6. Cấu trúc luận văn
2.2.1. Tri thức chung về trào lưu văn học lãng mạn
Chủ nghĩa lãng mạn nói chung là sự thể hiện trên lĩnh vực mĩ học thái độ bất hòa bất mãn với xã hội, với thực tại. Trên đất nước ta trước Cách mạng tháng Tám thái độ ấy chủ yếu là của người trí thức yêu nước, tiếp thu được tư tưởng và văn hóa phương Tây; khao khát dân chủ tự do, văn minh, tiến bộ, tỏ thái độ bất hòa bất mãn với chủ nghĩa thực dân tàn bạo, hống hách và với những tập tục phong kiến hủ bại. Vì thế tuy chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn học Pháp - đất nước của kẻ xâm lược – văn học lãng mạn Việt Nam vẫn cắm rễ rất sâu vào cội nguồn dân tộc. Nó đã đi tiên phong và có đóng góp quan trọng vào công cuộc hiện đại hóa văn học dân tộc trên cơ sở truyền thống văn học Việt Nam. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã rất hiểu tấm lòng của những cây bút lãng mạn ấy: họ yêu vô cùng tiếng mẹ đẻ, họ viết văn, làm thơ để mong đóng góp được chút gì trong hoàn cảnh mất nước, vào việc giữ gìn và phát triển tiếng nói và văn chương dân tộc, họ khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước và con người Việt Nam từ hình thức đến tâm hồn; họ nói dùm nỗi buồn đau của người dân Việt Nam Thiếu quê hương
ngay trên mảnh đất đã sinh ra mình. Nếu như những tâm hồn lãng mạn phương Tây, chủ yếu tỏ thái độ khinh bạc đối với lối sống gọi là buôcgioa
(phàm tục) trên quan điểm thẩm mĩ thì những cây bút lãng mạn Việt Nam, bên cạnh thái độ ấy, còn đối lập trên tinh thần dân tộc, chống lại lối sống nô lệ, bằng lòng, thậm chí thoả mãn đối với thực tại của xã hội thực dân. Lòng
yêu nước ấy, sau này sẽ đưa họ hầu hết đến với Cách mạng và giúp họ theo đuổi hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ đến cùng.
Văn học lãng mạn Việt Nam phát triển từ đầu thế kỉ XX đến 1945 qua hai bước, phù hợp với quá trình hiện đại hóa văn học: Bước thứ nhất diễn ra từ đầu thế kỉ đến khoảng năm 1930: Thơ Tản Đà, Đoàn Như Khuê, Trần Tuấn Khải; Văn xuôi: Đông Hồ (Linh Phượng kí) , Tương Phố (Giọt lệ thu), nhất là Hoàng Ngọc Phách (Tố Tâm). Bước thứ hai diễn ra khoảng từ 1930- 1945. Thành tựu của văn học lãng mạn ở bước này rất phong phú. Trong đó tiêu biểu là tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, dòng truyện ngắn trữ tình của Thạch Lam và phong trào Thơ mới.
Tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn ở thời kỳ đầu đã có nhiều thành tựu đặc sắc. Các tác phẩm của Tự lực văn đoàn có nhiều tiến bộ về nội dung như tư tưởng dân tộc được thể hiện kín đáo trong Người quay tơ ; hay hình tượng người khách chinh phu Dũng, Thái trong Đoạn tuyệt, Đôi bạn. Đặc biệt, Tự lực văn đoàn đề cao con người cá nhân, quyền cá nhân, nêu cao tinh thần phản phong, bảo vệ quyền sống cho con người, nhất là người phụ nữ. Các tác giả Tự lực văn đoàn nhiệt thành ủng hộ cái mới. Bên cạnh đó không thể không nói tới đóng góp về mặt nghệ thuật của các nhà văn Tự lực văn đoàn
vào công cuộc hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam . Họ góp phần đổi mới kết cấu tiểu thuyết theo kết cấu tâm lý, đi sâu vào thế giới nội tâm, quan tâm mô tả vẻ đẹp thể chất con người, đặc biệt là miêu tả thế giới cảm giác của các nhân vật một cách tinh tế. Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn cũng chú trọng miêu tả những bức tranh thiên nhiên, dùng thiên nhiên để thể hiện nội tâm. Ngôn ngữ gọt dũa, trong sáng, giàu nhạc tính…Tại Hội thảo về Tự lực văn đoàn
ngày 27/5/1989 tại khoa Ngữ văn, ĐHTH Hà Nội, các nhà nghiên cứu đã khẳng định: “ Ta đã có đủ thời gian để đánh giá sự đóng góp của Tự lực văn đoàn. Có thể nói Tự lực văn đoàn đã đóng góp lớn vào văn học sử Việt Nam. Họ có hoài bão về văn hóa dân tộc….Tự lực văn đoàn đã có đóng góp lớn vào nghệ thuật tiểu thuyết, vào tình hiện đại của tiểu thuyết, đóng góp vào tiếng nói câu văn dân tộc, với lối văn trong sáng và rất Việt Nam”. Trong chương
trình THPT, HS chỉ được giới thiệu về Tự lực văn đoàn trong bài Khái quát Văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945. Tri thức mà SGK cung cấp cho HS là vô cùng ít ỏi. Vì vậy đòi hỏi GV phải tổ chức hướng dẫn để HS có thêm nhiều tri thức về Tự lực văn đoàn nhằm giúp HS có một cái nhìn toàn diện hơn về quá trình phát triển và thành tựu của VHLM Việt Nam 1930-1945; đồng thời có cơ sở để so sánh khi dạy các truyện ngắn lãng mạn trong chương trình như Hai đứa trẻ, Chữ người tử tù.
Thành tựu của VHLM 1930 -1945 còn phải kể đến dòng truyện ngắn trữ tình của Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh. Đây lại là mảng mà được đưa vào giảng dạy trong chương trình với tác phẩm Hai đứa trẻ của cây bút chủ lực là Thạch Lam. Đặc điểm chung của truyện ngắn trữ tình là ít tình tiết ly kỳ, cốt truyện đơn giản, mỗi tác phẩm như một bài thơ trữ tình đầy xót thương. Các nhà văn thường quan tâm đến số phận của những con người bé nhỏ, sống mòn mỏi, bế tắc, không có tương lai như Gió lạnh đầu mùa, Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Đồng thời họ cũng đi sâu thể hiện thế giới nội tâm, tình cảm, cảm giác một cách tinh vi, với những ước muốn đời thường thầm kín nhưng không bao giờ đạt tới. Theo PGS.TS Đinh Trí Dũng, sáng tác của họ khó xác định là hiện thực hay lãng mạn, đó là một thứ chủ nghĩa hiện thực trữ tình, thể hiện sâu đậm cái tôi của tác giả trên từng trang sách. Giáo viên nắm vững tri thức về dòng truyện ngắn trữ tình nghĩa là có cơ sở vững chắc để có thể dạy học tốt tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Đồng thời HS cũng có kiến thức cơ bản khi đọc và tìm hiểu các truyện ngắn khác của Thạch Lam, Thanh Tịnh và Hồ Dzếnh. Điều này phù hợp với việc dạy đọc hiểu văn bản hiện nay.
Ngoài ra, khi dạy học phần VHLM người dạy còn phải chú trọng đến mảng thơ ca mà tiêu biểu là phong trào Thơ mới. Tác giả của phong trào thơ mới là những cây bút rất trẻ, đầy tài năng, thấm nhuần tư tưởng và văn hóa của phương Tây hiện đại. Họ đã sáng tạo ra các thể thơ mới, hoặc làm mới các thể thơ truyền thống. Đặc biệt cái mới không ở hình xác câu thơ mà là ở tinh thần của nó. Ấy là cái tôi cá nhân cá thể được giải phóng về tình cảm,
cảm xúc và trí tưởng tượng. Nó phá bỏ hệ thống ước lệ có tính chất phi ngã của thơ cũ để trực tiếp quan sát hoặc diễn tả thế giới ( bao gồm cả ngoại cảnh và nội tâm) bằng con mắt tươi mới, xanh non của mình. Nó có nhiều khám phá mới lạ, tinh tế và đầy tài hoa về thiên nhiên về tình yêu. Nó đem đến cho thơ một chất trẻ trung hấp dẫn không có trong thơ cổ. Tác giả tiêu biểu: Thế Lữ, Huy Thông, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu , Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính; trong số đó có Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử được đưa vào giảng dạy trong chương trình THPT. Thơ mới có nhiều đóng góp về phương diện nội dung cũng như nghệ thuật. Về nội dung, Thơ mới đề cao và phát huy tinh thần dân tộc một cách riêng, kín đáo nhưng không phải không sâu sắc. Có thể tìm thấy tâm sự yêu nước ở những nỗi nhớ niềm thương, luyến tiếc một thời vàng son của đất nước, ở khát vọng tự do, ở sự trân trọng những phong tục tập quán đẹp từ lâu đời và ở những phản ứng với thực tại nhiều đau thương tủi cực. Đồng thời thơ mới cũng đề cao giá trị nhân bản: Đó là lòng yêu thương những số phận vất vả, tình cảm xót xa trước những biến đổi cuộc đời, quan tâm đến đời sống của những miền quê, ước mơ những cái gì mới mẻ… Thơ mới không nói đến cái tôi mà còn nói đến cái ta. Hình ảnh những người nghèo khổ bất hạnh, một ông đồ vất vả kiếm sống bằng ngòi bút, những người con gái giang hồ đau đớn với thân phận, những người nông dân lao động nghèo khổ một nắng hai sương. Các nhà thơ đã tạo dựng được một số hình ảnh chân thực với ngòi bút nhân đạo và tấm lòng thương cảm chân tình. Cũng theo phương diện nhân bản, một số nhà nghiên cứu từ chỗ đứng hôm nay để minh oan cho ý nghĩa thẩm mỹ của nỗi buồn, sự cô đơn vốn một thời bị xem là “ốm yếu”, “bạc nhược” trong thơ mới. Hoài Thanh - Hoài Chân khẳng định: “ Cái buồn của Thơ mới không phải là cái buồn ủy mị, bạc nhược mà là cái buồn của những người có tâm huyết, đau buồn vì bế tắc chưa tìm ra lối thoát”. Song có lẽ tiêu biểu nhất là thơ mới đã phát huy bản ngã cá nhân: Thực ra đây cũng là một khía cạnh của chủ nghĩa nhân bản. Nhưng đây là khía cạnh cốt lõi, gắn kết với bản chất thơ mới. Ngay từ khi mới ra đời, Hoài Thanh đã khẳng định: “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi, mất bề rộng ta
đi tìm bề sâu, nhưng càng đi sâu càng thấy lạnh” [47].. Có một thời cái Tôi bị gán cho sự hưởng thụ, tội ích kỷ, cá nhân, ủy mỵ…Điều này có thể hiểu dược trong bối cảnh chiến tranh, văn học phải đề cao cái ta, cái cộng đồng, tạm thời đưa cá nhân lùi vào bình diện thứ hai. Nhưng trong bối cảnh hòa bình, con người cá nhân lại phải được chú ý, tôn trọng. Bảo vệ cho Thơ mới ở góc độ này, Lê Đình Kỵ đã viết: “ Trong tình hình cách mạng khẩn trương kéo dài, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân đã bị giản lược…. Không có cá nhân thì lấy đâu ra tập thể, cá nhân vô nghĩa thì tập thể lấy đâu ra ý nghĩa”. Chính sự hiện diện và sự khẳng định của cái tôi đã gắn liền với bước phát triển quan trọng và làm nên cái mới của thơ lãng mạn. Với dáng dấp mới, nhịp đập mới, sinh khí mới, thơ mới đã trả lại linh hồn và sức sống cho thơ ca. Người dạy phải chú ý đến nội dung này để khi dạy Tràng giang hay Vội vàng có sự định hướng đúng đắn để HS không hiểu sai về giá trị nội dung tư tưởng của bài thơ. Thơ mới cũng thể hiện tình yêu thiên nhiên một cách tự nhiên mà không kém phần sâu sắc. Khác với thơ trung đại thiên nhiên thường tồn tại như những bức tranh tâm cảnh, được gọt dũa cho phù hợp với cái nhìn lý tính thì thiên nhiên trong thơ mới tồn tại như những khách thể độc lập, có sức sống riêng. Thiên nhiên trong thơ Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Bính xinh đẹp, tinh tế, trong sáng rất Việt Nam. Thơ mới cũng có nhiều đóng góp về phương diện nghệ thuật, có ý nghĩa như một cuộc cách mạng trong thơ ca. Giáo viên cần nắm vững những đóng góp về mặt nghệ thuật của thơ mới để tiếp cận tác phẩm một cách toàn diện. Trần Đình Sử khẳng định: thơ mới đem lại một phạm trù thơ hiện đại, một thi pháp mới, một kiểu trữ tình mới, phân biệt và thay thế cho thơ trữ tình cổ điển truyền thống… Thơ mới đã căn bản cải tạo lại thơ trữ tình tiếng Việt từ câu thơ điệu ngâm sang thơ điệu nói. Nhà nghiên cứu đã thể hiện một sự đối sánh rất ý nghĩa giữa thơ cổ và thơ mới. Đỉnh cao của thơ cổ là thơ luật với đặc trưng chặt chẽ, hoàn mỹ, hàm súc, thơ luật cổ điển xây dựng trên nhãn quan duy lý và nguyên tử luận, xem ngôn ngữ thơ là một tập hợp các từ đại diện cho sự vật mà người ta có thể sử dụng như những viên gạch để lắp vào bộ khung cố định của thơ luật. Câu thơ
cổ vì thế có tính độc lập rất cao, có xu hướng họa hóa. Giọng điệu, cảm xúc của tác giả được giảm thiểu. Lời thơ là lời của một siêu chủ thể. Ngược lại thơ mới gắn ngôn ngữ thơ với lời nói và dòng ngữ điệu. Tâm thế sáng tạo thơ đã chuyển từ ý, hình sang lời, giọng, điệu. Câu thơ mới và từ thơ mới mất dần tính độc lập để kết hợp nhau thành giọng, lời bão hòa tình cảm cá thể. Trong chương trình Ngữ văn lớp 11, thơ mới chiếm số lượng nhiều hơn so với văn xuôi lãng mạn. Trong chương trình lớp 10 và đầu lớp 11, số lượng tác phẩm thuộc thể loại thơ cũng nhiều hơn văn xuội. Nhưng đó là thơ trung đại với những niêm luật chặt chẽ. Khi bước sang dạy học các tác phẩm thuộc phong trào thơ mới, GV cần trang bị kiến thức về thơ mới để HS có một chiếc chìa khóa mở đúng cánh cửa để bước vào ngôi nhà của thơ mới. Về mặt khoa học, phải dạy các tác phẩm cụ thể của phong trào thơ mới xong mới rút ra các đặc điểm của thơ mới. Tuy nhiên, có một thực tế từ trước đến nay trong dạy học thơ mới, đó là GV luôn giúp HS hiểu thơ mới là gì, có những đặc điểm ra sao, thơ mới khác thơ cũ (thơ trung đại) như thế nào. Chỉ có cách làm này mới giúp HS đọc hiểu thơ mới một cách hiệu quả. GV phải là người am hiểu sâu sắc, tường tận nhất về thơ mới và chọn lọc những tri thức tiêu biểu nhất để truyền đạt cho HS.