8. Cấu trúc của luận văn
3.1.2. Miêu tả hành động nhân vật
Hướng tới miêu tả hành động của nhân vật, Bùi Anh Tấn đã vận dụng tài tình giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Một mặt, tính cách nhân vật hiện lên rõ nét, mặt khác đời sống tâm trạng, những cảm xúc, cảm giác của nhân vật được bộc lộ, giãi bày trực tiếp.
Hành động của nhân vật đồng tính trong các tiểu thuyết của Bùi Anh Tấn được nhà văn miêu tả như là hệ quả tất yếu của một thế giới nội tâm phong phú phức tạp và đầy uẩn khúc. Nó không còn là những hành động nhất quán được xui khiến bởi một động cơ chủ đạo, duy nhất. Ở đó đã xuất hiện sự không trùng khít giữa những biểu hiện bên ngoài của hành động và những động cơ tâm lí bên trong, những hành động mang tính tự phát, không chịu sự kiểm soát của ý thức, lí trí và không hiếm khi nó bộc lộ rõ tính chất vô lý. Đó là khi nhân vật bộc lộ rõ bản chất của mình. Với những hành động có tính chất tự phát, chịu sự xui khiến của bản năng và bất chấp sự kiểm soát của lí trí ấy, số phận nhân vật thường có ngã rẽ bất ngờ, những biến cố nằm ngoài khả năng đoán định trước. Nhưng chính vì thế, qua hành động, nhân vật mới xác định mình như một thực thể, một bản chất. Một nhân vật tiểu thuyết sống động là một con người trôi dạt trên dòng biến cố và được định hình dần qua
những biến cố ấy. Chẳng hạn, trong “Một thế giới không có đàn bà”, hành
động Bàng đến với Chavara trong nỗi cô đơn trong những năm du học ở nước ngoài và sau này là việc gắn bó với Thanh đều là những hành động tự phát, chịu sự xui khiến của dục vọng bản năng. Chính hành động ấy đã khiến Bàng
trở thành một kẻ đồng tính luyến ái thật sự. “Cuộc đời tôi đã sang một trang
khác từ khi gắn với Thanh” [2, tr.125]. “Thế là hết. Tôi không còn cưỡng được lại chính bản thân mình nữa. Những ranh giới, những giá trị đạo đức,
tinh thần… tôi đều bỏ sang một bên và say sưa cùng Thanh và những người bạn của anh ta ngụp lặn trong vũng bùn luyến ái…” [2, tr.126]. Hành động
bồng bột “thử” gắn bó, quan hệ tình dục đồng giới của Bàng với Thanh làm ta nhớ đến sự tò mò, háo hức của Nguyễn trong “Cô đơn” [4] với A Trưởng trong mấy năm học ở trường tuyên giáo Trung ương để sau này Nguyễn mới
“cay đắng nhận ra mà ân hận mãi cho sự khờ dại tuổi trẻ của mình” [4,
tr.17]. Kết cục bi thảm, cái giá phải trả quá đắt cho những hành động ấy của Bàng là căn bệnh Sida và cái chết tự sắp xếp cho mình để giữ danh dự cho bản thân, gia đình.
Mỗi nhân vật, mỗi tính cách khác nhau, cho nên hành động của họ cũng không giống nhau bởi hành động biểu hiện một phần tâm lí, tính cách của người đó. Việc Thành Trung quyết định đến tìm gặp Hoàng để nói chuyện muốn xin Hoàng buông tha cho mình thể hiện sự quyết đoán, dứt khoát của một cảnh sát hình sự, một người đàn ông. Nhưng thực ra nếu xem xét kỹ ta sẽ thấy, hành động và mục đích của Trung trong cuộc gặp gỡ này hoàn toàn “trật khớp”. Gặp Hoàng, thật ra Trung muốn trả lời cho câu hỏi về bản thân mình với những cảm xúc khó hiểu đang giày vò anh mỗi khi nghĩ đến Hoàng. Và
khi “nhìn vào đôi mắt nâu to sóng sánh, nồng ấm, sâu thẳm ánh lên những tia
sáng ấm áp của Hoàng” [2, tr.112], Trung chợt hiểu mình là ai và phải làm
gì? Ẩn ức tinh thần, cuộc truy tìm bản thể đã được giải mã. “Trung đưa tay
run run vuốt nhẹ khuôn mặt tuấn tú của Hoàng, kéo Hoàng lại gần. Gần.” [2,
tr.112]. Với tất cả những hành động gần như vô thức ấy, hành động theo tiếng
gọi của con tim đang thổn thức thì “cuối cùng nỗi cô đơn khắc khoải trong
nhiều năm nay của hai người đã giải toả (…). Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn là “nỗi canh cánh mơ hồ của hai trái tim tội nghiệp…” [2, tr.119]. Đó là nỗi
canh cánh của một tình yêu đồng giới khó mà được xã hội chấp nhận. Họ đáng thương. Tình yêu đâu có tội, nó chỉ bị lỗi nhịp bởi hai trái tim đồng giới.
Những hành động tự phát, nhìn bề ngoài tưởng như mâu thuẫn lại chính là hệ quả của một quá trình đấu tranh nội tâm đầy phức tạp, của dòng tâm lí không ngừng xô đẩy giữa ý thức và bản năng vô thức. Đó là hành động tự vẫn
của Lê Viễn (Một thế giới không có đàn bà), tự tử của “chị” (Phương pháp
của A.C.Kinsey) vì không muốn bị biết là đồng tính, hành động của cô Út
(Les - vòng tay không đàn ông) chạy ra ngoài đường trong cơn hoảng loạn và
bị xe cán chết khi mới thoáng nghĩ về sự bất ổn giới tính của mình và hành
động giết Khảo của kĩ sư Trung (Phương pháp của A.C.Kinsey) khi biết
Khảo vẫn tống tiền Trần Anh và tống tình mình. Chẳng hạn, Trung trong
“Phương pháp của A.C.Kinsey” là một số phận bi kịch. Mang nặng tình yêu
sâu sắc trong mối tình trai với giám đốc Trần Anh, khi biết Trần Anh gặp nguy hiểm vì bị Khảo tống tiền, Trung quyết định âm thầm giúp “người yêu”.
Trung sẵn sàng phục vụ Khảo, để hắn “giày vò hàng ngày mà không bao giờ
thoả mãn” [5] với lời hứa hắn sẽ buông tha Trần Anh. Nhưng khi phát hiện ra
Khảo đã lừa dối mình, “trong con tức giận không kìm chế được, em đã với
cục gạch kê chân giường lên đập thẳng vào đầu hắn. Hắn ta chết rồi” [5,
tr.315]. Đó là hành động hoàn toàn mang tính tự phát trong khi tức giận nhưng nó cũng xuất phát từ nỗi căm hờn của Trung với kẻ xấu xa như Khảo. Hoàn toàn không cố ý, không có động cơ giết người mà chỉ là hành động trong cơn tức giận, Trung đã trở thành kẻ giết người.
Qua cách miêu tả hành động nhân vật đi từ sự nhất quán đến những hành động có tính mâu thuẫn biểu hiện lôgic của tâm lí, nhân vật đồng tính trong các tiểu thuyết của Bùi Anh Tấn càng đạt giá trị hơn người, thể hiện sự tinh tế và sâu sắc của một cây bút điêu luyện và có khả năng thấu hiểu con người.