Phương pháp giảng bình

Một phần của tài liệu Dạy học phần văn học lãng mạn việt nam 1930 - 1945 ở trường trung học phổ thông (Trang 74)

6. Cấu trúc luận văn

2.3.2. Phương pháp giảng bình

2.3.1.1. Sự cần thiết của phương pháp giảng bình

Đã từ lâu, bình giảng là hoạt động không thể thiếu trong giờ dạy học văn, thậm chí đây có thể được coi là phương pháp đặc trưng của giờ dạy học Văn truyền thống. Trong thời gian đầu của quá trình đổi mới giờ dạy học văn, có một số ý kiến chủ quan cho rằng: muốn phát huy tính tích cực của học sinh, muốn chấm dứt lối dạy truyền thống và thực sự đổi mới việc dạy học văn thì cần bỏ phương pháp dạy học giảng bình. Đây là quan điểm hết sức sai lầm, phiến diện vì chưa thực sự hiểu bản chất của phương pháp này. Giảng bình vốn được coi là bí quyết của một giờ dạy văn hay. Mục đích của giảng bình là làm sao truyền được rung cảm, ý kiến của mình về tác phẩm làm cho người nghe rung động, cùng rung động, cùng suy nghĩ như mình, phù hợp với ý định và nghệ thuật của nhà văn. Một tác phẩm nếu không được giảng bình coi như người dạy đã đánh mất vẻ đẹp văn chương của tác phẩm. Ngược lại, không có giờ dạy Văn nào thành công mà thiếu được lời bình của giáo viên. Trong giờ dạy văn xuôi (truyện ngắn, tiểu thuyết, ký), bình đã cần thiết thì trong giờ dạy thơ trữ tình bình lại càng cần thiết hơn. Hoài Thanh đã từng nhắc lại ý của Trường Chinh để nói về tầm quan trọng và cả sự cần thiết của bình : “Bình thơ cũng như đánh đàn đệm cho người ta hát, lên dây chùng một tý hay căng một tý cũng lạc điệu. Bình thơ mà nói chưa đến thì không đạt. Nói quá đi thì là tán. Nói nhiều cũng không nên, phải biết dừng lại đúng chỗ, đúng lúc để cho người đọc suy nghĩ, mở rộng. Có khi không nên nói gì mà để cho người đọc tiếp xúc với câu thơ, không môi giới.”( Hoài Thanh: Đôi điều tâm sự trên câu chuyện bình thơ. Tạp chí văn học 6/1973). Dạy học thơ mới mà không có bình thì quả là thơ mới không còn là thơ nữa. Các đây không lâu, tôi có được dự giờ một giáo viên: bài Vội vàng của Xuân Diệu. Giáo viên này áp dụng rất nhiều phương pháp khác nhau, đều là những phương pháp đã

và đang được học trong trường sư phạm như: thảo luận nhóm, câu hỏi gợi mở…phát huy được tính tích cực chủ động của HS, HS làm việc nhịp nhàng với GV. Theo cảm nhận của người dạy thì đây là một giờ dạy thành công vì căn cứ vào các tiêu chí đánh giá của một tiết học. Nhưng là một GV Văn ngồi dự giờ, tôi thấy tiết dạy học của cô giáo vẫn thiếu một “cái gì đó” vốn rất là đặc trưng của giờ Văn từ trước tới nay: lời bình. Có thể, trong quan điểm đổi mới dạy học Văn, không cho phép GV say sưa bình tác phẩm mà bỏ qua những hoạt động khác, nhưng không thể không có những phút giây GV bình những chi tiết nghệ thuật hoặc hình ảnh được coi là “đắt” của tác phẩm. Tôi cho rằng đây là điểm khác biệt của giờ dạy học văn với các bộ môn xã hội khác.

Bên cạnh bình thì giảng vô cùng quan trọng. Việc mã hóa thông tin cảm thụ nghệ thuật của người thầy giúp cho quá trình hiểu của HS diễn ra nhanh hơn và tốt hơn. Giảng càng sâu bình càng thấu, càng đằm thắm. Bình giống như phút giây thăng hoa của cảm xúc trong sự cộng hưởng kì diệu giữa người cảm thụ. Tác phẩm nghệ thuật được cảm thụ bằng ngôn từ đầy cá tính sáng tạo của người đọc. GV muốn là người giảng bình hay trước hết phải coi tác giả là bạn tri âm của mình. GV không được để cho tiếng nói của mình lấn át tiếng nói của tác giả. Người GV bình văn, bình thơ là để giúp tác giả đưa thông điệp ý- tình của mình đến với HS một cách nhanh, nhạy, sâu lắng và đầy đủ nhất.

Tuy nhiên, GV không thể ôm đồm nghĩa là giảng bình tất cả những vấn đề của tác phẩm. Trong một giờ dạy học văn còn có nhiều hoạt động, nhiều phương pháp biện pháp khác, việc giảng bình chỉ có thể giới hạn trong một phạm vi nhất định. GV đừng để HS bội thực về khâu giảng bình, nó sẽ mang lại tác dụng ngược. GV nên chọn lựa cần bình yếu tố nào, chi tiết nào để mang lại hiệu quả nhất. Mặt khác, dung lượng giữa giảng và bình cũng phải hài hòa: Nhờ bình mà giảng thêm sâu nhưng bình phải dựa trên giảng; giảng không bình thì ý gọn và khô, bình không giảng thì dễ sa vào lan man.

Đối với các tác phẩm của VHLM đòi hỏi người GV phải có phương pháp giảng bình thuần thục. HS háo hức, chờ đợi học các bài thơ hay của một trào lưu văn học đặc sắc của dân tộc, những tên tuổi như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính…chỉ nghe tên thôi cũng đã đủ dâng trào những cảm xúc mãnh liệt. Vì vậy, đòi hỏi GV phải là người thẩm bình tinh tế, sâu sắc. Ngay cả truyện ngắn của Thạch Lam, Nguyễn Tuân cũng có nhiều yếu tố nghệ thuật, nội dung đặc biệt đòi hỏi GV phải giảng sâu, bình hay để giúp HS đồng điệu tri âm với tác giả. Giảng Vội vàng của Xuân Diệu mà GV không đắm say, cuồng nhiệt, cuống quýt trong lời bình thì không thể cảm nhận hết được lòng ham sống và quan niệm sống mới mẻ, nhân văn của hồn thơ Xuân Diệu. Dạy Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân mà không bình được cái tình tri kỉ tri âm của người nghệ sĩ sáng tạo cái đẹp và kẻ yêu cái đẹp thì không thể nói đó là một giờ dạy thành công.

2.3.1.2. Nội dung, cách thức

Trong giờ dạy học VHLM, có nhiều cách để thực hiện lời bình.Có khi bình được tiến hành bằng một lời tâm sự, một câu chuyện tưởng là chủ quan nhưng lại có tác dụng khơi gợi sâu xa.Ví dụ, bình hai câu thơ cuối bài thơ

Tràng giang của Huy Cận: Lòng quê dợn dợn vời con nước / Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà, thông thường GV hay so sánh, liên hệ với hai câu thơ của Thôi Hiệu trong Hoàng hạc lâu: Nhật mộ hương quan hà xứ thị / Yên ba giang thượng sử nhân sầu để HS thấy được vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của ý thơ. GV có thể bình bằng lời tâm sự về hình ảnh dòng sông làm thức dậy trong lòng tình yêu quê hương, nỗi nhớ nhà. Hoặc GV có thể yêu cầu HS viết những nỗi niềm riêng tư của HS khi đọc hai câu thơ trên trong thời gian ngắn và trình bày trước lớp. Lời bình cũng có thể là một lời khen trực tiếp. Đây là cách bình quen thuộc, dễ nhưng đôi khi lại dẫn đến sáo rỗng. GV khi dùng cách thức này phải cân nhắc cách dùng từ. Ví như khi bình về giá trị của bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ GV có thể khen bằng cách thể hiện tình cảm quý trọng của mình trước một tâm hồn thơ trong sáng, tha thiết yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống của một con người đang phải chống chọi với bệnh tật và cái chết

như Hàn Mặc Tử. Khi bình về cái tài viết chữ đẹp của Huấn Cao, GV có thể dùng lời khen về tấm lòng yêu cái đẹp, trân trọng những vẻ đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc và cũng là cách để thể hiện kín đáo tình yêu quê hương đất nước của Nguyễn Tuân. Cũng có khi GV bình theo con đường so sánh, đối chiếu: cách thức này đòi hỏi người GV dạy Văn phải có hiểu biết sâu rộng, nói cách khác là có tri thức đáng kể về văn học nói chung và về VHLM nói riêng. Khi bình về hình ảnh Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

trong Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử GV có thể liên hệ so sánh với thơ viết về hình ảnh nắng trong Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử: Trong làn nắng ửng khói mơ tan…hay nắng trong bài thơ Nắng mới của Lưu Trọng Lư: Mỗi lần nắng mới hắt bên song…cũng làm cho lời bình thêm sâu, thêm rộng.

Như vậy, không có phương pháp dạy học nào bị coi là lỗi thời, là không phù hợp với xu thế đổi mới dạy học, nhất là giảng bình trong văn học. Dù cho có đổi tên gọi từ Giảng văn sang Đọc văn hay Đọc hiểu thì có lẽ bản chất một giờ dạy văn học không thay đổi. Phương pháp giảng bình cũng vậy; trong các tiết dạy học văn học lãng mạn nó vẫn luôn là một phương pháp cơ bản, quan trọng và đặc trưng.

Một phần của tài liệu Dạy học phần văn học lãng mạn việt nam 1930 - 1945 ở trường trung học phổ thông (Trang 74)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(149 trang)
w