vậy mà: “Tên em đã thành tên chung anh gọi – em là cô thanh niên xung phong”.

38

Cũng như nhiều nhà thơ thời đó, cái nhìn chiến tranh trong thơ Phạm Tiến Duật mang đậm chất lý tưởng của người lính gánh vác trên mình trọng trách cao cả. Cho nên, sự hiện diện của kẻ thù với những vũ khí hiện đại với sức mạnh hủy diệt càng góp phần làm chân dung người lính tỏa sáng hơn, làm tăng thêm giá trị của cuộc chiến.

Nguồn cảm hứng về một dân tộc anh hùng, cùng với những năm tháng gian khổ, băng qua bom đạn và hi sinh đã tạo tiền đề cho hồn thơ Hữu Thỉnh có cơ hội được bay cao hơn. Hòa cùng không khí của cuộc kháng chiến, thơ Hữu Thỉnh luôn hướng về vấn đề lớn của dân tộc, của thời đại. Cảm hứng về Tổ quốc được kết tinh rõ nét trong những vần thơ Hữu Thỉnh, luôn là hình ảnh một Việt Nam: anh dũng, kiên cường, luôn ngẩng cao đầu, không chịu lùi bước trước mọi sức mạnh. Hữu Thỉnh luôn khát khao, mong chờ những câu thơ của mình chứa đựng, phản ánh và lý giải được sự kỳ diệu đã tạo nên vầng hào quang chói lòa của lịch sử đất nước, đó chỉ có thể là lợi ích cá nhân và lợi ích của cả dân tộc đã được thống nhất trong một khối toàn vẹn, khát vọng tự do của mỗi cá nhân cũng chính là khát vọng cháy bỏng của nhân dân:

Ta đi trong rừng suốt một thời trai trẻ Đánh giặc là ước mơ vạm vỡ như rừng Quen nhớ nhà, quen nhạt muối

Khúc dân ca hát đi hát lại

(Đêm chuẩn bị - Hữu Thỉnh)

Có thể nói tinh thần lạc quan, lòng yêu đời, yêu người tha thiết đã trở thành tình cảm thường trực trong lòng nhà thơ – người chiến sĩ ấy, khiến anh như lúc nào cũng muốn reo lên ngợi ca:

Anh vịn vào tiếng hát vượt gian lao

Những năm trường sơn bạn bè trong trẻo quá

39

Hiện thực chiến trường là những hi sinh, mất mát, là những gian khổ và thiếu thốn. Nguyễn Đức Mậu viết trực tiếp về cuộc thiếu thốn gian khổ đó là để ngợi ca sức sống bền bỉ, quật cường, tinh thần chiến đấu của con người Việt Nam. Để có những vần thơ như thế nhà thơ luôn trăn trở, băn khoăn, suy nghĩ: “nhiều lúc đọc lại những bài thơ của mình tôi cứ thầm nhủ: làm thế nào để có thể ca ngợi, phản ánh trung thực cuộc chiến đấu vĩ đại đó của quân dân ta? Lẽ nào mình cứ nói về một ngọn gió làm duyên ở chiến trường khi anh trinh sát cuộn tròn trong tiếng thì thầm có gai của cây xấu hổ? Viết thế nào? Câu hỏi dường như cũ mòn ấy cứ hay trùng lặp lại” [11, tr.6]. Niềm băn khoăn trăn trở ấy đã thôi thúc nhà thơ luôn tìm tòi sáng tạo, những vần thơ ca ngợi vì thế mà như được vút cao hơn. Dưới ngòi bút của Nguyễn Đức Mậu hình ảnh một đơn vị ngủ rừng hiện lên như một bức tranh vừa hoành tráng vừa gần gũi chân thực:

Người tựa lưng vào dãy Trường Sơn Thành bức tượng đồng mới tạc Người nằm trên đỉnh đèo chót vót Mây trắng vờn bay mái tóc mềm

Người gối đầu lên mảnh trăng liềm Cây lá êm đưa sao lùa dưới võng Suối ven đường lửa bỏng

Đêm nay đơn vị ngủ rừng

(Ngủ rừng theo đội hình đánh giặc – Nguyễn Đức Mậu)

Phạm Tiến Duật đã vận dụng thành công lối viết ngợi ca theo nhịp biến chuyển của lịch sử. Nếu như chúng ta chỉ nhìn nhận chiến tranh cách mạng ở khía cạnh mất mát, đau thương, ghê sợ, tiếc nuối và xót xa thì cái nhìn đó mang tính phiến diện. Cần nhận định rằng cuộc chiến tranh của chúng ta là

40

cuộc chiến tranh chính nghĩa và sự hi sinh của chúng ta là chính đáng, cần thiết, cao cả, xả thân vì nghĩa lớn của dân tộc. Cho nên việc ca ngợi khí thế hào hùng trong thơ là điều tự nhiên, tạo nên sức sống mới cho thơ ca chống Mỹ:

Còn giao hưởng nào hơn giao hưởng Trường Sơn Tiếng người, tiếng xe, tiếng súng, tiếng bom Tiếng đêm khuya con công tố hộ

Tiếng núi xô ầm ầm đá đổ Tiếng gió đi vào, tiếng gió đi ra Tiếng rầm rì hai miền đi qua…

(Chào mừng đạo quân tuyên truyền – Phạm Tiến Duật)

Nếu nhìn nhận ở góc độ lịch sử, Phạm Tiến Duật đã tạo dấu ấn sâu đậm cho thơ ca chống Mỹ khi phác họa thành công bức tranh đẹp về toàn cảnh con người Việt Nam trong chiến tranh. Ở đó con người sống bằng lý tưởng. Ngòi bút của nhà thơ đã len lỏi vào từng góc cạnh đời sống chiến trường, niềm vui, nỗi buồn và cả khát vọng về ngày mai tươi đẹp hiện lên trong thơ anh bình dị và nhiều ý nghĩa. Chữ Văn Long đã tinh tế khi cho rằng: “Khi anh viết những câu thơ nghiêng về vẻ đẹp hồn nhiên sự sống, cả một bầu không khí trận mạc gian khổ hi sinh, ngàn vạn con người cùng bước chân đi theo lý tưởng thống nhất đất nước, giải phóng dân tộc, những câu thơ anh lý tưởng hóa cuộc như vậy, là lẽ đương nhiên” [16, tr.959]. Từ ngàn xưa, nước Việt Nam luôn đối mặt với nạn ngoại xâm và ông cha ta đã tỏ rõ khí thế của một dân tộc anh hùng, không hề nao núng dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Trong những lúc như thế tinh thần đoàn kết dân tộc được phát huy đến mức cao nhất, đó là yếu tố góp phần tạo nên thắng lợi.

Ra đời và phát triển trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt kéo dài, những năm tháng đất nước bắt đầu công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, thơ ca 1965 – 1975 không thể là tiếng nói riêng của cá nhân mà là tiếng nói của cả cộng đồng. Số phận con người gắn liền với số phận, vận mệnh chung của toàn

41

dân tộc. Thơ ca mang đậm chất sử thi và cảm hứng ngợi ca, tập trung phản ánh những vấn đề cơ bản nhất, có ý nghĩa sống còn của đất nước. Cái đẹp trong thơ gắn liền với ý niệm Tổ quốc trường tồn. Mỗi người dân Việt Nam bằng lòng yêu Tổ quốc tha thiết đã tự nguyện hi sinh lợi ích cá nhân, kể cả sinh mệnh của mình vì đất nước, quê hương.

Có thể nói giai đoạn chống Mỹ cứu nước, thơ ca nở rộ, phản ánh hơi thở của cuộc sống và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, thơ ca giai đoạn này nói chung và của Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu nói riêng đã khắc họa được trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Cái đẹp hòa với cái hùng, cái cao cả, yếu tố sử thi và cảm hứng ngợi ca hiện lên trong thơ ca mang một chiều sâu tư tưởng, khái quát được hiện thực đời sống nhưng không xa rời cuộc sống. Cả ba nhà thơ trưởng thành trong giai đoạn này mang ý thức hệ rất rõ ràng, nhận thức lý tưởng cách mạng sâu sắc. Vì vậy thơ ca của ba nhà thơ – chiến sĩ là một nốt trầm hùng trong bản nhạc tráng ca của thời đại. Không chỉ là nhà thơ, các anh còn là những người trực tiếp lăn lộn với chiến trường ác liệt, thơ ca của các anh là những rung động, những trải nghiệm trực tiếp từ cuộc sống của con người, quê hương đất nước. Đó là những con người biết sống vì mục đích cao cả, thiêng liêng, biết hi sinh, cống hiến để giải phóng dân tộc khỏi kiếp lầm than, nô lệ là lẽ sống của thời đại. Khuynh hướng sử thi và cảm hứng ngợi ca của các nhà thơ chủ yếu hướng tới cuộc sống của giai cấp, của dân tộc, cuộc chiến đấu của quân và dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Một phần của tài liệu Đề tài chiến tranh trong thơ Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu (Trang 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)