Ngôn ngữ độc thoại nội tâm

Một phần của tài liệu Nhân vật trong tiểu thuyết viết về đề tài đồng tính của Bùi Anh Tấn (Trang 114)

8. Cấu trúc của luận văn

3.3.2. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm

Bên cạnh ngôn ngữ đối thoại của nhân vật còn có ngôn ngữ độc thoại.

Độc thoại nội tâm là ý nghĩ bên trong của nhân vật. Trong “Thi pháp tiểu

thuyết L.Tônxtôi”, Nguyễn Hải Hà viết:

“Độc thoại nội tâm là tiếng nói bên trong tâm hồn nhân vật, là ý nghĩ thầm kín, là lời tự nhủ của nhân vật hoặc nhân vật nói to lên với mình. Độc

thoại nội tâm bộc lộ đời sống tinh thần của nhân vật, làm hiện rõ “con người bên trong của nó” [15, tr.125].

Độc thoại nội tâm là một thủ pháp đặc sắc để khắc hoạ nhân vật trong tác phẩm văn chương. Theo các nhà lí luận thì có ba loại độc thoại nội tâm: ngôn ngữ trực tiếp không phát triển thành lời, ngôn ngữ nhân vật bị xẻ làm đôi thành giọng đối nghịch, tự chất vấn nhau và loại thứ ba là ngôn từ người kể chuyện hoà trong lời nhân vật. Ở trường hợp thứ ba này người ta gọi là ngôn từ nửa trực tiếp.

Chúng ta biết: kỹ năng thể hiện nội tâm con người là một trong những thước đo quan trọng của sự tiến bộ nghệ thuật và cũng là mục đích chủ yếu của nghệ thuật. Thông qua biện pháp độc thoại nội tâm, độc giả có thể cảm nhận được tiếng nói thầm, ý nghĩ sâu kín bên trong của nhân vật, thấy được nỗi niềm tâm sự, trăn trở nào đó của nhân vật. Khi nhân vật độc thoại nội tâm là khi họ rơi vào hoàn cảnh éo le, có nhiều xung đột kịch tính rơi vào trạng thái cô đơn, đau khổ. Đây là giây phút lắng đọng nhìn vào chiều sâu tâm hồn nhân vật và biết được nó đang nghĩ gì, nhà văn muốn nói gì.

Trong tiểu thuyết truyền thống, các nhà văn chủ yếu đi sâu phân tích tâm lí nhân vật, tức là đi lí giải nguyên nhân và tái hiện những diễn biến phức tạp trong nội tâm nhân vật. Sự phân tích tâm lí nhân vật có thể đem đến cho bạn đọc sự trải nghiệm, sự hiểu biết về đời sống của con người, song đôi khi không phát huy được tinh thần chủ động của bạn đọc trong việc tự phân tích, tự tìm hiểu nội tâm con người. Sự trải nghiệm mà bạn đọc có được sẽ đi vào quỹ đạo mà nhà văn vạch ra trong tác phẩm, dựa trên sự trải nghiệm và suy ngẫm của chính nhà văn.

Không đi theo lối mòn, Bùi Anh Tấn chỉ đóng vai trò là người kể lại nội tâm nhân vật, không can thiệp, không phân tích. Thông qua những điều mà nhà văn kể lại, người đọc sẽ suy ngẫm, tự mình trải nghiệm. Đó là nét mới

mẻ, sáng tạo trong ngòi bút của Bùi Anh Tấn. Qua sáng tạo, nhà văn đã nâng cao, đổi mới nghệ thuật khám phá nội tâm nhân vật, thực sự tìm thấy “con người bên trong con người”. Dưới ngòi bút của Bùi Anh Tấn, tiểu thuyết đã bộc lộ tiềm năng tiềm ẩn của nó trong việc khám phá, tái hiện sinh động những chiều kích mới mẻ, phức tạp trong thế giới nội tâm bí ẩn, tinh vi và luôn biến động của con người.

Đối với Bùi Anh Tấn, độc thoại nội tâm được sử dụng như một phương thức hữu hiệu mở rộng dung lượng phân tích tâm lý, tăng cường khả năng biểu hiện những diễn biến tinh tế, linh hoạt trong tâm hồn con người. Đặc biệt, nó trở thành một thủ pháp nghệ thuật có hiệu quả trong quá trình tự ý thức. Nhân vật trong tiểu thuyết Bùi Anh Tấn có một đời sống nội tâm phức tạp, có quá trình diễn biến tâm lí theo từng biến cố. Bởi vậy, thông qua những độc thoại nội tâm, thế giới bên trong của những người đồng tính với những giằng xé, đau khổ…được hiện lên một cách chân thực.

Ở “Một thế giới không có đàn bà”, độc thoại nội tâm của Thành Trung

được diễn tả một cách tinh tế. Cuộc gặp gỡ Hoàng “hoàng tử” tại Sài Gòn Boys đã làm cho Thành Trung bị chấn động tinh thần rất lớn. Giọng nói, ánh mắt của Hoàng luôn xuất hiện trong các giấc mơ của Trung khiến anh thấy

hoang mang, hoảng loạn vì trạng thái cảm xúc bất thường của mình. “Trung

đau khổ và chỉ muốn gào thật to cho hả cơn uất…” [2, tr.91]. Anh không

muốn chấp nhận sự thật tàn nhẫn về cảm xúc của bản thân với một người đàn

ông cùng giới mà không phải đàn bà. “Sự xấu hổ, mặc cảm, tội lỗi và sự thật

luôn giày vò, đay nghiến trong lòng Trung” [2, tr.110]. Anh luôn tự hỏi tại

sao bất kỳ gã pêđê nào cũng làm cho mình có những cảm giác ghê tởm nhưng

“với Hoàng thì khác, chỉ một lần thoáng gặp gỡ thôi mà con tim mình đã thực sự thổn thức (…) phải chăng đó là một thứ tình yêu dị thường… Trung run rẩy, đau đớn với ý nghĩ tàn nhẫn ấy” [2, tr.110]. Ở đây, độc thoại nội tâm

được Bùi Anh Tấn sử dụng mang tính hướng nội. Qua những dòng suy nghĩ, Thành Trung đã tự ý thức, tự đánh giá, tự mổ xẻ lòng mình. Anh đối diện với chính mình, tự đặt câu hỏi rồi tự trả lời. Dạng thức nhân vật với kiểu độc thoại

nội tâm như thế này ta sẽ được gặp lại ở nhân vật Cường trong “Phương

pháp của A.C.Kinsey”. Trong toàn thiên tiểu thuyết “Phương pháp của A.C.Kinsey”, nhà văn để cho Cường độc thoại rất nhiều lần. Anh luôn tự hỏi

mình với những băn khoăn mơ hồ về bản thân. Đặc biệt, trong cuộc trò

chuyện với Rích, nghe Rích tâm sự, “tự dưng Cường nghĩ về mình,…” [5,

tr.145-146]. Dòng cảm xúc bất chợt, vô định ấy xuất hiện trong Cường không chỉ một lần mà còn rất nhiều lần sau đó. Là một nhân vật của tiểu thuyết tâm lí, Cường được chú trọng khắc hoạ nhiều hơn cả ở đời sống nội tâm của nhân vật và hành động của Cường chịu sự chi phối sâu sắc của quá trình diễn biến nội tâm ấy. Có thể nhận thấy mục đích mà tác giả hướng tới khi xây dựng nhân vật không phải là cái đích cuối cùng của hành động, vả lại Cường không có hành động cuối cùng. Anh là kiểu nhân vật không hoàn kết. Mặc dù cuối tiểu thuyết, Cường trở về với dự định sống bên Thương nhưng ngay từ phút ấy, tâm trí anh đã không nguôi nhớ về Rich. Đó phải chăng chỉ là một giải pháp tạm thời, một sự trốn chạy bản thân, một nốt lặng để chuẩn bị cho những sóng gió tiếp theo mà chính Cường cũng không biết sẽ là gì. Đời sống nội tâm của nhân vật cũng là một dòng chảy miên man, bất định, không có điểm kết thúc, cũng không theo một quy luật bất biến nào cả. Nhân vật trôi dạt trên dòng biến cố của tâm lí và tự hình thành nên diện mạo tâm hồn mình qua những biến cố ấy.

Sử dụng nghệ thuật độc thoại nội tâm, Bùi Anh Tấn đã để cho nhân vật

tự giãi bày tư tưởng, tình cảm của mình. Trong “Les - vòng tay không đàn

ông” là những suy tư, trăn trở, băn khoăn diễn ra trong dòng ý thức của Yên

day dứt khi “nhớ đến khuôn mặt của người đẹp với đôi mắt buồn sâu thẳm” của Diệu Hiền “trong lòng dâng lên một cảm giác dịu ngọt pha lẫn những

linh cảm bất an nhoi nhói trong lồng ngực nỗi nhớ về con người ấy (…) không lẽ mình là một… không thể… nó là gì” [3, tr.271]. “Sao vậy, nhiều lần nàng tự hỏi mình và kinh hoảng, không lẽ nàng thật sự là một les sao, vô lý quá…” [3, tr.301]. Như vậy, với độc thoại nội tâm, Bùi Anh Tấn đã cho thấy

tính chất phức tạp trong tính cách con người, giúp nhà văn khám phá chiều sâu đời sống tâm lí nhân vật.

Nội tâm của nhân vật cô Út (Les - vòng tay không đàn ông) lại được

soi chiếu bởi những hình ảnh trong kí ức: hình ảnh người cha đầy nghiêm khắc với cây gậy batoong sẵn sàng đánh bất cứ ai, hình ảnh người cha nuôi với nỗi đau mất đời con gái mà ông ta đã vô tình gây ra cho cô, hình ảnh về người mẹ luôn sống trong cam chịu, an phận, nghèo khó,… tất cả hiện lên từ từ như một thước phim quay chậm. Dường như người kể đang đúng ở một điểm nào đó trong nội tâm nhân vật, quan sát và kể lại những điều trông thấy. những hình ảnh đó đã giúp người đọc cảm nhận được nỗi cô đơn và chứng bệnh “sợ đàn ông” ở cô Út. Ở đây, độc thoại nội tâm của nhân vật được soi sáng bởi “kỹ thuật dòng ý thức”. Không còn đơn giản là những suy nghĩ, những hồi tưởng, độc thoại nội tâm đã trở thành dòng chảy miên man của tiềm thức, vô thức, ý thức. Độc thoại nội tâm dưới sự chiếu ứng của dòng ý thức đem lại hiệu quả bất ngờ trong việc tái hiện đời sống nội tâm con người. Quá khứ và hiện tại không có đường viền. Cô Út sống trong hiện tại nhưng tâm hồn lại thuộc về quá khứ, sợ hãi quá khứ.

Với việc sử dụng đắc địa biện pháp độc thoại nội tâm, Bùi Anh Tấn đã mô tả được những nét tâm lí sâu kín bên trong của nhiều nhân vật khác như:

Thành Trung (Một thế giới không có đàn bà), Kiều Thu, Yên Thảo (Les -

vòng tay không đàn ông).

Trong tiểu thuyết Bùi Anh Tấn, độc thoại nội tâm không chỉ là lời tự độc thoại của nhân vật mà còn được thể hiện thông qua các cuộc đối thoại trực diện. Nhân vật trò chuyện với nhân vật khác nhưng trong họ lúc đó còn diễn ra những suy ngẫm. Tiêu biểu là độc thoại nội tâm của Thảo trong cuộc

nói chuyện với Hoàng Châu (Les - vòng tay không đàn ông), độc thoại của Cường trong buổi trò chuyện với Rích Phạm (Phương pháp của

A.C.Kinsey)…

Độc thoại nội tâm trong ba tiểu thuyết “Một thế giới không có đàn

bà”, “Les - vòng tay không đàn ông”, “Phương pháp của A.C. Kinsey” của

Bùi Anh Tấn còn được thể hiện một cách linh hoạt, uyển chuyển nhờ ngôn ngữ nửa trực tiếp mà theo chúng tôi, đây là dạng ngôn ngữ chiếm ưu thế trong các tiểu thuyết này. Bùi Anh Tấn dường như nhập vào trong dòng ý thức của nhân vật để nói cùng nhân vật những suy nghĩ trăn trở trong lòng sự thật về

bản thân mình. Ta có thể thấy rõ điều này ở các nhân vật Thành Trung (Một

thế giới không có đàn bà), Cường (Phương pháp của A.C.Kinsey), Thảo

(Les - vòng tay không đàn ông).

Trong “Một thế giới không có đàn bà” với việc sử dụng dạng lời nửa

trực tiếp, nhà văn dường như đã xoá mờ ranh giới giữa lời người kể và lời nhân vật. Dòng suy nghĩ miên man của Thành Trung về sự thật bản thân được

tái hiện một cách cụ thể. “Anh luôn nuôi trong lòng những căm ghét, ghê sợ,

tránh né những gã pêđê, phải chăng chính là sự ám ảnh năm xưa? Trung không rõ, nhưng quả nhiên anh không thích chút nào những người đàn ông õng ẹo, tất cả luôn gợi trong anh những sự tởm lợm đến buồn nôn. Bây giờ anh hiểu lí do tại sao anh lại đối xử với những con người này như vậy, vì anh

sợ, sợ chính mình cũng là một kẻ đồng tính luyến ái, chính vì vậy anh cố tình làm thế. Anh hằn học, anh căm thù vì anh sợ” [2, tr.91].

Người đọc cũng bắt gặp dòng tâm trạng tương đồng này ở nhân vật

Cường (Phương pháp của A.C.Kinsey). Sau chuyện “vô tình” xảy ra với Rích “thú thật đến tận bây giờ anh vẫn không hiểu điều gì đã xảy ra cho mình

và không muốn tin vào sự thật ấy (…). Cuối cùng thật ra là gì cơ chứ, nhiều lần cười đau khổ tự hỏi, không lẽ mình thật sự là một người đàn ông đồng tính? Có phải anh là một người đàn ông đồng tính không. Cường dằn vặt” [5,

tr.288].

Những khắc khoải, dằn vặt trong Yên Thảo (Les - vòng tay không đàn

ông) được nhà văn diễn tả rất sâu sắc với dạng ngôn ngữ nửa trực tiếp. Tác

giả vừa để nhân vật suy nghĩ vừa nói hộ những tâm tư thầm kín của nhân vật .

“Yên Thảo ngồi ngắm Diệu Hiền mà trái tim nàng cứ nhảy thon thót. Bao giờ cũng vậy, mỗi khi Diệu Hiền xuất hiện thì trái tim nàng luôn xao động một cách kì lạ, sao vậy, nhiều lần nàng tự hỏi mình và kinh hoàng…” [3, tr.301].

Đặc biệt, để thể hiện chiều nội tâm nhân vật, Bùi Anh Tấn còn dụng công đưa hình thức nhật ký vào tác phẩm. Có thể xem đây là một cách tự bộc lộ rõ nhất về nhân vật. Nhân vật được sống với chính mình.

Toàn bộ cuộc đời và những bí mật về cái chết của Phạm Hồng Bàng

(Một thế giới không có đàn bà) được giải mã nhờ những trang nhật ký mà

anh để lại. Những nỗi đau khổ, dằn vặt, sự tranh đấu và rồi bị ngã gục vì không chiến thắng nổi những dục vọng bản năng của một kẻ đồng tính được Bàng ghi lại thật xót xa, cảm động trong cuốn nhật kí của mình. Qua độc thoại nội tâm, với hình thức ghi lại cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng của mình trên những trang nhật ký cá nhân, những suy tư, đấu tranh tư tưởng của thế giới bên trong nhân vật Bàng đã gây ám ảnh người đọc về những khắc khoải tâm trạng, những dằn vặt suy nghĩ trước những vấn đề mà nhân vật đã đang phải

đối mặt. Để rồi khi biết rằng cái chết vì căn bệnh Sida cận kề - cái giá phải trả cho những ngày ngụp lặn trong vũng lầy đồng tính luyến ái thì Bàng mới thấm thía hết bi kịch của một người đồng tính luyến ái. Cô đơn. Bất hạnh. Tuyệt vọng. Không được chấp nhận. Như vậy độc thoại nội tâm đã làm cho lời trần thuật được chủ thể hoá. Người viết không đơn thuần là người kể chuyện mà còn miêu tả, tái hiện ý thức của nhân vật, chính anh ta có lúc cũng bị cuốn theo dòng ý thức ấy trong những trạng thái khả thể, không đoán định trước của nhân vật.

Ngôn ngữ độc thoại nội tâm được Bùi Anh Tấn được sử dụng khá thành công trong tiểu thuyết của mình đã nói lên thế giới bên trong của con người thật phong phú và cũng thật bí ẩn. Điều đó làm cho thế giới tình cảm của nhân vật được bộc lộ một cách trọn vẹn, làm cho diện mạo tinh thần của nhân vật trở nên sắc nét hơn, phong phú và con người hơn.

Trên đây là một số phương diện cơ bản được Bùi Anh Tấn sử dụng trong quá trình xây dựng nhân vật. Có thể nhận thấy, trong khi xây dựng lên hệ thống nhân vật đồng tính trong ba tiểu thuyết này Bùi Anh Tấn đã sử dụng linh hoạt, tài tình và sáng tạo những biện pháp nội tâm như miêu tả ngoại hình, hành động, tâm lí cũng như việc lựa chọn ngôn ngữ để xây dựng nhân vật. Nhà văn đã xây dựng lên một hệ thống nhân vật đồng tính hết sức phong phú đa dạng và sinh động. Điều đó góp phần rất lớn vào việc thể hiện nội dung tư tưởng cũng như giá trị to lớn của tiểu thuyết. Còn nhiều phương diện nghệ thuật khác ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới sự hình thành tính cách nhân vật, diễn biến tâm lí và sự phát triển của cốt truyện: Kết cấu, sự kiện, không gian, thời gian… Nhưng trong khuôn khổ phạm vi số lượng luận văn và trình độ người viết còn hạn chế, chúng tôi xin phép không đề cập tìm hiểu ở đây.

KẾT LUẬN

1. Là một nhà văn trẻ tài năng, có sức bút dồi dào, Bùi Anh Tấn đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của văn học đương đại Việt Nam, trước hết ở địa hạt tiểu thuyết và mảng đề tài văn học đồng tính. Với sự nỗ lực tìm tòi, sáng tạo không mệt mỏi cùng với một kiểu cảm quan mới về hiện thực và hơn nữa là bắt gặp đúng dòng mạch đổi mới văn học trên thế giới, Bùi Anh Tấn đã có những thử nghiệm táo bạo và gặt hái được nhiều thành công ở mảng đề tài đồng tính, đặc biệt là về phương diện nhân vật đồng tính. Trên cơ sở tìm hiểu một số quan niệm tiêu biểu về nhân vật, nhân vật tiểu thuyết và đặc điểm nổi bật của nhân vật tiểu thuyết Việt Nam đương đại, tác giả luận văn đã tập trung nghiên cứu vấn đề nhân vật đồng tính trong tiểu

Một phần của tài liệu Nhân vật trong tiểu thuyết viết về đề tài đồng tính của Bùi Anh Tấn (Trang 114)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(156 trang)