Nghệ thuật khắc hoạ tâm lí nhân vật

Một phần của tài liệu Nhân vật trong tiểu thuyết viết về đề tài đồng tính của Bùi Anh Tấn (Trang 90)

8. Cấu trúc của luận văn

3.2. Nghệ thuật khắc hoạ tâm lí nhân vật

Khi nghiên cứu tiểu thuyết của các nhà văn hiện đại hàng đầu thế giới, nhất là những tác phẩm của LevTonstoi, người ta thường nhấn mạnh tới thành

công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật ở cả hai phương diện: biện chứng pháp hành động và biện chứng pháp tâm hồn. Điều đó cũng có nghĩa là tính tất yếu trong hành động của nhân vật thường có quan hệ tới tính tất yếu trong hoạt động nội tâm của nhân vật. Vì vậy, việc miêu tả thế giới nội tâm, khắc hoạ tâm lí nhân vật trong văn học là một yêu cầu không thể thiếu để tái hiện cuộc sống con người toàn vẹn.

Theo nhận định của Thạch Lam: “Nhà tiểu thuyết có tài là nhà văn

diễn tả đúng và thấu đáo cái tâm lí uyển chuyển của con người” [21, tr.47].

Còn Nhất Linh trong cuốn “Khảo về tiểu thuyết” cho rằng: “Những cuốn tiểu

thuyết hay là những cuốn tả đúng sự thực cả bề ngoài lẫn bề trong, diễn tả được một cách sinh động các trạng thái phức tạp của cuộc đời, đi thật sâu vào sự sống với tất cả những chuyển biến mong manh tế nhị của tâm hồn”

[25, tr.373]. Cùng quan điểm với Nhất Linh, Nguyễn Đình Thi cho rằng:

“Trong tiểu thuyết thời cổ, người ta chỉ kể lại các việc làm, lời nói của nhân vật. Tiểu thuyết ngày nay thì lấy cách miêu tả nhân vật từ bên trong làm chính...Cách miêu tả từ bên trong tâm hồn nhân vật đã giúp cho tiểu thuyết hiện đại ngày càng đi sâu được vào cuộc sống tinh thần của con người. Đó là thế giới vô cùng phức tạp và tinh vi, nó vô hình nhưng lại có ý nghĩa, nhất là có tầm quan trọng quyết định đối với nhân cách của người ta” [41, tr.177-178].

Sự biểu hiện hợp lí và sâu sắc nội tâm góp phần rất lớn tạo nên sức sống

của nhân vật, nói như L.Tonxtoi: “Mục đích chính của nghệ thuật... là nói lên

sự thật về tâm hồn con người, nói lên những điều bí ẩn không thể diễn tả bằng ngôn ngữ thông thường được” [15]. Để làm được điều đó, nhà văn phải hiểu

sâu sắc cuộc sống và con người, nắm bắt được những biểu hiện, những trạng thái tâm lí, những suy tư thầm kín ẩn náu trong tâm hồn con người.

Trước năm 1975, văn học với yêu cầu phục vụ chính trị, khuynh hướng sử thi, cái tôi phục vụ cái ta của cộng đồng, cho nên nhân vật trong các sáng

tác văn học chủ yếu mang tâm lí thời đại, đời sống tâm lí của mỗi cá nhân chưa được chú trọng khai khác, ít phức tạp, ít giằng xé nội tâm. Sau năm 1975, sự khám phá con người của các nhà văn đã đạt tới trình độ cao. Họ đã chú ý tới sự lưu chuyển của các tính cách và quan tâm đến mọi khả năng biến động trong đời sống nội tâm nhân vật. Đó là những tâm trạng, những suy nghĩ, cảm xúc, phản ánh tâm lí... của nhân vật trước những tình huống mà nhân vật chứng kiến hoặc phải trải qua trong cuộc đời. Tâm lí nhân vật được soi từ nhiều góc độ, nhiều phướng diện khác nhau. Nhờ đó, nhà văn khám phá được những ẩn ức trong tâm hồn mỗi con người và việc thể hiện nội tâm nhân vật, việc nghiên cứu “con người bên trong con người” đối với các nhà văn,

“là phương pháp quan trọng nhất để chiếm lĩnh hiện thực” [27].

Nhìn vào văn xuôi Việt Nam sau năm 1975, có thể khẳng định việc lấy con người làm điểm quy chiếu lịch sử để kiếm tìm, khám phá về nó không phải chỉ như một thực thể bên ngoài nhìn thấy hết, đã đem đến cho tác phẩm một chiều sâu mới, một sức hấp dẫn mới và một giá trị nhân văn mới khác

hẳn giai đoạn cũ. LevTonstoi từng ví “con người như một dòng sông, nước

trong mọi con sông như nhau và ở đâu cũng thế cả nhưng mỗi con sông khi thì hẹp, khi chảy xiết, khi thì rộng, khi thì êm, khi thì trong veo, khi thì lạnh, khi thì đục, khi thì ấm. Con người cũng vậy. Mỗi con người mang trong mình những mầm mống của mọi tính chất con người và khi thì thể hiện tính chất này, khi thì thể hiện tính chất khác và thường là hoàn toàn không giống bản thân mình tuy vẫn cứ là chính mình” [15]. Sức hấp dẫn của văn chương chỉ là

ở chỗ nó đã phát hiện và mô tả chân thực, sâu sắc những cái khuất lấp, ẩn - chìm, những sức mạnh kỳ lạ đã chi phối và dẫn dắt số phận riêng của mỗi cá nhân, không ai giống ai. Việc hướng tới nắm bắt và phân tích nhằm hiểu cho thấu cái thế giới nội tâm đầy phức tạp của con người khi đang phải đối mặt

với cuộc sống hàng ngày càng trở lên phức tạp là mong muốn của các nhà văn sau năm 1975.

Là một nhà văn luôn nhìn đời với một cảm quan nhân sinh sâu sắc, Bùi Anh Tấn đã xây dựng đựơc một hệ thống nhân vật để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc. Trong các tiểu thuyết viết về đề tài đồng tính, với mong muốn khám phá thế giới nội tâm đầy phức tạp của nhân vật để qua đó người đọc có cái nhìn cảm thông, nhân ái hơn với họ, Bùi Anh Tấn đã đặt nhân vật vào những tình huống cụ thể mang tính thử thách để bộc lộ tính cách. Để phơi bày được tính cách thật của nhân vật, điều quan trọng là người tìm cho được những tình huống đặc trưng mà trong đó tâm lí, tính cách nhất định được hiện

ra một cách đầy đủ và thích hợp nhất. “Nghệ thuật kết cấu của nghệ sĩ trong

việc xây dựng quá trình phát triển tâm lí và phát hiện tính cách là ở chỗ làm sao để tìm ra được những tình huống xuất phát có thể bộc lộ những đặc tính có tính chất chủ đạo và quy định của mỗi cá nhân” [29, tr.673-674]. Nói cách

khác, cần đặt nhân vật vào những hoàn cảnh chứa đựng xung đột. Tình huống truyện thường gắn liền với sự kiện, biến cố cụ thể gây ra những biến động mạnh mẽ đối với số phận, với đời sống tinh thần tâm lí, cảm xúc của nhân vật. Đặc biệt, với tình huống tâm lý, Bùi Anh Tấn đưa nhân vật của mình vào những cuộc đấu tranh nội tâm với những day dứt, đau khổ, ăn năn,...

“Một thế giới không có đàn bà đúng nghĩa là một tiểu thuyết bởi đã

xây dựng khá thành công nhân vật Thành Trung và Phạm Hồng Bàng. Đây là hai nhân vật chính xuyên xuốt tác phẩm. Điều đặc biệt chính là hai nhân vật chính xuyên suốt tác phẩm. Điều đặc biệt là một người chết từ đầu tiểu thuyết (Bàng), anh ta đại diện cho cõi âm, một người đang sống trong mâu thuẫn, vật vã, đau khổ (Thành Trung), anh ta đại diện cho cõi dương” [39]. Thiếu uý cảnh sát Thành Trung tham gia phá án, điều tra cái chết của thạc sỹ Phạm Hồng Bàng. Lần theo dấu chân của chàng “thám tử trẻ”, câu chuyện được mở

dần, đào sâu rồi kết thúc một cách không mấy êm ái. Qua việc khắc hoạ, miêu tả quá trình phát triển tâm lí của Phạm Hồng Bàng và Thành Trung, nhà văn muốn người đọc hiểu được những đau khổ, dằn vặt, “không sung sướng gì khi biết mình là người đồng tính” [2].

Nhân vật Thành Trung được Bùi Anh Tấn miêu tả khá thành công quá trình tâm lý khi phát hiện mình là người đồng tính. Tác giả đã đặt nhân vật vào những tình huống vừa bất thường vừa mang tính tự nhận thức để nhân vật khám phá ra bản chất thật của mình với bao đau khổ. Ở những kiểu tình huống này tính chất quyết liệt, dữ dội được phô diễn trong mạch ngầm tâm lí của nhân vật. Lấy đời sống nội tâm của con người để xây dựng tình huống, nhà văn quan tâm đến những trạng thái giằng xé, mâu thuẫn diễn ra trong tâm hồn nhân vật. Trong cuộc đấu tranh với chính mình đó, con người thường bộc lộ nhu cầu “tự thú lương tâm” và qua đó tính cách của họ được thể hiện. Là một sĩ quan trẻ, đẹp trai, tài giỏi, được nhiều người yêu mến, lại sinh trưởng

trong một gia đình nhà giáo, Thành Trung rất “căm ghét, ghê sợ, tránh né

những gã pêđê” [2, tr.91] và luôn tìm cơ hội để mạt sát, đánh đập “những gã

bệnh hoạn” đó. Tại sao Thành Trung lại làm vậy khi trong anh có “thứ cảm giác khác lạ” từ thưở học trò? Khi còn là học sinh phổ thông, Trung đã rơi vào vòng xoáy cuộc đời với trò chơi đồng tính của gã thầy dạy thể hình. Thầy

giáo đã “đem đến cho nó những cảm giác lạ của tình dục mà nó không thể

giữ được ý chí và bản thân dưới bàn tay phù thuỷ của thầy…” [2, tr.90]. Và

từ khi “khám phá ra sự thật của mình” [2, tr.90], Trung luôn sống trong sợ hãi, thấy “khinh bỉ chính bản thân và cương quyết rời bỏ nó” [2, tr.90], lao

vào học tập, cố quên đi. Trung làm vậy để chạy trốn con người thật của mình,

để khẳng định “mình là một người đàn ông đoàng hoàng” [2, tr.90]. Và có lẽ

Thành Trung sẽ làm được điều đó nếu không có buổi tối định mệnh tại Sài Gòn Boys - quán càfê của những người đồng tính. Đặt nhân vật vào tình

huống đầy thử thách này, Bùi Anh Tấn đã lột tả và khắc hoạ sâu sắc diễn biến tâm lí của Thành Trung. Khuôn mặt điển trai, giọng nói trầm bổng, du dương của Hoàng “hoàng tử” đã làm chao đảo quan điểm sống trước đó của Thành

Trung. “Lòng anh nhoi nhói, run rẩy, cái run rẩy mà anh không có được khi

tiếp xúc với những người đàn bà trong đời” [2, tr.90]. Từ tình huống bất ngờ

này, nhà văn tiếp tục đặt nhân vật vào tình huống tự nhận thức. Sau cuộc gặp gỡ Hoàng, Trung buộc phải suy ngẫm, tự soi xét bản thân và đi tìm câu trả lời cho những ám ảnh bao năm nay qua những giấc mơ hiện về trong anh. Nó là cái gì mà chính Trung cũng không hiểu nổi. Trung buồn bã ôm đầu đau khổ

và muốn gào thật to “tôi là đàn ông…” [2]. Cuộc gặp gỡ vô tình trở lại của

Trung với Hoàng tại hồ bơi Đồng Kỳ khiến anh càng nhận thức rõ ràng hơn

con người bên trong của mình. “Sự xấu hổ, mặc cảm, tội lỗi và sự thật luôn

dày vò, đay nghiến trong lòng Trung” [2, tr.90]. Điều Trung dằn vặt trong

những ngày qua đó là anh có phải là người đồng tính hay không. “Câu hỏi ấy

vang lên không biết bao nhiêu lần trong tâm trí Trung. Anh tự hỏi “phải chăng đó là một thứ tình yêu dị thường, sét đánh giữa hai kẻ đồng tính luyến ái.” [2, tr.110]. Trung run rẩy, đau đớn với ý nghĩ tàn nhẫn ấy. Bứt dứt, khổ

sở bao ngày, Trung tìm đến với Hoàng “hoàng tử” và lao vào cuộc tình đồng

giới với tất cả sự khao khát bị dồn nén lâu nay. Giờ đây, “anh chợt hiểu mình

là ai, và phải làm gì” [2, tr.112]. Tình yêu ấy làm cho cả Trung và Hoàng đều

sống trong hạnh phúc vô bờ.

Như vậy, những đấu tranh tư tưởng, những giằng xé trong nội tâm của Nguyễn Thành Trung được Bùi Anh Tấn mổ xẻ, phân tích và dẫn giải khá sâu sắc. Và có lẽ với những kiến giải của mình, nhà văn đã giúp độc giả nhìn nhận vấn đề đồng tính luyến ái bằng ánh nhìn nhân văn và con người hơn.

Bên cạnh Thành Trung phải kể đến Phạm Hồng Bàng. Tác giả đã dụng công xây đắp nên một nhân vật có xương, có thịt, có linh hồn và đặc biệt điển

hình với quá trình phát triển số phận tạo những dấu ấn đậm nét cho sự hình thành nhân cách, tâm lí. Qua những dòng nhật kí của Phạm Hồng Bàng để lại, người đọc như bị cuốn vào cuộc đời của anh với những đau đớn, dằn vặt, mặc cảm của một con người luôn luôn phải đóng kịch trong cuộc đời thật để che dấu thân phận thực trong con người mình. Không được sống với đúng con người thực của mình là một sự bất hạnh nhất mà Phạm Hồng Bàng đã phải chịu đựng. Quá trình phát triển tâm lí của một người đồng tính luyến ái có học đã được tác giả miêu tả rất hợp lí và lôgíc. Đặt nhân vật vào một chuỗi những tình huống khác nhau, Bùi Anh Tấn đã khắc hoạ được một số phận bi kịch với những ngã rẽ bất ngờ, bất hạnh trong cuộc đời.

Tình huống Bàng gặp Chavara - một kẻ lưỡng tính trong quá trình du học bên Đức đã tạo ra bước ngoặt cuộc đời anh, từ đó làm nảy sinh bi kịch cuộc đời. Tuổi thơ cay đắng, thiếu tình yêu thương của cha mẹ, sự ám ảnh sợ hãi đàn bà do sự cay nghiệt từ bà mẹ kế đã khiến Bàng mắc chứng bệnh sợ

đàn bà. “Họ cũng có cái gì như mẹ kế, sâu thăm thẳm, đen tối và đầy nghi

ngại” [2, tr.25]. Chứng sợ đàn bà cùng với nỗi cô đơn nơi đất khách quê

người đã kéo Bàng đến gần Chavara thực hiện những trò chơi tình dục đồng tính mà hắn cho rằng đó cũng là bản chất thật của Bàng. Sự bồng bột của tuổi trẻ đã khiến Bàng phải trả giá quá đắt cho toàn bộ phần đời sau này với cuộc

sống trong dày vò, đau khổ. “Tôi thực tâm muốn mình trở lại thành một con

người bình thường (…) nhưng không được, những người đàn bà không hề làm cho tôi có cảm hứng…” [2, tr.82]. Cuộc đấu tranh nội tâm diễn ra. Bàng phải

sống giữa hai lằn ranh giới bản năng và ý thức trách nhiệm, khao khát dục vọng và con người lí trí,… Tự nhận thức về cuộc đời mình, Bàng thấy đau

khổ, bất lực. “Bằng tất cả nghị lực và ý trí của mình, tôi cố gắng hết sức để

kìm chế ham muốn dục vọng đồng giới (…) Tôi làm việc hì hục không mệt mỏi. Thế nhưng nó như một con thú luôn luẩn quẩn, nửa thức nửa ngủ trong

tôi” [2, tr.87]. Anh luôn tự dày vò, “xỉ vả bản thân mình trong đau khổ”, “luôn sống trong trại thái không thăng bằng” [2, tr.87], có lúc thấy quá bất

lực và tuyệt vọng. Cuộc đời luôn phức tạp và trớ trêu. Nếu không có cuộc gặp gỡ với Chavara bệnh hoạn thì có lẽ Bàng sẽ là một chàng trai, một người đàn ông bình thường như bao người khác. Đó chính là bi kịch của cuộc đời Bàng. Bàng sẽ vẫn là một vị trưởng phòng đáng kính, một nhà khoa học có uy tín dù rằng ẩn sâu bên trong đó là một tâm hồn đau khổ của một người đồng tính nếu không có cuộc gặp gỡ bất ngờ tiếp theo với Thanh - một cậu sinh viên đồng tính, rất giống Hải - bạn học cũ, “người yêu” của Bàng đã chết trong một tai

nạn. “Cuộc đời tôi đã sang một trang khác từ khi gắn với Thanh” [2, tr.125]. Bàng ý thức được điều đó và luôn tự xỉ vả mình: “Tôi như một con thiêu thân

lặn ngụp trong bể ái tình đồng giới…” [2, tr.137] và cái giá phải trả cho

những cuộc chơi đó là căn bệnh Sida. Bàng đã không bị bất ngờ, choáng váng

khi biết điều này vì “tôi hiểu đấy là kết cục tất yếu phải đến” [2, tr.148].

Bàng đã chọn cho mình cái chết bằng việc thuê người giết mình để giữ chọn danh dự cho bản thân, gia đình. Diễn biến tâm lí với những mảng tâm trạng, cảm xúc khác nhau của Phạm Hồng Bàng được nhà văn tinh tế phát hiện và khắc hoạ theo tiến trình hợp logic. Từ chỗ mặc cảm, tự ti trước cuộc đời tới nghị lực vươn lên để khoả lấp những nỗi đau của tạo hoá, tới những kìm nén đến mức ngột ngạt của dục vọng bản thân.

Có thể nói, với “Một thế giới không có đàn bà”, Bùi Anh Tấn đã thể

hiện sự tìm tòi, khả năng khai khác sâu sắc, tinh tế tâm trạng, nỗi niềm riêng của các nhân vật. Ngoài việc khắc hoạ thành công tâm lý nhân vật Phạm Hồng Bàng và Thành Trung, diễn biến tâm lí của các nhân vật khác như Hoàng, Lê Viễn, Nguyễn Lân,… cũng được nhà văn chú ý khắc hoạ. Thế giới bên trong của mỗi nhân vật được soi chiếu từ nhiều góc độ, nhiều cảnh huống.

Mỗi người hiện lên như là con người tư duy, khao khát được sống là mình, có số phận và tính cách riêng.

Một phần của tài liệu Nhân vật trong tiểu thuyết viết về đề tài đồng tính của Bùi Anh Tấn (Trang 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(156 trang)