Tri thức về tác giả văn học lãng mạn

Một phần của tài liệu Dạy học phần văn học lãng mạn việt nam 1930 - 1945 ở trường trung học phổ thông (Trang 59)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.2. Tri thức về tác giả văn học lãng mạn

2.2.2.1. Tác giả văn học

Dạy học ở phần văn học lãng mạn không chỉ dạy tri thức chung về khuynh hướng, trào lưu văn học lãng mạn mà còn phải chú trọng đến tri thức về tác giả nói chung và tri thức về tác giả lãng mạn nói riêng.

Nhìn bề ngoài, tác giả là người làm ra văn bản ngôn từ: bài thơ, bài văn, bài báo, tác phẩm văn học. Về thực chất, tác giả văn học là người làm ra cái mới, người sáng tạo ra các giá trị văn học mới. Xét về mặt xã hội, tác giả văn học là người có ý kiến riêng về đời sống và thời cuộc. Đó là người phát biểu một tư tưởng mới, quan niệm mới, một cách hiểu mới về các hiện tượng đời sống, bày tỏ một lập trường xã hội và công dân nhất định. Xét về đặc trưng, tác giả văn học là người xây dựng thành công các hình tượng nghệ thuật độc

đáo, sống động, có khả năng tồn tại được trong sự cảm thụ thích thú của người đọc. Tác giả văn học được nhận ra trong bối cảnh của quá trình văn học, là người có được bản sắc riêng trong vô vàn mối ảnh hưởng. Chỉ có những người có nhân cách, tài năng và có ý thức rõ rệt về nghề thì mới có thể trở thành tác giả của các sáng tác bất hủ.

2.2.2.2.Tác giả văn học lãng mạn

Đầu thế kỷ XX, cơ cấu xã hội Việt Nam có những biến đổi sâu sắc. Từ Nam chí Bắc, nhiều đô thị, thị trấn mọc lên như những trung tâm kinh tế, văn hóa, hành chính của xã hội thực dân. Ở đấy ra đời nhiều tầng lớp xã hội mới: tư sản, tiểu tư sản, công nhân… Viết văn cũng trở thành một nghề kiếm sống tuy rất chật vật. Nhà văn và công chúng có quan hệ gắn bó hơn. Các nhà văn thuộc trào lưu lãng mạn hầu hết là những trí thức Tây học. Họ chịu ảnh hưởng không nhỏ của các trào lưu tư tưởng, văn hóa của thế giới phương Tây hiện đại( đặc biệt là của Pháp). Các trào lưu tư tưởng này thấm sâu vào ý thức của các tác giả văn học lãng mạn. Bên cạnh đó, các tác giả văn học lãng mạn sống và sáng tác trong một bối cảnh xã hội chung: đất nước trong hoàn cảnh nô lệ, xã hội phát triển theo hình thái nửa phong kiến nửa thực dân; các phong trào yêu nước diễn ra sôi nổi. Do bản chất xã hội, do ảnh hưởng văn hóa phương tây, các tác giả văn học lãng mạn được thức tỉnh về ý thức cá nhân, vì thế khao khát xây dựng một sự nghiệp để khẳng định sự tồn tại có ý nghĩa của cá nhân mình trong đời sống. Mặt khác, xuất phát từ tinh thần yêu nước, họ cũng muốn đóng góp một cái gì thật sự cho đất nước bằng tài trí của mình. Đóng góp ấy, trong điều kiện lịch sử và tài năng của họ, không gì hơn là hoạt động văn hóa, văn học. Bao nhiêu tâm huyết họ gửi cả vào tiếng Việt. “Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỷ đã chia sẻ vui buồn cùng với cha ông… là tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ qua và đến lượt họ, họ cũng muốn gửi hồn mình vào đấy” ( Hoài Thanh – Thi nhân Việt Nam). Với nhiệt tình ấy, các nhà văn lãng mạn đã góp phần quan trọng đẩy mạnh tốc độ phát triển của văn học thời kỳ này. Phong trào Thơ mới nổi lên từ 1932, vậy mà đến 1941, trong cuốn Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã có thể lựa lọc được trong số

hàng vạn bài, của hàng trăm nhà thơ, 169 bài của 44 tác giả với nhiều phong cách khác nhau, trong đó có nhiều tên tuổi sẽ sống mãi với thời gian. Tuy nhiên, mỗi tác giả vừa nằm trong dòng chảy chung của trào lưu văn học lại có những dòng chảy riêng mà người nghiên cứu và giảng dạy phải nắm bắt, cung cấp cho người đọc, người học được biết.

Theo chúng tôi, tri thức về một tác giả văn học nói chung hay một tác giả văn học lãng mạn nói riêng bao gồm các yếu tố cơ bản sau:

Thứ nhất là về cuộc đời của nhà văn. Giáo viên phải hướng dẫn học sinh nắm được các yếu tố cơ bản như: thời đại, quê hương, gia đình và những sự kiện tiêu biểu trong cuộc đời nhà văn. Thông thường trong phần Tiểu dẫn

của SGK, người soạn sách thường cung cấp một cách ngắn gọn những thông tin này. Song điều quan trọng là GV phải hướng dẫn HS khai thác các thông tin một cách hiệu quả nhằm hỗ trợ cho việc khám phá và chiếm lĩnh tác phẩm. Năm sinh- năm mất của tác giả thường chứa đựng yếu tố thời đại, số phận; hoàn cảnh xuất thân của gia đình thường ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách của tác giả; quê hương cũng là yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến sáng tác của mỗi nhà văn, nhà thơ như đề tài, giọng điệu…Những sự kiện tiêu biểu, những mốc thời gian quan trọng trong cuộc đời nhà văn, nhà thơ thông thường sẽ gắn với những sáng tác tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của họ. Đối với một số tác giả đặc biệt như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu thêm những đặc điểm chính về con người tác giả. Khi dạy bài Vội vàng, GV tổ chức cho HS tìm hiểu về tác giả cần chú ý đến yếu tố quê hương và gia đình của Xuân Diệu: Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong; Ông đồ Nghệ đeo khăn gói đỏ. Xuân Diệu trước hết học được ở cha – ông đồ Nghệ - đức tính cần cù, kiên nhẫn trong học tập, rèn luyện tài năng và lao động nghệ thuật. Sinh ra và lớn lên ở quê mẹ, Xuân Diệu thường nói đến tác động của thiên nhiên nơi đây (Quy Nhơn) đối với hồn thơ nồng nàn, sôi nổi của ông, đặc biệt là những ngọn gió nồm (Quê mẹ gió nồm thổi lên tươi mát) và những con sóng biển (Như hôn mãi ngàn năm không thỏa, bởi yêu bờ lắm lắm bờ ơi). Người ta còn nghĩ tới một lý do khác nữa: ông là

con vợ lẽ, phải xa mẹ từ nhỏ và thường bị hắt hủi. Hoàn cảnh ấy khiến ông luôn khao khát tình thương và sự cảm thông của người đời. Thiết nghĩ những kiến thức trên sẽ có tác động không nhỏ đến kết quả dạy học Vội vàng. Hoặc khi dạy bài Chữ người tử tù, GV tổ chức cho HS tìm hiểu về tác giả, cần chốt lại các ý chính về đặc điểm con người Nguyễn Tuân như sau: Nguyễn Tuân là một trí thức giàu lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Ở Nguyễn Tuân ý thức cá nhân phát triển rất cao; ông viết văn trước hết để khẳng định cá tính độc đáo của mình. Ông là con người rất mực tài hoa; thường vận dụng con mắt của nhiều ngành nghệ thuật khác nhau để tăng cường khả năng quan sát, diễn tả của nghệ thuật văn chương. Nguyễn Tuân là một nhà văn biết quý trọng thật sự nghề nghiệp của mình; đối với ông, nghệ thuật là một hình thái lao động nghiêm túc, thậm chí khổ hạnh. Những yếu tố này sẽ giúp HS hiểu sâu sắc hơn về việc tại sao vào thời điểm văn hóa phương Tây đang ảnh hưởng không nhỏ đến mọi tầng lớp xã hội thì Nguyễn Tuân lại xây dựng hình tượng nhân vật Huấn Cao với tài viết chữ đẹp, khí phách hiên ngang cùng với cái Tâm trong sáng đến như vậy.

Thứ hai là sự nghiệp văn chương của tác giả. Tùy theo mỗi tác giả, SGK cung cấp các thông tin đặc trưng về sự nghiệp sáng tác. Tuy nhiên, nhìn chung, SGK thường cung cấp các tri thức sau về sự nghiệp sáng tác của các tác giả văn học : đề tài, quan điểm sáng tác và quan trọng nhất là phong cách nghệ thuật. Vì vậy, GV phải chú ý việc tổ chức cho HS nắm vững tri thức về phong cách nghệ thuật của tác giả: Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới; bao trùm Lửa thiêng và hồn thơ Huy Cận trước cách mạng là nỗi buồn mênh mang, da diết; Hàn Mặc Tử là một hồn thơ mãnh liệt nhưng luôn quằn quại, đau đớn, dường như có một cuộc vật lộn và giằng xé dữ dội giữa linh hồn và xác thịt; Nguyễn Bính vẫn gắn bó và hấp thụ tinh hoa ca dao, dân ca, truyện thơ dân gian trong khi hầu hết các thi sĩ trong phong trào Thơ mới chịu ảnh hưởng của thơ ca phương Tây.Thơ ông hiện lên những hình ảnh bình dị thân quen như hàng cau, giàn trầu, rặng mùng tơi, thôn Đoài, thôn Đông...Nguyễn Bính sử dụng rất nhuần nhuyễn thể thơ lục bát, vì vậy mà thơ

ông dễ phổ cập. Đối với Thạch Lam, mặc dù là thành viên của Tự lực văn đoàn nhưng lại có một phong cách riêng, một dấu ấn riêng. Thạch Lam không thành công trong tiểu thuyết nhưng là cây bút viết truyện ngắn tài hoa xuất sắc. Truyện ngắn của Thạch Lam thường không có cốt truyện đặc biệt. Mỗi truyện là một bài thơ trữ tình đượm buồn. Nhà văn đi sâu khai thác thế giới nội tâm nhân vật với những cảm xúc, cảm giác mơ hồ, mong manh, tinh tế. Hai yếu tố hiện thực và thi vị, trữ tình luôn đan cài, xen kẽ vào nhau, tạo nên nét đặc thù, đặc sắc khó lẫn trong phong cách nghệ thuật của ông. Nguyễn Tuân có một phong cách nghệ thuật rất độc đáo. Trước cách mạng tháng Tám, phong cách Nguyễn Tuân có thể thâu tóm trong một chữ ngông. Ngông là thái đô khinh đời, ngạo thế dựa trên tài hoa, sự uyên bác và nhân cách hơn đời của mình. Thể hiện phong cách này, mỗi trang viết của Nguyễn Tuân đều muốn chứng tỏ tài hoa và uyên bác, mỗi nhân vật dù thuộc loại người nào cũng đều phải là những nghệ sĩ trong nghề nghiệp của mình. Và mọi sự vật được miêu tả dù chỉ là cái ăn uống , cũng được quan sát chủ yếu ở phương diện văn hóa, mỹ thuật.

Những tri thức về tác giả là công cụ quan trọng, là chìa khóa để GV và HS mở cánh cửa bước vào thế giới kì diệu của mỗi tác phẩm văn học. Ngoài tri thức được trình bày trong SGK, GV và HS cần mở rộng tìm hiểu thêm nhằm có những hiểu biết phong phú và sâu sắc hơn về tác giả. HS phải biết nhiều hoặc ít nhất cũng phải có hiểu biết tương đối về các tác phẩm khác của tác giả nằm ngoài SGK để trong quá trình học có thể so sánh, liên hệ. Những tri thức mới mẻ ấy sẽ hỗ trợ không nhỏ cho quá trình chiếm lĩnh và tiếp nhận văn học.

Ở đây cũng xin được đưa ra một yêu cầu quan trọng trong việc trang bị tri thức về tác giả VHLM. Đó là cần có sự so sánh đối chiếu, liên hệ tới những tác giả VHLM trên thế giới. Khi dạy Thạch Lam hay Nguyễn Tuân, GV nên liên hệ đến những tác giả văn học lãng mạn lớn như V. Huygô. Khi dạy phong trào thơ mới với Xuân Diệu, Huy Cận…GV không thể không so sánh với các nhà thơ lãng mạn Pháp. Sự so sánh bao giờ cũng là khập khiễng.

Nhưng nếu không so sánh thì sẽ không thấy được cái riêng của mỗi người. Vì thế, GV có thể so sánh các tác giả văn học lãng mạn trong chương trình. HS sẽ thấy được thơ Huy Cận và Xuân Diệu như là một bức tranh đối lập về trạng thái cảm xúc: Nếu Xuân Diệu cồn cào, mãnh liệt, da diết và sôi nổi bao nhiêu thì Huy Cận lại suy tư, sâu lắng và u buồn bấy nhiêu. Nếu thơ Nguyễn Bính đậm hơi thở của làng quê Việt Nam suốt mấy nghìn năm qua thì thơ Xuân Diệu lại là một cơn gió lạ với nhiều cảm thức rất phương Tây (Hơn một loài hoa đã rụng cành hay Yêu là chết ở trong lòng một ít). Sự so sánh này mang đến cho HS cảm giác thú vị. Thậm chí so sánh với các tác giả thuộc trào lưu văn học khác như trào lưu hiện thực, văn học cách mạng cũng mang lại hiệu quả cho việc dạy học văn học lãng mạn: so sánh tấm lòng nhân đạo, yêu cái Thiện-cái Đẹp của Thạch Lam, Nguyễn Tuân với Nam Cao, Nguyên Hồng để thấy sự gần gũi về tấm lòng của nhà văn trước cuộc đời và con người. So sánh Xuân Diệu, Huy Cận trước cách mạng với Tố Hữu để thấy sự khác biệt trong tư tưởng của các nhà thơ lãng mạn và cách mạng.

Như vậy, chúng ta có thể khẳng định được rằng; chỉ có nắm vững tri thức về tác giả GV và HS mới có khả năng tiếp cận tác phẩm văn học lãng mạn một cách sâu sắc và toàn diện nhất.

Một phần của tài liệu Dạy học phần văn học lãng mạn việt nam 1930 - 1945 ở trường trung học phổ thông (Trang 59)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(149 trang)
w