Đặc trưng của môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông

Một phần của tài liệu Dạy học phần văn học lãng mạn việt nam 1930 - 1945 ở trường trung học phổ thông (Trang 27)

6. Cấu trúc luận văn

1.1.3. Đặc trưng của môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông

1.1.3.1. Tên gọi môn học

Từ năm 1980-1999, hệ thống giáo dục phổ thông theo Cải cách giáo dục gồm 12 năm. Lúc đầu môn văn có hai tên gọi: Ở bậc Tiểu học gọi là tiếng Việt, ở bậc THCS và THPT được gọi là môn tiếng Việt và Văn học. Đến năm 2000, Quốc hội khóa X ra nghị quyết số 40 về đổi mới về chương trình giáo dục phổ thông. Từ đó, môn Văn ở bậc THCS và THPT được gọi là Ngữ văn. Tên gọi Ngữ văn thể hiện được tính chất tích hợp và tính công cụ của môn học. Tính chất tích hợp nằm ngay bản chất môn học, bởi vì điểm chung của ba bộ phận trong môn Ngữ văn (Văn học, tiếng Việt, Làm văn) là văn bản và tiếng Việt. Văn học là nghệ thuật ngôn từ, nó đòi hỏi phải thông qua đọc, cảm, hiểu của người đọc thì các giá trị văn học mới được phát huy; mà muốn có năng lực đọc văn thì thì phải trau dồi tiếng Việt. Năng lực sử dụng tiếng Việt thể hiện ở khả năng đọc văn và làm văn. Tóm lại, kiến thức và kĩ năng của các bộ phận: Văn học, tiếng Việt và Làm văn có tác dụng hỗ trợ cho nhau để hình thành năng lực Ngữ văn ở học sinh.

1.1.3.2 Vị trí và chức năng của môn Ngữ văn

Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn ban hành theo quyết định số 16/2006 của Bộ giáo dục và Đào tạo ra ngày 05 tháng 5 năm 2006 ghi rõ:

1. Môn Ngữ văn là môn học về khoa học xã hội và nhân văn có nhiệm vụ cung cấp cho học sinh những kiến thức về Tiếng việt, Văn học và Làm văn, hình thành và phát triển ở học sinh năng lực sử dụng tiếng Việt, năng lực tiếp nhận tác phẩm văn học. Qua môn học này, học sinh còn có thêm những hiểu biết về văn hóa xã hội, lịch sử, đời sống nội tâm của con người và bản thân.

2. Môn Ngữ văn là môn học công cụ. Năng lực sử dụng tiếng Việt và tiếp nhận tác phẩm văn học mà môn học này trang bị cho học sinh là công cụ để học sinh học tập và sinh hoạt, nhận thức về xã hội và con người, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm và nhân cách.

3. Môn Ngữ văn là môn học thuộc lĩnh vực giáo dục thẩm mỹ. Thông qua việc tiếp cận với tiếng Việt, văn hóa và những hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn học, học sinh được bồi dưỡng năng lực tưởng tượng sáng tạo, được làm giàu xúc cảm thẩm mỹ và định hướng thị hiếu lành mạnh nhằm hoàn thiện nhân cách của mình.

Vị trí, chức năng của môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông cũng là vấn đề được các nhà sư phạm quan tâm từ lâu. Từ thế kỷ trước, GS Lê Trí Viễn đã khẳng định: “…Sở dĩ ở nhà trường phổ thông, môn Văn được đặt ở vị trí hàng đầu, trước hết đó là công cụ cho tất cả các môn, công cụ tư duy, công cụ diễn đạt, công cụ học tập. Đứng về loại khoa học cơ bản mà nói thì nó là ngữ ngôn, ở nước ta nó là tiếng Việt. Đứng về mặt phong cách thì có thể coi đó là Văn - công cụ, có liên quan nhưng vẫn khác với Văn –thẩm mỹ của văn học…”(Tạp chí Nghiên cứu giáo dục số 3/1977). Theo GS- TS Lê Ngọc Trà: “… Môn Văn có vị trí đặc biệt quan trọng trong nhà trường. Nó là môn học gắn bó nhiều nhất với nghệ thuật- một lĩnh vực của tình cảm, của trực giác, của tưởng tượng và của cái đẹp. Học văn vừa là học, vừa là sống. Trong cái sống đó, tri thức, điều học là cần nhưng chưa phải là quan trọng nhất…mà

quan trọng nhất khi rời ghế nhà trường phải viết được một lá đơn theo đúng văn phạm, phải thảo được một tờ báo cáo công việc cho rõ ràng, mạch lạc và cao hơn là có khả năng nhạy cảm với cái xấu, cái đẹp, có khả năng tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật một cách sáng tạo…”(Tạp chí Thế giới mới số 75). Do có vị trí, chức năng quan trọng và đặc biệt như trên mà môn Ngữ văn được tổ chức theo hướng tích hợp. Tích hợp đây hiểu theo nghĩa là liên kết tri thức để chúng thúc đẩy nhau tạo thành tri thức mới. Tích hợp ngôn ngữ với văn tự (chữ viết), ngôn ngữ với bài văn (văn bản), ngôn ngữ với văn học, ngôn ngữ với văn hoá, ngôn ngữ nói với ngôn ngữ viết, ngôn ngữ với lời nói. Tích hợp các phương diện ấy mới nâng cao năng lực ngôn ngữ và văn học cho HS. Theo đặc trưng bộ môn Ngữ văn thì các hoạt động của nó chủ yếu chủ thể học sinh phải thực hiện để có được tri thức và năng lực tương ứng là nghe, nói, đọc, viết, mà chủ yếu là đọc (nghe) và viết (nói), cụ thể là đọc (nghe) văn và làm văn (viết và nói). Hoạt động giảng của thầy là một phương tiện dạy học nhưng không phải là phương pháp cơ bản của việc dạy học văn.

Một phần của tài liệu Dạy học phần văn học lãng mạn việt nam 1930 - 1945 ở trường trung học phổ thông (Trang 27)